Mọi hợp đồng giao dịch đã được công chứng luôn có giá trị chứng cứ trong tố tụng

04[125]/2019

Mục lục

  • 1.Quy định về chứng cứ và nguồn chứng cứ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự
  • 2.Thực tiễn xác định chứng cứ và đánh giá chứng cứ
  • 3.Tài liệu tham khảo

Chứng cứ và chứng cứ điện tử theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng

NGUYỄN HẢI AN

04[125]/2019 - 2019, Trang 38-53

Ngày đăng: 15/04/2019

  • Trích dẫn
  • Share

    • Twitter
    • Facebook
    • Zalo

TÓM TẮT

Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những tài liệu, những tình tiết có thật tồn tại một cách khách quan được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp cho Tòa án hoặc Tòa án tự mình thu thập theo thủ tục do pháp luật quy định. Qua đó, Tòa án sẽ dùng làm căn cứ để giải quyết vụ việc dân sự một cách khách quan, toàn diện. Từ thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự cho thấy tỷ lệ án bị hủy, bị sửa qua nhiều cấp xét xử xuất phát từ việc chưa xác định đầy đủ chứng cứ và chưa đánh đúng chứng cứ để chứng minh cho tình tiết khách quan trong vụ việc dân sự. Bài viết tập trung nghiên cứu nguồn chứng cứ vật chất và chứng cứ điện tử theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và thực tiễn xác định nguồn chứng cứ cũng như đánh giá chứng cứ.


ABSTRACT:

Evidence in a civil case or matter is any matter of fact which is handed over or produced to the court by the parties, agencies, organizations or other individuals in the litigation process or collected by the court according to the order and procedures prescribed by this Code and used by the court as the basis for ascertaining objective details of the case as well as whether the parties’ claims or protests are well-grounded and lawful . From the practice of resolving civil cases, it was found that case cancellation and case modification rates after being through many levels of trial stem from the insufficience and unrightful judgement of evidence to prove the objective circumstances in civil matters. This article focuses on researching material evidence and electronic evidence in accordance with the civil procedure law and the practice of identifying evidence sources and evaluating evidence.

TỪ KHÓA: chứng cứ điện tử, chứng cứ, chứng cứ vật chất,

KEYWORDS: evidence, material evidence, electronic evidence,

Trích dẫn:

×

NGUYỄN HẢI AN, Chứng cứ và chứng cứ điện tử theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 04[125]/2019, Trang 38-53

//tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=6703d335-bfd4-4ad8-9eb3-7b514643d438

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

1. Quy định về chứng cứ và nguồn chứng cứ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự

Bộ luật Tố tụng dân sự [BLTTDS] năm 2015 [có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016] gồm 517điều, được bố cục thành10phần,42chương. So với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 [được sửa đổi, bổ sung năm 2011] thì BLTTDS năm 2015 giữ nguyên 63 điều; sửa đổi, bổ sung 350 điều; bổ sung mới 104 điều; bãi bỏ 07 điều. Trong BLTTDS năm 2015, các quy định về chứng cứ, chứng minh được nêu tại Chương VII gồm 20 điều [từ Điều 91 đến Điều 110] và sửa đổi toàn bộ 20 điều.

Chứng cứ được xem là phương tiện quan trọng để các cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ nội dung, tình tiết nhằm giải quyết vụ việc dân sự một cách đúng đắn. Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.[1]Có thể hiểu, chứng cứ là những gì tồn tại trong thế giới vật chất, thế giới tinh thần mà con người có thể nhận biết được; chứng cứ luôn chứa đựng sự thật khách quan. Tuy nhiên, quy định của BLTTDS năm 2015 chưa thể hiện rõ các vấn đề về bản chất của chứng cứ cũng như các chủ thể có quyền và trách nhiệm thu thập chứng cứ, sử dụng chứng cứ để chứng minh. Mục đích của việc sử dụng chứng cứ là nhằm xác định các thông tin, tình tiết, sự kiện khách quan của vụ việc dân sự. Do đó, chứng cứ có thể được hiểu là những thông tin, sự kiện, tình tiết có thật, được thu thập theo một trình tự do pháp luật quy định do các đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ việc dân sự. BLTTDS năm 2015 quy định chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

1.1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được,dữ liệu điện tử

Theo quy định của BLTTDS năm 2015, các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được là nguồn chứng cứ, từ các tài liệu đó có thể tìm ra các chứng cứ. Song các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được có thể được Tòa án sử dụng là chứng cứ phải thỏa mãn những yêu cầu nhất định. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xác định: “các tài liệu đọc được nội dung phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Bản chính có thể là bản gốc hoặc bản được dùng làm cơ sở lập ra các bản sao”.[2]BLTTDS năm 2015 quy định: “Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”.[3]

Như vậy, các tài liệu đọc được gồm: [i] bản chính; [ii] bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp; [iii] tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Theo Từ điển tiếng Việt, bản gốc được hiểu là “bản viết đầu tiên, là văn bản pháp lý được dùng để làm cơ sở lập ra các bản sao”.[4]Bên cạnh đó, nghị định của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục cấp bản sao từ sổ gốc; chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký; chứng thực hợp đồng, giao dịch; giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực; quản lý nhà nước về chứng thực có hướng dẫn xác định: “bản chính là những giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu, cấp lại, cấp khi đăng ký lại; những giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. Còn “bản sao là bản chụp từ bản chính hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc”.[5]

Như vậy, bản chính là bản gốc, là bản đầu tiên, là bản được dùng để làm ra bản sao. Ngược lại, bản sao là bản được làm ra từ bản gốc hay được chép lại từ bản gốc. Ví dụ, bản hợp đồng vay tài sản do hai bên lập ra, cùng ký vào và được các bên thừa nhận hay bản sao của hợp đồng vay tài sản đó được sao có công chứng được xác định là chứng cứ trong vụ án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản. Tuy nhiên, xác định thế nào là bản chính hay bản gốc và bản được dùng làm cơ sở lập ra các bản sao? Giá trị bản gốc và bản được dùng làm cơ sở lập ra bản sao là một vì nội dung tương tự như bản gốc, nhưng về hình thức bản gốc và bản dùng làm cơ sở để lập ra bản sao không phải là giống nhau.

Bên cạnh đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xác định: “các tài liệu nghe được, nhìn được phải được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Các tài liệu này có thể là băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, phim, ảnh… Nếu đương sự không xuất trình các văn bản nêu trên, thì tài liệu nghe được, nhìn được mà đương sự giao nộp không được coi là chứng cứ”.[6]

Ví dụ 1: trong vụ tai nạn giao thông, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại được một người cung cấp băng ghi hình về hiện trường vụ tai nạn giao thông. Trong trường hợp này, cùng với việc giao nộp băng ghi hình đó, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại phải xuất trình cho Tòa án bản xác nhận của người đã cung cấp cho mình về xuất xứ của băng ghi hình đó.

Ví dụ 2: Ông A cho ông B vay năm triệu đồng với thời hạn 12 tháng. Việc vay tài sản không lập thành văn bản, nhưng được ông A ghi âm lại toàn bộ nội dung thỏa thuận về việc vay tài sản, việc giao nhận tiền và thời điểm thanh toán nợ giữa ông A và ông B để làm bằng chứng cho việc vay tài sản của ông B. Đến hạn trả nợ, ông B không trả số tiền đó cho ông A. Ông A khởi kiện ông B ra Tòa án. Trong trường hợp này, cùng với việc giao nộp băng ghi âm, ông A phải gửi văn bản trình bày về sự việc liên quan tới việc thu âm đó.

Tiếp thu quy định trên, BLTTDS năm 2015 quy định: “tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó”.[7]Như vậy, các tài liệu nghe được, nhìn được là các tài liệu ghi âm, ghi hình, nhưng nó chỉ là chứng cứ khi được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của các tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc ghi âm, ghi hình đó. Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, các tài liệu nghe được, nhìn được là một loại nguồn chứng cứ phong phú và đa dạng. So sánh các tài liệu nghe được, nhìn được khác với các tài liệu đọc được ở chỗ nó không phải là những văn bản thông thường mà nó là những phương tiện mang tính công nghệ. Như chúng ta biết, con người có năm giác quan là thínhgiác, vịgiác, thịgiác, khứugiácvà xúcgiác. Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được là nguồn chứng cứ được nhận biết thông qua giác quan thị giác và thính giác. Vậy, có thể có những nguồn chứng cứ khác sẽ được nhận biết thông qua giác quan còn lại là vị giác, khứu giác và xúc giác còn chưa được thừa nhận như: mùi hương, vị cay đắng hay cảm nhận đau thương…

Chứng cứ điện tử được BLTTDS năm 2015 ghi nhận là một nguồn chứng cứ trong giải quyết vụ việc dân sự, tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 lại không đưa ra khái niệm về chứng cứ điện tử. Theo Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thì “Dữ liệulà thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự” và“Thông điệp dữ liệulà thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử”.[8]Đồng thời, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ được giải thích như sau: “1. Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu. 2. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”.[9]Như vậy, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 công nhận giá trị pháp lý thông điệp dữ liệu như là chứng cứ mà không đưa ra khái niệm về chứng cứ điện tử nên khi thu thập, đánh giá chứng cứ điện tử và xác định tính hợp pháp của chứng cứ điện tử không dễ dàng.

Theo BLTTDS năm 2015 thì “Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”.[10]Điều này có nghĩa là pháp luật tố tụng dân sự thừa nhận chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax được xác định là chứng cứ khi liên quan đến giải quyết vụ việc dân sự. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về việcgửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử có giải thích: “thông điệp dữ liệu điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính [sau đây gọi là thông điệp dữ liệu điện tử]là dữ liệu điện tử được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử từ đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ, văn bản tố tụng đã được ban hành theo quy định của pháp luật”.[11]Từ đó, có thể được hiểu “chứng cứ điện tử là thông điệp dữ liệu điện tử được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử thể hiện dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự do các chủ thể tham gia quan hệ giao dịch điện tử lưu giữ, thu thập cung cấp cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo thủ tục do Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ việc dân sự cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.

1.2. Vật chứng

Vật chứng là những vật khác nhau của thế giới vật chất có chứa đựng những thông tin, dấu vết về vụ việc dân sự. Từ những thông tin, dấu vết chứa đựng trong vật chứng cho phép Tòa án xác định được những tình tiết đúng đắn của vụ việc dân sự. Các vật chứng được sử dụng với tư cách là chứng cứ nếu là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc dân sự. Nếu không phải là hiện vật gốc hoặc không liên quan đến vụ việc thì không phải là chứng cứ trong vụ việc dân sự đó. Hiện vật gốc liên quan đến vụ việc dân sự là hiện vật đầu tiên chứa đựng thông tin, dấu vết về vụ việc dân sự. Giá trị chứng minh của các vật chứng thể hiện ở tính đặc định của các vật đó vì chỉ là vật đặc định thì mới giữ được các dấu vết, thông tin về vụ việc dân sự. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xác định: “vật chứng phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc dân sự; nếu không phải là hiện vật gốc hoặc không liên quan đến vụ việc thì không phải là chứng cứ trong vụ việc dân sự đó”.[12]Tương tự, BLTTDS năm 2015 quy định: “vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc”.[13]Như vậy, vật chứng muốn trở thành chứng cứ phải có hai điều kiện: i] là hiện vật gốc; ii] liên quan đến vụ việc dân sự.

Từ các điều kiện này, khi thu thập các vật chứng, Tòa án phải lập biên bản miêu tả chi tiết các đặc điểm về hình thức, các đặc điểm tính chất lý hóa của vật chứng và đặc biệt là các dấu vết thể hiện trên vật chứng đó. Ngoài ra, Tòa án còn phải bảo quản vật chứng trong quá trình giải quyết vụ án để giữ nguyên hiện trạng của vật chứng nhằm bảo đảm cho vật chứng không bị mất giá trị chứng minh. Bên cạnh đó, vật tuy là hiện vật gốc nhưng không liên quan đến vụ việc dân sự thì cũng không được coi là chứng cứ. Thực tế, khi giải quyết các vụ việc dân sự, điều kiện trước tiên là Tòa án xác định xem vật chứng có liên quan đến vụ việc dân sự hay không, sau đó mới thu thập để xác định vật chứng đó có đáp ứng điều kiện hiện vật gốc hay không. Tuy BLTTDS năm 2015 có quy định về bảo quản tài liệu, chứng cứ trong đó có bảo quản vật chứng nhưng chưa có hướng dẫn về trách nhiệm của những chủ thể có thẩm quyền nếu không bảo quản vật chứng một cách cẩn trọng, làm mất giá trị chứng minh của vật chứng.

1.3. Lời khai của đương sự và lời khai của người làm chứng

Đương sự, người làm chứng là những người tham gia vào sự việc, chứng kiến sự việc. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng chứa đựng các thông tin về vụ việc dân sự nên là chứng cứ “nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình và được xuất trình theo đúng thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 83 của BLTTDS và hướng dẫn tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa”.[14]Hầu hết lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được ghi bằng văn bản; đối với lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được thể hiện dưới bằng hình thức ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình thì phải có văn bản xác nhận xuất xứ của chúng kèm theo. Các văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình về lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng có thể do đương sự tự xuất trình hoặc do Tòa án lập khi thu thập chứng cứ. Việc Tòa án lập văn bản lấy lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng có thể thực hiện trước phiên tòa hoặc tại phiên tòa. Do đó, đối với việc Tòa án lấy lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng trước phiên tòa thì không cần phải kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của chúng.

Các bên đương sự có quyền và lợi ích liên quan đến vụ việc dân sự khác nhau, nên lời khai của họ thường chứa đựng những thông tin, tình tiết, sự kiện có lợi cho họ. Vì vậy, lời khai của đương sự phải được kết hợp với các chứng cứ khác mới xác định được sự thật khách quan của vụ việc dân sự. Người làm chứng không có quyền và lợi ích liên quan đến vụ việc dân sự nên việc tham gia tố tụng của họ có thể khách quan hơn đương sự. Tuy nhiên, do những nguyên nhân chủ quan hay khách quan như khả năng nhận thức sự việc, khả năng ghi nhớ và phản ánh lại sự việc, điều kiện khách quan khi chứng kiến sự việc dẫn đến lời khai của họ thiếu chính xác và không khách quan. Do đó, khi sử dụng lời khai của người làm chứng để giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án vẫn phải kiểm tra, đối chiếu với các chứng cứ khác của vụ việc dân sự để tìm ra sự thật khách quan.

1.4. Kết luận giám định

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xác định kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục quy định của Luật Giám định tư pháp, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.[15]Tương tự quy định này, BLTTDS quy định: “kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định”.[16]Như vậy, đối với chứng cứ là kết luận giám định pháp luật tố tụng dân sự không đặt ra các yêu cầu về nội dung mà chỉ đặt ra yêu cầu về hình thức là phải được tiến hành theo đúng thủ tục quy định của Luật Giám định tư pháp, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Trong nhiều vụ việc dân sự, để làm sáng tỏ một tình tiết, sự kiện nhất định đòi hỏi phải sử dụng đến những kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn của giám định viên. Kết luận của giám định viên là một kết luận khoa học được đưa ra sau khi đã sử dụng các kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn để xác định các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự. Kết luận giám định có tác dụng làm sáng tỏ tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự nên có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giải quyết vụ việc dân sự. Trong việc giải quyết nhiều vụ việc dân sự, kết luận giám định còn mang tính chất quyết định đối với việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự của Tòa án.

1.5. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ

Theo BLTTDS năm 2015 thì biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.[17]Tương tự như kết luận giám định, đối với chứng cứ là biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ, pháp luật tố tụng dân sự cũng không đặt ra các yêu cầu về nội dung mà chỉ đặt ra yêu cầu về hình thức là phải được tiến hành theo đúng thủ tục mà pháp luật quy định. Trong những vụ việc dân sự mà đối tượng tranh chấp có thể là tài sản hoặc tài liệu, vật chứng không thể di chuyển đến Tòa án được thì để giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự, Tòa án phải tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ để xác định đúng thực trạng tài sản tranh chấp hoặc tài liệu, vật chứng đó. Do đó, biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ là tài liệu phản ánh lại quá trình xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản tranh chấp hoặc tài liệu, vật chứng. Nội dung biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ chứa đựng các thông tin về vụ việc dân sự nên được coi là nguồn chứng cứ. Tuy nhiên, để bảo đảm việc giải quyết đúng vụ việc dân sự, việc lập và sử dụng biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ phải được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

1.6. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản

Theo quy định BLTTDS năm 2015 thì kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.[18]Đối với vụ việc dân sự cần xác định giá trị tài sản tranh chấp mới có thể giải quyết đúng được thì Tòa án phải cho tổ chức có thẩm quyền thực hiện việc xác định giá trị tài sản đó. Biên bản ghi kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản có chứa đựng những thông tin về vụ việc dân sự nên được coi là nguồn chứng cứ. Tuy nhiên, để Tòa án sử dụng được kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản thì việc định giá tài sản, thẩm định giá tài sản phải do tổ chức có thẩm quyền thực hiện và được tiến hành theo thủ tục do pháp luật quy định. Giống như việc xác định các chứng cứ là kết luận giám định, biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ nêu trên, pháp luật chỉ yêu cầu đối với chứng cứ là kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản phải được thu thập trên cơ sở của việc định giá tài sản đúng thủ tục pháp luật quy định.

Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, nếu đối tượng tranh chấp là tài sản thì các bên đều phải xác định giá tài sản. Do đó, kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản là chứng cứ quan trọng để giải quyết tranh chấp. Về nguyên tắc, các bên đương sự tự thỏa thuận về việc xác định giá tài sản, lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để xác định giá trị tài sản. Nhà nước tôn trọng sự thỏa thuận của các bên đương sự về việc xác định giá tài sản, lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước. Việc định giá tài sản được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật, thực trạng của tài sản; phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản tại thời điểm định giá.[19]

1.7. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập

Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.[20]Theo quy định, thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ trường hợp mà pháp luật cấm hoặc chưa cho phép. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi là vi bằng.[21]Theo đó, vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo [khi thấy cần thiết] trong đó Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.

1.8. Văn bản công chứng, chứng thực

Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.[22]Theo Luật Công chứng năm 2014 thì văn bản công chứnglà hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật này.[23]Trong khi đó, văn bản chứng thực là giấy tờ, văn bản, hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực theo quy định của Nghị định này.[24]Như vậy, văn bản công chứng, chứng thực cũng chính là một dạng nguồn chứng cứ là tài liệu đọc được.

1.9. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định

Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì chứng cứ được xác định là tập quán, nếu được cộng đồng nơi có tập quán đó thừa nhận. Tòa án chỉ chấp nhận tập quán không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Đối với những vấn đề mà đương sự viện dẫn tập quán nhưng đã có văn bản quy phạm pháp luật quy định, thì Tòa án phải áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó để giải quyết mà không áp dụng tập quán[25].

Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn nghiệp vụ: “Đối với một tập quán muốn trở thành chứng cứ trong một vụ án cụ thể thì Thẩm phán phải yêu cầu đương sự trình bày rõ nguồn gốc của tập quán đó và chứng minh tập quán đó bằng cách ghi nhận nó bằng văn bản thể hiện việc cả cộng đồng dân cư nơi có tập quán đó thừa nhận và làm theo… Văn bản này có thể là bản xác nhận của cộng đồng nơi có tập quán đó và chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về chữ ký của những người xác nhận và có thể có cả ý kiến của Ủy ban nhân dân về tập quán đó. Nếu không chứng minh được tính quy ước chung của cộng đồng trong cái gọi là “tập quán” thì nó sẽ không có giá chứng cứ”.[26]

Cùng với việc quy định bổ sung 3 nguồn chứng cứ mới là dữ liệu điện tử, văn bản ghi nhận sự kiện hành vi pháp lý là vi bằng và văn bản công chứng, chứng thực như nêu trên, BLTTDS năm 2015 đã không quy định tập quán là một loại nguồn chứng cứ như quy định trong các văn bản pháp luật trước đây trong giải quyết các vụ việc dân sự. Tuy nhiên, để áp dụng BLTTDS năm 2015, Tòa án nhân dân tối cao vẫn tiếp tục hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực dân sự và tố tụng dân sự về lựa chọn tập quán. Theo đó, trường hợp Tòa án áp dụng tập quán để giải quyết tranh chấp dân sự mà các bên viện dẫn các tập quán khác nhau thì Tòa án căn cứ Điều 3, Điều 5 và các quy định khác của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để có kết luận cuối cùng tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu tập quán không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tập quán có giá trị áp dụng. Trường hợp có nhiều tập quán thì áp dụng tập quán do các bên thỏa thuận. Nếu các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.[27]

BLTTDS năm 2015 quy định nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự chỉ gồm 9 nguồn chính. Ngoài 9 nguồn chứng cứ này, Tòa án không được sử dụng thêm bất cứ nguồn nào khác để thu thập làm chứng cứ cho việc giải quyết vụ việc dân sự. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 vẫn “dự phòng” quy định“các nguồn khác mà pháp luật có quy định”. Điều khoản này được hiểu đây là một quy định dự phòng của pháp luật chứ không phải là một quy định mở để Tòa án áp dụng trong quá trình thu thập chứng cứ giải quyết vụ án. Có nghĩa là, chỉ khi pháp luật có quy định thêm một nguồn chứng cứ nào đó thì Tòa án mới được phép thu thập chứng cứ đó.


[1]Điều 93 BLTTDS năm 2015.

[2]Điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[3]Khoản 1 Điều 95 BLTTDS năm 2015.

[4]Hoàng Phê [chủ biên],Từ điển tiếng Việt,Nxb. Đà Nẵng, 1998, tr. 28.

[5]Khoản 5 và 6 Điều 2 Nghị định số 23/2025/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ.

[6]Điểm b khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP.

[7]Khoản 2 Điều 95 BLTTDS năm 2015.

[8]Khoản 5 và 12 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

[9]Điều 14 Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

[10]Khoản 3 Điều 95 BLTTDS năm 2015.

[11]Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP ngày 30/12/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[12]Điểm c khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP.

[13]Khoản 4 Điều 95 BLTTDS năm 2015.

[14]Điểm d khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP.

[15]Điểm đ khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP.

[16]Khoản 6 Điều 95 BLTTDS năm 2015.

[17]Khoản 7 Điều 95 BLTTDS năm 2015.

[18]Khoản 8 Điều 95 BLTTDS năm 2015.

[19]Khoản 1 và 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC ngày 28/3/2014 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính.

[20]Khoản 9 Điều 95 BLTTDS năm 2015.

[21]Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 và khoản 3 Điều 2 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ.

[22]Khoản 10 Điều 95 BLTTDS năm 2015.

[23]Khoản 4 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014.

[24]Khoản 8 Điều 2 Nghị định số 23/2025/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ.

[25]Xem điểm g khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn thi hành một số quy định về “Chứng minh và chứng cứ” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011.

[26]Tòa án nhân dân tối cao - Chương trình đối tác tư pháp,Tài liệu tập huấn hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011,2012,tr. 6.

[27]Điểm 1 Mục III Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC,Giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao ngày 7/4/2017.

2. Thực tiễn xác định chứng cứ và đánh giá chứng cứ

2.1. Vềxácđịnh các nguồn chứng cứ

Trong quá trình Tòaán giải quyết vụviệc dân sự,đương sựcóquyền vànghĩa vụgiao nộp tài liệu, chứng cứcho Tòaán. Trường hợp tài liệu, chứng cứđãđược giao nộp chưa bảođảmđủcơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại để giải quyết vụ việc dân sự.[28]Đểgiải quyết các vụviệc dân sựđược nhanh chóng và đúng đắn, Tòa án phải xác định rõ, đầy đủ các yêu cầu của đương sự; căn cứ vào yêu cầu hay phản yêu cầu của đương sự để xác định những sự kiện, tình tiết thuộc đối tượng chứng minh và những chứng cứ làm rõ những tình tiết, sự kiện đó. Trường hợp đương sự nêu chưa đủ thì Tòa án phải căn cứ vào các quy phạm pháp luật nội dung áp dụng giải quyết vụ việc dân sự để xác định. Trên cơ sở đó, Tòa án xác định các chứng cứ cần phải có để xác định tình tiết khách quan của vụ việc và yêu cầu đương sự cung cấp cho Tòa án hay tiến hành thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp Tòa án đã không xác định được đầy đủ yêu cầu của đương sự nên cũng không xác định được đầy đủ những nguồn chứng cứ, từ đó làm cho việc giải quyết vụ việc không chính xác.

Ví dụ: Tòa cấp giám đốc thẩm đã quyết định hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 155/2013/KDTM-PT ngày 03/9/2013 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 301/2013/KDTM-ST ngày 25/3/2013 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp vốn góp giữa nguyên đơn là ông Lê Văn H với bị đơn là Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm V. Đồng thời, Tòa cấp giám đốc thẩm đã giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật với nhận định: “các tài liệu có trong hồ sơ như các biên lai thu tiền, cổ phiếu ghi tên của ông H đều là bản photocopy, không có công chứng, chứng thực hợp pháp, cũng không có xác nhận của Thẩm phán là đã được đối chiếu với bản gốc, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào các tài liệu này để giải quyết vụ án là không đủ căn cứ”.[29]

Về nguyên tắc, tài liệu đọc được là các biên lai thu tiền, cổ phiếu ghi tên của ông H chỉ được coi là chứng cứ nếu là bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp. Thực tế, nếu các tài liệu này do đương sự xuất trình bản gốc và được Tòa án photocopy và xác nhận của Thẩm phán là “đã được đối chiếu với bản gốc” có được coi là chứng cứ hay không? Từ trước tới nay, các cấp Tòa án vẫn xác định tài liệu là bản photocopy đã được Thẩm phán tự đối chiếu với bản gốc được coi là chứng cứ.

Việc xác định không đúng những nội dung cần xác minh sẽ làm cho quá trình thu thập chứng cứ không đầy đủ, không thu thập hết những thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc.

Ví dụ: Tòa cấp giám đốc thẩm đã quyết định hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 91/2015/DSPT ngày 12/5/2015 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2014/DSST ngày 11/11/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An đối với vụ án tranh chấp lối đi và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là cụ Vương Văn H với bị đơn là cụ Nguyễn Kim L. Đồng thời, Tòa cấp giám đốc thẩm đã giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét xử sơ thẩm lại với nhận định: “Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Đức Hòa cung cấp Bản đồ địa chính, Bản đồ giải thửa thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1992 cho cụ L để đối chiếu, làm rõ hình thể thửa đất số 2663 có giống hình thể thửa đất số 95 hay không, mà đã giải quyết vụ án là chưa xác minh, thu thập chứng cứ đầy đủ”.[30]Đây là tranh chấp lối đi nên cần xác định chứng cứ về hiện trạng sử dụng đất của các bên. Do đó, chứng cứ về Bản đồ địa chính, Bản đồ giải thửa của các thửa đất có tranh chấp có ý nghĩa chứng minh cho quyền sử dụng đất hợp pháp của mỗi bên. Do Tòa án chưa thu thập đầy đủ chứng cứ nên dẫn đến xác định nguồn chứng cứ không toàn diện.

2.2. Vềđánh giáchứng cứ

BLTTDS năm 2015 quy định: “việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ”.[31]Với quyđịnh này, nguyên tắcđánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. Tòa án phải xem xét tất cả các chứng cứ từ các nguồn khác nhau và phải dựa trên cơ sở pháp luật. Phương pháp đánh giá chứng cứ là đánh giá từng chứng cứ và đánh giá tổng hợp mối liên quan giữa các chứng cứ.

Trong giải quyết các vụ việc dân sự, Tòa án phải áp dụng đầy đủ các biện pháp cần thiết để xác minh giá trị chứng minh của các chứng cứ trong vụ việc dân sự.Tòa án phải đánh giá nhiều chứng cứ phức tạp, phải đối chiếu, xem xét thận trọng từng chứng cứ một, đối chiếu chúng với các chứng cứ khác của vụ việc dân sự. Ngoài ra, Tòa án có thể phải áp dụng nhiều biện pháp do pháp luật quy định để xác minh giá trị chứng minh của các chứng cứ như trưng cầu giám định, thẩm định giá hay xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản tranh chấp, vật chứng. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có không ít trường hợp các Tòa án đã không áp dụng đầy đủ các biện pháp cần thiết để xác minh giá trị chứng minh của các chứng cứ trong vụ việc dân sự, từ đó, không giải quyết triệt để vụ việc dân sự.

Ví dụ: Tòa cấp giám đốc thẩm đã quyết định hủy toàn bộ Quyết định giám đốc thẩm số 57/2016/KDTM - GĐT ngày 31/8/2016 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và hủy một phần quyết định xử lý tài sản bảo đảm theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 0386/NHNN ngày 28/12/2011 giữa nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại cổ phần NT với bị đơn là Công ty cổ phần Sản xuất - Dịch vụ - Thương mại – Xây dựng TT. Đồng thời, Tòa cấp giám đốc thẩm đã giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét xử sơ thẩm lại với nhận định: “Ông Lim Kil Ch là người mang quốc tịch Hàn Quốc, các văn bản cam kết tài sản không có người phiên dịch. Do đó, cần xem xét làm rõ ông Lim Kil Ch có thạo tiếng Việt hay không? Có hiểu rõ nội dung văn bản công chứng hay không? Từ đó xác định các văn bản cam kết có thể hiện đúng ý chí của ông Lim Kil Ch hay không? Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét làm rõ các thửa đất nêu trên là tài sản chung hay là tài sản riêng của bà T, nhưng chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng về việc phát mãi tài sản thế chấp là chưa đủ căn cứ, không bảo đảm quyền lợi của ông Lim Kil Ch”.[32]Vềnguyên tắc, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam mà tham gia các giao dịch bằng tiếng Việt phải có người phiên dịch, nhưng nếu người nước ngoài biết và thành thạo tiếng Việt thì có nhất thiết phải có người phiên dịch hay không là do đánh giá chứng cứ của Tòa án. Việc xác định tài sản trong thời kỳ hôn nhân của ông Lim Kil Ch và bà T là tài sản chung hay tài sản riêng cũng hoàn toàn do đánh giá chứng cứ của Tòa án.

Việc đánh giá chứng cứ không chỉ khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác mà Tòa án còn phải đánh giá tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ... Tuy nhiên, trong những vụ việc dân sự phức tạp, có nhiều đương sự, các nguồn chứng cứ đa dạng nên việc đánh giá, xác định đúng được các chứng cứ trong giải quyết vụ việc dân sự không là rất khó. Vì vậy, các Tòa án đã đánh giá, xác định không đúng các chứng cứ nên việc giải quyết vụ việc dân sự không đúng.

Ví dụ: Tòa cấp giám đốc thẩm quyết định hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 06/2016/DSPT ngày 12/01/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2014/DSST ngày 30/9/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An về vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu chia tài sản chung giữa nguyên đơn là cụ Nguyễn Thị T với bị đơn là bà Mạnh Thị H với nhận định: “Chính cụ T thừa nhận cụ đã chia đất cho ông V sử dụng 7m mặt đường, với ý định sau này chết sẽ cho ông V, sau khi ông V chết, nếu bà H không đi lấy chồng thì cũng cho bà H [Bản lấy lời khai ngày 13/8/2009]. Bà Nguyễn Thị L [con cụ T] tại Bản tự khai ngày 6/8/2014 xác định cụ T đã chia phần đất tranh chấp cho ông V. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét, đánh giá các tình tiết nêu trên để xác định có sự phân chia đất của gia đình cụ T và những người được phân chia đã sử dụng ổn định, có ranh giới riêng, kê khai, đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để công nhận thực tế đã có sự phân chia, mà chấp nhận yêu cầu của cụ T đòi lại phần đất của vợ chồng ông V, bà H là không đúng”.[33]Đánh giáchứng cứvềviệc cụTđãcho vợchồngông V, bàH thông qua lời thừa nhận của cụT vàsự công nhận các anh, em của ông V là con của cụ T. Thực tế, vợ chồng ông V, bà H đã nhận đất sử dụng lâu dài, đã đăng ký kê khai đứng tên trong sổ địa chính nên có thể công nhận việc tặng cho giữa cụ T với vợ chồng ông V, bà H. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ và phúc thẩm lại không công nhận việc tặng cho đó và buộc bà H phải trả lại đất cho cụ T. Như vậy, từ việc đánh giá chứng cứ khác nhau sẽ dẫn đến các Tòa án có quyết định khác nhau về việc giải quyết cùng một vụ án.

Từ phân tích những ví dụ nêu trên có thể nhận thấy, việc xác định và đánh giá chứng cứ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc Tòa án đưa ra quyết định đúng đắn hay không. Nếu việc đánh giá chứng cứ không khách quan, toàn diện hoặc không đầy đủ và thiếu chính xác có thể làm cho nội dung vụ việc bị hiểu sai lệch, dẫn tới việc đưa ra quyết định không chính xác, không phản ánh đúng bản chất sự việc, gây nên hậu quả không bảo đảm việc xét xử đúng và công bằng.

2.3. Về xác định chứng cứ điện tử

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, những ứng dụng của khoa học công nghệ vào đời sống xã hội ngày càng phát triển. Các giao dịch điện tử như mua bán hàng hóa và dịch vụ qua phương tiện điện tử, chuyển tiền điện tử được sử dụng ngày càng nhiều và mang tính phổ biến. Tuy nhiên, cũng không ít những trường hợp đã xảy ra tranh chấp mà việc xác minh chứng cứ thông qua dữ liệu điện tử để giải quyết vụ án trong những trường hợp này đã gặp không ít những khó khăn vì đây là một lĩnh vực tố tụng hoàn toàn mới và mang tính công nghệ cao. Mặc dù, luật quy định rằng “các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được” nhưng hiện nay chưa có các quy định cụ thể về hình thức vật chất chứa đựng chứng cứ điện tử, trình tự thu thập, xác minh chứng cứ cũng như hướng dẫn các trình tự thủ tục tố tụng chuyên biệt để thụ lý giải quyết các tranh chấp thương mại có các chứng cứ điện tử.[34]

Ví dụ: Tòa án cấp sơ thẩm quyết định: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị K. buộc bà Phạm Thị Thái H phải có nghĩa vụ xin lỗi công khai bà K tại địa phương xã Đ nơi bà K đang sinh sống, làm việc và cải chính công khai những nội dung liên quan đến bà K mà bà H đã đăng trên trang facebook của bà H với nhận định: “Việc bà H đăng thông tin có liên quan đến bà K lên trang facebook của bà H vào ngày 25/4/2017, cùng với những nội dung bình luận trên thực tế mà không có sự đồng ý của bà K đã xâm phạm đến uy tín, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của bà K; xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân được quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 và vi phạm những điều bị cấm thực hiện theo quy định tại điểm d, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ hướng dẫn về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 thì “danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. Do đó, bà K yêu cầu bà H phải xin lỗi công khai tại địa phương xã Đ nơi bà Anh đang sinh sống, làm việc và cải chính công khai những nội dung mà bà H đã đăng trên trang facebook của bà H là phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 34 và Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên được chấp nhận”.[35]Nhưvậy, việc bàHđãđưa thông tin vềnhững mâu thuẫn với bàK lên trang facebook của bàH vàbàHđãthừa nhận làviệcđăng thông tin lên trang facebook là chứng cứ điện tử để Tòa án đánh giá bà H đã xâm phạm đến uy tín, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của bà K; xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân.

Bình luận về vụ án này, có tác giả cho rằng: “pháp luật chưa quy định cụ thể chế tài xin lỗi, cải chính công khai trên mạng xã hội nên Tòa án chấp nhận yêu cầu “cải chính công khai” trên facebook chứ không phải là “xin lỗi công khai”. Việc xin lỗi công khai, cải chính thông tin cũng phải được thực hiện trên phương tiện này thì mới bảo đảm độ lan truyền rộng rãi của lời xin lỗi, cải chính và khắc phục phần nào thiệt hại về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu”.[36]Từđó, phát sinh thêm một vấnđềmới làthi hành bảnán dân sựcủa Tòaán cũng bằng phương tiệnđiện tửtrên cơsởchứng cứđiện tử. Vìvậy, cần phải sửađổi, bổsung các quyđịnh này cho thống nhất tạo thuận lợi cho việc giao dịch và giải quyết tranh chấp của Tòa án. Ngoài ra, tác giả cũng đồng tình với ý kiến cho rằng “cần thiết phải làm rõ cách thức các Tòa án có thể đánh giá mức độ tin cậy của tài liệu điện tử được sử dụng như chứng cứ. Để thực thi quy định này, pháp luật cũng cần phải quy định hướng dẫn cụ thể về quy trình kỹ thuật công nghệ, việc đánh giá tính toàn vẹn của thông tin. Đối với các giao dịch điện tử trong trường hợp có tranh chấp, cần có cơ quan chuyên môn hỗ trợ các Tòa án nhận biết tính bản gốc, chữ ký điện tử, xác minh căn cước và tính xác thực của những người có chữ ký điện tử và cách thức sử dụng chúng trong các tài liệu điện tử”.[37]Hiện nay, BLTTDS năm 2015 không có các quy định riêng về việc thu thập, lưu giữ chứng cứ điện tử nên dẫn đến khó khăn trong đánh giá chứng cứ điện tử đối với các tranh chấp phát sinh. Do đó, BLTTDS năm 2015 cần bổ sung các quy định về khái niệm chứng cứ điện tử, trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ điện tử và lưu giữ chứng cứ điện tử làm căn cứ bảo đảm tính xác thực, tính hợp pháp để chứng minh cho các yêu cầu của các đương sự trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.

Với quy định về chứng cứ, chứng cứ điện tử và thực tiễn xác định nguồn chứng cứ, chứng cứ điện tử, đánh giá chứng cứ trong quá trình áp dụng BLTTDS năm 2015 đã được phân tích ở trên cho thấy chứng cứ nói chung và chứng cứ điện tử nói riêng có vai trò rất quan trọng trong việc tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Do đó, để xác định chứng cứ nào là có thật giúp cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự đòi hỏi người Thẩm phán phải có trình độ nghiệp vụ, kiến thức xã hội và khả năng nhạy bén trong quá trình xác định và đánh giá chứng cứ.

[28]Xem khoản 1 Điều 97 BLTTDS năm 2015.

[29]Quyết định giám đốc thẩm số 04/2017/KDTM-GĐT ngày 24/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[30]Quyết định giám đốc thẩm số 16/2018/DS-GĐT ngày 6/8/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[31]Điều 108 BLTTDS năm 2015.

[32]Quyết định Giám đốc thẩm số 02/2018/KDTM-GĐT ngày 16/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[33]Quyết định giám đốc thẩm số 21/2018/DS-GĐT ngày 23/8/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[34]Lê Văn Thiệp, “Chứng cứ điện tử trong giải quyết tranh chấp khinh doanh - thương mại”,Tạp chí Kiểm sát, số 2, 2016.

[35]Bản án dân sự số 43/2017/DSST ngày 26/9/2017 của TAND huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.

[36] Nguyễn Bích Thảo, “Những thách thức của vấn đề bảo vệ quyền nhân thân trong thời đại khoa học công nghệ 4.0”, Kỷ yếu Hội thảo về:Quyền nhân thân của cá nhân trong pháp luật dân sự - Những vướng mắc, bất cập và giải pháp hoàn thiện,Đại học Luật Hà Nội ngày 28/10/2018, 2019, tr. 143.

[37]Lê Văn Thiệp, “Chứng cứ điện tử trong giải quyết tranh chấp khinh doanh - thương mại”,Tạp chí Kiểm sát, số 2, 2016.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Quyết định giám đốc thẩm số 21/2018/DS-GĐT ngày 23/8/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao [trans: Cassation Decision No. 21/2018/DS-GĐT dated on 23/8/2018 of the Council of Judges of the Supreme People’s Court]

[2] Quyết định Giám đốc thẩm số 02/2018/KDTM-GĐT ngày 16/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao [trans: Cassation Decision No. 02/2018/KDTM-GĐT dated on 16/5/2018 of the Council of Judges of the Supreme People’s Court]

[3] Quyết định giám đốc thẩm số 16/2018/DS-GĐT ngày 6/8/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao [trans: Cassation Decision No. 16/2018/DS-GĐT dated on 6/8/2018 of the Council of Judges of the Supreme People’s Court]

[4] Quyết định giám đốc thẩm số 04/2017/KDTM-GĐT ngày 24/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao [trans: Cassation Decision No. 04/2017/KDTM-GĐT dated on 24/3/2017 of the Council of Judges of the Supreme People’s Court]

[5] Bản án dân sự số 43/2017/DSST ngày 26/9/2017 của TAND huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận [trans: Civil Judgment No. 43/2017/DSST dated on 26/9/2017 of Tanh Linh District People’s Court, Binh Thuan Province]

[6] Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC, Giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao, ngày 7/4/2017 [trans: Explanation No. 01/2017/GĐ-TANDTC on explaining some professional issues of the Supreme People’s Court]

[7] Hoàng Phê [chủ biên], Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 1998 [trans: Hoang Phe [Editor], Dictionary of Vietnamese, Da Nang Publishing House, 1998]

[8] Lê Văn Thiệp, “Chứng cứ điện tử trong giải quyết tranh chấp khinh doanh - thương mại”, Tạp chí Kiểm sát, số 2, 2016 [trans: Electronic evidence in business-commercial dispute resolution, Prosecutorial Journal, No. 2, 2016]

[9] Nguyễn Bích Thảo, “Những thách thức của vấn đề bảo vệ quyền nhân thân trong thời đại khoa học công nghệ 4.0”, Kỷ yếu Hội thảo về: Quyền nhân thân của cá nhân trong pháp luật dân sự - Những vướng mắc, bất cập và giải pháp hoàn thiện, Trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 28/10/2018, 2019 [trans: Nguyen Bich Thao, “Challenges of the protection of personal rights in the age of science and technology 4.0”, Proceedings of the Workshop on Personal rights of individuals in civil law - Obstacles, shortcomings and solutions for Improvements, Ha Noi Law University, 28/10/2018, 2019]

[10] Tòa án nhân dân tối cao - Chương trình đối tác tư pháp, Tài liệu tập huấn hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa đổi, bổ sung năm 2011, 2012 [trans: Supreme People’s Court - Justice Partnership Program, Training materials on guiding the implementation of the Civil Procedure Code, amended and supplemented in 2011, 2012]

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua

Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref

  • Bài báo mới

Video liên quan

Chủ Đề