Hai viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ

Từ bài viết của Bác sĩ / Nhà văn Ngô Thế Vinh về giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã đưa Nguyệt Mai ý nghĩ đi tìm “Câu chuyện hình thành Viện Đại Học Cần Thơ” trên mạng. May mắn, NM đã tìm thấy bài viết này từ trang vietbao online ngày 23-04-2007.

Xin được chia sẻ với quý bạn.

—-

Hình ảnh Viện Đại Học Cần Thơ trước năm 1975

Vy Thanh

[LTS: Vy Thanh là bút hiệu của Cựu Tổng Thơ ký Đại Học Cần Thơ, vượt biên qua Mỹ tiếp tục làm việc lại cho Đại học Michigan [Mỹ]. Ông là người thời học sinh từng “nóp với giáo” vào bưng biền kháng chiến chống Pháp. Nhưng thức tỉnh sớm trước sự xâm nhập thống trị của CS Hà Nội, đã ra thành học lại và được du học Mỹ tốt nghiệp Ph.D. Trở về thi hành lịnh động viên và được đưa về làm giáo sư ở Trường Võ bị Đà lạt. Sau đó được cử về xây dựng Viện Đại Học Cần Thơ, trong nhiệm vụ Tổng Thơ Ký.] [nguồn]

Lời nói đầu:
Vài giờ trước khi Đại hội Mùa Hè năm 1997 của cựu học sinh Phan Thanh Giản – Đoàn Thị Điểm khai mạc…

Trong một hiệu ăn phố Tàu ở Toronto, Thái Minh Kiệt, tức nhà văn Nguyễn văn Ba [1] — một giảng nghiệm viên cũ của Viện Đại học Cần Thơ — cầm tay tôi, thì thầm:

… Anh cố gắng ghi lại quá trình của Viện Đại học Cần Thơ từ thành lập, phát triển, cho tới khi cả miền Nam bị cộng sản miền Bắc xâm chiếm. Mình không viết ra thì sau này con cháu mình làm sao biết được chuyện đó từ đầu.

Anh là người đi khẩn hoang, đứng ra quy tụ anh em đi lượm từng cục gạch, xin từng miếng ngói, khởi công xây dựng nó từ lúc nó chỉ có cái tên trên Sắc lệnh. Anh đã làm, đã gặp khó khăn ngay những ngày đầu, đã nặn nó thành hình, nuôi dưỡng, uốn nắn nó từ ngày nó còn non choẹt cho tới năm lớn mạnh, nên dáng nên vóc. Cùng với những anh chị em trẻ cũng như các thầy đứng tuổi có mặt ngay từ ngày đầu, Anh đã dựng nó đứng vững trên vùng Sông Hậu, để nó tiếp tay với các Viện đàn anh như Sàigòn, Huế, Đàlạt, Vạn Hạnh trong vai trò dẫn dắt và giáo dục nhiều thế hệ đã sống và sinh ra ở miền Nam. Anh mà không viết ra chuyện đó thì uổng lắm. Nếu anh không có thì giờ, cố gắng đọc vô tape gởi cho em. Em sẽ viết ra…

Thế nào cũng phải viết về lịch sử thành lập của Viện Đại học Cần Thơ, nghe anh!

Nhưng nhà văn Nguyễn Văn Ba không còn sống để nghe kể chuyện xảy ra 40 năm trước. Đặng viết ‘Lịch sử của Viện Đại học Cần Thơ.’ Anh ngã xuống sàn nhà lúc vừa bước vào hội trường. Hôn mê từ lúc ấy, anh không còn ở thế gian này để viết lại cho hậu thế đọc tiếp những chuyện như, … “ở đời có bốn cái ngu”.

Anh Kiệt đã đoán đúng.

Ngay trong đêm 3 tháng 5/1975 khi chiếc chìa khóa — tượng trưng Viện Đại học Cần Thơ — từ tay Giáo sư Nguyễn văn Vàng, đương kiêm Tổng Thư ký Viện Đại học Tháp đồng hồ trong khu Đại học Cần Thơ được trao về chủ mới, tất cả nhân viên của Viện Đại học Cần Thơ đã rớt nước mắt khi nghe giáo viên trường tiểu học Cái Răng Bé hồi xưa tên Đặng Văn [Sáu] Bá ba hoa:

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân miền Tây đã đấu tranh thắng lợi để có Viện Đại học Cần Thơ ngày hôm nay!”

Mới đây, trong cuốn ‘Địa chí Cần Thơ,’ [2] Tỉnh ủy Đảng bộ Cộng sản Cần Thơ lại xác nhận chuyện cướp công một lần nữa với luận điệu:

“Bước một, tổ chức và tung dư luận ‘gây men.’ Bước hai, tập hợp lực lượng, tranh thủ mọi tiếng nói đồng tình. Bước ba, khai thác mâu thuẫn trong nội bộ ngụy quyền. Bước bốn, chớp đúng thời cơ để mở Viện Đại học.” [sic]

Nếu anh Kiệt còn sống, chắc anh sẽ nghe bạn bè đồng nghiệp tại Viện bảo nhau:

– Mấy ‘ổng’ viết còn thiếu.”

Những dòng ghi nhanh dưới đây, nhắc lại những gì xảy ra sau khi Sắc lệnh số 62-SL/GD thành lập Viện Đại học Cần Thơ được ban hành.

Kể lại chuyện Viện Đại học Cần Thơ có hai chủ đích. Một, để giữ lời hứa với người đồng nghiệp quá cố. Hai, để thế hệ sau này ở vùng Sông Hậu – Sông Tiền biết rõ chuyện thành lập một cơ sở đại học đầu tiên ở miền Tây. Chuyện hình thành Viện Đại học Cần Thơ không phải là công của một người, hay là một nhóm người. Đó chỉ là cái bẫy của cộng sản Việt Nam giăng ra đánh lừa tất cả những ai muốn có chút gì để đời!

Chuyện này dành riêng cho thế hệ trẻ được sinh sau ngày Viện Đại học Cần Thơ được khánh thành và khai giảng khóa đầu — ngày 23 tháng 9, năm 1966. [3] Bởi, sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 những người từ ngoài Bắc vào xâm chiếm miền Nam đều cho rằng:

“– Trường Đại học Cần Thơ thật sự lớn mạnh chỉ từ khi đất nước thống nhất!”

Điều này đúng hay sai, người đọc sẽ thấy rõ ở những trang dưới đây.

Nhưng trước hết, khi ghi mấy dòng này người viết xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các đàn anh quá cố đã có công trong việc xây đấp nền móng cho Viện Đại học Cần Thơ:

– Giáo sư Nguyễn Văn Bông, nguyên Viện trưởng Học viện Hành chánh Quốc Gia,

– Giáo sư Nguyễn Duy Xuân, Viện trưởng thứ II và sau cùng của Viện Đại học Cần thơ; Tổng trưởng Giáo dục cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa; Khoa trưởng thứ II Đại học Luật và Khoa học Xã hội;

– Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Khoa trưởng đầu tiên Đại học Luật và Khoa học Xã hội;

– Giáo sư Phan Lương Báu, Giám đốc đầu tiên Trường Cao đẳng Nông nghiệp;

– Giáo sư Lê Văn Diệm, Khoa trưởng đầu tiên Đại học Văn khoa;

– Giáo sư Nguyễn Văn Vàng, Tổng Thư ký thứ III Viện Đại học, Tòa Viện trưởng;

– Bác sĩ Lê Văn Thuấn [dẫu biết rằng ông đã hoạt động cho “bên kia”]

– Thầy Trương Quan Liêm, Trưởng Phòng Hành chánh, Tòa Viện trưởng;

– Thầy Trần Ngọc Luân, Trưởng phòng Kế toán và Ngoại viện, Tòa Viện trưởng;

– Thầy Bùi Chí Huy, Trưởng phòng Học vụ, Tòa Viện trưởng;

– Thầy Nguyễn Văn Phép, Quản thủ Thư viện đầu tiên Viện Đại học Cần Thơ;

– Thầy Phan Thanh Châu, Thư ký Đại học đường Đại học Khoa học Cần Thơ;

– Thầy Thái Minh Kiệt, Giảng nghiệm viên Đại học Khoa học Cần Thơ;

– Kiến trúc sư Hồ Văn Tự;

và những anh chị giảng viên, nhân viên đã khuất mà người viết chưa được biết.

—————————————————————————-

I. Trước khi dấn thân.

Sàigòn, tháng 5 năm 1966.

Nhật báo ở miền Tây, và ở Sàigòn viết: “Cần thiết có một Viện Đại học ở miền Tây.” Mừng cho miền Tây. [4]

Tỉnh nhà rộn rịp kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương ký Sắc lệnh thành lập Viện Đại học Cần Thơ. [5] Rồi ngày hôm sau, ông chủ tọa lễ ban hành Sắc lệnh trọng thể tại bến xe của tỉnh, hứa hẹn đủ thứ. Bốn mươi bảy ngày sau nữa, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu ký Sắc lệnh bổ nhiệm giáo sư Phạm Hoàng Hộ làm Viện trưởng. [6] Một chuyện ‘loạn’ trong thủ tục hành chánh thời chiến: Thủ tướng thành lập đại học. Tổng thống bổ nhiệm Viện trưởng đại học! Tướng nào cũng có quyền hết!

Khi hay mấy tin đó, ở Sàigòn cũng như ở mấy tỉnh miền Tây, ai cũng cùng một suy nghĩ. Sau ông Viện trưởng, Bộ Giáo dục sẽ bổ nhiệm Tổng thư ký của Viện Đại học, rồi đến các ông Khoa trưởng, các ông Giám đốc, và các ông Trưởng của những phòng điều hành trong Viện, v.v… Giới khoa bảng ở Viện Đại học Sàigòn dòm ngó mấy ghế khoa trưởng mới đóng, chưa ai ngồi. Giới thầy giáo ở tỉnh nhà và các tỉnh lân cận, — nhất là những người có mặt trong cái gọi là Ủy ban vận động thành lập Viện Đại học Cần Thơ — ngắm nghé chức Tổng Thư ký của Viện cùng mấy chân Thư ký Đại học đường ở các phân khoa sẽ được lập ra. [7] Ai cũng rộn rịp đón nhận tin vui mới. Nhất là những cô, cậu vừa đỗ Tú tài.

Nhưng có mấy ai biết được những gì đã tượng hình trong đầu của cộng sản “trong kia.” Trong lúc ông Viện trưởng cơ sở vừa được khai sinh trên hữu ngạn Sông Hậu tìm ‘cánh tay trái’ giúp đóng chiếc ghe lường có mấy chữ La-tinh khắc đằng mũi: CANTHO UNIVERSITAS, giống như ông đã thấy ở Viện Đại học Paris–Sorbonne, thì Liên Khu ủy Miền Tây xoa tay, cười, sung sướng!

II. Bắt đầu dấn thân.

Tôi được phân công gác phòng thi “Chứng chỉ Thực vật Đại cương” sáng hôm đó. Trưởng phòng thi là giáo sư Phạm Hoàng Hộ, đương kiêm Trưởng Ban Thực vật, Đại học Khoa học Sàigòn.

Bài thi gồm 3 đề, làm trong 3 giờ.

Gần cuối giờ thi. Nhân đi ngang, gần tôi, ông bảo:

— Sau giờ thi, anh vào gặp tôi. Có chút việc tôi muốn bàn.

— Vâng!

Giáo sư Trưởng Ban Thực vật nhắc ghế mời tôi ngồi:

— “Tôi muốn anh từ chối học bổng đi Pháp,” ông vào đề, “về Cần Thơ giúp tôi xây dựng Viện Đại học Cần Thơ. Sau một năm, công việc chạy tôi sẽ đề nghị cho anh du học ở Hoa Kỳ thay vì đi Pháp.”

— Tôi nghĩ sẽ không làm được việc Giáo sư vừa nói. Bởi, tôi chẳng học nghề đó.

— Chuyện đâu có gì phải lo. Mình không biết thì học. Cố gắng thì làm được. Mong anh suy nghĩ kỹ. Tôi sẽ đề cử anh làm Tổng Thư ký của Viện.

— Sao Giáo sư không mời mấy ông Chánh Sở Giáo dục hay Hiệu trưởng ở Cần Thơ hoặc Vĩnh Long?”

— Các anh trong Ban Vận động và Nghiên cứu thành lập Viện Đại học Cần Thơ đã nhiều lần giới thiệu họ với tôi. [8] Tôi đã đưa danh sách đó cho giáo sư Trần Quang Đệ coi. Ông nói: “Ở Cần Thơ, anh em phải lập ra một université “une université à part, non un prolongement du lycée existant. Recruitez le personnel administratif parmis les jeunes dans le corps enseignant des facultés. Commencez une nouvelle université avec une nouvelle génération. [9] [Tạm dịch: Ở Cần Thơ, anh em phải lập một viện đại học – một viện đại học riêng biệt – không phải là một nối dài của trường trung học hiện hữu. Hãy tuyển dụng nhân viên hành chánh chọn trong số nhân viên giảng dạy ở các trường đại học. Khởi sự một viện đại học với một thế hệ mới!]

Thấy đối thoại sẽ chẳng đi đến đâu, tôi kiếu.

— Tôi không thể nhận đề nghị của Giáo sư được. Xin phép Giáo sư, tôi về.”

Ông bắt tay tôi:

— Anh nên suy nghĩ kỹ. Đây là việc chung. Mình phải đứng ra giúp thanh niên vùng đồng bằng Cửu Long có cơ hội học lên sau khi tốt nghiệp trung học. Nếu chúng ta không làm bây giờ ai sẽ làm việc này và chừng nào”. Tôi cho phép anh nghỉ một tuần đi về Cần Thơ tìm hiểu mọi sự rồi cho tôi biết ý kiến.

Được cho nghỉ, tôi đi Cần Thơ kiếm sự thật.

Ba đầu mối tôi phải biết. Một, “một người” hay “nhiều người” giật dây này, và “họ ở đâu?” Hai, thực lực để làm chuyện này. Ba, có phải đây là tuồng “Thanh Niên Tiền Phong” năm 1945 sẽ diễn lại ở Cần Thơ với bầu gánh mới và đào kép mới” [10]

Tôi đã thấy những gì xảy ra ở Viện Đại học Sàigòn sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám hại. Khoa trưởng Lê Văn Thới bị sinh viên đả đảo. Xin độc giả ghi nhớ: Giáo sư Lê Văn Thới là cán bộ trí vận của Trung ương Cục; sau 30-4-1975, ông được lệnh quy tụ lại trí thức ở Sàigòn-Chợlớn-Giađịnh thành lập cái họ đặt tên là “Hội Trí thức yêu nước.” Ở các tỉnh miền Tây hiệu trưởng trung học bị thay liên miên. Bởi học sinh nghe lời “trong đó” bảo, khuấy rối, xách động thường xuyên. Đấy là chuyện ở tỉnh mà tôi nghĩ sẽ lan rộng tới đại học không bao lâu. Ở Viện Đại học ngoài Huế. Ở Viện Đại học trên Đàlạt. Sinh viên xuống đường hà rầm, từ đầu thập niên 1960, đều giống hệt như vậy. Nhất định cộng sản Bắc Việt sẽ không để Chánh quyền Quốc gia yên xây dựng một cơ sở đào tạo nhân lực cho đất nước trong lúc này. Còn nếu để, thì môi trường đại học sẽ là nơi “họ” dùng để tiến hành cùng một lúc công tác tuyên truyền chủ thuyết cộng sản và công tác xách động quần chúng hằng ngày như Đệ tam Quốc tế Cộng sản quy định. Chất xám của sinh viên là môi trường dễ thậm thấu và nhanh nhất lý thuyết cộng sản. [11]

Cần Thơ là nơi tôi lớn lên và hiểu rõ số phận của đất nước mình từ năm quân đội Nhựt đổ bộ vào bán đảo Đông Dương. Việt Minh lùa dân thành đi tản cư. Xong Tây trở lại. Cuộc chiến kéo dài, Tây đi Mỹ đến. Từ lúc rời tỉnh lên Sàigòn học, làm việc, rồi đi lính. Cho đến bấy giờ vẫn lộn xộn. [12] Ở đồng quê cũng như tại thành thị. Đen trắng bất phân. Sáng Quốc gia, chiều tối Cộng sản trà trộn. Người dân chẳng thấy an, ở bất kỳ chỗ nào trên đất nước. Cứ tiếp tục chết. Sẵn sàng giết nhau bằng đạn và súng của nước ngoài.

Ngoài các thông tin về hiện tình của Vùng IV Chiến thuật, tôi thấy mấy tia sáng rọi ngay công việc mà ông Viện trưởng dự định giao. Nhưng mấy thầy cũ giúp tôi có cái nhìn thật chính xác về tương lai gần của Viện Đại học sắp khánh thành tại tỉnh nhà. Các thầy cho biết những gì “người trong kia” chỉ “người ngoài này” quậy cho ra cái viện đại học. Nhóm “người ngoài này” cũng vẫn lẩn quẩn mấy người trong các thầy giáo ở tỉnh cùng vài ông có máu mặt tại thị xã và ở Sàigòn. Giống như hồi 1945-1954. Họ được rỉ tai về chuyện mà Lenin đã dạy cán bộ cộng sản phải học nằm lòng: “Kiên trì tuyên truyền chủ thuyết cộng sản và xách động các tầng lớp trong hàng ngũ địch hằng ngày. Chống đối, nếu cần vũ trang, để gây bạo động xáo trộn đời sống, tạo thời cơ cướp chánh quyền”. [13]

Khi biết rành “gốc ngọn” của những “người muốn trồng cây” trên vùng đất phù sa Sông Hậu, tôi chả thiết trả lời ông Viện trưởng. Đừng nói đến chuyện nhận hay chẳng nhận cái “chức” Tổng Thư ký.

Song các Thầy vẫn bền lòng, chỉ dạy:

— “Đất là đất nhà. Cây lá cũng trong vườn nhà. Thợ nhà có nhiều. Mình không cất lấy nhà mà ở, thì ai sẽ cất cho con cháu mình có chỗ núp mưa trốn nắng?” Thời điểm bây giờ cũng như trời vừa xong mùa gặt. Nắng sáng ấm, chẳng mưa. Ít lắm cũng được vài tháng. Không cất giàn trò, làm rượng, đợi lúc nào mới dựng cột cái, gác đòn dông đây… Ông bà mình thường dạy: “Làm thì nên cửa nên nhà. Không làm ngủ đình ngủ chợ sao ra con người”

III. Đích thị dấn thân.

Sau nghe Giáo sư Hộ trình bày những diễn tiến ở Cần Thơ và chuyện tôi chịu nhận “lái” chiếc xuồng mới đóng, Giáo sư Đệ quay về Giáo sư Tổng Thư ký Viện Đại học Sàigòn:

— Ngày mai, ông Tổng Thư ký cho mấy anh em khiêng hai cái bureaux và ghế: một đặt cạnh bureau tôi cho giáo sư Viện trưởng Cần Thơ, và một vào trong phòng của Liêm cho ông Tổng Thư ký Cần Thơ. Mọi văn thư sau khi Liêm duyệt xong, đưa cho Giáo sư Tổng Thư ký Cần Thơ đọc. Những văn kiện nào đưa tôi duyệt và ký xong cũng chuyển cho Giáo sư Hộ xem. . . Chúng ta ở Sàigòn có trách nhiệm giúp hai giáo sư Viện trưởng và Tổng Thư ký Đại học Cần Thơ biết công việc làm ở một viện đại học.

Quay lại giáo sư Hộ, ông tiếp:

— Cái gì không hiểu thì hai anh em cứ hỏi. Ở xứ mình chưa có trường đại học nào dạy làm viện trưởng, khoa trưởng hay tổng thư ký như ở bên Pháp hay bên Mỹ. Vì vậy mình phải dạy nhau, học cách làm việc của nhau. Có vậy mới tiến bộ được. Anh em phải cố gắng xây dựng Viện Đại học Cần Thơ để giúp dân miền Tây có cơ hội học hỏi lên đại học. Chúng ta phải khuyến khích thanh niên ra sức học tập để xây dựng quê hương. Mấy anh em cứ nhìn vào bản đồ nước mình thì hiểu nhiệm vụ của mình. Cả miền Nam trước năm 1954 không có một trường đại học. Một école supérieure cũng không. Sau khi đất nước bị chia đôi, ba phần tư của Université Indochinoise được dời vào Nam, thành Viện Đại học Sàigòn. Năm 1957 Tổng thống Ngô Đình Diệm cho lập Viện Đại học Huế. Trong lúc đó miền Tây đông dân hơn, học sinh tốt nghiệp trung học nhiều hơn miền Trung, sinh hoạt kinh tế phát triển mạnh, sản xuất nông nghiệp dồi dào. Thế mà chẳng có được một trường đại học. Đến một école supérieure d’agriculture cũng không. Dân miền Tây xin mãi, nhưng chỉ được hứa “rồi sẽ…” Giờ đây đã có một viện đại học. Anh em phải cố gắng làm tròn bổn phận của một nhà giáo đại học. Phải hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với đồng bào miền Tây. Người dân vùng châu thổ Sông Cửu long hoàn toàn tin tưởng ở chúng ta. Họ đang chờ đợi anh em hành động.

Ông nói với nét mặt nghiêm. Thốt từng chữ khuyên, rõ là lời dạy. Nói lên tâm tình của nhà giáo đàn anh nặng lòng với đất nước. Yêu quê hương phải thương dân mình. Quý thế hệ đi sau.

Trước khi rời Tòa Viện trưởng Viện Đại học Sàigòn Giáo sư Hộ bảo đi lên Bộ Giáo dục ngay để nhận Nghị định bổ nhiệm. Tuần sau sẽ đi Cần Thơ với ông tiếp xúc mọi người dưới tỉnh đặng biết họ giúp được gì. Vấn đề nhà cửa, phòng học là ưu tiên số một.

Ông Đổng lý Văn phòng Bộ Giáo dục niềm nở tiếp, trao Nghị định bổ nhiệm tôi giữ chức vụ Tổng Thư ký Viện Đại học Cần Thơ. Nghị định ký ngày 25/6/1966, nghĩa là 3 ngày trước khi tôi trả lời giáo sư Viện trưởng — trong lúc tôi còn ở Cần Thơ tìm hiểu tình hình. Ông chúc Viện Đại học mới chóng phát triển, vững chắc và thành công. Khi tiễn tôi ra cửa, ông cho biết:

– Hai văn phòng Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia và Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương đã chỉ thị cho chúng tôi nhắc nhở giáo sư Viện trưởng nhanh chóng chuẩn bị lễ khánh thành và khai giảng Viện Đại học Cần Thơ … trước đầu tháng Mười năm nay!

– Về điểm này ông Viện trưởng đã biết chưa “hay biết mà không nói trước khi đề nghị bổ nhiệm Tổng Thư ký”? Tính nhẩm chỉ còn đủ 3 tháng! Trong 3 tháng nữa phải làm sao cho một viện đại học thành hình. Trong khi mọi chuyện phải bắt đầu từ con số không. Một con zéro tổ tướng. Không ngân sách, không nhân viên, không sinh viên, không phòng học. Thậm chí không có cây viết chì, tờ giấy pelure và bàn đánh máy chữ để thảo công văn. Ông Viện trưởng đã đặt Tổng Thư ký vào chỗ chết … đứng mà không chôn được! Hèn chi ông đã mời nhưng chẳng ai nhận hết. Chỉ có tôi, người làm việc dưới quyền ông, nên ông có quyền chỉ định. Phải làm.

IV. Bắt tay vào việc.

Ngày 5 tháng 7, 1966.

Chúng tôi đi xe đò về Cần Thơ. Tội cho ông giáo sư đại học lần đầu tiên từ ngày ở bên Tây về đi công vụ mà phải di chuyển bằng xe đò. Cầm chắc ông Viện trưởng chẳng mấy thoải mái.

Về đến bến bắc Cần Thơ… Xe nhiều quá. Lại thêm một đoàn convoi lính Mỹ dài sọc. Tôi hình dung những thứ khó khăn trong việc xây dựng Viện đại học sẽ sắp hàng dài dài như những xe đò kẹt ở bến bắc, phía Cái Vồn.

Xuống bắc qua bến Cần Thơ. Leo lên xe lôi về ngay văn phòng Hội Phụ huynh Học sinh tỉnh Phong Dinh. Trên xe thầy lẫn trò đều chung một suy nghĩ: “Làm thế nào cho kịp khai giảng Viện đại học như thượng cấp đã chỉ thị?” Còn không đầy ba tháng nữa! Chín chục ngày đặng cái bào thai thụ hình từ ba tháng trước chào đời. Một chuyện đẻ non. Thiếu tháng!

Một cuộc họp rất ngắn với khoảng hơn mười người đại diện các Hội Phụ huynh Học sinh Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Rạch Giá, Long Xuyên, Vĩnh Long, v.v… Và liền sau đó thầy trò chúng tôi được hướng dẫn về Phong Dinh Lầu. ‘Chủ nhà’ cho rằng các ‘khách quý’ đi đường xa, mệt. Cần ăn uống rồi, nghỉ ngơi. Ngày mai sẽ bàn bạc cụ thể.

Song, qua gần hai giờ đồng hồ ngồi họp với các vị từ lúc vừa về tới cho đến lúc rời Trụ sở Hội Phụ Huynh học sinh Cần Thơ, tôi không thấy có cái gì gọi là cụ thể hết. Chẳng có một cái nhà, kể cả một trại lính. Cũng không có một chỗ nào tàm tạm chứa độ chục mạng con người — nếu kể luôn ông viện trưởng và tôi — để làm văn phòng. Rồi từ văn phòng đó mới moi óc, nắn nót ra thành công văn. Mà công văn cứ để cho nó chạy theo đường bưu điện, từ Cầnthơ lên tới Sàigòn, rồi tại Sàigòn bưu tá soạn ra, mang tới phân phát cho các cơ quan có thẩm quyền… Thời gian những công văn đó bay đi rồi bay về, chắc có lẽ đến Tết Nguyên đán cũng chưa làm lễ khai giảng và khánh thành Viện Đại học Cần Thơ được.

Trên bàn tiệc chiều hôm đó những người địa phương đều hân hoan, phấn khởi. Bởi họ thấy đã có hai người — ít ra là những người lãnh trách nhiệm làm cho niềm hân hoan của họ trọn vẹn — rõ ràng đều là dân tỉnh nhà. Họ sinh ra, lớn lên, học hành cũng ở Cần Thơ. Rồi đây họ sẽ làm cho Cần Thơ phát triển mạnh về mặt văn hoá, giáo dục. Sẽ vạch ra chương trình dạy dỗ, đào tạo thế hệ trẻ đặng làm cho kinh tế toàn vùng phù sa Sông Hậu cải tiến và phát triển. Sẽ làm cho dân trí cao hơn, hiểu biết cặn kẽ, đặng không bị Cộng sản rù quến. Đem tài sức ra làm cho đất nước giàu mạnh, chứ không như Cộng sản chỉ biết phá hoại, làm cho xã hội suy đồi, giáo dục tụt hậu và kinh tế kiệt quệ như thời Việt Minh lùa dân tản cư khỏi thành phố, thị xã như hồi xưa.

Cùng trên bàn tiệc có hai người. Đã không phấn khởi mà lại lo âu phập phồng. Lo vì thời gian quá cấp bách. Phập phồng bởi vừa bước vào việc thấy đường hầm tối om.

Giáo sư, giảng sư, giảng viên chưa biết ai sẽ về Cần Thơ dạy. Dẫu biết chuyện mời mọc thầy cô là việc làm của ông Viện trưởng. Nhưng mình vẫn phải đưa vai ra gánh. Đủ cả mấy khoa. Nội chuyện đón, đưa mấy ông mấy bà. Vậy vui cái nỗi gì?

Sinh viên, hiện giờ chẳng thấy đứa nào hết. Nhưng khi thông cáo được niêm yết, chúng sẽ rần rần kéo đến. Lo tiếp nhận đủ mệt. Rồi sau đó, “trong kia” cho người về “ngoài này” xúi chúng nó nằm vạ, nhịn đói, đòi hỏi, yêu sách, v.v… Thì mình ngồi chẳng yên. Không được ăn no khi chúng tuyệt thực. Lúc tụi nó đòi, nội lo trả lời, đủ đứt hơi. Còn thỏa mãn yêu sách của chúng, đúng như bỏ đồ vật vào cái túi lủng đáy. Đây rồi, khi tụi nó sẽ kết hợp với Tổng hội Sàigòn, với Tổng hội Huế. Ngán ơi là ngán.

Phần mình phải tìm từ anh tùy phái, cô thư ký, cho đến các thầy phụ trách công tác hành chánh. Nghĩa là những người sẽ đảm nhiệm việc yểm trợ, phục vụ công việc giảng dạy của các giáo sư, chuyện học tập của sinh viên. Công việc đó đâu có dễ. Nếu đã là chuyện dễ thì mấy tháng qua ông Viện trưởng đâu phải chịu nhức đầu. Thành thử những thứ đau đầu, ông gom lại đưa Tổng Thư ký ôm. Tình trạng khốn đốn hơn nhiều so với của ông Viện trưởng bốn mươi ngày trước đây. Nói một cách khác, những công việc của ông trong 40 ngày đó, nay đùn lại cả một lúc cho Tổng Thư ký, người phụ tá của ông. Bởi ông chẳng “nhích” hơn được một phân ra khỏi cái tờ giấy Sắc lệnh bổ nhiệm của Tổng thống ký. Còn mình, không có ai giúp hết. Trơ trọi.

V. Tiếp xúc với các cấp lãnh đạo tỉnh nhà.

Ngày hôm sau, họp tại văn phòng Tư lệnh Quân đoàn IV/Vùng IV Chiến thuật. Trung tướng Đặng Văn Quang chủ tọa.

Buổi họp kéo dài đến quá ngọ. Mới dứt khoát 3 vấn đề căn bản: [1] mở khoa nào, dạy ngành nào vùng đồng bằng Sông Cửu long cần; [2] Viện Đại học cần gấp cơ sở gì, và [3] trong phạm vi thị xã Cần Thơ vùng đất nào có an ninh tương đối để dự trù kế hoạch xây dựng khu đại học.

Mọi người đồng ý để Giáo sư Viện trưởng, sau khi chọn và bổ nhiệm các khoa trưởng, toàn quyền giải quyết vấn đề [1]. Tuy nhiên tất cả thành viên có mặt trong buổi họp nhất trí Viện Đại học Cần Thơ phải có Khoa Nông nghiệp. Đặng phát triển việc dạy, học, và nghiên cứu khả năng sản xuất của Đồng bằng Sông Cửu long. Đặng đánh đổ tư duy chê bai dân miền Tây nhưng vẫn khen gạo Bạc Liêu, Cần Thơ nấu cơm ngon, thơm, dẻo. Về vấn đề [2] và [3], Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn yêu cầu Đại tá Phạm Đăng Tấn, Tham mưu trưởng Quân đoàn, Trung tá Lê Công Thường, Tỉnh trưởng Phong Dinh họp với ông Tổng Thư ký Viện Đại học Cần Thơ duyệt qua tất cả cơ sở mà quân đội và chính quyền đã chiếm giữ, nhưng không dùng hoặc chưa dùng hết khả năng. Trung tướng Đặng Văn Quang hứa sẽ xin phép Chánh phủ và Quân lực Việt Nam Cộng Hoà chuyển nhượng cho Đại học. Những cơ sở “có thể” giao lại cho Viện Đại học Cần Thơ được kể như dưới đây:

1. Công ốc số 273 đại lộ Hòa Bình,

2. Công ốc [chưa có số] tại khu Văn hóa,

3. Công ốc số 9 đường Phan Đình Phùng,

4. Công ốc nguyên là dinh Tham biện Tỉnh trưởng Pháp hồi xưa.

Chiều lại, cuộc họp tiếp diễn tại hội trường Tòa Hành chánh tỉnh nghe ông Trần Văn Cung, Trưởng ty Kiến thiết Cần Thơ, trình bày về 4 công ốc có thể dùng.

— Công ốc số 1: Hiện do Ty Xã hội Cần Thơ sử dụng làm chỗ nội trú cho cán bộ xã hội tỉnh về tập huấn. Chương trình này có thể dời đi. Nếu Trung tá Tỉnh trưởng chỉ thị tu bổ, công tác sẽ tiến hành ngay và trong vòng 2 tháng là xong.

— Công ốc số 2: Toà nhà 3 tầng lầu này được xây cất nhằm làm Trung tâm Huấn luyện Công chức Tỉnh Cần Thơ. Công trường xây gần xong thì bị lún, nghiêng về phía Đông-Nam. Địa điểm này xưa kia là nghĩa địa cạnh Nhà Thương Cần Thơ, do xáng thổi cát phù sa Sông Hậu vào lấp năm 1947-1948. Nếu được sửa và xây lại, công ốc có thể dùng làm khu đại học [lớp học, giảng đường và phòng thí nghiệm khoa học]. Trung tá Tỉnh trưởng là cấp có thẩm quyền quyết định về việc chuyển giao tòa nhà này.

— Công ốc số 3: Hiện do Bộ Tư lệnh Không quân Việt Nam dùng làm phòng tiếp trú cho sĩ quan vãng lai khi họ ghé lại phi trường Trà Nóc hay Bình Thủy trong những chuyến bay công tác tại Vùng IV Chiến thuật. Mức độ sử dụng hiện dưới 50%. Việc chuyển nhượng công ốc này thuộc thẩm quyền của Trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh Không quân Việt nam.

— Công ốc số 4: Toà nhà này ngày trước là “dinh” của Tham biện Tây, tỉnh trưởng Cần Thơ. Mặt tiền nhà hướng về Boulevard du Colonel Dessert [sau đổi gọi đường Hoà Bình, mà hồi xưa nữa gọi là đường Hàng Xoài]. [14] Cuối đường Hoà bình là Nhà Thương Cần Thơ. Công ốc xây cất theo kiến trúc cổ Tây phương, nặng nề, gồm nhiều phòng nhỏ. Một phòng tiếp khách rộng ngay giữa nhà, chẳng dùng gì hơn là nơi thết tiệc, đãi đằng. Tường quét vôi lâu nay chẳng được bảo trì kỹ như lúc Tây ở, chứa ẩm độ cao. Hiện Tỉnh chỉ dùng làm nhà vãng lai cho khách từ Sàigòn xuống. Nếu muốn sử dụng phải sửa chữa hoàn toàn. Tốn kém hơn cất một tòa nhà mới. Trung tá Tỉnh trưởng là người có thẩm quyền quyết định về ngôi nhà này.

Tiếp lời ông Trưởng ty Kiến thiết, ông Viện trưởng ngỏ ý sẽ nghiên cứu để sử dụng tất cả 4 công ốc vừa được nghe trình bày. Ông sẽ gởi công văn cho Tỉnh để chính thức nhận những ngôi nhà đó. Chỉ thị thuộc cấp đi xem tận tường hiện tình của mấy cơ sở tương lai.

Trở về Sàigòn. Tiếp nhận tin thuận lợi cho sự hình thành Viện Đại học Cần Thơ. Trong nội các mới, Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương kiêm Tổng ủy viên Văn hoá-Xã hội.

Theo Sắc lệnh số 249a-CT/LĐQG/SL do Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia ký ngày 13/7/1966, Giáo sư Nguyễn Văn Trường được cử giữ chức vụ Ủy viên Giáo dục [tương đương Bộ trưởng]. Kỹ sư Trần Lưu Cung là Thứ ủy Giáo dục đặc trách trung-tiểu học và giáo dục kỹ thuật.

Giáo sư Nguyễn Văn Trường, đã hai lần được bổ nhiệm ở chức vụ Tổng trưởng Văn hoá Giáo dục trong nội các Chính phủ của Thủ tướng Trần Văn Hương [Sắc lệnh số 040-QT/SL do Quốc trưởng Phan Khắc Sửu ký ngày 15/12/1964 và Sắc lệnh số 9-QT/SL cũng do Quốc trưởng Phan Khắc Sửu ký ngày 18/01/1965].

Ông là cựu học sinh của Collège de Cantho. Với tư thế trở lại điều khiển Bộ Giáo dục lần này giáo sư hết lòng giúp đỡ xây dựng Viện Đại học Cần Thơ. Công việc đầu tiên của Giáo sư là chấp thuận đề nghị của Viện trưởng bổ nhiệm Khoa trưởng Đại học Luật và Khoa học Xã hội và Khoa trưởng Đại học Văn khoa.

VI. Bổ nhiệm các khoa trưởng.

Vì bận việc vào giờ chót, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy không thể đảm nhiệm chức vụ khoa trưởng. Ông đề nghị Giáo sư Nguyễn Duy Xuân, đương kiêm Phụ tá đặc biệt về Kinh tế của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Giáo sư Bùi Xuân Bào giới thiệu Giáo sư Lê Văn Diệm, tốt nghiệp ở Viện Đại học Minnesota, được cử giữ chức vụ Khoa trưởng Trường Đại học Văn khoa. Trong lúc chờ đợi Nghị định chính thức bổ nhiệm các khoa trưởng, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy vẫn thường xuyên đến họp, góp ý với Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ.

Ông có công lớn trong việc đặt lại những viên gạch đầu tiên cho ngay ngắn. Thí dụ như:

a] Dự thảo đề nghị sửa Điều 1 Sắc lệnh thành lập Viện Đại học Cần Thơ được đọc lại như sau:

Điều 1 [mới]. Nay thành lập tại Cần Thơ, tỉnh Phong Dinh, một cơ sở đại học công lập lấy tên là Viện Đại học Cần Thơ. Viện Đại học Cần Thơ gồm có những Trường Đại học sau đây:

1. Trường Đại học Khoa học

2. Trường Đại học Văn khoa

3. Trường Đại học Luật và Khoa học Xã hội

4. Trường Đại học Nông nghiệp

5. Trường Đại học Sư phạm

Tùy nhu cầu, Viện Đại học Cần Thơ có thể mở thêm các Trường Đại học khác và những Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục để phục vụ đồng bào vùng châu thổ sông Cửu long.

b] Thảo tờ trình về tháo khoán ngân sách cùng thể thức chi tiêu và thanh toán tài chánh. Giáo sư bảo viết như dưới đây.

Trong việc xây dựng viện đại học mới tại miền Tây, chúng tôi đã gặp những khó khăn nhất như sau:

[1] Ngân sách 20 triệu chỉ vừa đủ thanh toán lương bổng cho giáo sư, nhân viên cơ hữu của Viện Đại học và tiền dạy giờ cho giáo sư thỉnh giảng. Ngân khoản xây cất và trang bị mới không có.

[2] Nếu thi hành thủ tục tài chánh và kiểm soát thanh toán chi tiêu theo thể lệ hiện hành thì công việc xây cất, trang bị phòng thí nghiệm, nông trại, phòng học, trường lớp, v.v…, e phải mất ít lắm 2 năm mới có thể khai giảng được khóa đầu tiên của Viện Đại học mới này.

[3] Vì đây là một cơ sở đại học mới lập ở vùng đồng bằng có tiềm năng sản xuất và phát triển kinh tế mạnh, dân có ý thức chính trị, chánh quyền địa phương nắm vững tình hình và ổn định sinh hoạt kinh tế-xã hội song song với những thành tựu của chính sách Ấp Chiến lược, đề nghị Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương chấp thuận: [a] tháo khoán ngân sách rộng rãi theo nhu cầu phát triển của cơ sở, và

[b] áp dụng thủ tục chi tiêu cùng thanh toán và hậu kiểm đặc biệt.

Video liên quan

Chủ Đề