Có nên cho bé lớp 1 tiền

Nhiều bậc phụ huynh vẫn cho rằng, tiền bạc là chuyện của người lớn, thế nhưng nếu trẻ nhỏ không được giáo dục sớm về tiền bạc, có rất nhiều hệ lụy đã xảy ra..

Giật mình vì cấm con cầm tiền

Cho con mang tiền đi học hay không, luôn là câu hỏi trăn trở của nhiều phụ huynh, không biết làm thế nào là tốt nhất cho con. Chị Gia Lộc (quận Bình Tân, TPHCM) đau đầu cho biết, con mới học lớp 2 nên chị không cho cháu mang tiền đi học mỗi ngày.

Thời gian đầu bé ngoan ngoãn không có ý kiến gì, nhưng vào năm học mới chưa được bao lâu, con gái chị bắt đầu mè nheo, ăn vạ, đòi phải cho tiền thì bé mới chịu đi học.

“Tôi không cho con mang tiền đi học vì không muốn con mua nước ngọt, bánh kẹo không đảm bảo sức khỏe, nhưng hôm trước con khóc và bảo ai ở lớp cũng có tiền đi mua quà, rồi miếng dán hình công chúa, riêng con không có.

Tôi có nói nếu con thích, cuối tuần mẹ sẽ cho con đi nhà sách để mua nhưng con vẫn không chịu, ngày nào cũng khóc lóc, thậm chí còn ăn vạ không chịu đi học, tôi không biết phải làm thế nào”, chị chia sẻ.

Cũng đau đầu với cô con gái học lớp 4, chị An Hoài chia sẻ: “Mỗi ngày tôi chuẩn bị đồ ăn con thích để mang theo đến lớp, khi bánh gạo, khi bánh đậu xanh, khi thì viên phô mai…

Mấy năm qua mọi chuyện rất yên ổn, con tôi cũng chẳng có dấu hiệu gì là cần tiền tiêu vặt. Nhưng gần đây, cháu hỏi xin tôi tiền khi đi học. Tôi không cho.

Vài lần đầu, cháu im lặng bỏ đi. Tuy nhiên, dạo này cháu cứ nằng nặc xin cho bằng được. Tôi bực mình, giải thích hết lời cho con hiểu rằng: Ăn những món đó không tốt, không hợp vệ sinh, con cũng chưa đủ lớn để tiêu tiền…

Thuyết phục một hồi, cháu nói rằng, gần trường bán nhiều đồ ngon lắm, nhìn mấy bạn ăn con thèm lắm. Với lại các bạn trong lớp ai cũng được ba mẹ cho tiền, có bạn còn được cho tận 100.000 đồng. Bạn mua đồ cho tụi con ăn, lâu lâu mẹ cũng phải cho tiền để con mua đãi bạn lại chứ.

Vài hôm trước, tôi phát hiện ra con và vài bạn trong lớp tụ thành một nhóm chơi với nhau, hình như cháu được cho 100.000 đồng mỗi ngày được tôn làm thủ lĩnh của nhóm.

Hóa ra, bé có tiền thì có những đứa bạn đi theo để chơi và để được ăn quà. Con tôi không có tiền nên đi theo mấy bạn đó. Nghe vậy tôi giật mình, biết là cũng nên cho con tiền tiêu vặt, nhưng cho bao nhiêu là vừa, đâu thể cho nhiều như vậy được.

Cuối cùng tôi vẫn kiên quyết không cho con tiền nhưng thấy cảnh con đeo bám theo bạn, tôi cũng áy náy thấy không phải với con”.

Long - con trai của chị Thủy năm nay học lớp 6. Tuy đã khá lớn nhưng từ trước đến nay chị chưa bao giờ cho con tiền tiêu vặt, tất cả nhu cầu mua sắm của con chị đều lo đầy đủ.

Vì thế, chị đã “té ngửa” khi cô giáo chủ nhiệm cho biết, Long ăn trộm tiền của bạn. Hóa ra thấy bạn mua bánh, mua nước ngọt vào giờ ra chơi, xin mãi bạn không được, cậu bé đã trộm tiền của mẹ một lần để ăn quà vặt.

Khi tiêu hết tiền, không dám lấy nữa vì sợ mẹ phát hiện, thấy trong cặp của bạn ngồi cạnh có tiền, cậu bé đã lấy luôn một tờ 20.000 đồng của bạn.

TS xã hội học, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy cho biết, nhiều bậc phụ huynh lo lắng rằng cho con cái tiền tiêu sớm sẽ khiến chúng hoang phí, dùng tiền vào những mục đích không tích cực, chơi điện tử hoặc ăn quà vặt. Chính vì vậy, dù con cái đã khá lớn, họ vẫn không cho con tiếp xúc với đồng tiền.

Trên thực tế, cách giải quyết đó không phải là không có mặt trái. Khi trẻ quá tò mò mà bị ngăn cấm, chúng sẽ ăn trộm tiền để được tiêu tiền như chúng bạn. Khi trẻ đã có tiền trong tay mà không được định hướng cách sử dụng thì còn nguy hiểm hơn nhiều.

Phụ huynh không nên quá lo nghĩ về những điều tiêu cực của việc cho trẻ tiền tiêu vặt mà mất cơ hội dạy con hưởng những điều tích cực như cách tiêu tiền, quản lý tiền và mua sắm.

Hơn nữa cho tiền tiêu vặt còn giúp con hòa đồng với bạn bè, không để trẻ cô độc và bị lợi dụng, lôi kéo. Nên cho con tiền tiêu vặt, thậm chí là ngay từ năm lớp 1. Tuy nhiên, kèm với việc cho tiền, phụ huynh cần dạy con cách tiêu tiền như thế nào cho hợp lý.

Vì vậy, tùy lứa tuổi, chúng ta có thể cho số tiền tương ứng. Ví dụ những năm cấp I, cha mẹ nên cho tiền ít, khoảng dưới 10.000 đồng, đúng nghĩa tiêu vặt.

Tuy nhiên, khi trẻ lên cấp II chúng ta có thể tăng số tiền lên. Các em dùng tiền không chỉ đơn giản là tiêu vặt mà còn cho nhiều mục đích khác như chăm sóc bản thân, chia sẻ với bạn bè, bày tỏ sự quan tâm với người khác…

Trong trường hợp này, khi cho tiền, là ta đã cho trẻ cơ hội để học cách chia sẻ và quan tâm bạn bè… Điều quan trọng cha mẹ cần phải dạy dỗ nhắc nhở con là giá trị đồng tiền. Tiền không phải từ trên trời rớt xuống, đồng tiền làm ra từ mồ hôi, từ bàn tay con người. Một đồng cũng quý và cần chi tiêu có ích.

Vì vậy, hãy dạy con cách tiêu tiền. Mỗi lần đi chợ, siêu thị, chọn một món đồ trong nhà… là một cơ hội để dạy trẻ cách tiêu tiền hợp lý.

Qua mỗi lần như vậy, trẻ có thể học được nhiều điều. Đưa con đi mua sắm, cũng đừng quên hướng dẫn về những đồ ăn thức uống có xuất xứ an toàn để trẻ tránh bị ngộ độc thực phẩm hay ăn phải đồ độc hại… Cha mẹ cũng cần dạy con ý thức tiết kiệm tiền để làm việc hữu ích cho bản thân, cho gia đình và giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Chị Nguyên Trang có con học lớp 2 chia sẻ, chị cũng từng có suy nghĩ không cho con mang tiền đi học, nhưng thực tế, khi vào hoàn cảnh, chị đã phải thay đổi cách nghĩ.

Con chị nhiều hôm đi học về kêu khát khô cổ vì bình nước mang theo đã uống hết, giờ nghỉ thì không chen được với các bạn để lấy nước trong bình ngoài hành lang, cũng không có tiền để mua nước trong căng tin, vì thế, mỗi ngày chị cho con 5.000 đồng để mua nước tại căng tin nếu khát.

“Buổi tối về tôi sẽ hỏi con mua thứ gì, bao nhiêu tiền, còn bao nhiêu. Tôi nghĩ là nên dạy con biết tiêu, kiểm soát tiền mình có chứ không phải ngăn cấm”, chị Trang nói.

Chị Trần Thanh Tâm, phụ huynh con học lớp 6 tại quận 5, TPHCM cho biết khi con chị học tiểu học, chị thường chuẩn bị một ít trái cây gọt sẵn bỏ vào hộp, cho con mang theo sữa, bánh trong ba lô để giờ ra chơi con sẽ ăn, con cũng có sẵn bình nước mang theo.

Chị không cho con mang tiền đi học mỗi ngày vì con còn nhỏ. Khi con học lớp 6, chị thoả thuận mỗi tuần sẽ cho con một khoản tiền tiêu vặt, khoảng 50.000 đồng.

Chị sẽ hỏi con, con phân chia số tiền này ra sao, vào những việc gì, cuối tuần, chị ngồi lại kiểm tra cùng con xem số tiền dư bao nhiêu. Con sẽ bỏ ống heo số tiền dư, để tiết kiệm mua thứ gì con thích, hoặc mua quà tặng người thân, bạn bè.

Chị nói: “Dạy con tiêu tiền cũng là một bài toán khó. Phải từ từ, giảng giải, để con hiểu làm ra tiền không dễ và biết quý trọng sức lao động”.

“Mỗi lứa tuổi đều có thể có cách dạy phù hợp về đồng tiền. Dạy trẻ cách tiêu tiền cũng chính là dạy chúng học cách làm người, làm chủ bản thân trước sức hút của đồng tiền trong thời buổi hiện nay.

Ngoài ra, dạy thói quen quý trọng tiền bạc, chi tiêu có kế hoạch. Những trẻ em được giáo dục đầy đủ về quản lý và sử dụng tiền bạc sau này thường có khả năng làm kinh tế giỏi”, Tiến sĩ Thúy nhận định.

Có nên cho bé lớp 1 tiền
Ảnh minh họa.

Đi học cũng được… trả công

Trái với những phụ huynh trên, nhiều bậc cha mẹ khuyến khích con kiếm tiền bằng những công việc nhỏ, thậm chí bằng những thành tích học tập.

Chị Minh Hằng (Quận 4, TPHCM) tự hào: “Tôi có quy định rất rõ với con: Nếu con đạt điểm 9, 10 sẽ được 5.000 đồng, nếu bị điểm kém dưới 7 thì sẽ bị thu lại 2.000 đồng. Số tiền đó con bỏ heo tiết kiệm, cuối năm sẽ đập heo kiểm kê và mua quà bằng chính số tiền đó. Nhờ vậy, con tôi học rất chăm chỉ mà mẹ không cần phải thúc giục gì”.

Còn ở nhà chị Thùy Anh, công việc nhà được “định giá” rất rõ ràng: Rửa bát: 5.000 đồng, lau nhà: 10.000 đồng, tưới cây: 3.000 đồng, đổ rác: 2.000 đồng, dọn nhà vệ sinh: 20.000 đồng…

Chị kể: “Từ khi có quy định này, hai đứa con tôi chăm chỉ và tự giác hơn hẳn trước. Chỉ cần cả nhà ăn cơm xong là hai đứa tự phân công nhau dọn bát đem đi rửa rồi ra đánh dấu vào sổ chấm công.

Để tránh tị nạnh, tôi cũng phân công cụ thể công việc của các con theo từng ngày trong tuần, cứ như vậy mà làm. Mỗi tuần, tôi sẽ phát lương cho con theo số đầu việc đã làm. Số tiền đó con cho vào lợn và nửa năm đập một lần để mua đồ mình thích”.

Không thể phủ nhận mặt tích cực của việc cho trẻ tiếp xúc với tiền bạc, dạy con cách kiếm tiền, quản lý tiền sẽ giúp trẻ tự tin, năng động và có ý thức hơn, nhưng bên cạnh đó, cũng có những mặt trái đáng chú ý.

Ngay từ khi mới học lớp 4, bé Thùy Trang (TPHCM) đã biết xin mẹ “tiền vốn” để mua bánh tráng, bút viết về bán lại cho các bạn trong lớp, mỗi cây bút bé “lời” 1.000 đồng.

Lớn một chút, lên cấp 2, Trang tự mày mò tìm hiểu trên mạng để làm… kem trộn, kem trắng da bán cho các bạn. Ba mẹ Trang khá tự hào khi thấy con biết kiếm tiền, thậm chí còn khuyến khích con bán hàng cho đến khi cô giáo chủ nhiệm mời ba mẹ đến để thông báo: Cô bé không tập trung vào việc học, điểm số sụt giảm nghiêm trọng vì đến lớp cô bé chỉ chăm chăm bán hàng, nhận đơn, giao hàng cho các bạn mà không làm bài tập, không học bài.

Chị Nguyễn Hoàng Khánh Tiên, chuyên gia giáo dục tài chính, cán bộ dự án cao cấp Tổ chức Save the Children cho rằng, cho con đi làm thêm là mang lại cơ hội trải nghiệm cho trẻ về quan niệm với tiền bạc và rèn luyện kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, không nên trả tiền công cho con khi làm việc nhà bởi đó là trách nhiệm với gia đình chứ không phải là công việc được trả tiền mới làm. Nếu là công việc, khi bạn cảm thấy không phù hợp bạn có thể nghỉ, tìm việc khác, nhưng trách nhiệm chăm sóc bản thân và gia đình thì phải được dạy ý thức cùng làm và san sẻ với nhau.

Đồng thời, trả tiền khi con đạt điểm cao là một quan niệm sai lầm bởi tiền bạc không thể mua được sự sáng suốt, động lực hay thành công trong học tập. Những đứa trẻ được thưởng khi đạt điểm tốt sẽ bắt đầu có suy nghĩ mình xứng đáng được thưởng khoản tiền đó – một thái độ khiến trẻ mất đi khả năng nuôi dưỡng tình yêu học tập và ý thức trách nhiệm về việc tự học.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Cty Giáo dục KIDSTIME Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, việc dùng tiền làm phần thưởng để trẻ làm việc nhà hay học tập, trước mắt, việc làm này sẽ có hiệu quả khi trẻ tích cực làm việc hơn và sự đáp ứng ngay của con. Thế nhưng, đó là sự “lợi bất cập hại” khi bố mẹ vô tình lấy đi những giá trị tinh thần trong quan hệ gia đình.

Có thể mọi người cho rằng, đó là sự công bằng khi trả công cho con, nhưng vô hình chung khiến đứa con lớn lên với cái tính thực dụng.

Theo nhà tâm lý, có nhiều cách khác tích cực để bố mẹ khuyến khích con làm việc nhà hay học tập. Thực tế, trẻ rất thích làm mọi việc nhưng thường không được như ý người lớn. Và bố mẹ sẽ chọn hoặc làm thay con hay tìm cách nào đó (trong đó có thưởng) để ép con làm theo ý mình.

Trẻ sẽ vui vẻ làm việc nếu bố mẹ cũng làm việc. Trẻ sẽ không mệt mỏi, làm việc một cách vui vẻ nhẹ nhàng nếu trẻ được tập luyện cho làm việc nhà từ nhỏ, từ những việc đơn giản để dần dần trở nên một thói quen chứ không phải là những mệnh lệnh ngẫu hứng và kèm theo sự phê phán.

Trẻ cũng được khen thưởng, khích lệ nhưng thay vì chỉ là những đồng tiền vô cảm, mà có thể đó sẽ là một sự tán thưởng, hay một món quà mà trẻ được tùy chọn vào trong dịp đi chơi cuối tuần.

Bố mẹ cũng có thể thưởng tiền, nhưng đó là để đáp ứng một nhu cầu nào đó của trẻ chứ không đơn thuần là một sự trao đổi “tiền trao cháo múc” .