Thị trường phụ tùng ô tô việt nam

Thị trường ô tô tháng 4/2022 hưởng lợi rất lớn từ các thương hiệu ô tô quen thuộc, khi thị trường tăng nhu cầu và vẫn được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ 50% cho ô tô lắp ráp trong nước kéo dài đến hết tháng 5/2022.

Về sản xuất: Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4 năm 2022, Việt Nam sản xuất, lắp ráp ước đạt gần 39,34 nghìn chiếc ô tô, giảm 7,5% so với tháng 3/2022 nhưng tăng mạnh (43,8%) so với tháng 4/2021. Tổng sản lượng ô tô trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 148,59 nghìn chiếc, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng mạnh (142%) so với cùng kỳ năm 2020.

Về tiêu thụ:Báo cáo kết quả kinh doanh của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, lượng xe bán ra tại thị trường trong nước tháng 4/2022 đã vượt mức trước dịch Covid-19, thể hiện đà phục hồi mạnh mẽ.

Số lượng xe bán ra toàn thị trường tháng 4/2022 đạt 42.359 xe, tăng 14,6% so với tháng 3/2022 và tăng 40,9% so với tháng 4/2021. Mức này cao gấp đôi so với thời điểm tháng 4/2019 (21.021 xe)- là thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Cụ thể, các loại xe tiêu thụ như sau: 33.588 xe du lịch, tăng 18% so với tháng trước; 7.795 xe thương mại, tăng 2,6% so với tháng trước và 776 xe chuyên dụng, tăng 15% so với tháng trước. Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 25.269 xe, tăng 15,6% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 17.090 xe, tăng 13,2% so với tháng trước.

Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 04/2022 tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021. Xe ô tô du lịch tăng 47%; xe thương mại tăng 8% và xe chuyên dụng tăng 19% so với năm 2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 37,9%, trong khi xe nhập khẩu tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, sản lượng tiêu thụ ô tô có tháng thứ 2 liên tiếp tăng, tốc độ tiêu thụ đều có xu hướng tăng ở cả 3 dòng xe.

Đối với các thành viên VAMA, trong tháng 04/2022, sản lượng tiêu thụ ô tô đạt 38.134 chiếc, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 17% so với tháng trước. Trong tháng này, Trường Hải tiếp tục dẫn đầu thị trường với 14.687 chiếc, chiếm 38,5% thị phần, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 10% so với tháng trước; tiếp đến là Toyota với sản lượng tiêu thụ đạt 8.694 chiếc, chiếm 22,8% thị phần, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 9% so với tháng trước; tiếp đến là Honda tiêu thụ được 6.100 chiếc, tăng lần lượt 216% và 69%; Mitsubishi tiêu thụ được 3.616chiếc, lần lượt tăng 11% và giảm 2%; Ford tiêu thụ được 1.933 chiếc, giảm 25% so cùng kỳ năm trước nhưng tăng 10% so với tháng trước; Visuco (Suzuki) tiêu thụ đạt 1.111 chiếc, tăng 174 1% so với cùng kỳ, nhưng giảm 54% so với tháng trước.

Tuy tăng trưởng giảm tốc, nhưng có thể thấy thị trường ô tô trong nước đã phục hồi tích cực. Đây là diễn biến quan trọng trong bối cảnh thực hiện chính sách ưu đãi phí trước bạ theo Nghị định 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Kết quả này có được do sự ổn định của tình hình kinh tế- xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả.

Tuy nhiên, dự báo, tiêu thụ ô tô trong nước tiếp tục chịu hạn chế ít nhất trong vài tháng tới do tác động từ cuộc khủng hoảng chất bán dẫn và tình trạng thiếu linh kiện công nghệ cao trên toàn cầu.

Việc thiếu hụt nguồn cung cũng khiến giới chuyên gia ô tô lo ngại nảy sinh các hệ luỵ như thời gian giao xe kéo dài, xe bị rao bán ở mức giá cao hơn bình thường. Thậm chí, nhiều mẫu sản phẩm ăn khách có thể rơi vào tình trạng không có xe giao.

Để hạn chế rủi ro, nhiều hãng chọn cách đa dạng hoá nguồn cung xe, đồng thời mở rộng danh mục sản phẩm. Số xe mới ra mắt ở thị trường trong nước cũng đã tăng mạnh như Mazda CX-8 2022, Toyota Fortuner 2022, Volkswagen T-Cross...

Về xuất nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô:Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô các loại của cả nước đạt 1,75 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng khá (50%) so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, xuất khẩu linh kiện phụ tùng ô tô đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng mạnh (46,2%) so với cùng kỳ 2021 và tăng 40,1% so cùng kỳ năm 2020. Như vậy, Việt Nam xuất siêu được 645,33 triệu USD linh kiện phụ tùng ô tô trong 4 tháng đầu năm nay.

Tình hình sản xuất và kinh doanh mặt hàng ô tô vàlinh kiện phụ tùng 4 tháng đầu năm 2022

Chủng loại

4 tháng 2022

4T/2022 so với 4T/2021

4T/2022 so với 4T/2020

Lượng (chiếc)

Trị giá (Triệu usd)

Lượng (%)

Trị giá (%)

Lượng (%)

Trị giá (%)

1.

Nhập khẩu ô tô các loại và linh kiện phụ tùng

1.1

Ô tô nguyên chiếc các loại

36.989

915,25

-26,3

-18,3

17,1

32,8

Ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống

30.121

615,47

-9,7

5,4

24,9

33,5

Ô tô trên 9 chỗ ngồi

15

0,53

-63,4

-49,6

-76,2

-50,4

Ô tô vận tải

3.730

155,42

-68,9

-48,2

-40,3

0,2

Ô tô khác

3.125

143,84

-34,3

-39,0

169,6

99,4

1.2

Linh kiện phụ tùng

1.751,26

4,6

50,0

2.

Xuất khẩu linh kiện phụ tùng

2.396,59

46,2

40,1

3.

Sản xuất và tiêu thụ ô tô

3.1

Sản xuất

148.592

64,0

142,0

3.2

Tiêu thụ

132.865

31,5

106,6

Xe lắp ráp trong nước

79.442

37,9

95,8

Xe nhập khẩu

53.423

23,1

125,0

Nguồn: Tính toántừ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan và VAMA

Có thể nói, việc các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam thiếu linh kiện, phụ tùng, thu hẹp sản xuất, doanh số bán ô tô vẫn liên tục tăng kể từ đầu năm 2022.

Dự báo, thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 5/2022 tiếp tục tiêu thụ tốt do đây là tháng cuối cùng được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ. Hơn nữa, đây cũng là tháng trước Hè được người dân tìm mua xe phục vụ du lịch nên nhu cầu cũng rất cao.

Nhìn chung, thị trường ô tô Việt Nam trong thời gian tới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, tùy thuộc vào tình hình trên thế giới cũng như khả năng đảm bảo nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, nửa cuối năm nay về cơ bản sẽ là khoảng thời gian khó khăn cho người tiêu dùng khi lựa chọn mua ô tô.


 

Nguồn: Phòng TTCN