Cần ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ như thế nào vào nuôi trồng thủy sản

Mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao đang là hướng đi của nhiều hộ nông dân. Ảnh: Thành Nam

Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản cho thu nhập cao

Đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có 30.840ha mặt nước có thể phát triển nuôi trồng thủy sản gồm ao, hồ, sông, ruộng trũng... Trong đó, tổng diện tích mặt nước đã đưa vào nuôi trồng thủy sản là 22.900ha; ước tính sản lượng đạt 124.200 tấn/năm với giá trị sản xuất ước đạt 4.347 tỷ đồng. Ông Tạ Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, điều kiện tự nhiên của Hà Nội rất thích hợp cho phát triển thủy sản, đặc biệt là hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch của thành phố tập trung ở các huyện: Ba Vì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Trì…

Ngoài 4.327ha hồ chứa mặt nước lớn, Hà Nội còn có các sông chạy qua, như: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Tích, sông Bùi… rất thuận lợi để khai thác thủy sản tự nhiên và phát triển nuôi cá lồng bè. Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản.

Nhờ quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung cùng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mà những năm gần đây, huyện Thanh Oai ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao cho thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như trang trại của anh Lê Văn Trẻo [Liên Châu, Thanh Oai] đã ứng dụng công nghệ cao vào nuôi cá, kết hợp nuôi vịt quy mô gần 10ha. Trang trại được xây dựng và vận hành bài bản từ việc đầu tư công nghệ chăn nuôi khép kín đến lắp đặt hệ thống máy sục oxy, máy trộn thức ăn, sử dụng các loại chế phẩm sinh học xử lý chuồng trại, môi trường ao nuôi.

Hiện, mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường hơn 4 triệu quả trứng vịt và gần 100 tấn cá các loại, trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu lãi hơn 600 triệu đồng.

Hay như trang trại nuôi cá và tôm càng xanh của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa [ở xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa]. Nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và chăn nuôi theo hướng an toàn, nên cá ít bị dịch bệnh, năng suất đạt 10-12 tấn/ha/năm, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, nhờ tích cực phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, đến nay, toàn Thành phố có khoảng 9.700ha sử dụng chế phẩm sinh học, máy quạt nước trong nuôi trồng thủy sản. Đáng nói, các mô hình ứng dụng công nghệ biofloc ngày càng nở rộ, nhất là ở những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản như: Ba Vì, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên… Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã, cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất. Các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế ô nhiễm môi trường; sử dụng thiết bị làm giàu ô xy, máng ăn tự động... qua đó, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Phát triển thủy sản theo hướng bền vững

Tuy nhiên, hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Thành phố còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Nguồn nước nuôi trồng thủy sản còn bị ô nhiễm; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng còn ít. Đặc biệt, khâu chế biến, hình thành chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm chưa hiệu quả…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 24.000ha trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung khoảng 11.500ha; năng suất bình quân khoảng 14 tấn/ha trong đó vùng nuôi tập trung đạt năng suất 24 tấn/ha; sản lượng đạt khoảng 170.000-210.000 tấn; duy trì mức tăng trưởng lĩnh vực thủy sản bình quân 7%-8%/năm.

Hà Nội sẽ phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao và an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển nuôi các giống cá chép lai, cá rô phi đơn tính, trắm cỏ và các loại thủy sản - đặc sản như: Trắm đen, cá lăng, điêu hồng...

Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao phát triển thủy sản theo hướng bền vững, gia tăng giá trị, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả nhiều giải pháp. Trước hết, sẽ tham mưu với thành phố Hà Nội ban hành chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản, tránh nguy cơ gây ô nhiễm về nguồn nước và dịch bệnh.

Cùng với đó, đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ đầu tư hạ tầng, nâng cấp các máy móc thiết bị chế biến hiện đại, các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và đầu tư kho lạnh bảo quản để bảo đảm chất lượng thủy sản; hỗ trợ tập trung đầu tư hạ tầng cho các chợ cá đầu mối để thay thế các chợ tạm hiện hạn; hỗ trợ hạ tầng, trang thiết bị cho các cơ sở kinh doanh thủy sản tươi sống tại các chợ dân sinh; thực hiện đồng bộ các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm thủy sản…

Thành Nam

      “Hệ thống giám sát, nuôi giống cá tôm được ứng dụng triển khai tại tỉnh Thái Bình” do PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng [Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa, Trường Đại học Công nghệ] và các thành viên trong nhóm nghiên cứu thiết kế, chế tạo ra hệ thống đã giúp người dân ở tỉnh Thái Bình giữ vững sản lượng, chất lượng trong việc nuôi giống cá, tôm.

        Khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp

       Trong những năm gần đây, cùng với không khí hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, quá trình đưa những tiến bộ về khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và ngành nuôi trồng thuỷ sản nói riêng đã có những bước phát triển rất tích cực. Tại tỉnh Thái Bình, các đề án nuôi trồng thuỷ sản được các địa phương triển khai thực hiện một cách mạnh mẽ xuất phát từ hiệu quả kinh tế và nhu cầu chuyển đổi từ một tỉnh thuần nông sang cơ cấu kết hợp giữa trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá kết hợp với việc áp dụng nhanh những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

      Cùng với sự gia tăng về diện tích nuôi tôm, cá, vấn đề nuôi con giống một cách khoa học có ý nghĩa quyết định đến sản lượng và chất lượng sản phẩm trong toàn ngành. Kết quả khảo sát của Trung tâm khuyến Nông, khuyến Ngư tỉnh Thái Bình tại các cơ sở nuôi cá, tôm giống tại các địa phương: huyện Tiền Hải, huyện Thái Thụy, huyện Hưng Hà cho thấy: Hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi cơ cấu từ thuần nông sang cơ cấu kết hợp với nuôi trồng giống cá, tôm là rất cao; các hộ gia đình nuôi trồng giống cá, tôm có tỷ lệ thu nhập kinh tế khá, giàu chiếm trên 60%. Tuy vậy trong quá trình sản xuất giống cá, tôm, các cơ sở sản xuất cũng như những hộ gia đình gặp những khó khăn đáng kể. Trưởng nhóm nghiên cứu PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng cho biết, năm 2007 khi thời tiết thay đổi có những đợt “rét đậm rét hại”, các cơ sở sản xuất cá, tôm giống ở tỉnh Thái Bình đã gặp những tổn thất kinh tế nặng nề do cá, tôm bị chết hàng loạt.  các thông số môi trường mới chỉ được theo dõi thủ công, không thường xuyên và không có hệ thống. Từ đó các biện pháp đối phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc chưa được đưa ra, hoặc đưa ra muộn, không hiệu quả. Bên cạnh đó, một số thông số về chất lượng nước rất quan trọng trong nuôi trồng giống cá, tôm nhưnhiệt độ nước, độ đục, độ sâu hoặc rủi ro ô nhiễm từ nông nghiệp [thuốc trừ sâu] chưa được kiểm soát nên sản lượng và chất lượng của cá, tôm giống chưa cao. Trước tình hình như vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn [NN&PTNT] đã trao đổi với Ngân hàng Phát triển châu Á [ADB] để đặt hàng và hỗ trợ nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và ứng dụng hệ thống Tự động hoá điều khiển, giám sát các thông số môi trường phục vụ các cơ sở sản xuất cá, tôm giống tại tỉnh Thái Bình”.

 

Nuôi con giống một cách khoa học có ý nghĩa quyết định đến sản lượng và chất lượng sản phẩm

        Nhận thấy tính khả thi và thực tiễn của đề tài, nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng – Trưởng nhóm đã bắt đầu thực hiện nghiên cứu từ năm 2010. Sau hơn 1 năm nghiên cứu và chế tạo, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành và lắp đặt “Hệ thống giám sát, nuôi giống cá tôm” được áp dụng tại cơ sở nuôi giống cá, tôm Lan Thao [huyện Hưng Hải, tỉnh Thái Bình]. “Hệ thống này sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế, thông qua việc sử dụng các hệ thống tự động điều khiển, giám sát thông số môi trường nuôi giống cá tôm. Việc đưa vào ứng dụng hệ thống này tối ưu quá trình nuôi giống cá tôm và giảm thiểu rủi ro do điều kiện thời tiết và các chất ô nhiễm nước gây ảnh hưởng” – PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng chia sẻ.

         Giám sát nuôi giống cá tôm bằng hệ thống tự động hóa điều khiển

        Ngay khi bắt đầu nghiên cứu, nhóm đã có ý tưởng về việc thiết kế hệ thống với tiêu chí  đo tự động một số thông số trong môi trường nước [độ pH, độ đục, nhiệt độ, COD]. Khi thông số vượt ngưỡng cho phép có thể tự động cảnh báo tại chỗ và qua điện thoại di động  cho chủ trang trại. Đồng thời, tự động đóng ngắt các thiết bị chấp hành [mái che tự động, máy bơm nước] theo chương trình định trước hoặc những trường hợp cần thiết.  Đại diện nhóm nghiên cứu còn cho biết, Mô hình hệ thống gồm các đầu đo môi trường nước kết nối đến bộ điều khiển trung tâm và sau đó kết nối máy tính cảnh báo các trường hợp thông số đo vượt ngưỡng cho phép. Hệ thống được nghiên cứu chế tạo trong nước nên phù hợp với nhu cầu thực tế từ các trang trại, dễ sử dụng, giá thành giảm đáng kể so với hệ thống nhập ngoại cùng chức năng. Chỉ khi được trang bị những hệ thống có khả năng kiểm soát và điều khiển điều kiện môi trường này, các chuyên gia mới có thể đánh giá chất lượng của các trang trại hoặc vùng nuôi cá tôm giống đạt tiêu chuẩn hay không đạt tiêu chuẩn quản lý hiện đại.

        Sau hai năm triển khai hệ thống, cơ sở nuôi giống cá tôm ở tỉnh Thái Bình không còn xảy ra sự cố khi thời tiết và môi trường thay đổi. Sản lượng và chất lượng nuôi giống cá, tôm được giữ vững ổn định, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Vì thế, hệ thống được Bộ NN&PTNT cùng cơ sở nuôi giống cá, tôm Lan Thao đánh giá cao về tiềm năng ứng dụng và nhân rộng kết quả trong thực tế.

Đề tài cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện

       Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu nhóm cũng có những thuận lời và khó khăn giống như bất cứ đề tài nghiên cứu nào. PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng chia sẻ, khi thực hiện đề tài nhóm nhận được tài trợ nên có kinh phí để mua vật tư linh kiện thực nghiệm. Ngoài ra, trang thiết bị tại phòng thí nghiệm của Nhà trường được đầu tư trang bị đầy đủ và Trường ĐHCN đã tạo mọi điều kiện để nhóm nghiên cứu thiết kế thành công hệ thống. Bên cạnh đó, nhóm cũng gặp khó khăn vì việc lắp đặt thiết kế hệ thống tại phòng thí nghiệm và hiện trường có sự khác biệt. Tại hiện trường thông số đo gây nhiễu nhiều, nên nhóm phải cân chỉnh và hiệu chỉnh nhiều lần để đưa ra phương án phù hợp với thực tế.

       Trong thời gian tới, PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng cho biết thêm hệ thống sẽ tiếp tục được bổ sung các thông số đo có ảnh hưởng tới quá trình nuôi giống cá, tôm bằng cách lập trình tích hợp thêm các loại cảm biến để đo được các thông số này.

Tuyết Nga [Bản tin ĐHQGHN số 314]

Video liên quan

Chủ Đề