Ý nghĩa của việc nghiên cứu là gì

Được đăng: 20 Tháng 7 2018

1. Kết quả đạt được

(i) Hệ thống hóa được cơ sở lý luận và thực tiễn về công tác thu hút đầu tư, tổng quan về môi trường đầu tư tỉnh Hòa Bình, xác định được những nhân tố ảnh hưởng và nội dung cải thiện môi trường đầu tư.

+ Đưa ra các định nghĩa về vốn đầu tư và môi trường đầu tư, mối liên hệ giữa thu hút đầu tư với môi trường đầu tư: "Một môi trường đầu tư tốt sẽ huy động, thu hút được nhiều dự án, vốn đầu tư và ngược lại".

+ Đánh giá và so sánh cụ thể các yếu tố về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Hòa Bình dựa trên 02 tiêu chí: (1) các nhân tố khách quan bao gồm địa lý, địa hình, tài nguyên, đất đai, chính sách pháp luật của Nhà nước, môi trường kinh tế vĩ mô, khả năng của nền kinh tế, văn hóa xã hội, cơ sở hạ tầng, yếu tố thị trường, (2) các nhân tố chủ quan, chủ yếu là các yếu tố về điều hành kinh tế của các cấp chính quyền, thủ tục hành chính, khả năng cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề tiêu cực trong quản lý nhà nước, giải quyết tranh chấp,...

+ Phân 02 nhóm nhân tố chính tác động đến môi trường đầu tư, đó là: (1) nhóm nhân tố thuộc môi trường cứng bao gồm vị trí địa lí, tài nguyên thiên nhiên, đất đai, khoáng sản, năng lượng,... (2) nhóm nhân tố thuộc môi trường mềm: Chính trị, pháp lý, quan hệ quốc tế và hành chính.

+ Xác định nội dung cải thiện môi trường thu hút đầu tư: cải thiện môi trường chính trị và quan hệ quốc tế, môi trường pháp lý và hành chính, môi trường kinh tế, các yếu tố lao động và tài nguyên thiên nhiên.

+ Từ kinh nghiệm thu hút đầu tư của các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nam, đề tài đã đưa ra bài học cho thu hút đầu tư của tỉnh Hòa Bình.

(ii) Đánh giá thực trạng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình, kết quả thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp giai đoạn 2012-2016; chỉ ra những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân khi thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trong thời gian qua.

+ Thực hiện điều tra tại 50 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp và 20 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh ngoài các khu công nghiệp. Khảo sát tính hài lòng về thủ tục hành chính, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ đào tạo lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.

+ Trên địa bàn tỉnh có 08 KCN với tổng diện tích đất quy hoạch 1.515 ha, hầu hết có vị trí địa lý đều nằm dọc theo các tuyến đường Quốc lộ 6 (KCN Lương Sơn, Mông Hóa), đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình (KCN Yên Quang, Mông Hóa), đường Hồ Chí Minh (KCN Thanh Hà, Nam Lương Sơn),...do đó thuận lợi cho việc thu hút các dự án đầu tư, phát triển các KCN.

+ Tình hình thu hút vào khu công nghiệp giai đoạn 2012-2016: Đối với các dự án đầu tư mới có xu hướng cao vào đầu giai đoạn, rồi giảm dần cả về quy mô và số lượng đối với các dự án FDI; các dự án DDI có xu hướng tăng vào giữa giai đoạn (năm 2014, 2015). Nhìn chung đối với hai năm 2015 và 2016, số dự án và quy mô dự án thu hút được đều thấp.

+ Những khó khăn, hạn chế khi thu hút đầu tư: Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng kéo dài; chỉ số về lao động thấp, kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư so với đại đa số các tỉnh khác; chỉ số về tính năng động và chỉ số pháp lý của tỉnh đều thấp,

(iii) Đề xuất được các giải pháp nhằm cải thiện thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình.

+ Dự báo những nhân tố tác động đến thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo: yếu tố hội nhập quốc tế, khu vực, thị trường; khả năng hợp tác đầu tư, thu hút vốn đầu tư; quy hoạch phát triển vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ; dân số, nguồn nhân lực; nguồn lực tài chính.

+ Đưa ra định hướng đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp ở tỉnh Hòa Bình

- Từ đó đề xuất các nhóm giải pháp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, bao gồm: Nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đổi mới công tác quy hoạch, cải thiện đầu tư kết cấu hạ tầng để nâng cao chất lượng thu hút đầu tư; cải thiện đầu tư kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện kỹ năng xúc tiến đầu tư.

2. Ý nghĩa của đề tài

- Đối với cơ quan chủ trì: Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là căn cứ để Ban Quản lý các khu công nghiệp tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình thực hiện các nội dung tại Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 26/5/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình khóa XV về đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014-2020.

- Đối với các cơ sở ứng dụng: Kết quả nghiên cứu sẽ là dữ liệu tham khảo cho các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tửCông ty TNHH Sankoh Việt Nam, KCN Bờ trái Sông Đà