Các hệ thống đánh giá công trình xanh

Theo nghiên cứu, các tòa nhà sử dụng khoảng 40% năng lượng, thải ra 40% lượng khí carbon và sử dụng khoảng 20% lượng nước ngọt có sẵn trên toàn thế giới. Do vậy, rất cần thiết phải đưa ra các hệ thống quy chuẩn cho mỗi công trình xây dựng nhằm tác động tới môi trường hạn chế nhất có thể. Những chứng chỉ sẽ định hướng được sự chuyển đổi này. Vậy có những chứng chỉ xanh nào để đánh giá công trình bền vững?

Báo cáo Brundtland năm 1987 – “Tương lai chung của chúng ta” – đã chỉ ra quan điểm về việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, “đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng của thế hệ tương lai”. Từ đó, thuật ngữ bền vững được phổ biến, thường xuyên và bình thường hóa trong cuộc sống hằng ngày. Trong ngành xây dựng, thuật ngữ này cũng không nằm ngoài quy luật. Một tòa nhà bền vững, trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành phải giảm thiểu hoặc loại bỏ được các tác động tiêu cực đến tổng thể và thậm chí mang lại những tác động tích cực tới khí hậu, môi trường xung quanh – đồng thời bảo tồn tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư cư trú trong đó. Nói rằng một tòa nhà bền vững là điều dễ dàng nhưng bộ khung nào để định hình nên những công trình mang tính bền vững?

Thông qua những đánh giá khách quan, từ nhiều nguồn, có một số chứng nhận xác minh xem liệu rằng tòa nhà này có đáp ứng các tiêu chí hiệu quả nhất định hay không. Dưới đây là một số chứng chỉ bền vững chính được áp dụng trong ngành xây dựng trên toàn thế giới – được sắp xếp theo bảng chữ cái và gồm những ứng dụng kiến trúc chính kèm theo thông tin ngắn gọn.

1. Active House

  • Nguồn gốc: Đan Mạch
  • Năm: 2017
  • Ứng dụng cho: Các tòa nhà mới, tòa nhà hiện có và tu sửa

Active House là dấu ấn chất lượng khẳng định cho những tòa nhà tiện nghi và bền vững. Chứng chỉ này tư vấn về các yếu tố quan trọng nhất đối với nhà ở và sinh hoạt hàng ngày, nhấn mạnh việc giảm thiểu sử dụng tài nguyên trong quá trình xây dựng và trong suốt vòng đời của tòa nhà đồng thời cho người dùng cảm nhận được sự thoải mái về hình ảnh, nhiệt lượng và âm thanh.

Chứng chỉ này có thể được áp dụng cho các tòa nhà có diện tích lên tới 2.000 m2.

2. BREEAM [Phương pháp đánh giá Môi trường Cơ sở Nghiên cứu xây dựng]

  • Nguồn gốc: Anh
  • Năm ra đời: 1990
  • Ứng dụng cho: xây dựng mới, nội thất, cải tạo các tòa nhà thương mại và khu đô thị hiện có.

BREEAM là hệ thống chứng nhận môi trường đầu tiên để đánh giá công trình xanh, hiện nay được sử dụng rộng rãi trên hơn 50 quốc gia trên thế thế giới. Bộ chứng chỉ này nhằm đánh giá, phân lợi và chứng nhận tính bền vững của các tòa nhà, đặc biệt trong việc sử dụng năng lượng, sức khỏe, sự đổi mới, cách sử dụng đất, nguyên vật liệu, quản trị, kiểm soát ô nhiễm, vận chuyển và kiểm soát tình trạng lãng phí.

Công cụ BREEAM giúp các nhà quy hoạch và phát triển đánh giá được lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường của dự án có tác động đến người dân địa phương ở giai đoạn quy hoạch từ đó có biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua tiêu chí: Quản trị; Lợi ích kinh tế và xã hội; Giao thông và đi lại; sử dụng đất và sinh thái; Tài nguyên và năng lượng; sự đổi mới.

3. CASBEE [Hệ thống đánh giá toàn diện về hiệu quả môi trường được xây dựng]

  • Nguồn gốc: Nhật Bản
  • Năm ra đời: 2001
  • Ứng dụng cho: Xây dựng mới, cải tạo và các tòa nhà hiện có

CASBEE là phương pháp đánh giá và phân loại hoạt động môi trường của các tòa nhà và môi trường xây dựng, được áp dụng tại Nhật Bản cho cả hai khu vực thuộc sở hữu của tư nhân và nhà nước với nhiều phiên bản khác nhau. Hệ thống tiêu chí của CASBEE bao gồm khoảng 90 tiêu chí, tùy thuộc vào từng phiên bản nhưng tập trung vào bốn mảng chính: Tiết kiệm năng lượng, Tiết kiệm tài nguyên; Môi trường địa phương và Vi khí hậu công trình.

4. DGNB [Deutsche Gesellschaft für Nachhaltiges Bauen]

  • Nguồn gốc: Đức
  • Năm ra đời: 2007
  • Ứng dụng cho: Xây dựng mới, nội thất thương mại, cải tạo, các tòa nhà và khu đô thị hiện có

Hệ thống DGNB được nghiên cứu và cho ra đời bởi Hội Đồng Bền vững của Đức và chủ yếu được sử dụng tại nước này và những quốc gia lân cận. Chứng chỉ dựa trên khái niệm về tính bền vững toàn diện, đặt trọng tâm vào môi trường, con người và khả năng thương mại. DGNB không chỉ tập trung vào tính bền vững mà còn về chất lượng kỹ thuật và các quy trình kiến trúc liên quan. Tính linh hoạt của nó cho phép dễ dàng áp dụng cho nhiều loại công trình khác nhau.

5. Green Globes

  • Nguồn gốc: Mỹ
  • Năm ra đời: 2004
  • Ứng dụng cho: Xây dựng mới, cải tạo và nội thất

Green Globes là hệ thống phân loại hỗ trợ nhiều loại dự án xây dựng khác nhác nhau và các tòa nhà hiện có, cho phép chủ sở hữu và người quản lý tòa nhà có thể lựa chọn các tính bền vững phù hợp với chương trình và cư dân tòa nhà, đồng thời trao giải cho những dự án đáp ứng được ít nhất 35% trên thang điểm 1000 sẵn có.

Đây được coi là công cụ tự đánh giá trực tuyến và đủ đơn giản để bất kỳ đơn vị đại lý có trách nhiệm nào cũng có thể đánh giá công trình của mình thông qua hệ thống câu hỏi qua internet.

6. Green Star

  • Nguồn gốc: Australia
  • Năm ra đời: 2003
  • Ứng dụng: Các tòa nhà mới [ngoại trừ nhà dành cho một gia đình], nội thất, cải tạo, các tòa nhà và khu đô thị hiện có

Được đưa ra bởi Hội đồng Công trình xanh của Úc [GBCA], Green Star giúp đánh giá những tiêu chí bền vững của dự án thông qua một số hạng mục tác động như: Quản trị; Chất lượng môi trường trong nhà: Năng lượng; Địa điểm; Nước, Nguyên vật liệu; Sử dụng năng lượng; Khí thải. Chứng chỉ này đã được sử dụng tại New Zealand từ năm 2007 và ở Nam Phi với tên Green Star SA từ năm 2008. Có bốn công cụ phân loại có sẵn để chứng nhận:

  • Cộng đồng: Chứng nhận kế hoạch phát triển toàn quận/huyện
  • Design & As Built: Chứng nhận thiết kế và xây dựng, hoặc cải tạo tòa nhà
  • Nội thất: Chứng nhận thích ứng của nội thất trong tòa nhà
  • Hiệu suất: Chứng nhận hiệu suất hoạt động của một tòa nhà hiện có.

7. HQE [Haute Qualité Environnementale]

  • Nguồn gốc: Pháp
  • Năm ra đời: 1995
  • Ứng dụng cho: Xây dựng mới, nội thất thương mại, cải tạo, các tòa nhà và khu đô thị hiện có

HQE là chứng chỉ của Pháp được cấp cho các dự án xây dựng và quản lý tòa nhà cũng như quy hoạch đô thị bao gồm 4 nguyên tắc với 14 mục tiêu, giúp cân bằng phúc lợi của con người và bảo vệ môi trường.

8. LBC [Thử thách Xây dựng Cuộc sống]

Point Loma Marina in San Diego, California desinged by Miller Hull Partnership. Interior of Miller Hull studio located at the marina project.
  • Nguồn gốc: Mỹ
  • Năm ra đời: 2006
  • Ứng dụng cho: Xây dựng mới, cải tạo, các tòa nhà và khu đô thị hiện có

Để đạt được chứng nhận này, các tòa nhà phải tạo ra nhiều năng lượng hơn mức sử dụng, thu giữ và xử lý lượng nước nhất định tại chỗ và phải được xây dựng từ những vật liệu thân thiện môi trường. Đáng chú ý, hệ thống chứng nhận này tập trung nhiều vào khía cạnh xã hội của tính bền vững. Trong số bảy nguyên tắc – vị trí, nước, năng lượng, sức khỏe, vật liệu, di sản và vẻ đẹp – thì chỉ một trong số đó tập trung đặc biệt vào tính bền vững của môi trường

9. LEED [Lãnh đạo về Thiết kế Năng lượng và Môi trường]

  • Nguồn gốc: Mỹ
  • Năm ra đời: 1998
  • Ứng dụng cho: Xây dựng mới, nội thất, cải tạo, các tòa nhà thương mại và khu đô thị hiện có

Được phát triển bởi Hội đồng Xanh Hoa Kỳ, LEED là một trong những hệ thống chứng nhận quan trọng nhất, phổ biến nhất đang tồn tại và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Chứng chỉ này tập trung tính bền vững của cả môi trường và xã hội, đặc biệt cách sử dụng nước và năng lượng hiệu quả, giảm phát thải CO2 đồng thời thúc đẩy khí hậu trong nhà trong lành, thoải mái và vật liệu xây dựng tái tạo.

Chứng chỉ này được đánh giá dựa trên 8 tiêu chí:

  • Vị trí xây dựng bền vững
  • Tận dụng nguồn nước hiệu quả
  • Tận dụng và tái tạo nguồn năng lượng
  • Tiết kiệm tài nguyên và vật liệu
  • Chất lượng môi trường sống trong nhà
  • Đổi mới và Quy trình
  • Khu vực ưu tiên

Mức độ chứng nhận được xác định bằng số điểm đạt được, nằm trong khoảng từ 40 – 110 điểm và chia thành 4 mức độ: Chứng nhận, Bạc, Vàng và Bạch kim.

10. NABERS [Hệ thống đánh giá môi trường do quốc gia Úc xây dựng]

  • Nguồn gốc: Australia
  • Năm ra đời: 1999
  • Ứng dụng cho: Các tòa nhà hiện có

NABERS được sử dụng để đo lường hiệu quả năng lượng, lượng khí thải carbon, lượng nước tiêu thu và sản xuất chất thải trong một tòa nhà, từ đó so sánh với các tòa nhà tương tự. Một số yếu tố phân tích như:

  • Sử dụng năng lượng và phát thải khí nhà kính
  • Sử dụng tủ lạnh [Khả năng làm nóng lên toàn cầu]
  • Sử dụng nước
  • Khu vực thấm
  • Kiểm soát ô nhiễm nước mưa
  • Khối lượng nước thải thải ra
  • Đa dạng cảnh quan
  • Vận chuyển
  • Vật liệu độc hại
  • Chất lượng không khí bên trong
  • Mức độ hài lòng của cư dân
  • Chất thải

11. Nordic Swan

  • Nước sản xuất: Các nước Bắc Âu
  • Năm ra đời: 2005
  • Ứng dụng cho: Các tòa nhà dân cư mới, trường học mới và trường mầm non

Nordic Swan là nhãn sinh thái cho các quốc gia Bắc Âu, tập trung vào việc giảm tiêu thụ tài nguyên, cấm các vật liệu và hợp chất độc hại. Trong giai đoạn xây dựng, chứng chỉ này tập trung vào việc giảm thiểu mức độ độc hại trong vật liệu trong suốt vòng đời của chúng và đánh giá việc sử dụng năng lượng, tài nguyên trong cả quá trình xây dựng và tuổi thọ của tòa nhà, đồng thời giải quyết vấn đề tái chế.

12. WELL

  • Nguồn gốc: Mỹ
  • Năm ra đời: 2014
  • Ứng dụng cho: Xây dựng mới, nội thất, cải tạo, các tòa nhà và khu đô thị hiện có

WELL là chứng chỉ đo lường hạnh phúc và sức khỏe cư dân tòa nhà, tập trung gần như hoàn toàn vào khía cạnh xã hội của tính bền vững, cung cấp một khuôn khổ phân tích cho các nhóm dự án để kết hợp nhiều chiến lược khác nhau, đặt sức khỏe và hạnh phúc của con người làm trọng tâm khi xây dựng và vận hành.

Biên dịch | Vũ Hương [Nguồn: Archdaily]

XEM THÊM:

  • Miễn phí “Chứng chỉ phân tích hiệu quả công trình” của Autodesk
  • Hiệu lực của chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
  • Cấp chứng chỉ quy hoạch miễn phí

Bình luận từ Facebook

Video liên quan

Chủ Đề