Chúng minh Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới dàn ý

Tuyển chọn những bài văn hay Nhận định về lời phê bình của hoài thanh về các nhà thơ mới. Với những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo với onthihsg nhé!

Nhận xét về nhà thơ xuân diệu, nhà phê bình hoài thanh đánh giá: “xuân diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. qua bài thơ “vội vàng” của xuân diệu, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Nếu coi văn học dân tộc là một cánh đồng bất tận thì có lẽ Thơ mới [1932 – 1945] là một bãi bồi phù sa màu mỡ, phì nhiêu. Ở đó mọc lên những loài cây có gốc rễ từ xứ ta nhưng lại đơm những trái mang vị ngọt thơm từ phương Tây xa lạ. Và có một “thi thụ” luôn được coi là rất độc đáo: Xuân Diệu. Nhắc đến Xuân Diệu, điều khiến chúng ta nhớ nhất và đồng tình nhất luôn là lời nhận định của Hoài Thanh: nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.
Cùng với Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên…, trước Cách mạng tháng Tám, tên tuổi Xuân Diệu gắn liền với phong trào Thơ mới. Thơ mới là một hiện tượng văn học, là kết quả của một cuộc cách mạng thơ ca, đổi mới văn học theo xu hướng hiện đại hoá. Trước đòi hỏi của thời đại và bạn đọc bấy giờ, Thơ mới công phá thứ thơ lạc hậu, xáo mòn, cho ra đời một thứ thơ giản dị, tự nhiên. Thơ mới có sự đổi mới khá toàn diện và sâu sắc cả về nội dung và nghệ thuật.

Xuân Diệu đến với Thơ mới khi Thơ mới đã chiến thắng thơ cũ và đạt được nhiều thành tựu. Ở Xuân Diệu, không chỉ là sự khác biệt so với các nhà thơ sáng tác theo phương pháp cũ mà còn so với các nhà thơ lãng mạn cùng thời với ông. Nói cách khác, đến Xuân Diệu, diện mạo phong trào thơ mới nói riêng và thơ ca Việt Nam nói chung thực sự thay đổi. Khi Xuân Diệu xuất hiện, chính ông là người đã đưa Thơ mới lên đến đỉnh cao nhất. Là người nghiên cứu phong trào Thơ mới, có năng lực phê bình tinh hoa, khả năng thẩm định tinh tế, Hoài Thanh đã nêu được vị trí, vai trò rất quan trọng của Xuân Diệu trong phong trào thơ ca 1932 – 1945.

Thực vậy, đọc Thơ thơ và Gửi hương cho gió – những tập thơ được thi sĩ họ Ngô viết trước cách mạng mới thấy thơ Xuân Diệu có sự đổi mới căn bản về mặt nội dung. Nhà thơ luôn đem đến người đọc cái nhìn mới mẻ về cuộc đời, về con người và thể hiện nó bằng một hệ thống thi pháp cũng hết sức độc đáo.

Chẳng hạn, viết về thiên nhiên, thơ xưa và Thơ mới có quá nhiều thi phẩm đặc sắc. Chúng ta vẫn thường ngâm nga những câu thơ tuyệt bút như:

– Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lè trắng điểm một vài bông hoa.
[Truyện Kiều – Nguyễn Du]

– Thơ thẩn dừng chiều một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh lơ
Khí trời lặng lẽ và trong trẻo
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ.
[Cô hái mơ – Nguyễn Bính]

– Ngoài bờ đường cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
[Chiều xuân – Anh Thơ]

Nhưng rõ ràng thiên nhiên trong thơ xưa là thiên nhiên tĩnh, thiên nhiên trong Thơ mới cũng vẫn là thiên nhiên truyền thống, trong trẻo nhưng vẫn có cái gì đó buồn, lặng. Còn Xuân Diệu, hãy đọc những lời thơ dưới đây, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những bức tranh thiên nhiên trong trẻo, trẻ trung, tươi mới, đầy xuân sắc, xuân tình:

– Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
[Vội vàng]

– Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến nơi nơi động tiếng huyền.
[Thơ duyên]

Hay với đề tài tình yêu đôi lứa, thơ xưa thường né tránh hoặc hạn chế đề cập đến. Nguyễn Du phải táo bạo lắm mới để nàng Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya một mình. Nhưng Thơ mới viết nhiều về tình yêu và đặc biệt đến Xuân Diệu, “đệ nhất tình nhân”, thì đề tài này đã chiếm lĩnh hầu hết các sáng tác của thi sĩ. Thơ tình Xuân Diệu có đủ mọi cung bậc cảm xúc trong tình yêu [Trăng, Yêu, Tình thứ nhất, Tương tư chiều…], thậm chí còn cả những hình ảnh thơ mang màu sắc nhục thể:

Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!
Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!
Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt!
[Xa cách]

Hoặc với thời gian, Xuân Diệu cũng có những cảm nhận và cách thể hiện rất riêng. Trong khi các nhà thơ trung đại nhìn thời gian là một vòng chảy trôi tuần hoàn: Xuân khứ bách hoa lạc, Xuân đảo bách hoa khai, xuân đi xuân lại lại thì Xuân Diệu lại vô cùng nhạy cảm trước sự trôi chảy của thời gian. Nhà thơ cho rằng thời gian là tuyến tính, một đi không trở lại, vậy nên phải biết quý trọng mỗi phút giây đang trôi qua. Quan niệm đó đã cho ông một cách ứng xử rất đúng đắn với thời gian, với cuộc đời. Xuân Diệu không trốn chạy thực tại, không an nhiên trước sự trôi chảy của thời gian mà luôn nhìn thời gian trong sự vận động biến đổi không ngừng: Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua, Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già. [Vội vàng], luôn cuống quýt khát khao giao cảm với cuộc đời: Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm, Ta muốn ôm, Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn… [Vội vàng].

Thơ Xuân Diệu không chỉ mới về nội dung tư tưởng mà còn rất mới ở hình thức nghệ thuật. So với nhiều thi sĩ cùng thời, nhà thơ sở hữu một lối diễn đạt rất “Tây”. Lối diễn đạt mới mẻ, tân kì như thế này đúng là chưa từng thấy ở thơ ca đương thời và thơ ca trung đại: Hơn một loài hoa đã rụng cành; Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh; Những luồng run rẩy rung rinh lá [Đây mùa thu tới]; Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi [Vội vàng]… Cách diễn tả như thế làm bừng lên sức sống nội thân của thiên nhiên, khiến hình ảnh thơ không cần cố công miêu tả mà vẫn hết sức sinh động, gợi cảm.

Đi liền với lối diễn đạt rất “Tây” như thế là cách dùng từ, đặt câu hết sức mới mẻ. Xuân Diệu đã nạp thêm vào từ điển Việt Nam những kết hợp từ rất hay. Thi nhân viết: đoá hoa, hoa duyên, khúc nhạc thơm, khúc nhạc hường… Để rồi những gì người đọc nhận thức được không chỉ đơn thuần là nụ hôn, là đóa hoa, là khúc nhạc mà còn hơn thế nữa. Đọc Xuân Diệu, độc giả còn rất quen thuộc với những câu thơ giàu nhạc tính mà điển hình nhất là hai câu thơ gieo toàn vần bằng trong Nhị hồ:

Sương nương theo trăng ngừng lưng trời,
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi.

hay những vần thơ như tiếng nhạc nước long lanh trong Nguyệt cầm:

Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh,
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần.
Đàn buồn, đàn lặng; ôi đàn chậm,
Mỗi giọt rơi tàn, như lệ ngân. 

Đọc những câu thơ ấy lên, rõ ràng, ngoài lời, ngoài ý, chúng ta còn như được lắng nghe những khúc nhạc mà người nghệ sĩ tài ba đang làm nhạc trưởng. Những con chữ cứ ngân nga, ngân nga, khi cao vút tận lưng trời, khi buồn lắng thấu tận xương da.

Ở một số bài thơ khác, Xuân Diệu sử dụng lối vắt dòng, kéo dẫn lời thơ, làm câu thơ gần với văn xuôi nhưng không vì thế mà mất đi chất thơ:

Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi.

Đoạn thơ như một dòng suối, dòng thơ trước tràn xuống dòng thơ sau như mạch nguồn cảm xúc trong thi nhân tha hồ tuôn chảy, không gì có thể ngăn hãm. Niềm khát khao được hòa nhập tận độ, khát khao được chiếm lĩnh, tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống, khát khao giao cảm với đời theo đó mà dâng trào mãnh liệt.

Cùng với sự sáng tạo về ngôn từ là những sáng tạo về hình ảnh. Xuân Diệu thực tài năng và độc đáo vô song khi dựng lên trong thơ ca Việt Nam các hình ảnh này: Đôi nhánh khô gầy sương mỏng manh [Đây mùa thu tới], Anh với em như một cặp vần [Thơ duyên]. Ca dao nói: Đôi ta như thể con tằm, Đôi ta như thể con ong, Nguyễn Du mượn lại điển tích xưa để viết thành chim liền cánh, cây liền cành, Nguyễn Bính thì mơ mộng Võng anh đi trước, võng nàng theo sau… và thế thôi cũng đã đẹp lắm rồi, thơ lắm rồi. Nhưng Xuân Diệu, bằng trái tim và lối tư duy ngập tràn ý thơ, thi sĩ lại có cách so sánh hết sức táo bạo: Anh với em như một cặp vần. Cặp vần giữa bài thơ dịu, giữa bài thơ của đất trời, giữa sự giao duyên của thiên nhiên, vạn vật. Cặp vần là khăng khít lắm, gắn bó lắm, không thể lạc điệu, sai từ.

Trở lên, bất cứ ai cũng phải thừa nhận rằng Xuân Diệu đã tạo được một phong cách nghệ thuật riêng, khác hẳn với tất thẩy các nhà Thơ mới khác. Vị trí mà nhà thơ có được trong phong trào Thơ mới đúng là Một, là Riêng, là Thứ nhất, một vị trí không ai có thể thay thế.

Xuân Diệu đến với Thơ mới như một đỉnh cao chói lọi, hoàn thiện quá trình phát triển của thi ca lãng mạn Việt Nam 1932 – 1945. Đúng là thời gian đầu, thơ Xuân Diệu còn “xa lạ” với bạn đọc. Nhưng độc giả của Thơ mới, của nhà thơ càng đọc lại càng thấy sự gặp gỡ, đồng điệu với thi nhân. Ngay cả chúng ta, những bạn đọc của ngày hôm nay, những bạn đọc sống sau Xuân Diệu hơn nửa thế kỉ vẫn cảm thấy thích thú và sảng khoái khi được nghe, được cầm cuốn thơ Xuân Diệu trên tay mà đọc đầy hứng khởi.

Bằng tất cả vốn liếng thơ ca nghệ thuật của mình, thi sĩ họ Ngô đã thúc đẩy tiến trình hiện đại hoá thơ ca Việt Nam một cách nhanh chóng.

Làm nên sự thành công trong thi ca Xuân Diệu trước hết phải kể đến “tố chất” nghệ sĩ, năng lực thiên bẩm ở nhà thơ. Nhưng sau nữa, và quan trọng hơn cả, chúng ta phải nhắc đến sự khổ luyện, một ý thức lao động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo, đúng như nhà thơ viết: Người đọc thơ muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo càng hay. Tuy sáng tạo những cái mới nhưng Xuân Diệu không hề đối lập với thơ ca truyền thống. Nhà thơ biết tiếp thu những tinh hoa của thơ ca truyền thống và thơ tượng trưng Pháp để làm giàu cho thơ ca mình.

Trong Một thời đại trong thi ca, nhà phê bình văn học Hoài Thanh có nhận xét: ta đắm say cùng Xuân Diệu. Thực vậy, chỉ hai chữ đắm say đó thôi cũng đủ để nói hết xúc cảm của muôn triệu độc giả khi đọc thơ Xuân Diệu – nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.

Lê Thị Thoa Trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2018

Video liên quan

Chủ Đề