Vì sao hiv làm mất khả năng miễn dịch của cơ thể

Số lượng tế bào lympho TCD4 là một công cụ giúp phản ánh hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động tốt như thế nào. Đây là các tế bào bạch cầu chống lại sự nhiễm trùng và đây cũng là đích đến của các siêu vi gây bệnh HIV. Chính vì thế, việc theo dõi số lượng tế bào lympho TCD4 là vô cùng cần thiết trong quyết định khởi trị cũng như theo dõi điều trị trên những bệnh nhân nhiễm HIV.

Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải [AIDS] là một bệnh lý nguy hiểm do vi rút HIV gây ra, gọi tắt là bệnh HIV/AIDS. Căn bệnh này sẽ làm cho cơ thể mất sức đề kháng với các vi sinh vật, những vi sinh vật bình thường không có khả năng gây bệnh lại trở thành gây bệnh, gây nhiễm trùng cơ hội, khiến ung thư dễ phát triển...

Một bệnh nhân nhiễm HIV sẽ trở thành nguồn lây nhiễm suốt đời cho người khác. Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất là hầu hết những bệnh nhân nhiễm HIV đều không có triệu chứng của bệnh trong thời gian dài, rất nhiều người không biết mình bị bệnh, họ vẫn tiếp tục lây truyền vi rút cho những người khác. AIDS [Acquired Immune Deficiency Syndrome] là giai đoạn cuối cùng của HIV.

Virus HIV

Nguồn lây là bệnh nhân nhiễm HIV ở tất cả các giai đoạn [kể cả giai đoạn cửa sổ, thầm lặng và cả giai đoạn AIDS]. Vi rút HIV có trong tinh dịch, dịch âm đạo, máu và các sản phẩm từ máu, nước bọt, nước mắt, dịch não tuỷ, sữa mẹ; tuy nhiên chỉ 3 đường lây được xác định:

  • Quan hệ tình dục không an toàn
  • Lây truyền qua máu
  • Truyền từ mẹ sang con [qua nhau thai, lúc chuyển dạ và qua sữa mẹ]

Vi rút HIV sau khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ có ái tính chủ yếu với tế bào lympho TCD4. Ngoài ra, vi rút HIV còn có thể xâm nhập vào nhiều tế bào khác của hệ miễn dịch như tế bào lympho bào B, đại thực bào, tế bào nguồn, tế bào hình sao, tế bào xơ non,...

Các rối loạn chính xảy ra trong đáp ứng miễn dịch ở bệnh nhân bệnh HIV/AIDS gồm:

  • Giảm số lượng tế bào lympho T toàn phần, đặc biệt là số lượng tế bào TCD4 giảm nặng, tỷ lệ giữa TCD4/TCD8 giảm.
  • Suy giảm chức năng của các tế bào miễn dịch, giảm tăng sinh tế bào với các chất gây phân bào và kháng nguyên, giảm đáp ứng độc tế bào do giảm chức năng của tế bào TCD8 và NK [Natural Killer].
  • Tăng phức hợp miễn dịch, tăng các tự kháng thể và một số protein khác trong huyết thanh.
  • Giảm đáp ứng kháng thể nguyên phát với các kháng nguyên mới tiếp xúc lần đầu.
  • Tăng gamma - globulin.
  • Giảm gamma - Interferon.

Vì sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tế bào miễn dịch, bệnh nhân HIV/AIDS sẽ dễ bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc mắc các loại ung thư.

Tế bào lympho TCD4 là mục tiêu chính của vi rút HIV bởi tế bào này có rất nhiều thụ thể CD4, nhiều hơn hẳn các loại tế bào khác. TCD4 còn giữ vai trò “nhạc trưởng” trong đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Sự suy giảm TCD4 thường đồng hành với tình trạng suy giảm miễn dịch và các nhiễm trùng cơ hội.

HIV gắn vào bề mặt tế bào đích nhờ sự liên kết đặc biệt giữa phân tử gp120 [phân tử trên lớp vỏ ngoài của vi rút] với các thụ thể CD4 [có trên tế bào miễn dịch cơ thể người]. Sau khi bám vào tế bào đích sẽ tạo nên hiện tượng hòa màng, bộ gen và enzym của HIV giải phóng vào trong tế bào của người và nhân lên.

Khi vi rút xâm nhập vào tế bào có hai khả năng xảy ra:

  • Vi rút “ngủ”: là giai đoạn không triệu chứng, tuy nhiên tế bào lympho TCD4 bị nhiễm vi rút [chứa bộ gen và enzym của HIV] vẫn có thể lây cho người khác.
  • Khi tế bào TCD4 hoạt hóa, nó vô tình trở thành một nhà máy sản xuất HIV. Các vi rút mới được tạo ra sẽ phá vỡ tế bào TCD4, gây giảm số lượng tế bào lympho T-CD4 ở người nhiễm HIV, đồng thời khi tế bào bị phá vỡ, vi rút “tràn ra” và tiếp tục gây nhiễm các tế bào lành khác.

Tế bào TCD$ giảm dần theo sự phát triển của HIV

Trong giai đoạn sơ nhiễm, HIV nhân lên một cách nhanh chóng và phá huỷ các tế bào lympho TCD4, gây các triệu chứng không điển hình như sốt nhẹ, viêm họng, tiêu chảy... Trong khoảng thời gian 4-8 tuần, cơ thể sẽ hình thành các đáp ứng miễn dịch và giúp ngăn chặn sự nhân lên của vi rút. Cuối giai đoạn này có sự phục hồi nhẹ của số lượng tế bào TCD4 và sự suy giảm nồng độ vi rút tự do trong máu người nhiễm.

Giai đoạn nhiễm mãn tính không triệu chứng kéo dài khoảng 3-7 năm, trong giai đoạn này số lượng tế bào TCD4 giảm dần, hệ miễn dịch mất kiểm soát và suy giảm.

Giai đoạn cuối, HIV chuyển sang AIDS, bệnh nhân có số lượng tế bào TCD4 rất thấp [dưới 200 tế bào/mm3] và không có khả năng chống đỡ các bệnh nhiễm trùng thông thường, cơ thể xuất hiện các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và chính các bệnh này thường là nguyên nhân gây tử vong cho người bệnh.

  • Đánh giá mức độ suy giảm miễn dịch và xác định giai đoạn bệnh HIV
  • Theo dõi diễn tiến của bệnh.
  • Chỉ định điều trị thuốc kháng virus [ARV] theo kết quả đếm tế bào TCD4. Tiêu chuẩn bắt đầu chỉ định điều trị ARV khi:
  • Người bệnh HIV có số lượng tế bào TCD4 ≤ 350 tế bào/mm, không phụ thuộc giai đoạn lâm sàng cần bắt đầu điều trị thuốc ARV.
  • Trẻ từ 24-60 tháng tuổi được điều trị ARV khi trẻ có % tế bào lympho TCD4 ≤ 25% hoặc số lượng tế bào lympho TCD4 ≤ 750 tế bào/mm3, không phụ thuộc tình trạng lâm sàng.
  • Theo dõi và đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị.

Hiện nay, Bộ Y tế quy định người bệnh HIV/AIDS phải được theo dõi định kỳ bằng xét nghiệm tế bào lympho TCD4 để có chỉ định can thiệp kịp thời.

Khi nhiễm HIV tiến triển, số lượng các tế bào này giảm dần. Theo đó, trong điều trị HIV/AIDS, cùng với đo tải lượng siêu vi trong máu, việc theo dõi số lượng tế bào T-CD4 định kì là vô cùng quan trọng, nhằm đánh giá sớm hiệu quả của thuốc, điều chỉnh phác đồ để củng cố hệ thống miễn dịch cho người bệnh, tránh mắc phải các bệnh lý cơ hội nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để được giảm ngay 20% phí khám bệnh lần đầu trên toàn hệ thống Vinmec [áp dụng từ 1/8 - 30/9/2022]. Quý khách cũng có thể quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn tư vấn từ xa qua video với các bác sĩ Vinmec mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM:

_

BỆNH DO VI RÚT GÂY RA HỘI CHỨNG SUY GIẢM MIỄN DỊCH MẮC PHẢI Ở NGƯỜI [HIV/AIDS]
[Acquis immunideficientis syndromi]

ICD-10 B20-B24: Acquired immunodeficiency syndrome
Bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

1. Đặc điểm của bệnh:
1.1. Định nghĩa ca bệnh: - Ca bệnh lâm sàng: Nhiễm HIV được chia làm 4 giai đoạn, phụ thuộc vào các bệnh lý liên quan đến HIV như tình trạng sụt cân, các nhiễm trùng cơ hội, các bệnh ác tính, mức độ hoạt động về thể lực. Người nhiễm HIV có các bệnh lý lâm sàng giai đoạn IV được coi là AIDS, các bệnh lý cụ thể là:

Với người lớn và vị thành niên trên 15 tuổi:

+ Hội chứng suy mòn do HIV [sụt > 10% trọng lượng cơ thể, cộng với tiêu chảy mạn tính không rõ căn nguyên > 1 tháng, hoặc mệt mỏi và sốt kéo dài không rõ căn nguyên > 1 tháng]. + Có biểu hiện bệnh nhiễm khuẩn cơ hội. + Và/hoặc hoạt động mức độ 4: Nằm liệt giường trên 50% số ngày trong tháng trước đó.

       Với trẻ em:

+ Suy mòn nặng hoặc suy dinh dưỡng nặng không rõ nguyên nhân không đáp ứng thích hợp với điều trị thông thường + Có bệnh nhiễm khuẩn cơ hội. - Ca bệnh xác định: + Xác định trường hợp nhiễm HIV: Một người được xác định nhiễm HIV khi mẫu huyết thanh của người đó dương tính cả ba lần xét nghiệm bằng ba loại sinh phẩm với các nguyên lý, kháng  nguyên khác nhau và do những phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn được Bộ Y tế cho phép khẳng định kết quả xét nghiệm HIV dương tính.

+ Xác định ca bệnh AIDS: Người nhiễm HIV có TCD4 ≤ 200 tế bào/mm3 được coi là suy giảm miễn dịch nặng. Nếu không có xét nghiệm TCD4, tổng số tế bào Lympho có thể sử dụng thay thế. Người nhiễm HIV có tổng số Lympho ≤ 1200 tế bào/mm3 và các triệu chứng liên quan đến HIV cũng được coi là suy giảm miễn dịch nặng. Tình trạng suy giảm miễn dịch của trẻ nhiễm HIV được đánh giá qua số tế bào TCD4 theo lứa tuổi và tỷ lệ TCD4/ tế bào Lympho.


1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: Người nhiễm HIV có thời gian nhiều năm khoẻ mạnh như người bình thường mà không có bất cứ biểu hiện gì. Ngay cả khi hệ thống miễn dịch bị suy giảm hoặc người nhiễm ở giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV [AIDS], trên lâm sàng thường được biểu hiện bằng các nhiễm khuẩn cơ hội của rất nhiều cơ quan như viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, nhiễm nấm hoặc ung thư v.v... Do vậy, chỉ có xét nghiệm HIV mới có thể xác định chắc chắn một người có nhiễm HIV hay bị AIDS hay không.
1.3. Xét nghiệm - Loại mẫu bệnh phẩm: Mẫu bệnh phẩm hiện nay được sử dụng là máu. Một số loại xét nghiệm sử dụng các mẫu bệnh phẩm là nước bọt hoặc nước tiểu cũng đang được nghiên cứu. - Phương pháp xét nghiệm: Cho đến nay có rất nhiều phương pháp xét nghiệm HIV, có thể tóm tắt một số phương pháp chủ yếu sau:

+ Xét nghiệm phát hiện kháng thể: Hầu hết các xét nghiệm HIV hiện nay là xét nghiệm huyết thanh dựa trên nguyên lý phát hiện kháng thể. Có rất nhiều loại xét nghiệm phát hiện kháng thể như kỹ thuật ngưng kết hạt vi lượng SERODIA-HIV, kỹ thuật miễn dịch gắn men ELISA, thử nghiệm chấm - thấm [thử nghiệm nhanh], thử nghiệm miễn dịch điện di Western blot, thử nghiệm miễn dịch huỳnh quang [IFA] v.v... ưu điểm của các xét nghiệm phát hiện kháng thể là nhanh, kỹ thuật không quá khó, giá thành vừa phải. Tuy nhiên, nhược điểm là độ nhạy và độ đặc hiệu của một số sinh phẩm hạn chế, do vậy phải kết hợp các chiến lược khác nhau khi cần chẩn đoán xác định nhiễm HIV.

+ Xét nghiệm phát hiện kháng nguyên HIV: Sinh phẩm phát hiện kháng nguyên hiện nay chủ yếu là phát hiện kháng nguyên p24 tự do. Ưu điểm của xét nghiệm này là phát hiện trực tiếp kháng nguyên nên chỉ ra được tình trạng nhiễm HIV ngay cả khi chưa có đáp ứng kháng thể. Tuy nhiên, đây cũng là xét nghiệm khó và tốn kém. + Nuôi cấy HIV: Người ta cũng đã có thể nuôi cấy được HIV trong môi trường PHA có yếu tố tăng sinh tế bào. Việc nuôi cấy HIV có thể có ích trong việc giám sát sử dụng thuốc điều trị. Tuy nhiên hạn chế của nuôi cấy HIV là tốn kém, cần nhiều thời gian và nguy cơ tiếp xúc với nồng độ cao HIV. + Kỹ thuật lai ghép phân tử hoặc sử dụng phản ứng chuỗi men polimeraza [PCR]. Ưu điểm của phương pháp này là có thể chẩn đoán sớm nhiễm HIV qua việc phát hiện ARN hoặc ADN của HIV. Tuy nhiên, phương pháp này khó về kỹ thuật, độ nhạy cũng như độ đặc hiệu của nó chưa rõ và giá thành cũng khá đắt. - Chiến lược/phương cách xét nghiệm: Các phương cách xét nghiệm HIV phụ thuộc vào mục đích xét nghiệm và tỷ lệ nhiễm HIV ở từng nhóm đối tượng: + Phương cách I [áp dụng cho công tác an toàn truyền máu]: Mẫu huyết thanh được coi là dương tính với phương cách I khi mẫu đó dương tính với một trong các thử nghiệm như: ELISA, SERODIA hay thử nghiệm nhanh. Trong truyền máu, mẫu máu được xét nghiệm với phương cách I nếu dương tính hay nghi ngờ đều phải loại bỏ. + Phương cách II [áp dụng cho giám sát trọng điểm]: Mẫu huyết thanh được coi là dương tính với phương cách II khi mẫu đó dương tính cả 2 lần xét nghiệm bằng 2 loại sinh phẩm với nguyên lý và chuẩn bị kháng nguyên khác nhau. + Phương cách III [áp dụng cho khẳng định các trường hợp nhiễm HIV]: Mẫu huyết thanh được coi là dương tính với phương cách III khi mẫu đó dương tính cả 3 lần xét nghiệm bằng 3 loại sinh phẩm với nguyên lý và chuẩn bị kháng nguyên khác nhau.

2. Tác nhân gây bệnh


- Tên tác nhân: Tác nhân gây bệnh là do vi rút gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người [HIV - Human immunodeficiency virus]. Đây là loại vi rút có men sao chép ngược. Hiện nay, người ta xác định có hai loại HIV-1 và HIV-2. HIV-1 là nguyên nhân chính gây AIDS trên toàn thế giới. HIV-2  tìm thấy chủ yếu ở Tây Phi và khả năng lây truyền cũng như gây bệnh ít hơn so với HIV-1. - Hình thái: HIV thuộc họ Retroviridae, có dạng hình cầu, kích thước khoảng từ 80-120 nm. Cấu tạo gồm 3 lớp: + Lớp vỏ ngoài là màng lipit kép. Gắn lên trên màng này có các gai nhú là phân tử glucoprotein gồm gp120 và các yếu tố xuyên màng gp41. + Lớp vỏ trong: Gồm 2 lớp protein là p17 và protein lõi p24. Đây là kháng nguyên quan trọng để chẩn đoán nhiễm HIV. + Lõi gồm 2 sợi ARN có các men gắn kết, men tổng hợp và men sao chép ngược. Nhờ men sao chép ngược nên khi xâm nhập vào tế bào, vi rút có thể tổng hợp ADN 2 vòng. Đoạn cuối hai đầu của AND mới tạo này có khả năng gắn được ổn định vào nhiễm sắc thể ADN của tế bào và trở thành 1 tiền vi rút. Tiền vi rút này sẽ như một gen của tế bào bị nhiễm vi rút và có thể tồn tại thầm lặng không phát triển và truyền sang cho thế hệ tế bào sau khi có phân bào. Nó cũng có thể nhờ men ribonuclease của tế bào nhiễm để tạo ra ARN truyền tin giúp tạo ra các protein của vi rút hoàn chỉnh. Đây là một đặc trưng của HIV và gây khó khăn cho việc sản xuất các thuốc để tiêu diệt HIV khi nó trong tế bào và lại gắn vào ADN của tế bào. Tính biến đổi gien của HIV là rất lớn và cũng là một đặc trưng quan trọng. Do vậy, nó gây khó khăn cho việc phát triển vắc xin phòng HIV cũng như sản xuất thuốc điều trị.

- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: HIV là vi rút dễ bị tiêu diệt bởi các tác nhân lý hoá ở môi trường bên ngoài cơ thể. Các nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, trong giọt máu hoặc dịch cơ thể khô, HIV chỉ có thể tồn tại được từ vài phút đến vài giờ tuỳ thuộc vào môi trường. HIV cũng rất dễ bị tiêu diệt bởi tác động của nhiệt độ và chất sát khuẩn, nó bị tiêu diệt sau 30 phút ngâm trong cồn 70 độ, dung dịch Cloramin 1%, nước Javen 1%. Trong bơm kim tiêm có chứa máu không bị khô, chúng có thể tồn tại thậm chí đến vài ngày, trong xác chết bệnh nhân AIDS, chưa rõ HIV có thể tồn tại bao lâu nhưng một số nghiên cứu cho rằng chúng tồn tại trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, ở nhiệt độ dưới 00C, tia X, tia cực tím không giết được HIV.


3. Đặc điểm dịch tễ học 3.1. Trên thế giới - Những ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào tháng 6 năm 1982 tại Los Angeles [Mỹ] trên 5 người tình dục đồng giới nam bị nhiễm trùng Pneumocytis Carini do suy giảm miễn dịch mắc phải. Sau đó nhiều nơi cũng lần lượt công bố các ca bệnh lâm sàng liên quan đến dấu hiệu suy giảm miễn dịch mắc phải. Đặc biệt từ khi phát triển ra các phương pháp xét nghiệm HIV, người ta thấy HIV có mặt ở mọi quốc gia trên thế giới. - Theo báo cáo của Chương trình phối hợp liên hợp quốc về HIV/AIDS [UNAIDS], cuối năm 2007 toàn thế giới có khoảng 33,2 triệu người nhiễm HIV đang còn sống, với khoảng 30,8 triệu là ngưòi lớn và khoảng 2,5 triệu trẻ em. Tổng số người nhiễm HIV được chia đều cho cả nam và nữ với tỷ lệ là 50:50. Vùng cận Sahara [Châu Phi] có số người hiện nhiễm HIV cao nhất khoảng 24,5 triệu người, tiếp đến là vùng Đông Nam Á khoảng 4 triệu người. Các vùng còn lại trên thế giới đều có người nhiễm HIV nhưng với số lượng và tỷ lệ thấp. Những năm gần đây, tỷ lệ người nhiễm HIV trên tổng dân số có xu hướng không tăng do số nhiễm mới có xu hướng chững lại, số người được tiếp cận và điều trị thuốc kháng vi rút nhiều hơn và tuổi thọ bình quân trên đầu người chung toàn thế giới có xu hướng tăng lên. 3.2. Tại Việt Nam - Ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 12 năm 1990. Tính đến ngày 31/12/2007 số người nhiễm HIV còn sống được báo cáo trên toàn quốc là 121.734 người; có 27.669 bệnh nhân AIDS và 34.476 trường hợp đã tử vong do HIV/AIDS. Nhiễm HIV trên đối tượng nghiện chích ma tuý vẫn chiếm đa số [44%] và đường lây HIV chủ yếu vẫn là đường máu chiếm tới 75,9%. Người nhiễm HIV theo báo cáo chủ yếu vẫn là nam giới chiếm tới 82,7%. Đã có 100% số tỉnh thành phố, 96,4% số huyện/quận/thị xã và 65,8% số xã/phường báo cáo có người nhiễm HIV - Hình thái dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn trong giai đoạn tập trung. Các tr­ường hợp nhiễm HIV chủ yếu tập trung trong nhóm có hành vi nguy cơ cao nh­ư nghiện chích ma tuý, hoạt động mại dâm. Tuy nhiên, qua giám sát trọng điểm trong những năm gần đây cho thấy dịch đã có dấu hiệu lan ra cộng đồng.

4. Nguồn truyền nhiễm

- Ổ chứa: Người là ổ chứa duy nhất. - Thời gian ủ bệnh: Thời gian ủ bệnh rất khác nhau giữa người này với người khác. Thời gian từ khi nhiễm HIV đến khi phát hiện được kháng thể kháng vi rút thông thường từ 1-3 tháng nhưng thời gian từ khi nhiễm HIV đến khi được chẩn đoán là AIDS rất khác nhau. Khoảng một nửa số người nhiễm HIV sẽ phát triển thành AIDS trong vòng 10 năm nếu không được điều trị bằng thuốc kháng HIV. Thời gian chuyển thành AIDS của trẻ em nhiễm HIV ngắn hơn của người lớn. - Thời kỳ lây truyền: Người ta cho rằng, một người có khả năng làm lây truyền HIV cho người khác rất sớm ngay sau khi nhiễm HIV và kéo dài suốt đời. Các bằng chứng về dịch tễ học cho thấy khả năng lây nhiễm HIV cao nhất trong những tháng đầu sau khi nhiễm HIV và những người nhiễm HIV ở giai đoạn cuối.

5. Phương thức lây truyền

5.1. Lây truyền HIV qua đường máu: HIV có nhiều trong máu toàn phần cũng như trong các thành phần của máu như hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương, các yếu tố đông máu. Do đó, HIV có thể lây truyền qua máu và các chế phẩm của máu có nhiễm HIV. - Lây truyền HIV từ người này sang người khác qua các dụng cụ xuyên chích qua da như trong các trường hợp sau: +  Dùng chung bơm kim tiêm, nhất là với người tiêm chích ma túy; +  Dùng chung các loại kim xăm trổ, kim châm cứu, các dụng cụ xăm lông mi, xăm mày, lưỡi dao cạo râu...; +  Dùng chung hoặc dùng khi chưa được tiệt khuẩn đúng cách các dụng cụ phẫu thuật, dụng cụ khám chữa bệnh... có xuyên cắt qua da. - Lây truyền qua các vật dụng có thể dính máu của người khác trong các trường hợp như dùng chung bàn chải đánh răng. - Lây truyền qua các tiếp xúc trực tiếp với máu khác, như bị dính máu của người nhiễm HIV vào nơi có các vết thương hở hoặc da, niêm mạc bị xây sát; - Lây truyền qua truyền máu và các sản phẩm của máu hoặc ghép các mô, các tạng... bị nhiễm HIV hoặc qua các dụng cụ truyền máu, lấy máu... không được tiệt trùng đúng cách. 5.2. Lây truyền HIV qua đường tình dục - Sự lây truyền HIV qua đường tình dục xảy ra khi các dịch thể [máu, dịch sinh dục] nhiễm HIV [của người nhiễm HIV] xâm nhập vào cơ thể bạn tình không nhiễm HIV.  - Tất cả các hình thức quan hệ tình dục [dương vật - hậu môn; dương vật -  âm đạo; dương vật - miệng] với một người nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, mức độ nguy cơ là khác nhau, nguy cơ cao nhất là qua đường hậu môn, rồi tiếp đến là qua đường âm đạo và cuối cùng là qua đường miệng. Người nhận tinh dịch có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn. 5.3. Lây truyền HIV từ mẹ sang con. Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con: - Khi mang thai: HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua rau thai để vào cơ thể thai nhi. - Khi sinh: HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào trẻ khi sinh [qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da xây sát của trẻ trong quá trình đẻ]. Khi sinh HIV cũng có thể từ trong máu mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục mẹ mà dính vào cơ thể [niêm mạc] của trẻ sơ sinh. - Khi cho con bú: HIV có thể lây qua sữa hoặc qua các vết nứt ở núm vú người mẹ, nhất là khi trẻ đang có tổn thương ở niêm mạc miệng.

6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Cho đến nay người ta vẫn chưa tìm thấy mối liên quan giữa tính cảm nhiễm HIV với chủng tộc. Những người mắc các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, đặc biệt có loét bộ phận sinh dục hoặc những người có chít hẹp bao quy đầu có tính cảm nhiễm với HIV cao hơn. Đến nay cũng chưa có kết luận nào về khả năng miễn dịch với HIV.


7. Các biện pháp phòng, chống dịch
7.1. Biện pháp dự phòng - Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ: Do đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng, việc tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cho mọi người dân đặc biệt những người có hành vi nguy cơ cao về các nguy cơ và biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV là quan trọng nhất. - Vệ sinh phòng bệnh: Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể và dịch sinh dục là nguyên tắc chủ đạo trong dự phòng lây nhiễm HIV. Khi phải tiếp xúc với  máu, dịch tiết hoặc dịch sinh dục, cần áp dụng các biện pháp dự phòng như sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, sử dụng vật ngăn cách như kính bảo hộ, găng tay, áo choàng khi chăm sóc, ngâm tất cả các đồ dùng có dính máu, dịch cơ thể trong dung dịch nước sát trùng trước khi xử lý là các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV có hiệu quả.

7.2. Biện pháp chống dịch

- Tổ chức: + Cần thiết lập hệ thống phòng, chống HIV từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo cho mọi người dân được tiếp cận với thông tin và các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV một cách hiệu quả. + Song song với các biện pháp dự phòng chủ động, công tác giám sát phát hiện, giám sát trọng điểm, giám sát hành vi và tổ chức báo cáo dịch theo quy định của Bộ Y tế cũng giúp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả. - Chuyên môn: + Thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân: Người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS không cần phải cách ly khỏi cộng đồng. Phần lớn, các công việc chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS đều thực hiện tại gia đình và cộng đồng. Người nhiễm HIV chỉ điều trị tại các bệnh viện khi có biểu hiện nhiễm khuẩn cơ hội hoặc đến khám và điều trị bằng thuốc kháng vi rút theo hẹn của thày thuốc. + Quản lý người lành mang vi rút, người tiếp xúc: HIV không lây qua các giao tiếp thông thường như bắt tay, ôm hôn xã giao, cùng làm việc, cùng học, ở cùng nhà, cùng ngồi trên phương tiện giao thông, cùng đi chợ, ngồi trong rạp hát, rạp chiếu bóng, ho, hắt hơi, dùng chung nhà vệ sinh, buồng tắm, bể bơi công cộng hoặc muỗi và côn trùng khác đốt không làm lây nhiễm HIV. Do vậy, người nhiễm HIV vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường. Tuy nhiên, người nhiễm HIV cũng cần áp dụng các biện pháp dự phòng tránh làm lây nhiễm HIV cho người khác như sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, không dùng chung các dụng cụ xuyên chích qua da mà chưa được tiệt khuẩn, không cho máu, tinh dịch hay các mô dùng trong ghép tạng. Người chăm sóc bệnh nhân AIDS cũng cần áp dụng các biện pháp dự phòng như tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và các dịch tiết, dịch sinh dục của người nhiễm HIV. + Dự phòng, cho đối tượng nguy cơ cao [thuốc, vắc xin]: Hiện nay chưa có vắc xin dự phòng lây nhiễm HIV cho bất cứ đối tượng nào kể cả đối tượng có nguy cơ cao. Những người có phơi nhiễm nghề nghiệp với máu có nguy cơ lây nhiễm HIV được khuyến cáo điều trị dự phòng phơi nhiễm bằng thuốc kháng vi rút theo quy định của Bộ Y tế. Phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai cũng được khuyến khích và khuyến cáo dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. + Xử lý môi trường: Khi trên mặt bàn, mặt sàn bị máu hoặc dịch sinh học của bệnh nhân AIDS giây ra, phải đổ ngập tràn chỗ có máu và dịch đó bằng các dung dịch sát khuẩn như nước Javel, dung dịch có Clo..., để 20 phút sau đó dùng giẻ thấm khô rồi rửa sạch tiếp như bình thường. Đối với các đồ vải có thấm máu và dịch, phải dùng kẹp hoặc găng tay để gắp cho vào túi riêng, nếu không có kẹp thì phải gấp phần có máu và dịch vào trong để nếu cầm thì cầm vào chỗ không có máu để cho vào túi, sau đó vận chuyển đến nơi huỷ hoặc nhà giặt. Phải ngâm các đồ vải này trong các hoá chất sát khuẩn 20 phút trước khi xử lý. Đối với các chất thải [Đờm, nước tiểu, phân... có máu hoặc các dịch sinh học như dịch nước báng, dịch màng phổi, dịch não tuỷ...] cũng xử lý tương tự. Đổ ngập tràn vùng chất thải bằng các hoá chất sát khuẩn để 20 phút trước khi đổ vào nơi thải chung. Luôn rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi đeo găng, trước và sau khi thăm khám bệnh nhân, sau khi đi vệ sinh hoặc giúp bệnh nhân vệ sinh.

7.3. Nguyên tắc điều trị

- Điều trị các bệnh nhiễm khuẩn cơ hội được thực hiện bất cứ khi nào có biểu hiện bệnh nhiễm khuẩn cơ hội. Tuy nhiên điều trị bằng kháng retrovirus [ARV] chỉ thực hiện khi có đủ chỉ định. - Điều trị kháng retrovirus là một phần trong tổng thể các biện pháp chăm sóc và hỗ trợ về y tế, tâm lý và xã hội cho người nhiễm HIV. - Bất cứ phác đồ điều trị nào cũng phải có ít nhất 3 loại thuốc ARV [Liệu pháp kháng retrovirus hoạt tính cao: Highly Active Antiretroviral Therapy – HAART] - Sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân là yếu tố quan trọng quyết định thành công của điều trị kháng retrovirus. - Các thuốc kháng retrovirus chỉ có tác dụng ức chế sự nhân lên của vi rút mà không chữa khỏi hoàn toàn bệnh AIDS nên người bệnh phải điều trị kéo dài suốt cuộc đời và vẫn phải áp dụng các biện pháp dự phòng để tránh lây truyền vi rút cho người khác. - Người bệnh điều trị kháng retrovirus khi chưa có tình trạng miễn dịch được phục hồi vẫn phải điều trị dự phòng các bệnh nhiễm khuẩn cơ hội. - Người nhiễm HIV chưa có chỉ định điều trị thuốc kháng retrovirus cần được tiếp tục theo dõi về lâm sàng và miễn dịch 3-6 tháng một lần để xem xét tiến triển của bệnh và chỉ định điều trị ARV trong tương lai. 

7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Chương trình phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu đã được Tổ chức Y tế Thế giới khởi động từ những năm 1987 và hiện nay Liên hợp quốc đã có Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS [UNAIDS] cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Một số ít nước trên thế giới vẫn yêu cầu xét nghiệm HIV để cấp thị thực nhập cảnh cho những người đến định cư hoặc sinh sống lâu dài. Tổ chức Y tế Thế giới không khuyến cáo và không ủng hộ biện pháp này. Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng không yêu cầu thực hiện biện pháp này.

Admin

Video liên quan

Chủ Đề