Vì sao bị ho ra máu

Ho ra máu là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị như thế nào? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Tìm hiểu chung

Ho ra máu là bệnh gì?

Ho ra máu là tình trạng ho hoặc khạc ra máu, chất nhầy có máu từ đường hô hấp [phổi và cổ họng] của bạn. Máu khi ho ra thường sủi bọt và có lẫn chất nhầy. Nó có thể có màu đỏ hoặc màu gỉ sắt và thường là một lượng nhỏ. Ho ra máu là một tình trạng phổ biến có thể do nhiều nguyên nhân. Tình trạng này có thể là vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng.

Ho ra máu là bệnh gì? Ho ra máu thường là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác nhau, chẳng hạn như nhiễm trùng, ung thư, các bệnh về mạch máu hoặc bệnh phổi. Máu ho ra có thể từ trong cổ họng, phổi hoặc dạ dày của bạn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng ho ra máu là gì?

Ho ra máu thường là triệu chứng của bệnh chứ không phải là bệnh. Một số triệu chứng khác thường đi kèm với ho ra máu, chẳng hạn như:

  • Tức ngực
  • Chóng mặt
  • Sốt
  • Đau đầu
  • Khó thở.

Bằng cách nhìn vào hình dạng của vệt máu mà bạn ho ra, bạn có thể đoán được máu này chảy từ đâu. Ví dụ, máu từ phổi có thể xuất hiện kèm bong bóng không khí nhỏ và trộn với chất nhầy từ phổi.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám nếu ho ra lượng máu nhiều [hơn một muỗng cà phê] hoặc ho ra máu sau khi bị thương. Trong một số trường hợp, ho ra máu còn có thể kèm theo xuất hiện máu trong nước tiểu hoặc trong phân. Nếu điều này xảy ra, bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức. Cơ địa của mỗi người khác nhau nên mỗi người sẽ có những triệu chứng rất khác nhau. Tốt nhất bạn nên thảo luận với bác sĩ về tình hình của bạn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân ho ra máu là gì?

Có rất nhiều tình trạng bệnh lý có thể khiến cho bạn ho ra máu. Một số trong số đó khá thường gặp và có thể điều trị, chẳng hạn như:

Các nguyên nhân ho ra máu khác có thể bao gồm:

  • Giãn phế quản
  • Ung thư phổi
  • Lạm dụng thuốc chống đông máu
  • Thuyên tắc động mạch phổi
  • Suy tim sung huyết
  • Bệnh lao
  • Các bệnh tự miễn
  • Dị dạng động tĩnh mạch phổi [AVMs]
  • Sử dụng ma túy
  • Chấn thương, ví dụ như vết thương do tai nạn xe cộ
  • Bệnh Dieulafoy
  • Chảy máu cam nặng hoặc nôn mửa nhiều.

Nguy cơ mắc phải

Ho ra máu có thường gặp không?

Ho ra máu tương đối phổ biến và thường ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Triệu chứng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị ho ra máu?

Bạn có thể có nguy cơ cao bị ho ra máu nếu bạn nằm trong những trường hợp sau đây:

  • Nhiễm virut gây suy giảm miễn dịch [virut gây suy giảm miễn dịch sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh dẫn đến ho ra máu như Kaposi sarcoma, bệnh lao và các bệnh nhiễm nấm].
  • Uống các thuốc ức chế hệ miễn dịch
  • Tiếp xúc với người bị bệnh lao
  • Hút thuốc lá một thời gian dài có thể gây ho ra máu
  • Nằm lâu sau phẫu thuật hoặc do bất kỳ một nguyên nhân nào khác như cơ địa dễ xuất hiện cục máu đông, mang thai, sử dụng thuốc có chứa estrogen, và du lịch xa trong thời gian gần đây. Những yếu tố này làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh thuyên tắc phổi dẫn đến ho ra máu.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nguyên nhân ho ra máu?

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các tính chất của máu ví dụ như có kèm bóng khí hoặc thức ăn trong đó hay không, lượng máu mỗi lần ho là bao nhiêu, từ đó bác sĩ có thể xác định được nơi chảy máu là ở đâu. Và sau đó, dựa trên những đánh giá sơ bộ, bác sĩ sẽ cho bạn làm một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân, bao gồm chụp X quang, chụp cắt lớp CT, nội soi phế quản và xét nghiệm máu để xác định số lượng tế bào hồng cầu và bạch cầu trong máu.

Những phương pháp nào dùng để điều trị ho ra máu?

Mục đích điều trị chủ yếu là để ngăn máu chảy và chữa khỏi nguyên nhân gây ho ra máu.

Để ngăn chặn chảy máu, bác sĩ có thể sử dụng các thủ thuật như thuyên tắc động mạch phế quản, nội soi phế quản cầm máu, thậm chí làm cả phẫu thuật.

Những phương pháp điều trị tiếp theo sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn cũng như nguyên nhân gây nên ho ra máu, bao gồm:

  • Uống thuốc kháng sinh để điều trị viêm phổi hay lao phổi;
  • Hóa trị và/hoặc xạ trị để điều trị ung thư phổi;
  • Dùng thuốc steroid để làm giảm tình trạng viêm;
  • Dùng thuốc ức chế ho.

Tùy vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ cho truyền các dung dịch từ máu hoặc các loại thuốc để bù lại lượng máu mất đi. Phẫu thuật và điều trị ung thư có thể được yêu cầu nếu phát hiện ra tình trạng ho ra máu là do khối u.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp bạn ngăn ngừa ho ra máu?

Bạn sẽ có thể kiểm soát được tình trạng ho ra máu nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Bỏ hút thuốc
  • Tránh các chất kích thích và chất gây dị ứng làm cho bạn bị ho
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
  • Điều trị bệnh căn nguyên gây ra ho máu.

Ho ra máu nên ăn gì?

  • Bạn nên ăn lỏng [soup, sữa] hoặc nửa lỏng [cháo, mì, miến, …]
  • Bạn nên ăn nhiều hoa quả tươi để bổ sung vitamin bị thiếu
  • Không ăn thức ăn khó tiêu, đồ uống có cồn hoặc chất kích thích

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ho ra máu là máu từ đường hô hấp dưới được ho, khạc, trào, ộc ra ngoài theo đường miệng, mũi. Vì ho ra máu là triệu chứng của nhiều bệnh, nên nhận biết tình trạng ho ra máu do nguyên nhân nào là vô cùng quan trọng.

1. Các nguyên nhân gây ho ra máu thường gặp

Ho ra máu là tình trạng khạc ra máu từ đường hô hấp dưới thanh quản khi đang ho. Đây là một tình trạng thường gặp ở các bệnh lý sau:

  • Lao phổi
  • Giãn phế quản
  • Ung thư
  • Nhiễm trùng hô hấp
  • Đôi khi nó là biểu hiện của bệnh lý tim mạch do hẹp van tim.

- Do ung thư:

Trong các loại ung thư thì ho ra máu gặp trong các bệnh lý ung thư vùng đầu mặt cổ, đặc biệt là các khối u vùng hạ họng và thanh quản, khí quản...

Ung thư thực quản và các khối u vùng trung thất có thể vỡ vào khí phế quản. Các tổn thương hoặc hạch ung thư di căn, u lympho, bệnh bạch cầu cấp... cũng gây tình trạng ho ra máu.

Ung thư vòm họng cũng có biểu hiện ho ra máu. Đây được coi là dấu hiệu ung thư vòm họng rõ ràng nhất. Các dấu hiệu ung thư vòm họng thường không rõ rệt mà sẽ khá giống với các bệnh lý viêm họng thông thường [ bởi virus gây bệnh ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực vòm họng, gây ra các cơn ho khan kéo dài, thậm chí là ho ra cả đờm lẫn máu] vì vậy người bệnh hầu như sẽ chủ quan mà dẫn tới tình trạng bệnh đã trở nặng mới chữa trị.

Ho ra máu biểu hiện của nhiều loại bệnh trong đó có ung thư

Tương tự, ung thư phổi cũng là nguyên nhân ho ra máu thường gặp nhất và là bệnh lý ác tính, diễn tiến thường âm thầm, giai đoạn đầu ít có triệu chứng, hay xảy ra ở người hút thuốc lá nhiều. Giai đoạn muộn sẽ có biểu hiện ho kéo dài, đau ngực, khó thở, sụt cân, ho ra máu thường lượng ít. Trên thực tế lâm sàng khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện ho, có thể là ho khan, ho có đờm, ho ra máu. Nhưng ho là một triệu chứng rất không đặc hiệu, và ung thư không phải là nguyên nhân mà người bệnh nghĩ đến đầu tiên. Tuy nhiên, nếu bạn ho kéo dài, không rõ nguyên nhân và không đáp ứng với điều trị thì bạn nên đến chuyên khoa ung bướu để thăm khám.

Ngoài ra, ở một số bệnh khác cũng gặp tình trạng ho ra máu trong đó thường gặp là:

- Do lao phổi:

Lao phổi với các biểu hiện gợi ý: Ho khạc đờm trên 2 tuần, có thể kèm ho ra máu tươi hoặc đàm vướng máu có thể từ ít đến nhiều, gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, đau ngực, nặng sẽ gây khó thở. Bệnh có tính lây lan và để lại nhiều di chứng nên cần được phát hiện và điều trị sớm.

- Do giãn phế quản:

Giãn phế quản thường do di chứng của lao phổi hoặc sau một nhiễm trùng mạn tính ở phổi như áp xe phổi, viêm phổi do hít phải dị vật đường thở…Do vậy đây cũng là nguyên nhân khá phổ biến của ho ra máu. Các biểu hiện gợi ý ho ra máu lượng ít tự cầm trong vòng 3-5 ngày, tái đi tái lại nhiều lần, hoặc ho ra máu lượng nhiều [>100 ml] có thể dẫn tới tử vong.

- Do bệnh lý nhiễm trùng hô hấp:

Do viêm phổi hoại tử, viêm phế quản cấp, áp xe phổi, u nấm phổi, nấm phổi…nên gây tình trạng ho ra máu. Các biểu hiện gợi ý thường có sốt, ho khạc đàm mủ, đau ngực kiểu màng phổi [nghĩa là đau ngực khi ho, hít sâu vào, thay đổi tư thế].

Khi có biểu hiện ho ra máu cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn đầy đủ

2. Ho ra máu nên xử trí thế nào?

Ho ra máu là một cấp cứu nội khoa, do nhiều nguyên nhân, có thể nguy hiểm tới tính mạng nên cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cận lâm sàng giúp chẩn đoán tùy vào nguyên nhân thường là: xét nghiệm máu, X-quang ngực, soi cấy đàm, chụp CT scan ngực, nội soi phế quản, siêu âm tim…

Đối với bệnh nhân ung thư các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm: Xquang phổi, CT ngực có cản quang, nội soi phế quản, sinh thiết u. Điều trị tùy theo đánh giá giai đoạn tiến triển của bệnh.

Xử trí kịp thời tránh nguy cơ mất máu cấp, sặc phổi và suy hô hấp. Sau khi tình trạng ổn định mới đặt vấn đề điều trị nguyên nhân.

Đối với ho ra máu nhẹ: Nếu không có biểu hiện của suy hô hấp, người bệnh nằm nghỉ yên tĩnh tuyệt đối trên giường, ăn lỏng và uống nước mát. Ngoài ra dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ. Nếu ho ra máu nặng và nguy kịch các bác sĩ sẽ xử trí theo đúng phác đồ, thở oxy, nếu bệnh nhân có nguy cơ sặc, suy hô hấp cần tiến hành đặt nội khí quản thông khí nhân tạo ngay.

Chỉ định phẫu thuật cấp cứu khi bệnh nhân chảy máu nhiều ở một bên phổi khi không có điều kiện chụp động mạch phế quản gây bít tắc. Ho máu nặng sau khi gây bít tắc động mạch phế quản. Ho máu nặng ảnh hưởng tới huyết động, gây suy hô hấp. Chỉ định ngoại khoa tiến hành ở bệnh nhân có tổn thương khu trú, khi tình trạng toàn thân, chức năng hô hấp cho phép. Chống chỉ định phẫu thuật ở bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn không phẫu thuật được hoặc bệnh nhân có chức năng hô hấp kém không cho phép cắt phổi.

Điều trị nguyên nhân, khi tình trạng ho ra máu ổn định sau đó sẽ tùy trường hợp mà các bác sĩ sẽ điều trị phối hợp như: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị đích, miễn dịch...

3. Lời khuyên của thầy thuốc

Ho ra máu là một cấp cứu nội khoa, do nhiều nguyên nhân gây ra, phần lớn là các bệnh lý hô hấp nên bệnh nhân cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điều quan trọng đầu tiên là xác định có đúng là bị ho ra máu hay ói ra máu, hoặc chảy máu từ đường hô hấp trên. Vì tính chất nguy hiểm của bệnh nên cần đến gặp bác sĩ ngay, hoặc các phòng cấp cứu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Video có thể bạn quan tâm

Phục hồi chức năng hô hấp


Video liên quan

Chủ Đề