Tôn giáo nào ở thời Lý phát triển mạnh mẽ nguyên nhân vì sao

     Là một tôn giáo lớn trên thế giới, Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, tiếp thu từ phật giáo của Ấn Độ, phật giáo của Trung Quốc, các tư tưởng của Nho giáo, các lễ thức của Đạo giáo hình thành nên một tôn giáo của dân tộc – Phật giáo Việt Nam. Thời Đinh – Tiền Lê, nước ta thoát khỏi ách đô hộ của phương Bắc bước vào thời kỳ độc lập, tự chủ, phật giáo có điều kiện để phát triển hơn, nhưng phải đến thời nhà Lý, Phật giáo mới phát triển cao nhất và được xem như quốc giáo của quốc gia Đại Việt.

     Thời nhà Lý, Phật giáo có sự tồn tại, phát triển của nhiều thiền phái đã có từ các thời kỳ trước như: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và hình thành thiền phái mới – thiền phái Thảo Đường (1) đạt đến độ hưng thịnh và ảnh hướng đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống đất nước:

      Về chính trị: “Ở thời kỳ này, lực lượng phật giáo rất lớn, càng về sau càng phát triển. Phật giáo đã đông người lại có ruộng đất riêng” (2). Sở hữu ruộng đất thời kỳ phong kiến là do nhà nước quản lý, cũng có ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân, do sự phát triển, vai trò lớn của mình, nhà chùa đã sở hữu một phần ruộng đất khá lớn trên cả nước. Hệ thống tổ chức tăng quan phát triển cả về số lượng và quyền lực chính trị. Một số tăng sĩ có đạo cao, học vấn uyên bác được các vua trọng dụng. Có người là được làm thầy dạy của vua, được trọng dụng và phong hiệu Quốc sư như: Sư Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Thông Biện, Viên Thông, Không Lộ. Vai trò chủ yếu của các Quốc sư thời Lý là những cố vấn đắc lực giúp vua hiểu biết về giáo lý đạo Phật, khi cần, còn cố vấn cho vua những vấn đề quản lý, an ninh của đất nước, các đại sư được trọng dụng đồng thời cũng hưởng nhiều phong thưởng, đặc quyền như: “Trường hợp sư Giác Hải khi chết được vua Lý Nhân Tông miễn thuế cho 30 hộ để hương đèn thờ phụng; sư Mãn Giác khi được phong là Hoài Tín đại sư, giao chức nhập nội đạo tràng Tử y đại sa môn thì được triều đình cấp 50 hộ; Thiền sư Giới Không năm 1135 có công cứu sống hàng ngàn người bị bệnh dịch được vua Lý Thần Tông cấp “10 hộ được miễn tô thuế để thờ phụng”” (3).

      Về văn hóa – giáo dục: Cùng với Nho giáo, những tư tưởng, giáo lý của Phật giáo đã được truyền dạy trong giới quý tộc, quan chức, nho sĩ và là niềm tin tâm linh xoa dịu đời sống của nhân dân. Chùa chiền được xây dựng nhiều với mục đích không chỉ phổ biến kinh sách đạo Phật mà còn là thiền viện, diễn đàn của tầng lớp Nho sĩ, nhiều nhà sư là thầy dạy học cho các thái tử, là thầy thuốc chữa bệnh cho nhân dân và sáng tác các tác phẩm văn học. Văn hóa – giáo dục thời kỳ này đạt nhiều thành tựu lớn như: mở khoa thi đầu tiên ở Việt Nam để chọn nhân tài (năm 1075), mở trường đại học đầu tiên (Quốc Tử Giám) để đào tạo nhân tài cho nước nhà, nhiều tác phẩm có giá trị lớn như: Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn, Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Thiền Uyển Tập Anh…

Tôn giáo nào ở thời Lý phát triển mạnh mẽ nguyên nhân vì sao

Bản dập Mộc bản sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: năm Tân Mùi (1031) vua Lý Thái Tông ban chiếu cho xây dựng 950 chùa, quán ở các hương ấp.
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Tôn giáo nào ở thời Lý phát triển mạnh mẽ nguyên nhân vì sao
Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ năm Canh Tuất 1010. Mộc bản sách “Đại Việt Sử ký toàn thư“, quyển 2, mặt khắc 2.
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Lược dịch Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ năm Canh Tuất 1010. Mộc bản sách “Đại Việt Sử ký toàn thư“, quyển 2, mặt khắc 2.
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

    Về Tôn giáo:  Phật giáo thực sự trở thành quốc giáo. Các vua thời Lý rất sùng đạo, một số vua được tôn là tổ của các phái thiền. Vua Lý Thái Tông là vị Tổ thuộc thế hệ thứ bảy phái Thiền Vô Ngôn Thông. Vua Lý Thánh Tông là Tổ thứ hai Thiền phái Thảo Đường (4). Đối với người dân lao động, đạo Phật tuy không cao siêu như là Thiền học hay Phật học, mà được đời thường hóa, dân gian hóa và gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của nhân dân nên thu hút được đông đảo dân chúng tin theo “dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền” (5), phát triển thành tôn giáo truyền thống của dân tộc cho đến nay.

     Về điêu khắc – kiến trúc: Đã có nhiều công trình kiến trúc và tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao in sâu triết lý phật giáo. Tiêu biểu nhất cho nền mỹ thuật Phật giáo thời này là bốn công trình được gọi là An Nam tứ đại khí: tháp Báo Thiên, tượng Phật Di Lặc ở chùa Quỳnh Lâm, đỉnh Phổ Minh, chuông Quy Điền. Ngoài ra, còn có rất nhiều công trình nổi tiếng khác như chùa Diên Hựu (Chùa Một Cột), tháp Sùng Thiện Diên Linh, tháp Chương Sơn….

Tôn giáo nào ở thời Lý phát triển mạnh mẽ nguyên nhân vì sao

Chùa Một Cột năm 1939.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, SLT 34 -493.

      Phật giáo phát triển cực thịnh ở thời kỳ nhà Lý do nhiều nguyên nhân có thể do được sự ủng hộ từ phía chính quyền, bản thân vua Lý Thái Tổ thuở nhỏ từng là con nuôi của sư Lý Khánh Vân, đệ tử thụ giáo của sư Vạn Hạnh, lên ngôi vua nhờ được thế lực Phật giáo của sư Vạn Hạnh và các triều thần ủng hộ, nhiều vua sau này là tổ của các phái thiền. Các nhà sư được vua và triều đình trọng dụng, phật giáo có ảnh hưởng lớn trong xã hội nhưng giáo lý vẫn chú tâm hướng con người đến cái thiện, các Quốc sư tư vấn giúp vua cai trị đất nước quốc thái, dân an, tham gia và sát cánh với quá trình bảo vệ độc lập đất nước. Giáo lý có sự tiếp thu từ các tôn giáo ngoại lai (Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Trung quốc) nhưng có sự kết hợp với các tín ngưỡng, phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc tạo một cách hài hòa và gắn liền với đời sống nhân dân.

Tôn giáo nào ở thời Lý phát triển mạnh mẽ nguyên nhân vì sao

Bản dập Mộc bản sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên” chép: việc vua Lý Thái Tổ khi còn nhỏ được
sư chùa Cổ Pháp là Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi.
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

      Triều Lý – triều đại mở đầu cho nền văn minh Đại Việt đã để lại những dấu ấn đậm nét trên lĩnh vực về chính trị, quân sự trong hơn 200 năm tồn tại của mình. Phật giáo thời nhà Lý được xem là giai đoạn phát triển hưng thịnh nhất trong các triều đại phong kiến, tạo nên những nền tảng cơ bản về cả giáo lý, kiến trúc, văn hóa, đi sâu vào trong đời sống nhân dân và có ảnh hưởng đến sự phát triển của giai đoạn sau của Phật giáo thời nhà Trần, đặc biệt là sự ra đời của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử. Với những thành tựu để lại, có thể nói, Phật giáo Việt Nam thời kỳ nhà Lý đã khẳng định được vai trò của một tôn gáo dân tộc với giáo lý, các thiền phái riêng, hướng phát triển gắn liền với nhân dân và đồng hành cùng quá trình xây dựng, phát triển nước Đại Việt.

Trúc Phương

Chú thích:

1. Theo tác giả Hoàng Thị Thơ trong bài “Tư duy hướng nội của Phật giáo và vai trò của nó trong tư duy người Việt”: Thảo Đường là thiền phái thứ ba của Việt Nam, ra đời trong thời Lý Thánh Tông, do sư Thảo Đường sáng lập và truyền đạo cho vua Lý Thánh Tông (thế hệ thứ nhất), vua Lý Anh Tông (thế hệ thứ năm). Dòng thiền này chủ yếu phát triển trong Hoàng gia và giới quý tộc có thế lực thời đó. Do vậy, nó đã có sự tác động trực tiếp đến tư duy của họ trong đường lối trị nước.
2&3&5. Theo sách Đại cương Lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2007, tập 1, Tr 140-141.
4. Th.S. Lê Thị Cúc, Vai trò của Phật giáo thời Lý và sự phát triển văn minh Đại Việt, phatgiao.org.vn, 30/06/2018.

Tài liệu tham khảo:

1. Hoàng Thị Thơ, Tư duy hướng nội của Phật giáo và vai trò của nó trong tư duy người Việt, vanhoanghean.com.vn, 08/09/2011.
2. Mai Thục, Vua Lý Thánh Tông và Thiền phái Thảo Đường, vanhoaphatgiaovietnam.net, 31/10/2016.
3. Ths.Lê Thị Cúc, Vai trò của Phật giáo thời Lý và sự phát triển văn minh Đại Việt, phatgiao.org.vn, 30/06/2018.
 4. Nguyễn Công Lý, Góp phần tìm hiểu văn học Phật giáo Việt Nam trước thời Lý – Trần, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn, 14/06/2009.
5. Anh Vũ, Văn học thời Lý – mở đầu cho những truyền thống lớn của văn học viết nước ta, http://nxbhanoi.com.vn, 22/06/205.
6. Đỗ Hoàng Anh, Phật giáo ở Việt Nam: Góc nhìn từ tài liệu lưu trữ, Luutruquocgia1.org.vn, 25/04/2019.
7. https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/viet-nam-phat-giao-su-luan/chuong-08-tong-quan-ve-phat-giao-doi-nha-ly-1010-1225.
8. https://thuvienhoasen.org/a18324/tho-van-ly-tran.
9. https://kienviet.net/2013/05/13/chua-mot-cot-trong-ky-uc-mot-thoi-kho-khan-khoi-lua.