Bệnh tâm thần kinh là gì

       Bệnh tâm thần hay rối loạn tâm thần là những bệnh do rối loạn chức năng não, làm biến đổi các hoạt động tâm lý, sinh lý thông thường; hành vi ứng xử, tác phong, tư duy, chú ý, trí nhớ, trí tuệ, cảm xúc... trở nên bất thường.

       Cách phát hiện sớm

       Việc phát hiện bệnh sớm hay muộn liên quan đến kết quả điều trị. Nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh có thể khỏi nhanh. Nếu phát hiện muộn, bệnh tiến triển mạn tính, khó hồi phục. Việc phát hiện bệnh thường do người thân trong gia đình, người cùng cơ quan, đơn vị, trường học...

       Triệu chứng bệnh tâm thần rất đa dạng, từ các triệu chứng nhẹ nhất giống như suy nhược thần kinh đến các triệu chứng loạn thần. Giai đoạn đầu thường biểu hiện các triệu chứng đau đầu, rối loạn giấc ngủ, thay đổi tính nết dễ phản ứng, khó tập trung, trễ nải trong học tập và công tác. Có người buồn chán thiếu quan tâm, xa lánh mọi người. Về sau biểu hiện các triệu chứng loạn thần như ảo giác, rối loạn tri giác biểu hiện như có thật một sự vật và hiện tượng không có trong thực tế khách quan như nghe tiếng nói mà xung quanh không có ai, lời nói đó có thể khen, chê hoặc mệnh lệnh cho bệnh nhân hoặc bệnh nhân nhìn thấy nhiều người đuổi theo, nhìn thấy thú dữ nhưng thực tế không có, có người biểu hiện hoang tưởng.

       Hoang tưởng là những ý tưởng, quan niệm sai lầm, phi lý mà người bệnh cho là đúng, không thể giải thích căn nguyên được, chỉ khi nào bệnh thuyên giảm thì họ mới nhận ra được.

       Bệnh tâm thần có chữa được không?

       Xưa kia người bị bệnh tâm thần không được xem như người bệnh, bị hắt hủi, đánh đập, không được quan tâm chữa trị, chăm sóc khiến bệnh nặng lên và người bệnh càng trở nên sa sút, đi lang thang, chịu đói, rách...

       Ngày nay với tiến bộ của khoa học, người bị bệnh tâm thần hoàn toàn có thể chữa trị khỏi hoặc thuyên giảm nhiều, tuân thủ điều trị người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường trong gia đình và xã hội.

       Gia đình và người thân cần phát hiện sớm, động viên và đưa người bệnh đến cơ sở y tế khám, tư vấn điều trị kịp thời, theo đúng phương pháp khoa học tại các cơ sở y tế chuyên khoa, không cúng bái phù phép, không giấu bệnh; Tuân thủ y lệnh của thầy thuốc quản lý và cho uống thuốc đúng liều lượng và thời gian. Có trường hợp phải điều trị duy trì hàng năm như vậy người bệnh có thể khỏi hoặc ổn định và sống hòa nhập trong cộng đồng.

       Cách phòng bệnh

       Bệnh tâm thần cũng như các bệnh khác nếu có kiến thức về bệnh có thể phòng ngừa được. Cần có các biện pháp loại trừ nguyên nhân gây bệnh tâm thần bao gồm nhiều lĩnh vực.

       Phòng chống các nguyên nhân gây tổn thương tổ chức não như: Phòng chống các bệnh nhiễm trùng thần kinh, đặc biệt các bệnh viêm não, màng não và các bệnh nhiễm độc thần kinh như nhiễm độc rượu, ma túy, nhiễm độc nghề nghiệp. Bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông đề phòng chấn thương sọ não...

       Hạn chế và loại trừ các sang chấn tâm lý, tạo môi trường trong sạch. Trong gia đình cần tránh những mâu thuẫn, những xung đột giữa cha mẹ hoặc anh chị em, giáo dục con đúng phương pháp, không quá nghiêm khắc hoặc quá chiều chuộng.

       Trong cơ quan, đơn vị tập thể cần tránh những mâu thuẫn căng thẳng kéo dài, luôn xây dựng tình đoàn kết giúp đỡ nhau. Đối với những người bị thất vọng, bị đau khổ nặng nề cần có thái độ quan tâm, an ủi, đối xử đúng mức giúp tìm cho họ lối thoát.

       Đối với bệnh tâm thần nguyên nhân chưa rõ không thể đề phòng tuyệt đối được thì chủ yếu phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời đề phòng biến chứng và tiến triển mạn tính. Đối với bệnh tâm thần mạn tính cần tích cực điều trị thuốc men và phục hồi chức năng, hạn chế tái phát và tiến triển xấu sa sút tâm thần.



TRẺ EM

  • Tự kỷ
  • Rối loạn ngôn ngữ: chậm nói, nói ngọng, nói lắp
  • Chậm phát triển trí tuệ
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý
  • Khó khăn trong học tập về đọc, viết hay tính toán
  • Thay đổi tính tình, khó kiểm soát về cảm xúc và hành vi [buồn, vui quá mức, dễ giận dữ, bùng nổ, gây hấn, chống đối hoặc thu rút]
  • Lo lắng, sợ sệt, ám ảnh [sợ đi học, sợ dơ bẩn, sợ bệnh…]
  • Rối loạn ăn uống [ăn vô độ, chán ăn, ói chu kỳ]
  • Rối loạn giấc ngủ [ngủ nhiều, hoảng sợ, mộng du]
  • Tiểu dầm, ỉa đùn không phù hợp với lứa tuổi
  • Máy giật cơ hoặc phát âm bất thường, lặp đi lặp lại [nháy mắt, giật vai, lắc đầu, ho, tằng hắng, khụt khịt…]
  • Co giật do động kinh hoặc nguyên nhân khác
NGƯỜI LỚN
  • Stress, trầm cảm, lo âu, hoảng loạn
  • Rối loạn giấc ngủ: mất ngủ, ngủ mớ, ác mộng…
  • Các bất ổn về cơ thể không tìm ra nguyên nhân [đau đầu, chóng mặt, hồi hộp, khó thở, run, tê, rối loạn tiêu hoá,…]
  • Ám ảnh sợ bệnh tật, sợ lây bệnh, sợ tiếp xúc…
  • Những suy nghĩ và/hoặc hành vi lặp đi lặp lại gây khó chịu, khó kiểm soát
  • Khó thích ứng trong cuộc sống: tình cảm, công việc, quan hệ xung quanh
  • Trục trặc về tâm lý giới tính, tình dục, hôn nhân
  • Rối loạn thích ứng sau sanh nở [trầm cảm, hành vi và cảm xúc bất thường]
  • Suy giảm trí nhớ và tập trung chú ý
  • Rối loạn tâm thần sau sử dụng các chất gây nghiên
  • Rối loạn tâm thần sau các tổn thương não bộ
  • Rối loạn hoang tưởng
  • Tâm thần phân liệt
 

Khoa Hiện Có Tại:

Sức khỏe tâm thần là một bệnh tiềm ẩn

Người bị rối loạn tâm thần là một trong số những người ít được quan tâm nhất trên thế giới. Tại nhiều cộng đồng, bệnh tâm thần không được coi là một bệnh lý thực sự mà được xem như một sự khiếm khuyết trong tính cách. Thậm chí ngay cả khi được công nhận là có bệnh, bệnh nhân tâm thần thường nhận được sự điều trị thiếu tính nhân đạo. Sự miệt thị đối với bệnh tâm thần có thể loại bỏ bằng cách làm cho cộng đồng nhận thức được rằng các rối loạn tâm thần có thể phòng chống được.

Sức khỏe tâm thần là gì?

Sức khỏe tâm thần không chỉ là không bị mắc các rối loạn về tâm thần. Sức khỏe tâm thần được định nghĩa là một tình trạng sức khỏe mà mỗi cá nhân nhận thức rõ khả năng của mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, làm việc hiệu quả và thành công và có thể đóng góp cho cộng đồng.

Có bao nhiêu người mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần?

Có gần 54 triệu người trên thế giới mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần như bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Thêm vào đó là 154 triệu người bị mắc trầm cảm. Các con số gần đây nhất chỉ ra rằng có gần 1 triệu người tự tử mỗi năm.

Ai bị ảnh hưởng nhiều nhất?

Các rối loạn tâm tầm đang ngày càng trở nên phổ biến ở các nước đang phát triển. Nguyên nhân là do các điều kiện nghèo khổ kéo dài [thiếu điều kiện giáo dục, ăn ở, triển vọng công ăn, việc làm, công việc quá tải], các thay đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội, xung đột chính trị và thiên tai.

Tuy nhiên, hơn 50% các nước phát triển không cung cấp bất cứ sự chăm sóc tại cộng đồng nào cho những người bị rối loạn tâm thần . Kết quả là hơn 75% người bị rối loạn trầm cảm tại các nước đang phát triển không được chữa trị thỏa đáng.

Tình hình tại Việt Nam thế nào?

Sức khỏe tâm thần ở Việt Nam không nằm ngoài tình hình chung của toàn cầu. Kết quả điều tra quốc gia năm 1999-2000 cho thấy tỷ lệ mắc 10 bệnh tâm thần phổ biến là 15%. Trong năm 2003 nghiên cứu "Những cuộc đời trẻ thơ" cho thấy tỷ lệ rối loạn tâm thần ở học sinh tiểu học là 20%. Gần đây một số nghiên cứu ở quy mô nhỏ hơn cho thấy tỷ lệ rối loạn tâm thần khoảng 20-30% .

Việt Nam đang làm gì?

Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Chương trình Mục tiêu Quốc gia [chương trình ưu tiên hàng đầu] về sức khỏe tâm thần được hình thành năm 1999. Chương trình đã tập trung vào xây dựng"mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng". Cho đến nay mô hình đã bao phủ trên toàn 64 tỉnh thành với gần 40% xã/phường của Việt Nam. Nhờ có mô hình này những người bị tâm thần phân liệt và động kinh đã được quản lý tại cộng đồng và sự miệt thị đã được giảm bớt. Điều này đóng góp phần rất lớn trong việc giảm đau khổ và vất vả cho cả bệnh nhân và gia đình họ.

Có thiếu sót gì trong mô hình này không?

Các bệnh tâm thần khác – đặc biệt là trầm cảm – chưa được quản lý trong mô hình. Điều này có nghĩa là những người mắc những bệnh này không nhận được sự chăm sóc và điều trị đầy đủ tại cộng đồng thậm chí tại các cơ sở y tế. Hơn nữa, khái niệm về rối loạn tâm thần – tình trạng ban đầu của bệnh tâm thần chưa được nhận thức đầy đủ. Kết quả là các vấn đề về sức khỏe tâm thần chỉ được xem như là các vấn đề của ngành y tế và chương trình sức khỏe tâm thần hiện nay có xu hướng chú trọng vào khía cạnh lâm sàng hơn là phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh phát sinh với sự tham gia của các ban ngành khác và của toàn xã hội.

Hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế đã được cải thiện từ khi có Chương trình Mục tiêu Quốc gia về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn như mạng lưới chưa hoàn thiện, thiếu nhân lực, thuốc men và trang thiết bị. Chi phí để điều trị các rối loạn tâm thần cũng khá cao do bản chất kinh niên của bệnh.

Câu trả lời là gì?

Thay vì điều trị, chăm sóc tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần lớn, WHO khuyến khích tất cả các quốc gia lồng ghép sức khỏe tâm thần vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung cấp điều trị, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại các bệnh viện đa khoa và phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng.

Đồng thời, các chính sách sức khỏe tâm thần quốc gia không nên chỉ đơn thuần quan tâm tới các rối loạn sức khỏe tâm thần mà nên phát hiện và khắc phục các vấn đề rộng hơn để tăng cường sức khỏe tâm thần. Những vấn đề này bao gồm các yếu tố kinh tế xã hội và môi trường như đã nói ở trên, cũng như là các hành vi của cá nhân. Yêu cầu này đòi hỏi lồng ghép nâng cao sức khỏe tâm thần vào các chính sách và chương trình của các ban, ngành của nhà nước và tư nhân, bao gồm giáo dục, lao động, tư pháp, giao thông, môi trường, nhà ở vàphúc lợi, cũng như ngành y tế.

Tổ chức Y tế Thế giới đang làm gì?

Tổ chức Y tế Thế Giới [WHO] đã và đang hỗ trợ chương trình sức khỏe tâm thần ở Việt Nam trong nhiều năm. Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của WHO tập trung vào việc tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, cải thiện mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng và thực hiện giải pháp lồng ghép phòng chống các bệnh không lây nhiễm [NCDs] bao gồm các rối loạn tâm thần.

WHO đã giúp đỡ Việt Nam xây dựng các hướng dẫn lâm sàng quốc gia và tổ chức tập huấn cho một số lượng lớn các cán bộ y tế để nâng cao kiến thức và thực hành về các vấn đề sức khỏe tâm thần.

WHO cũng hỗ trợ đánh giá mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng. Những kết quả này sẽ giúp cho việc sửa đổi mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần đáp ứng với các khuyến nghị của WHO. Điều này có nghĩa là các rối loạn tâm thần khác ngoài bệnh tâm thần phân liệt và bệnh động kinh sẽ được đưa vào mô hình và các hoạt động can thiệp khác như tuyền truyền giáo dục sức khỏe và phát hiện sớm sẽ được nâng cao.

Thông điệp cho Ngày Sức khỏe Tâm thần năm nay là gi?

Trên toàn thế giới, sức khỏe tâm thần thường gắn liền với những kỳ thị và phân biệt đối xử nặng nề. Nhưng sức khỏe tâm thần và bệnh tâm thần là một phần của mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa, độ tuổi và điều kiện kinh tế xã hội. Thông điệp cho Ngày Sức khỏe tâm thần năm nay là "Hãy làm cho Sức khỏe tâm thần là một ưu tiên toàn cầu: Tăng cường các dịch vụ thông qua hành động và sự ủng hộ tích cực của từng cá nhân". Chủ đề này xuất phát từ quan điểm cho rằng cách tốt nhất để tạo ra sự thay đổi là thông qua hành động và sự ủng hộ cụ thể của từng cộng đồng trên thế giới và mỗi người trong chúng ta có quyền và có khả năng tạo ra một thế giới khác cho điều trị, chăm sóc và năng cao sức khỏe tâm thần.

Đề nghị các bạn hãy đừng là một phần của vấn đề này mà hãy là một phần của giáp pháp cho vấn đề đó.

Thông tin cần biết - Sức khỏe tâm thần

  • Các rối loạn tâm- thần kinh và rối loạn liên quan đến sử dụng chất [gây nghiện], phổ biến ở tất cả các vùng trên toàn thế giới, tác động đến mọi độ tuổi và cộng đồng với các mức thu nhập khác nhau.
  • 14% gánh nặng bệnh tật toàn cầu liên quan đến các bệnh rối loạn về tâm- thần kinh và sử dụng chất gây nghiện.
  • Trầm cảm là bệnh gây tử vong thứ 4 trên toàn thế giới và được dự báo là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong vào năm 2030.
  • Bệnh động kinh ảnh hưởng tới 50 triệu người trên toàn thế giới – 80% trong số họ sống ở các nước có thu nhập thấp.
  • Trên toàn thế giới, tự tử là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở những người trẻ.
  • Việc sử dụng rượu/cồn ở mức độ gây hại là nguyên nhân thứ 5 của tàn tật và chết trẻ trên toàn thế giới.
  • Hơn 75% bệnh nhân tâm thần, động kinh và sử dụng chất gây nghiện ở các nước có thu nhập thấp không được tiếp cận điều trị.
  • Các bạo lực và sự kỳ thị về quyền con người gây trở ngại cho việc phục hồi, chăm sóc sức khỏe và cho việc xóa đói giảm nghèo.
  • Giá trị kinh tế và phi kinh tế như tiếp cận công bằng trong chăm sóc sức khỏe, bảo vệ quyền con người và giảm đói nghèo cần tính đến trong quá trình sắp xếp các ưu tiên trong sức khỏe tâm thần.

Video liên quan

Chủ Đề