Luật tốc độ xe máy 2023

Luật tốc độ xe máy 2023
 Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư được quy định tại Điều 6 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT. 

Hỏi: Cho tôi hỏi tốc độ tối đa mà các loại xe được chạy khi tham gia giao thông là bao nhiêu? Tốc độ này có thay đổi khi di chuyển trong khu vực đông dân cư hay không?

Nguyễn Văn Đức (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Trả lời:

Xe cơ giới theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư

Trừ đường cao tốc thì tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư được quy định tại Điều 6 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT, cụ thể đối với các phương tiện xe cơ giới từ xe máy chuyên dùng, xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe tương tự thì tốc độ tối đa được quy định như sau:

- Đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên: 60 km/h;

- Đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới: 50 km/h.

Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông ngoài khu vực đông dân cư

Trừ đường cao tốc thì tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông ngoài khu vực đông dân cư được quy định tại Điều 7 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT, cụ thể:

- Đối với đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên:

+ Xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn: 90 km/h;

+ Xe ô tô chở người trên 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn (trừ ô tô xi téc): 80 km/h;

+ Ô tô buýt; ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc; xe mô tô; ô tô chuyên dùng (trừ ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông): 70 km/h;

+ Ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác; ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông, ô tô xi téc: 60 km/h.

- Đối với đường hai chiều, đường một chiều có một làn xe cơ giới:

+ Xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn: 80 km/h;

+ Xe ô tô chở người trên 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn (trừ ô tô xi téc): 70 km/h;

+ Ô tô buýt; ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc; xe mô tô; ô tô chuyên dùng (trừ ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông): 60 km/h;

+ Ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác; ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông, ô tô xi téc: 50 km/h.

Tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy

Đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự khác thì tốc độ tối đa cho phép đối với những loại xe này và các loại xe tương tự trên đường bộ (trừ đường cao tốc) là 40 km/h theo quy định tại Điều 8 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT.

Tốc độ tối đa cho phép đối với các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT thì khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ, sơn kẻ mặt đường trên các làn xe. Thông thường, tốc độ tối đa cho phép khai thác trên đường cao tốc không vượt quá 120 km/h.

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì mức phạt đối với hành vi điều khiển xe cơ giới giao thông chạy quá tốc độ được quy định như sau:

1. Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ với ô tô

- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (Điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ).

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (Điểm i Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi tại điểm đ Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) .

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng (Điểm b Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP );

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h (Điểm a Khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ).

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (Điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ).

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h (Điểm c Khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ).

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (Điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ).

2. Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ với với mô tô, xe gắn máy

- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (Điểm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)).

- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (Điểm a Khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)).

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h (Điểm a Khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ).

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (Điểm c Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ).

3. Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ với máy kéo, xe máy chuyên dùng

- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến 10km/h (Điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ).

- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10km/h đến 20km/h (Điểm a Khoản 4 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ).

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng (Điểm a Khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ).

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h (Điểm b Khoản 6 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ).

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng (Điểm b Khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ).

CTV: Lê Văn Ngọc.