Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đánh giá đảng viên hàng năm

Chất lượng đội ngũ đảng viên là yếu tố cơ bản quyết định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Bởi Đảng là một cơ thể thống nhất, có tổ chức chặt chẽ, trong đó mỗi đảng viên là những "tế bào" của Đảng; từng đảng viên mạnh là yếu tố cơ bản làm cho Đảng mạnh và ngược lại. Chất lượng đội ngũ đảng viên cao hay thấp đều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và sức mạnh của tổ chức đảng và của toàn Đảng nói chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi tốt là do các đảng viên đều tốt", "mỗi đảng viên tốt, mỗi chi bộ tốt là Đảng được mạnh thêm một phần; đảng viên kém, chi bộ kém là những khâu yếu của Đảng". Do đó, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là yêu cầu thường xuyên, khách quan đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng.

Đến nay toàn Đảng ta đã có trên 2,7 triệu đảng viên, sinh hoạt ở trên 47.000 tổ chức cơ sở Đảng [trong đó có gần 20.000 đảng bộ cơ sở và trên 27.000 chi bộ cơ sở]. Bước sang thời kỳ mới, trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, những thách thức của cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập với bên ngoài, nhìn chung đại đa số đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng và con đường cách mạng XHCN; phát huy tính tiên phong gương mẫu làm nòng cốt đi đầu trong cuộc đổi mới và lãnh đạo quần chúng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều đảng viên hoạt động trong môi trường, điều kiện khó khăn, đã mạnh dạn tìm tòi khảo nghiệm những bước đi, cách làm mới mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao được quần chúng nhân dân đồng tình ca ngợi. Tuyệt đại đa số đảng viên giữ vững và phát huy tốt phẩm chất đạo đức cách mạng, nghiêm chỉnh chất hành Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Những thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và trên lĩnh vực đối ngoại của gần 20 năm đổi mới đã chứng minh bản lĩnh chính trị, phẩm chất và năng lực của đội ngũ đảng viên trong toàn Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh, mặt ưu điểm là cơ bản thì đội ngũ đảng viên của Đảng vẫn còn nhiều khuyết điểm, yếu kém. Tình trạng đảng viên "tuy đông nhưng nhìn chung chưa mạnh", nhận định này được Đảng ta nêu tại Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VI cho đến nay vẫn đúng. "Chưa mạnh" điều đó thể hiện ở tỷ lệ đảng viên phát huy tính tiên phong gương mẫu so với tổng số đảng viên chiếm tỷ lệ còn thấp [khoảng 25%-30%]. Đội ngũ đảng viên có nguy cơ tụt hậu và không đồng đều về trí tuệ. Sự phân bố và cơ cấu đội ngũ đảng viên chưa hợp lý giữa thành thị với nông thôn, giữa miền núi với đồng bằng, giữa ngành này với ngành khác. Thành phần xuất thân của đảng viên từ công nhân trong Đảng mới chỉ chiếm 9% tổng số đảng viên. Đội ngũ đảng viên đang có nguy cơ bị "lão hoá" do tuổi đời bình quân trong Đảng có xu hướng gia tăng [năm 2000 bình quân là 44,7 tuổi, năm 2003 là 44,36 tuổi]; trong khi đó nguồn phát triển Đảng nhiều nơi lại hụt hẫng. Trình độ, năng lực của đội ngũ đảng viên tuy có được nâng lên, nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ mới thì vẫn còn những hạn chế, bất cập, điều đó thể hiện trên các mặt lãnh đạo chính trị, tổ chức, quản lý, điều hành công việc. Trình độ lý luận của một bộ phận đảng viên còn nhiều mặt chưa theo kịp với thực tiễn nên vai trò lãnh đạo, năng lực tổ chức thực tiễn còn hạn chế, lúng túng trong cơ chế quản lý mới. Nhiều đảng viên không thể hiện rõ tính tiên phong gương mẫu trước quần chúng, thậm chí có những đảng viên không hơn gì quần chúng, cả về trí tuệ và năng lực thực tiễn. Điều làm cho nhân dân còn bất bình và lo lắng nhiều là "Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ đe doạ sự sống còn của chế độ ta. Tình trạng lãng phí, quan liêu còn khá phổ biến". Đến Hội nghị lần thứ chín, kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết Đại hội IX, Đảng ta lại tiếp tục khẳng định: "Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu dân, suy thoái về tư tưởng chính trị và phẩm chất đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên vẫn còn nghiêm trọng và khá phổ biến". "Một bộ phận nhận thức chưa đầy đủ, có biểu hiện thờ ơ, phai nhạt lý tưởng, làm việc cầm chừng, đóng góp hạn chế cho công việc chung. Số ít thể hiện sự bất mãn, không tin, suy thoái, thậm chí có hành động chống đối, nói và làm trái với đường lối, quan điểm của Đảng".

Thực trạng nói trên có nhiều nguyên nhân, song chúng ta có thể rút ra một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:

- Bước vào thời kỳ mới, nhiều vấn đề mới đặt như môi trường kinh tế, xã hội có nhiều phức tạp. Bước chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường được thực hiện cơ bản, song mặt trái của cơ chế thị trường đã và đang tác động đến đội ngũ đảng viên, trong môi trường đó cán bộ, đảng viên hàng ngày tiếp xúc với hàng - tiền, đối mặt với chủ nghĩa tư bản, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động.

- Công tác đảng viên của nhiều tổ chức cơ sở Đảng còn yếu kém như vấn đề nhận thức cụ thể hoá tiêu chuẩn đảng viên; chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở một số nơi còn thấp; chưa chú ý giáo dục, quản lý rèn luyện, kiểm tra đảng viên; buông lỏng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. Việc phân tích chất lượng đảng viên nhiều nơi làm còn mang tính hình thức, chưa đúng thực chất; công tác phát triển Đảng một số nơi còn chạy theo chỉ tiêu số lượng, thành tích mà hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng của người vào Đảng.

- Nguyên nhân sâu xa, quyết định nhất vẫn là do ý thức trách nhiệm, sự tu dưỡng rèn luyện phấn đấu vươn lên của một bộ phận đảng viên trong điều kiện mới còn thấp. Rõ ràng trong điều kiện hiện nay, nếu bản thân người đảng viên không tự giác, tích cực rèn luyện, học tập thì dù tổ chức đảng có giáo dục, quản lý; dù có cơ chế chính sách pháp lý có chặt chẽ đến mấy những đảng viên mang nặng chủ nghĩa cá nhân vẫn có thể vi phạm dưới dạng này hay dạng khác.

Để đưa đội ngũ đảng viên về vị trí tiên phong, ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, theo chúng tôi cần làm tốt một số biện pháp sau:

Một là, nắm vững và vận dụng tiêu chuẩn đảng viên trong thời kỳ mới.

Tiêu chuẩn đảng viên là nét đặc trưng bản chất, là yêu cầu cần phải có ở người đảng viên. Có nắm vững tiêu chuẩn đảng viên mới giúp cho cấp uỷ, chi bộ tiến hành và thực hiện tốt các khâu từ việc giáo dục, bồi dưỡng, quản lý đảng viên đến việc đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng; khắc phục sự chệch hướng, lúc tả, lúc hữu trong công tác đảng viên.

Nắm vững và vận dụng tiêu chuẩn đảng viên đảm bảo cho Đảng ta có được đội ngũ đảng viên đúng với tiêu chuẩn, có chất lượng; có cơ cấu và số lượng hợp lý. Khi nói Đảng là tiên phong của giai cấp công nhân, Đảng chỉ làm tròn vai trò nhiệm vụ khi trong Đảng phải thực sự gồm những đảng viên đúng với tiêu chuẩn.

Trong hệ tiêu chuẩn đã được Điều lệ Đảng khoá IX xác định, các tiêu chuẩn đó là một thể thống nhất, quan hệ hữu cơ và không thể tách rời nhau, hợp thành tiêu chuẩn người đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Trong đó cần nhấn mạnh giác ngộ lý tưởng cách mạng được coi là phẩm chất hàng đầu của người cộng sản, bởi nó quy định đến phẩm chất, năng lực của người cộng sản. Vấn đề ở đây là Điều lệ Đảng chỉ có thể định ra những tiêu chuẩn chung nhất, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị, chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình tổ chức cơ sở đảng, đơn vị, ngành, đặc điểm địa bàn... mà cụ thể hoá tiêu chuẩn đảng viên cho phù hợp, sao cho vừa đảm bảo quy định chung nhưng đồng thời vừa có sự vận dụng linh hoạt cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đối tượng cụ thể.

Hai là, các tổ chức đảng phải thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ các mặt cho đội ngũ đảng viên.

Ngày nay, đội ngũ đảng viên đang đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ đẩy mạnh CNH, HĐH, phấn đấu đến năm 2020 nước ta về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhiệm vụ chính trị của Đảng hết sức nặng nề, trong khi đó các mặt trái của nền kinh tế thị trường luôn nảy sinh tác động mạnh mẽ vào đội ngũ đảng viên, nếu tổ chức đảng không tăng cường quản lý, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện để cho yếu kém, tiêu cực kéo dài thì không chỉ làm giảm sức mạnh, uy tín của Đảng mà còn làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.

Mặt khác, trong bối cảnh thế giới vừa có cả thời cơ, thuận lợi vừa có cả nguy cơ, thách thức đan xen nhau, những biến đổi nhanh chóng trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... đòi hỏi người đảng viên luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy nhạy bén kịp thời, vươn tới tầm trí tuệ cao, bắt kịp với thời đại. ở mỗi giai đoạn cách mạng, thực tiễn luôn luôn đòi hỏi những người cộng sản luôn đứng ở vị trí tiên phong, họ không chỉ tiêu biểu cho trí tuệ của giai cấp công nhân, cho trí tuệ dân tộc mà còn là đại biểu cho trí tuệ của thời đại.

Yêu cầu, nhiệm vụ mới đòi hỏi mỗi đảng viên của Đảng, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải có kế hoạch học tập, không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực công tác. Học tập là nghĩa vụ bắt buộc đối với mỗi cán bộ, đảng viên và phải được quy định thành chế độ học tập. Chỉ có như vậy người đảng viên mới đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, các tổ chức đảng phải tiến hành bồi dưỡng một cách đồng bộ, thường xuyên và thực hiện một cách toàn diện, tức là phải nâng cao trình độ lý luận, văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn và phẩm chất đạo đức cách mạng. Tuỳ theo điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, cơ sở mà cấp uỷ có chương trình, kế hoạch, xác định đối tượng, phương thức đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ đảng viên.

Bản thân mỗi đảng viên phải phát huy tính tự giác học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học trong trường, học trong thực tiễn công tác, học ở bạn bè, ở nhân dân... chỉ có không ngừng học tập, rèn luyện thì người đảng viên mới không bị lạc hậu với thực tiễn cuộc sống và nhiệm vụ cách mạng hiện nay.

Ba là, làm tốt công tác sàng lọc đội ngũ đảng viên, đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, ngoài việc quan tâm giáo dục, bồi dưỡng còn phải làm tốt việc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Đây là yêu cầu khách quan, việc làm thường xuyên của các tổ chức đảng, nhằm làm trong sạch nội bộ Đảng. Vì sao phải kiên quyết đưa ra? Vì: trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã có những đảng viên do trình độ nhận thức, năng lực không còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có người không kiên định lập trường chính trị, kém ý thức tổ chức kỷ luật dẫn đến thoái hoá biến chất, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Trong điều kiện Đảng cầm quyền cũng không loại trừ có những phần tử cơ hội tìm mọi cách luồn lách vào Đảng với mưu đồ trục lợi cá nhân, nhằm phá hoại sự thống nhất của Đảng cho nên phải sàng lọc, đưa những phần tử này ra khỏi Đảng.

Muốn làm tốt công tác sàng lọc, trước hết phải kiểm tra phân tích chất lượng đảng viên để có cơ sở, căn cứ đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Các tổ chức đảng phải nắm vững những nội dung tiêu chuẩn đảng viên, cải tiến việc đánh giá chất lượng đảng viên theo đúng thực chất, tránh tình trạng phân loại đảng viên một cách máy móc, hình thức, kém hiệu quả. Trên cơ sở tiêu chuẩn, các cấp uỷ đảng, trực tiếp là cấp uỷ cơ sở và chi bộ có trách nhiệm phân tích, đánh giá chất lượng đảng viên. Mục đích của việc phân loại chất lượng đảng viên là để thấy được chỗ mạnh, chỗ yếu của từng đảng viên, qua đó có biện pháp giáo dục, bồi dưỡng sát hợp để đảng viên phấn đấu rèn luyện tốt hơn; ngăn ngừa kịp thời các dấu hiệu vi phạm xảy ra. Đương nhiên qua kiểm tra, phân tích phát hiện đảng viên vi phạm kỷ luật đến mức phải kỷ luật thì phải xử lý kịp thời, đúng mức, đảm bảo tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng.

Tổ chức đảng phải nắm vững đối tượng phải đưa ra khỏi Đảng. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh những đảng viên có nhiều sai phạm, những đảng viên đã thoái hoá biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, ức hiếp trù dập quần chúng.

Về phương châm, đây là việc làm hết sức nhạy cảm và phức tạp nó liên quan đến sinh mệnh chính trị của người đảng viên. Cho nên, khi tiến hành chúng ta phải kiên quyết, thận trọng, vừa có tình, vừa có lý; đặc biệt phải chính xác, kịp thời, đúng đối tượng, lấy phương châm "trị bệnh cứu người" lấy "xây" làm nền tảng để "chống". Chúng ta không để đảng viên thoái hoá biến chất còn chỗ đứng trong hàng ngũ của Đảng, dù đảng viên đó ở cương vị nào.

Phải gắn việc làm trong sạch đội ngũ với việc phát triển đảng viên mới. Bởi vì nếu chúng ta chỉ chú trọng vào sàng lọc đảng viên yếu kém mà lơi lỏng việc kết nạp đảng viên mới thì sẽ gây nên tình trạng hụt hẫng đội ngũ đảng viên. Ngược lại nếu chỉ coi trọng phát triển đảng viên mới mà không kịp thời xử lý đảng viên thoái hoá biến chất cũng dẫn tới ảnh hưởng chất lượng đội ngũ đảng viên. Cho nên phải gắn chặt phát triển đảng viên mới với việc thường xuyên tiến hành rà soát làm trong sạch đội ngũ.

Bốn là, tăng cường công tác phát triển Đảng

Tăng cường phát triển Đảng nhằm để tăng sinh lực trí tuệ, trẻ hoá đội ngũ, đảm bảo tính kế thừa, phát triển cả về số lượng và chất lượng đảng viên. Đặc biệt trong tình hình hiện nay Đảng ta đang có nguy cơ bị "lão hoá" thì công tác phát triển Đảng cần phải đặc biệt coi trọng. Trong công tác phát triển Đảng cần phải chú ý mấy vấn đề sau:

- Tăng cường sức trẻ, có chất lượng, trí tuệ nhưng cũng phải tính đến cơ cấu.

- Coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng đơn thuần, bảo đảm chặt chẽ về mặt nguyên tắc, song cũng tránh định kiến, hẹp hòi hoặc quá máy móc trong phát triển Đảng. Sức mạnh của tổ chức đảng phụ thuộc một phần ở số lượng, nhưng cơ bản, quyết định vẫn là chất lượng của người vào Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt nhưng phải có cái chất của người đảng viên. Do đó, nhất thiết không được hạ thấp chất lượng người vào Đảng. Coi trọng chất lượng phải tính đến số lượng không có nghĩa là xem nhẹ số lượng, bởi số lượng có quan hệ chặt chẽ với chất lượng. Trên cơ sở coi trọng chất lượng phải tính đến số lượng đảng viên cần thiết để đáp ứng quy mô và thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực, địa bàn nhưng không được hạ thấp tiêu chuẩn.

Kết nạp đảng viên phải luôn gắn với củng cố tổ chức cơ sở đảng, nhất là củng cố và kiện toàn các cơ sở đảng yếu kém.Thực tế cho thấy những cơ sở đảng yếu kém, ở đó nội bộ mất đoàn kết, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu giảm sút thì không thể làm tốt công tác phát triển Đảng. Hằng năm cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng cần tiến hành rà soát, kiểm tra đánh giá đúng chất lượng của tổ chức đảng, xác định rõ nguyên nhân yếu kém. Từ nguyên nhân, cấp uỷ cấp trên phân công cấp uỷ viên trực tiếp phụ trách và đề ra chủ trương, biện pháp củng cố cho phù hợp với từng cơ sở. Bản thân cơ sở đảng yếu kém phải đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình; nghiêm túc xem xét ưu, khuyết điểm của tập thể, từng cá nhân đảng viên. Từ đó đề ra giải pháp để khắc phục hạn chế, yếu kém.

Chú ý kết nạp những người ưu tú trong công nhân, trí thức, lao động thuộc các thành phần kinh tế, đoàn viên thanh niên, những nơi còn ít hoặc chưa có đảng viên.

Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên về công tác phát triển đảng viên mới. Tổ chức cơ sở đảng phải làm tốt công tác tạo nguồn phát triển Đảng. Quan tâm lãnh đạo, xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên vững mạnh để Đoàn thanh niên thực sự là trường học của thanh niên, đội hậu bị tin cậy, cánh tay đắc lực, đồng thời là nơi cung cấp nguồn cho Đảng xem xét, kết nạp.

Ngoài ra để làm tốt công tác phát triển Đảng, tổ chức đảng phải tuân thủ nguyên tắc, thủ tục, quy trình kết nạp đảng. Đây không phải là vấn đề có tính chất hành chính mà thuộc về nguyên tắc, cần phải được tổ chức đảng quán triệt thực hiện tốt./.

Video liên quan

Chủ Đề