Tiểu luận đặc điểm triết học ấn độ cổ đại năm 2022

Tư duy triết học Ấn Độ cổ đại thể hiện trong Phật giáo và ý nghĩa của nó trong thời đại ngày nay

                                                                                    PGS. TS. Đỗ Lan Hiền*

Điều cần khẳng định trước tiên, nền văn hóa, triết học, đời sống tâm linh tôn giáo của người dân vùng tiểu lục địa Ấn Ðộ được “phô diễn” với một hỗn hợp phong phú đến kinh ngạc mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa khám phá hết được những kiến giải về vũ trụ và con người trong kho tàng các điển kinh cổ của người Ấn Độ. Nền văn hóa Ấn Độ cũng được xem là một nền văn hóa thiên về “trời” vì các ý tưởng, hành vi và phong tục xã hội nhuốm mầu huyền bí và khá rắc rối, là nơi sản sinh ra nhiều loại hình tôn giáo nhất trên thế giới như Bà La Môn giáo, Đạo Vê đa, Ấn Độ giáo / Hinđu giáo, Phật giáo, đạo Giai na, đạo Sikh,… Người dân Ân Độ được xem là đại diện cho sự kỳ diệu về tính kiềm chế và chịu đựng khổ hạnh. Nói chung, Ấn Độ có thể được xem là “đại lục tinh thần” ban tặng cho nhân loại một nền văn hoá độc đáo mà dưới đây chúng tôi chỉ phân tích một khía cạnh nhỏ - tư duy triết học của người Ấn Độ qua Phật giáo và ý nghĩa của những minh triết đó.

Thứ nhất, khảo cứu về tư duy triết học của người Ân Độ cổ đại, chúng ta phải truy tìm trong các tôn giáo Ấn Độ cổ đại như đạo Vê đa, đạo Bà La Môn giáo, đạo Giai na, đạo Phật. Vê đa là tôn giáo cổ xưa nhất của người Ấn Độ, trong tôn giáo đó chúng ta thấy, người Ấn cổ đã sáng tạo ra một thế giới thần linh để giải thích những bí ẩn của thiên nhiên và của con người mà thời đó họ chưa thể cắt nghĩa nổi. Và không chỉ giải thích các hiện tượng tự nhiên, cuộc sống bằng hình ảnh các vị thần mà trong các sách kinh của Vê đa đã xuất hiện những thắc mắc về khởi nguyên ban đầu của vũ trụ được sinh ra từ đâu và như thế nào - đây chính là vấn đề bản thể luận triết học. Phạm trù Brahman - đấng sáng tạo ra vũ trụ - bắt đầu xuất hiện và trở thành phạm trù triết học cơ bản chung cho mọi trường phái triết học cổ đại và cả sau này của Ấn Độ. Theo đó, Brahman được coi là linh hồn tối thượng, tồn tại vĩnh viễn, là bản thể của vũ trụ, thể hiện ra ở mỗi con người gọi là Atman. Nếu ví Brahman như không khí ngoài trời thì Atman sẽ là không khí trong cái bình, dục vọng là cái nắp đã giam hãm Atman vào thể xác. Con người khi chết đi, Atman sẽ tạm lưu lại trong vỏ bọc thể xác đó, nếu nó không thực sự được giải thoát thì rồi sẽ lại được biến thiên ra trong một thân hình khác, đó là luật luân hồi bất tận mà Vê đa gọi là Karma/nghiệp/báo ứng. Con người ta vướng vào nghiệp đó bởi những ham muốn, dục vọng của mình. Muốn giải phóng linh hồn khỏi nghiệp Karrma thì phải diệt dục, diệt dục tức là mở nắp, không khí trong bình được thoát ra, hoà vào vũ trụ. Muốn diệt được mọi ham muốn và dục vọng, đạt đến sự bất diệt của Brahman, con người phải nỗ lực, toàn tâm, toàn ý tu luyện yoga, tu luyện trí/tuệ để đạt đến độ có thể nhận thức được bản nhiên của mình, khi đó cũng là đạt đến sự đồng nhất với tinh thần vũ trụ Brahman.

Triết thuyết duy tâm trên của Vê đa đã trở thành hệ tư tưởng quy chiếu chính thống trong đời sống tinh thần của xã hội Ấn Độ cổ đại, uy thế của nó mạnh tới mức những tư tưởng nào đi ngược hay chống lại Vê đa đều bị coi là tà thuyết không chính thống. Một thời, khi Phật giáo ra đời, cuộc đấu tranh giữa trào lưu tư tưởng mới Lokayata, Samkhya, Giai na, Phật giáo với phái Vê đa khá quyết liệt đến độ bị xem là các tà mệnh ngoại đạo, vì dám phủ nhận mọi quyền uy và sự thống trị chính trị, tư tưởng của Vê đa, không thừa nhận sự tồn tại của linh hồn tối thượng Brahman, linh hồn - bản chất - chính là ý thức của con người mà thôi. Không chủ trương tiết dục, cho rằng, diệt dục là tuyên truyền cho cái chết, hưởng thụ trong đời sống là nhiệm vụ của đạo đức và luân lý, hạnh phúc và lạc thú chính là thiên đường, khổ hạnh, ép xác là địa ngục,v.v,... Tuy nhiên, các khuynh hướng tư tưởng tự do này, đặc biệt là phái biệt truyền Phật giáo, cũng không thoát ra khỏi sự ảnh hưởng bởi những tư tưởng có trong Vê đa. Nói khác đi, giáo lý căn bản của nhà Phật chủ yếu vẫn được xây dựng trên nền tảng của những phạm trù từ Vê đa như Tự ngã [Atman], Bản thể tối cao [Brahman], giải thoát [Moksha], Luân hồi [Samsara], nghiệp báo [Karma]… Có khác chăng là ở điểm, Phật giáo phủ nhận thần thánh sáng tạo ra vũ trụ này, cho rằng, thế giới được chia làm Ngũ uẩn: Sắc uẩn [hiện tượng vật lý - địa, phong, thuỷ, hoả]; Thụ uẩn [cảm giác]; Tưởng uẩn [tri giác và biểu tượng]; Thức uẩn [ý thức hoặc nhận thức]; Hành uẩn [ý chí]. Các yếu tố trong Ngũ uẩn tập hợp, tương hỗ nhau tạo thành đại thiên thế giới [vũ trụ] và tiểu thiên thế giới [con người]. Trong 5 uẩn đó có cả vật và thần/thức. Như vậy, vũ trụ quan của Phật giáo là nhị nguyên luận khác với quan niệm nhất nguyên duy linh của Vê đa, cho rằng, thế giới được sinh ra từ Brahman/linh hồn tối thượng.

Thứ hai, Phật giáo cũng phủ nhận thuyết thần thánh quyết định số phận con người, cho rằng, đạo đức và lối sống đức hạnh của con người là cứu cánh duy nhất để giải phóng họ khỏi nghiệp, vì theo Phật giáo, cuộc đời là một bể khổ vô tận bởi con người không nhận thức được cái tôi, cái ta của chính mình nên dễ lầm tưởng, ngộ nhận rằng, cái gì cũng thường tồn, cái gì cũng do ta, của ta, nên khát ái, tham dục, và để thoả mãn lòng tham, sân, si, con người phải cố hành động để chiếm đoạt, gây nên nghiệp chướng. Nghiệp được sinh ra từ chính thân, khẩu, ý mà con người tạo tác hàng ngày. Con đường để giải thoát khỏi nghiệp là phá bỏ sự mê muội, vô minh, đạt tới sự sáng tỏ bản thân.

Chính vì vậy, một trong những đề tài cơ bản nhất của tư duy triết học cổ đại Ấn Độ là phân tích con người, phân giải con người thành những phần cấu trúc tâm và vật [vật chất và tinh thần]. Với Phật giáo, yếu tố tâm có phần coi trọng hơn, nên trong triết học Phật giáo, những phạm trù như thần, thức, tưởng, niệm… xuất hiện khá nhiều.  Song, ở Phật giáo, giữa vật và tâm là một sự hòa hợp, là sự sắp xếp theo một tôn ti sao cho cả hai cùng triển nở, không cái nào lấn át cái nào, được như thế thì thiên - địa vị yên, vạn - pháp dục yên.

Thứ ba, trong Phật giáo có thuyết Thập nhị nhân duyên, lý giải về nguồn gốc của nỗi khổ, theo đó, mọi nỗi khổ đều xuất phát bởi vô minh/vọng tâm/vọng thức/vọng niệm [kém hiểu biết] mà ra. Vô thức còn có nghĩa nữa là tâm thức con người không nhận ra những sản phẩm của chính mình nên đã truy nhận sự hiện hữu của chúng và thiết lập các mối quan hệ với các hình bóng đó. Tác động vô thức này làm cho những vọng niệm, vọng thức trở nên mạnh mẽ hơn, ví như "tin ma thì ma hành". Sự mê muội cũng chỉ do tâm thức con người mà nên, nó sống nhờ và được tiếp sức bởi chính tâm thức đó, khi nào tâm thức tỉnh ngộ, nhận ra chúng thì lập tức các vọng niệm sẽ biến mất. Nói cách khác, khi con người ta sợ cái gì thì thần khí trong con người tạo nên cái đó, con người ta còn chưa tin vào chính mình, còn nhiều yếu điểm thì quỷ, thần xuất hiện, nó phát nguyên từ chính tâm/thức con người.

Với một ý nghĩa khác sâu xa hơn, Phật giáo dạy rằng, tất cả mọi chúng sinh đều có khả năng thành Phật không phải với nghĩa là một bậc thánh thần cao siêu gì, mà chỉ là một “đánh thức” năng lực giác ngộ vốn tiềm ẩn trong tâm thức của mỗi người, trở về nương tựa mình chính là trở về với khả năng mà bao lâu nay con người đã lãng quên mà thôi. Trên con đường tìm kiếm hạnh phúc và chân lý, con người luôn luôn đóng vai trò trung tâm, khổ đau hay hạnh phúc là tùy thuộc ở cách nhìn của mỗi con người, cội nguồn của hạnh phúc phải được khai phóng từ trong chiều sâu tâm thức của mỗi người - một bản thể tâm thức bình yên nội tại. Nếu con người không làm chủ được dòng vận hành của tâm thức, của thân thể thì thường đối diện với sự bất an, sợ hãi, đến một lúc nào đó, tất yếu sẽ tìm kiếm hay nương tựa vào một nơi trú ẩn nào khác ngoài con người. Nói tóm lại, con người cần phải làm chủ được hay ít ra là điều hành được tâm thế cuộc đời mình, trên con đường đi đến “giác ngộ” thoát khỏi vô minh, mê lầm, mỗi người phải tự thắp đuốc lên mà tìm đường đi cho mình.  

Theo cách tiếp cận đó của Phật giáo, có lẽ, vũ trụ quan của người Ấn Độ cổ đại có quá nhiều quỷ thần là bởi tại triết học khi đó rơi vào ngõ hầu của sự huyền bí, nghĩa là, năng lực tư duy của con người không truy nhận được các hiện tượng bên ngoài, tất yếu, quỷ thần sẽ tràn ngập tâm thức họ. Khi nào tâm thức được mở rộng cho tới tận cùng của vũ trụ thì lúc ấy mọi vọng niệm vô thức sẽ biến mất. Bởi thế, chúng ta có thể dùng mức độ vô minh, vọng niệm để đo tầm cao - thấp về văn hóa của một cá nhân hay một xã hội, tức là, một cá nhân hay xã hội nào còn mang theo quá nhiều các loại dị đoan, kỳ quái thì cá nhân và xã hội đó trình độ văn hóa, văn minh còn thấp, họ sẽ còn yếu, sẽ phải nương tựa vào ngoại lực, ngoại lực càng trở nên nhiều, mạnh thì nội lực càng yếu, không đủ để có một đời sống độc lập, chính đáng, thong dong, tự tại. Con người và xã hội khi phải sống theo sự sai khiến của quỷ thần thì sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn của vô minh chi phối và tinh thần luôn bất an, bất ổn khiến họ càng rối tìm nhiều thuật pháp huyền bí hòng để thoát ra và khi không thể thoát ra được, họ đã phải nghĩ ra rất nhiều thuật pháp như thiền định/yoga, tịnh không, vô ngôn/từ, nhất ý tập trung tư tưởng vào cái hư không/hư vô hay là vào một ý nghĩ duy nhất đến độ độc chiếm để tâm trí để có thể quên hết được thế giới bên ngoài. Và thế là, rất nhiều kinh sách dạy con người ta phép tu luyện yoga, thiền định xem đó như phương tiện hữu hiệu để điều trị vọng tâm, vọng niệm đạt đến sự giải thoát. Tu luyện yoga hay phép quán tâm thực chất chỉ mang ý nghĩa là phương tiện để con người phấn đấu quán tưởng được tâm mình để nó trở nên hư không, thanh tĩnh, vắng lặng không chút vướng bận bụi trần, khi quán tưởng được như thế thì tâm không thể xuất hiện vọng tưởng, kết hợp thêm niệm chú làm tăng phần linh nghiệm khiến con người tin tưởng. Tất cả những phương pháp mà người dân thường tin tưởng là có bùa pháp linh nghiệm, có nhiều quyền năng huyền diệu thì thực sự chỉ là những phương pháp tu luyện giúp con người rèn luyện tâm trí mình đạt đến sự an định tinh thần để trong trường hợp gặp bất cứ những điều trái ý nào hay lâm vào hoàn cảnh vượt quá tầm chịu đựng hay trị liệu của lý trí thì con người vẫn có thể bình tĩnh tìm ra được lối thoát thông minh nhất – đấy chính là thể dụng của các triết thuyết Ấn Độ cổ đại khi bàn về những pháp thuật tu luyện tâm trí.

Thứ tư, lý thuyết Nhân – Duyên - Quả của nhà Phật cho rằng, mọi hành vi đều gây các ra hậu quả tất yếu của nó. Các hậu quả này trước hay sau sẽ quay ngược lại tác động vào chính chủ thể của hành vi vận động ban đầu. Quy luật Nhân - Quả của nhà Phật dù nhắm đến thế giới nội tâm con người, nhưng nó đúng với cả thế giới vật lý. Xa hơn, Phật giáo còn cho rằng, mỗi hiện tượng đều là kết quả của sự phối hợp bởi các nhân tố [nhân], nhưng chưa đủ, cần phải có thêm những điều kiện thích hợp [duyên] mới tác thành. Một hạt giống không thể nảy mầm và phát triển mạnh được nếu thiếu các điều kiện thích hợp của môi trường, mặc dù, hạt giống đó tự thân nó mang mầm mống khả năng của sự nảy mầm.  [Còn tiếp] [Xem tiếp phần 2]

Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Video liên quan

Chủ Đề