Kinh tế tri thức là gì Vì sao công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức

Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tri thức trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH ở nước ta hiện nay

Kinh tế tri thức là thuật ngữ dùng để chỉ một giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế thế giới. Đó là một giai đoạn mà tri thức, thông tin trở thành yếu tố quyết định nhất đối với sự phát triển của sản xuất; khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và đóng vai trò quyết định hàng đầu...
Trong hơn hai thập kỷ qua, thế giới đã và đang có những chuyển biến to lớn trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định đối với sự chuyển biến đó chính là sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới,... đã thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội, tạo cơ sở cho bước chuyển từ kinh tế tài nguyên sang kinh tế tri thức.
Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Thế kỷ 21 sẽ tiếp tục có nhiều biến đổi. Khoa học và công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt. Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất[1]. Như vậy, muốn rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, chúng ta phải nắm bắt, khai thác, sử dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ hiện đại và những yếu tố của nền kinh tế tri thức, với phương châm tăng tốc, đi tắt đón đầu, bỏ qua lối mòn mà các nước đi trước đã vượt qua. Kinh tế tri thức là vận hội để chúng ta đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nước ta không thể chần chừ, bỏ lỡ cơ hội lớn đó, mà phải đi nhanh vào kinh tế tri thức để rút ngắn khoảng cách với các nước khác. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp và từ một nền kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức. Chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam là có căn cứ khoa học, phù hợp với xu thế chung của thời đại; khác với các nước đi trước là sau khi hoàn thành cơ bản công nghiệp hóa cao rồi mới chuyển sang nền kinh tế tri thức, với lợi thế của người đi sau, nước ta thực hiện cả hai nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế tri thức.
Mặc dù, lần đầu tiên thuật ngữ phát triển kinh tế tri thức được đưa vào đường lối, chiến lược phát triển đất nước, nhưng Đảng đã coi phát triển kinh tế tri thức là cách thức để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để tạo ra những bước nhảy vọt. Điều này chứng tỏ Đảng đã nhận thức được sự phát triển tất yếu của kinh tế tri thức và vai trò to lớn của nó đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất nói riêng và với nền kinh tế - xã hội nói chung.
Tại Đại hội X [năm 2006], Đảng ta đã xác định để thực hiện được mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, cần phải chủ trương tiếp tục hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức[2]. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội X, Đảng ta đã chỉ rõ: Chúng ta tranh thủ các cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn với phát triển kinh tế tri thức. Phải coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển mạnh các ngành và sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức và kết hợp việc sử dụng nguồn vốn tri thức của con người Việt Nam với tri thức mới nhất của nhân loại[3]. Như vậy, đến Đại hội X, Đảng ta đã gắn phát triển kinh tế tri thức với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; coi kinh tế tri thức là một thành tố quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, trong các văn kiện Đảng, Đảng ta không dùng thuật ngữ nền kinh tế tri thức mà chỉ dùng thuật ngữ kinh tế tri thức, vì kinh tế tri thức ở nước ta chỉ là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế đất nước chứ chưa phải là một nền kinh tế độc lập. Quan điểm của Đại hội X về phát triển kinh tế tri thức không chỉ tiếp tục thể hiện đường lối kết hợp hai cách thức phát triển là tuần tự và nhảy vọt đã đề ra ở Đại hội IX, mà còn gắn phát triển kinh tế tri thức với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay. Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức là hai nội dung của một quá trình thống nhất và diễn ra đồng thời.
Trên cơ sở kế thừa những quan điểm của các kỳ đại hội trước về phát triển kinh tế tri thức, tại Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục đưa ra những quan điểm cụ thể hơn về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam trong những năm tới. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội XI, khi dự báo về tình hình thế giới và trong nước những năm sắp tới, Đảng ta đã khẳng định: Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức[4]. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội [Bổ sung, phát triển năm 2011], Đảng ta cũng nhận định: Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh quốc tế có những biến đổi to lớn và sâu sắc. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến sự phát triển của nhiều nước[5]. Như vậy, khác với các kỳ đại hội trước, ở Đại hội XI, Đảng ta đã gắn quá trình phát triển kinh tế tri thức với quá trình toàn cầu hóa và sự hình thành xã hội thông tin. Bên cạnh đó, Đảng ta đã đưa ra những phương hướng rất cụ thể để đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, coi phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và khoa học - công nghệ là cơ sở, là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế tri thức: Phát triển kinh tế tri thức trên cơ sở phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ tự động, nâng cao năng lực nghiên cứu - ứng dụng gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao[6]. Đây là phương hướng tổng quát, vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa định hướng lâu dài trong mục tiêu phát triển kinh tế tri thức.
Tại Đại hội XII [năm 2016] Đảng xác định: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu. Có thể thấy, việc nhận thức quá trình phát triển đất nước không chỉ đơn thuần là tiến hành CNH, mà phải là CNH đi đôi với HĐH, phải đẩy mạnh việc gắn kết chặt chẽ CNH, HĐH với phát triển kinh tế tri thức. Phạm vi tiến hành bao gồm tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội, tức là CNH, HĐH đất nước trong điều kiện thế giới đang chuyển mạnh sang phát triển kinh tế tri thức. Sự gắn kết này được xác định là cấp thiết đối với nước ta không chỉ để vượt qua nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới nhằm sớm trở thành nền kinh tế hiện đại, mà còn tạo điều kiện vật chất, kỹ thuật và năng lực quản lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, hội nhập quốc tế sâu hơn, đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, Đảng đã xác định rõ những nội dung của CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức trong giai đoạn tới tập trung vào các ngành, lĩnh vực chủ yếu gồm công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế nông thôn, các ngành dịch vụ, kinh tế biển, kinh tế vùng và liên vùng, phát triển đô thị. Định hướng chung để phát triển các ngành, lĩnh vực này là phải có tầm nhìn trung, dài hạn, có lộ trình cho từng giai đoạn phát triển. Chú ý phát triển theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng tri thức và khoa học, công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh để tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và phân phối toàn cầu. Đại hội XII cũng xác định cụ thể điều kiện, tiền đề bảo đảm cho đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức. Trong đó, một số nội dung quan trọng được nhấn mạnh để tập trung giải quyết như: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi cho các chủ sản xuất, kinh doanh; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; nâng cao hiệu quả đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đặc biệt, phải làm cho giáo dục và đào tạo thật sự trở thành quốc sách hàng đầu, phải chú trọng yếu tố chất lượng và hiệu quả; khoa học và công nghệ phải thực sự gắn kết và trở thành động lực thúc đẩy CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức.
Trước thềm Đại hội XIII, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam những nội dung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện và sẽ có sự thay đổi phù hợp với điều kiện nền kinh tế đất nước và xu thế phát triển của thời đại. Điều đó không chỉ phản ánh tư duy tích cực đổi mới, ngày càng nắm bắt xu thế tất yếu của thời cuộc mà còn cho thấy sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta về phát triển kinh tế tri thức nhằm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại./.

---------
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H.,2001, tr.13, 91.
[2], [3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.,2006, tr.25, 28-29.
[4], [5], [6], Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.,2011, tr.183, 67, 78, 218.

Video liên quan

Chủ Đề