Rosalind Franklin - Nhà hóa học và nhà vật lý - Anh

SKĐS - Rosalind Franklin (1920-1958) là nhà lý sinh học kiêm nhà tinh thể học tia X người Anh. Ảnh chụp phân tử ADN của bà đóng vai trò then chốt trong việc giải mã cấu trúc ADN,

Rosalind Franklin (1920-1958) là nhà lý sinh học kiêm nhà tinh thể học tia X người Anh. Ảnh chụp phân tử ADN của bà đóng vai trò then chốt trong việc giải mã cấu trúc ADN, một trong những bước đột phá khoa học lớn nhất và quan trọng nhất trong thế kỷ XX. Thế nhưng người nhận giải Nobel không phải là Rosalind Franklin và rất ít người biết đến cống hiến vĩ đại này của bà.

Rosalind Franklin qua đời vì căn bệnh ung thư buồng trứng vào năm 1958, ở độ tuổi 37. Dù cuộc sống ngắn ngủi nhưng bà đã có đóng góp vĩ đại cho nền khoa học thế giới. Bà là người tiên phong trong việc khám phá cấu trúc của axit deoxyribonucleic hay còn được biết đến dưới cái tên ADN, mang thông tin di truyền mã hóa cho các hoạt động bình thường của tế bào. Tuy nhiên, những người được trao giải Nobel cho việc tìm ra cấu trúc ADN vào năm 1962 - 4 năm sau cái chết của Franklin - lại là James Watson, Francis Crick và Maurice Wilkins chứ không phải Rosalind Franklin. Vậy nguyên nhân gì khiến những cống hiến của Rosalind Franklin không được ghi nhận? Theo Jenifer Glynn - chị gái của Franklin: “Những định kiến về nữ giới trong khoa học đã không công nhận thành tựu mà nhà khoa học nữ Franklin đạt được”.

Rosalind Franklin - Nhà hóa học và nhà vật lý - Anh
Rosalind Franklin

Thời niên thiếu của Rosalind Franklin

Rosalind Elsie Franklin chào đời vào ngày 25 tháng 7 năm 1920 tại London, Anh. Ngay từ nhỏ bà được theo học tại trường nữ sinh St. Paul - một trong số ít trường dành cho nữ giới chú trọng vào sự nghiệp. Tại đây, bà tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về các môn khoa học và ngôn ngữ. Năm 18 tuổi, Rosalind trúng tuyển vào học viện nữ sinh Newnham, trực thuộc Đại học Cambridge, chuyên ngành vật lý - hóa học. Tốt nghiệp năm 1941, bà dành trọn 1 năm làm việc tại phòng thí nghiệm của R.G.W.Norrish - người đi tiên phong trong lĩnh vực quang hóa học. Sau khi lấy bằng tiến sĩ, bà tới làm việc tại phòng thí nghiệm của kỹ sư Jacques Mering (người Pháp) và tại đây bà học được cách xây dựng mô hình của các hợp chất cacbon bằng kỹ thuật sử dụng tinh thể học tia X và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. Đây là nền tảng giúp khám phá ra cấu trúc AND ngày nay.

“Bức ảnh 51” và cấu trúc của ADN

Năm 1950, Rosalind Franklin trở về Anh và cộng tác tại phòng thí nghiệm của John Randall - một nhà vật lý sinh học tại Viện King, London. Tại đây, nghiên cứu sinh Raymond Gosling - cộng tác viên của bà, đã hỗ trợ Rosalind trong mọi bài báo về ADN. Thông qua việc chụp những tấm hình Xquang họ đã tìm ra hai hình dạng của ADN, dạng “ướt” với cấu trúc hình thang xoắn và dạng “khô” với cấu trúc khác hoàn toàn. Rosalind được giao nhiệm vụ nghiên cứu xem cấu trúc nào mới thực sự là ADN. Sau khi xây dựng máy tia X tân tiến, Franklin đã chụp được hai hình ảnh tốc độ phân giải cao của ADN - một trong số đó là bức ảnh nổi tiếng có tên “Photo 51”. Cùng thời điểm đó, hai nhà sinh học Francis Crick và James Watson cũng tiến hành xây dựng mô hình lý thuyết của ADN tại phòng thí nghiệm Cavendish thuộc Trường Đại học Cambridge.

Rosalind Franklin - Nhà hóa học và nhà vật lý - Anh
Rosalind Franklin (1920-1958) - Nhà lý sinh học kiêm nhà tinh thể học tia X người Anh.

Tiến trình những sự kiện gây tranh cãi

Tháng 1/1953, M. Wilkins đưa cho J. Watson những bản kẽm tuyệt đẹp do Rosalind chụp bằng tia X - “Photo 51” - và hình ảnh này là yếu tố quan trọng giúp Watson và Crick xây dựng cấu trúc ADN. Do Franklin quyết định chuyển đến làm việc tại phòng thí nghiệm của John Desmond Bernal tại Học viện Birkbeck thuộc Đại học London nên Randall kiên quyết rằng mọi công trình nghiên cứu Franklin phải để lại King’s College mặc dù trong thời gian này Rosalind cũng sắp giải đáp được cấu trúc ADN. Giữa tháng 2/1953, Francis Crick và James D. Watson bắt đầu xây dựng mô hình phân tử AND dựa trên tính toán khoa học về tinh thể học của Franklin. Ngày 25/4/1953, báo Nature đăng bài cấu trúc xoắn kép của ADN của Watson và Crick và chỉ chú thích nhỏ về việc tham khảo tư liệu “chưa được xuất bản” của Franklin. Sau khi rời khỏi phòng thí nghiệm King’s college và Franklin bắt đầu nghiên cứu trên tinh thể đồ các virut cùng với đồng nghiệp Aaron Klug, người Nam Mỹ (Aaron Klug sau này trở thành nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới trong 3 lĩnh vực: than, ADN và virut). Giữa năm 1956, trong chuyến công tác đến Mỹ, Franklin bắt đầu nghi ngờ về tình trạng sức khỏe của bản thân và được các bác sĩ chẩn đoán ung thư buồng trứng. Năm 1958, bà qua đời. Việc tiếp xúc thường xuyên với tia X được xem là nguyên nhân gây ra căn bệnh này của bà. Sau 4 năm kể từ khi Franklin qua đời, giải Nobel cho việc tìm ra cấu trúc ADN vào năm 1962 chưa từng vinh danh công lao của Rosalind Franklin.

Dù cuộc sống ngắn ngủi nhưng Rosalind Franklin đã có những cống hiến to lớn cho nền khoa học của nhân loại và dù không được ghi nhận bằng giải thưởng Nobel nhưng các thế hệ sau vẫn nhớ đến bà là người có công lớn trong việc tìm ra ADN - “bí mật của sự sống”.