Tư tưởng dân tộc lớn là gì

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là tư tưởng chính trị đặc sắc, sợi chỉ đỏ xuyên suốt và bao trùm trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng này đã đưa dân tộc Việt Nam đến độc lập, tự do, nước nhà Bắc Nam thống nhất và ngày nay, đó là nguồn sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng một xã hội Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Là một người dân mất nước, nhiều lần được chứng kiến tội ác dã man của chủ nghĩa thực dân đối với đồng bào mình và người dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới, Hồ Chí Minh thấy rõ một dân tộc không có quyền bình đẳng chủ yếu là do dân tộc đó mất độc lập. Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Theo Bác, độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước hết, là cơ sở tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là con đường củng cố vững chắc độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc một cách hoàn toàn, triệt để. Người chỉ rõ: Độc lập dân tộc phải là nền độc lập thật sự, độc lập hoàn toàn, chứ không phải là thứ độc lập giả hiệu, độc lập nửa vời, độc lập hình thức, độc lập phải gắn liền với thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; độc lập dân tộc bao giờ cũng phải gắn với tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân lao động. Còn chủ nghĩa xã hội là con đường củng cố vững chắc độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc một cách hoàn toàn triệt để. Xây dựng chủ nghĩa xã hội chính là xây dựng tiềm lực phát triển của dân tộc trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Với các thiết chế đó và nền tảng tinh thần riêng có, chủ nghĩa xã hội có khả năng vận động liên tục, tự bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng của Nhân dân. Chủ nghĩa xã hội càng phát triển, càng đạt đến độ chín muồi thì các tiềm lực, nhất là tiềm lực vật chất kỹ thuật của dân tộc càng mạnh, đất nước càng có điều kiện củng cố độc lập dân tộc bằng chủ nghĩa xã hội. Từ đó, Người khẳng định, trong chủ nghĩa xã hội, Nhân dân lao động là người chủ duy nhất - đó là sự khác biệt về chất giữa chủ nghĩa xã hội với các chế độ xã hội trước đó. Chế độ dân chủ là chế độ do Nhân dân làm chủ và dân chủ là vấn đề thuộc bản chất nhà nước ta. Theo Người, dân chủ xã hội chủ nghĩa phải được phát huy trên tất cả các lĩnh vực, phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được hoàn thiện, nâng cao trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao dân trí. Đây là điều kiện cơ bản quyết định vận mệnh của dân tộc, tạo ra sức đề kháng trên phạm vi xã hội để loại trừ và có khả năng chống trả bất kỳ một hành động nào đe dọa độc lập, tự do của dân tộc. Thực hiện được một xã hội như vậy thì độc lập dân tộc mới thực sự vững chắc, sự nghiệp giải phóng dân tộc mới thắng lợi một cách hoàn toàn và triệt để. Do đó, Hồ Chí Minh yêu cầu để độc lập dân tộc gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa xã hội thì cần phải có điều kiện tiên quyết đảm bảo, đó là tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng Cộng sản. Không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì cách mạng Việt Nam không thể vận động theo cách mạng vô sản được và chắc chắn sự nghiệp độc lập dân tộc sẽ đi theo vết xe đổ của các phong trào cứu nước trước đó.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội, trong nhiều văn kiện của Đảng ta, vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn được khẳng định một cách mạnh mẽ và dứt khoát. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội [bổ sung, phát triển năm 2011] khẳng định một trong những bài học kinh nghiệm lớn của cách mạng nước ta là: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau. Văn kiện Đại hội XI, XII và mới nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng trong các quan điểm chỉ đạo định hướng phát triển đất nước trong thời gian tới đã xác định: Kiên định vận dụng phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Nhận thức và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam đấu tranh đưa cách mạng Việt Nam đi hết thắng lợi này, đến thắng lợi khác. Ngày 02/9/1945, trước quốc dân đồng bào Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước Việt Nam được thống nhất. Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện rõ vai trò lãnh đạo tiên phong, xứng đáng tiêu biểu cho bản lĩnh Việt Nam trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, đã tỏ rõ tính độc lập tự chủ trong mọi đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại, luôn gắn bó chặt chẽ với Nhân dân, từng bước đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng đói nghèo, kém phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, có quan hệ quốc tế ngày càng rộng mở, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức rõ giá trị của độc lập dân tộc, cảnh giác, đấu tranh với mọi âm mưu, hành động của các thế lực thù địch chống phá đường lối của cách mạng Việt Nam, góp phần giành thắng lợi to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc./.

C.T.V

Video liên quan

Chủ Đề