Phương pháp nhận diện cơ hội kinh doanh

Cơ hội là sự xuất hiện những khả năng cho phép người ta làm một cái gì đó. Cơ hội trong kinh doanh (gọi tắt là cơ hội kinh doanh) là sự xuất hiện nhu cầu của khách hàng và theo đó là việc xuất hiện khả năng bán hàng để thỏa mãn nhu cầu của nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu thụ.

Cần phân biệt rõ các khái niệm nhu cầu, mong muốn và yêu cầu.

Nhu cầu của con người là một trạng thái cảm giác thiếu hụt một sự thoả mãn cơ bản nào đó. Người ta cần có thức ăn, quần áo, nơi ở, sự an toàn, của cải, sự quý trọng và một vài thứ khác nữa để tồn tại. Những nhu cầu này không phải do xã hội hay những người làm marketing tạo ra. Chúng tồn tại như một bộ phận cấu thành cơ thể con người và nhân thân con người. Mong muốn là sự ao ước có được những thứ cụ thể để thoả mãn những nhu cầu sâu xa hơn đó. Yêu cầu là mong muốn có được những sản phẩm cụ thể được hậu thuẫn của khả năng và thái độ sẵn sàng mua chúng. Mong muốn trở thành yêu cầu khi có sức mua hỗ trợ.

          Cơ hội kinh doanh có 4 đặc trưng hay tiêu chuẩn cơ bản là: (1) tính hấp dẫn, (2) tính bền vững, (3) tính thời điểm, và (4) tính duy trì sản phẩm/dịch vụ.

Phương pháp nhận diện cơ hội kinh doanh

          Người khởi sự tập trung vào một cơ hội thì cánh cửa cơ hội đó sẽ mở ra. Thuật ngữ cánh cửa cơ hội mô tả khoảng thời gian các doanh nghiệp có thể gia nhập thị trường mới. Khi có thị trường cho sản phẩm/dịch vụ mới được thiết lập, cánh cửa cơ hội mở ra; khi thị trường tăng trưởng, các doanh nghiệp tham gia và cô gắng tìm kiếm lợi nhuận; khi chín muồi, cánh cửa cơ hội đóng lại.

          Cần phân biệt có sự khác nhau giữa cơ hội và ý tưởng. Một ý tưởng là một suy nghĩ, một ấn tượng, hay một quan điểm. Một ý tưởng có thể hoặc không thể gắn liền với tiêu chí của một cơ hội. Đây là điểm có tính quyết định bởi sự kinh doanh mạo hiểm thất bại không phải vì các doanh nhân không tích cực tìm kiếm cơ hội mà bởi vì không có cơ hội thực sự để bắt đầu. Trước khi tìm kiếm những ý tưởng kinh doanh, chúng ta cần phải hiểu được thế nào là ý tưởng lấp đầy một nhu cầu cũng như thế nào là đáp ứng các tiêu chuẩn hay đặc trưng của một cơ hội kinh doanh.

          Cần nhận thức rằng cơ hội thì có thể có, có thể vẫn đang tồn tại nhưng nếu người khởi sự không nhận thức được, không hình thành được ý tưởng tận dụng cơ hội, biến cơ hội thành hiện thực thì cơ hội mãi mãi vẫn chỉ là cơ hội.

Nhận diện cơ hội kinh doanh

          Có ba cách tiếp cận mà các doanh nhân hoặc người khởi sự kinh doanh có thể sử dụng để nhận diện cơ hội kinh doanh như sau:

          - Nhận diện cơ hội từ các khuynh hướng thay đổi trong cuộc sống. Chú ý cần phân biệt khuynh hướng với tính nhất thời. Cần quan sát các khuynh hướng và nghiên cứu cách tạo ra cơ hội như thế nào. Những khuynh hướng quan trọng nhất để theo đuổi là những khuynh hướng kinh tế, xã hội, những tiến bộ công nghệ cũng như những thay đổi về chính trị.

          - Cách thức giải quyết một vấn đề. Đây là cách tiếp cận để nhận diện vấn đề và tìm ra cách để giải quyết. Những vấn đề này có thể được nhận ra bởi sự quan sát những thách thức mà con người gặp phải trong cuộc sống hàng ngày và thông qua những phương tiện đơn giản như trực giác, may mắn và cơ hội.

          - Tìm kiếm khoảng trống thị trường. Đây là nhu cầu con người về sản phẩm/dịch vụ chưa được lấp đầy.

Ý tưởng kinh doanh

          Ý tưởng kinh doanh là ý tưởng về một hoạt động kinh doanh. Vấn đề là ở chỗ, ý tưởng thì luôn có rất nhiều; ý tưởng kinh doanh cũng không ít song không phải ý tưởng kinh doanh nào cũng dẫn đến đảm bảo cho hoạt động kinh doanh thành công. Muốn thành công, người khởi sự cần có ý tưởng kinh doanh tốt. Ý tưởng kinh doanh tốt là ý tưởng kinh doanh đảm bảo tính khả thi và có thể dẫn tới thành công.

Muốn thành công, ý tưởng kinh doanh phải tạo ra được lợi thế cạnh tranh không những lấp đầy được nhu cầu mới mà còn phải mang lại giá trị hoặc dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.

          Theo nhiều chuyên gia, ý tưởng kinh doanh tốt cần được mô tả ở dạng rất đơn giản. Ý tưởng kinh doanh mà không thể mô tả bằng một câu đơn giản thường là một ý tưởng kinh doanh chưa hoàn thiện hoặc ý tưởng kinh doanh tồi. Ý tưởng kinh doanh chỉ nên chứa đựng từ 10 đến 15 từ, không quá dài.

Nghề kinh doanh

Cho đến bay giờ chúng ta hầu như đã quan niệm rằng kinh doanh là một nghề. Khi quan niệm kinh doanh là một nghề thì khởi sự kinh doanh cũng đồng nghĩa với bắt đầu một nghề - nghề kinh doanh. Đây là lý do vì sao người ta còn gọi khởi sự kinh doanh là khởi nghiệp. Từ đây chúng ta có thể thống nhất cách hiểu các cụm từ khởi sự kinh doanh cũng hoàn toàn trùng với khởi nghiệp. Tuy nhiên, không nên hiểu đơn giản khởi sự kinh doanh trùng với tạo lập doanh nghiệp, và càng không nên quan niệm khởi sự doanh nghiệp vì trong tiếng Việt người ta chỉ có thể khởi sự được một hoạt động kinh doanh chứ không thể khởi sự một doanh nghiệp được.

Mặc dù kinh doanh là một nghề song cho đến tận bây giờ ở nước ta thậm chí vẫn có rất nhiều người đặt câu hỏi liệu kinh doanh có phải là một nghề? Người ta hay nghĩ rằng ‘nghề’ phải là nghề kỹ thuật cụ thể như cơ khí, luyện kim,… chứ quản trị không thể là ‘nghề’. Cũng như vậy, người ta nghĩ rằng ai cũng có thể kinh doanh được nếu hiểu theo nghĩa chỉ cần có chút vốn, vài mét vuông cửa hàng là có thể mở một cửa hiệu, kinh doanh những mặt hàng nào đó mà người chủ có ý muốn song vấn đề là ở chỗ, với tất cả những thứ đó liệu đem lại kết quả như thế nào? Đó là sự thành đạt hay là sự thoát nghèo?

          Theo quan điểm của chúng tôi, có lẽ chỉ trên cơ sở tư duy về tính chuyên môn hóa nghề nghiệp thấp, tư duy đơn thuần theo kiểu đồng nghĩa kinh doanh với kế sinh nhai mới phát sinh quan niệm ai cũng có thể kinh doanh được - một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Nhiều lúc cần đặt câu hỏi: liệu có phải chúng ta chưa có được doanh nhân nổi tiếng tầm cỡ thế giới, liệu có phải nhiều doanh nghiệp nước ta kinh doanh không hiệu quả là xuất phát từ sai lầm này?

          Thực ra, điều đầu tiên cần khẳng định chính là khẳng định kinh doanh là một hoạt động có tính nghề nghiệp. Người thực hiện một phần trong số các hoạt động điều hành để quá trình  doanh diễn ra theo ý muốn được gọi là các nhà quản trị, những người đứng đầu thường được gọi là doanh nhân. Muốn kinh doanh, cần có các kỹ năng, đặc biệt còn cần cả trí tuệ, nghệ thuật và may mắn.

Tuy giống các nghề nghiệp khác ở tính ‘nghề nghiệp’, song nghề kinh doanh cũng có đặc trưng khác nhiều nghề khác ở chỗ không gây ra hậu quả tức thời. Phải có trí tuệ cao, người khởi nghiệp mới thoát khỏi vòng tư duy theo kiểu truyền thống, cũ kỹ và manh mún. Phải có trí tuệ mới nhận thức và dám quyết định tạo ra công nghệ mới, sản phẩm mới, mới biết cách đề phòng và tìm cách giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra trong quá trình kinh doanh.

PGS.TS Dương Văn Sơn

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, có nên đưa sản phẩm mới ra thị trường hay không? Làm thế nào để không chuốc lấy thất bại khi tung sản phẩm mới ra thị trường?Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, giảng viên Đại học Kinh tế Tp.HCM, một trong những yếu tố không thể bỏ qua là  phải tiến hành nghiên cứu thị trường trước khi triển khai ý tưởng.Nhiều công trình tổng kết cho thấy, phần lớn các sản phẩm mới tung ra trên thị trường gặp thất bại là do doanh nghiệp mơ hồ trong việc xác định khách hàng, thị trường và mục tiêu nên đã không tạo được sự khác biệt cho sản phẩm. Từ chỗ không hiểu rõ khách hàng, không hiểu thị trường nên doanh nghiệp chưa đưa ra được sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu và một chiến lược triển khai phù hợp.Chính vì thế mà việc đầu tư, nghiên cứu thị trường trước khi quyết định triển khai một sản phẩm mới là rất cần thiết. Thông thường, để phát triển một sản phẩm mới, doanh nghiệp phải trải qua bốn  bước. Trước tiên là xác định, nhận dạng, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh.Kế đến là thử nghiệm, gạn lọc các khái niệm về sản phẩm mới. Bước tiếp theo là phát triển sản phẩm mới. Và cuối cùng là thử nghiệm bán hàng mô phỏng, thử nghiệm thị trường.Trong bốn bước kể trên, bước quan trọng đầu tiên là nhận diện cơ hội trong hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ xem xét nhu cầu, mối quan tâm của khách hàng, thị trường để  từ đó chuyển thành chiến lược kinh doanh của mình.Để nhận diện được cơ hội trong kinh doanh, GS.TS.Hồ Đức Hùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển (IDR), cho rằng điều đầu tiên là chúng ta phải có ý tưởng. Và ý tưởng đó xuất phát từ những thông tin có liên quan đến ngành nghề mà doanh nghiệp đang hoạt động, có thể xuất phát từ một lời phàn nàn của khách hàng, từ một nhận xét nào đó về sản phẩm, từ việc giải quyết một sự cố trong việc đáp ứng yêu cầu của khách hàng… Đôi khi ý tưởng cũng có thể xuất phát từ thành công, kể cả thất bại của đối thủ hoặc của chính doanh nghiệp.Nguồn ý tưởng xuất phát từ yếu tố nội tại và bên ngoài doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều chủ doanh nghiệp thường có định kiến “bụt nhà không thiêng” nên đi tìm ý tưởng từ bên ngoài mà ít để ý đến những ý kiến trong nội bộ.Theo ông Hùng, trước hết doanh nghiệp cần phải xem trọng ý tưởng trong nội bộ doanh nghiệp, vì “không ai hiểu mình bằng chính mình”. Muốn có được những  ý tưởng hay, người chủ doanh nghiệp phải biết cách tổ chức, phải tạo điều kiện để mọi người tranh luận, phát triển ý kiến trong doanh nghiệp. Ở một môi trường mà mọi nhân viên đều có quyền nhận định bất kỳ quyết định nào của ban giám đốc thì ý tưởng mới có cơ hội phát triển.Trong thực tế, để làm được điều này là không dễ vì nhiều ông chủ rất dễ nổi nóng khi nghe ý kiến trái chiều từ nhân viên. Việc tạo ra môi trường sáng tạo trong nội bộ tổ chức liên quan đến văn hóa doanh nghiệp. Và đây là yếu tố quan trọng để tạo nên năng lực cạnh tranh động cho doanh nghiệp. Tại một số doanh nghiệp nước ngoài, họ tổ chức hẳn một bộ phận chuyên thu thập, quản lý, theo dõi từ những góp ý phê bình cho đến những ý kiến mới, sau đó trình bày lại cho ban giám đốc, cho đội ngũ những nhà nghiên cứu.Suy cho cùng, những ý tưởng xuất phát từ bên trong hay bên ngoài doanh nghiệp đều cần thiết, vấn đề là doanh nghiệp làm thế nào để tổ chức thu thập và biến những ý tưởng đó thành cơ hội kinh doanh cho chính mình.

Khôi Nguyên (TBKTSG)