Vì sao ngành du lịch phát triển ở hội an

Lượng khách quốc tế đến Hội An trong thời gian gần đây vẫn là con số ấn tượng so với nhiều điểm du lịch trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh thị trường mới nổi, Hội An có cần thu hút và duy trì dòng khách truyền thống có chi tiêu cao hay không? Nếu có nên thực hiện như thế nào?

Khách du lịch tại Hội An đang giảm lượng chi tiêu- Ảnh: Lê Hiền

Những dòng khách mới nổi…

Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Hội An tiếp tục phát triển mạnh. Các sản phẩm du lịch được đổi mới, tạo sức hút và mang lại ấn tượng tốt đối với du khách. Các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển du lịch tại các địa phương tiếp tục được triển khai nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và mở rộng không gian phát triển du lịch của thành phố. Đến nay, Hội An đã phê duyệt đề án điều chỉnh kế hoạch phát triển, quy trình cấp phép và quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch giai đoạn 2017 – 2020. Hiện toàn thành phố có 662 cơ sở lưu trú đang hoạt động với hơn 11 ngàn phòng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách ở các mức chi tiêu khác nhau. Riêng trong 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách đến Hội An tăng cao, đạt trên 3.000.000 lượt, tăng hơn 15% so với CK. Trong đó, có đến 2.300.000 lượt khách quốc tế, tăng gần 20% so với CK. Phân tích lượng khách quốc tế đến Hội An so với tình hình chung cả nước cũng như một số điểm đến nổi tiếng khác, ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng VHTT thành phố cho hay: “Mặc dù rất khó khăn nhưng du lịch Hội An vẫn tăng trưởng, đạt chỉ số ngoạn mục. Đơn cử như cả nước trong 5 tháng đầu năm cả nước có gần 7,3 triệu lượt khách quốc tế thì riêng Hội An 2,3 triệu khách quốc tế. Như vậy chúng ta tăng 20% trong khi cả nước tăng 0,8% thôi. Ở Huế có 1 triệu khách quốc tế, Đà Nẵng có 1,3 triệu thôi. Như vậy nhờ có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và cư dân Hội An.” Trong số khách quốc tế đến Hội An, vài năm trở lại đây đã xuất hiện một số thị trường khách mới nổi, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia…

  • Du khách thích thú các sản phẩm du lịch văn hóa Hội An– Ảnh: Lê Hiền

Khách truyền thống có còn phù hợp?

Dù có những tín hiệu đáng phấn khởi về lượng khách quốc tế đến Hội An cũng như những dòng khách mới nổi chọn Hội An làm điểm đến nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp du lịch tại Hội An cho rằng, thị trường khách truyền thống đến từ châu Âu và Châu Mỹ đã sụt giảm. Nếu như nhiều năm trước, khi du lịch Hội An đang trong giai đoạn chớm nở và bắt đầu phát triển tiếng tăm ra thị trường thế giới thì dòng khách truyền thống này là chủ lực, mang lại doanh thu cho ngành du lịch Hội An thì hiện nay đã khác. Thay vào đó là dòng khách châu Á, với những quy trình tour được các hang lữ hành thiết kế trọn gói đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành dịch vụ, thương mại của địa phương. Anh Trần Lưu Bình, chủ cơ sở Bảy Mẫu Eco cooking tour cho biết: “Khách Châu Âu trước đây đến Hội An tìm hiểu văn hóa của người và đất nơi này nhưng đối với Hội An bây giờ khách châu Á chiếm đa số. Không gian chật hẹp, cho nên dòng khách châu Âu không có thích, gần đây xu hướng đi tìm các thị trường khác. Riêng khách châu Á thì bất cập hiện nay là gần như không lưu trú tại Hội An, thường lưu trú ở nơi khác, chỉ ghé vào Hội An một buổi tham quan đâu đó rồi đi. Chi phí mua sắm nằm trong quy trình tour, trì trệ kinh doanh lưu trú, ăn uống, mua sắm, may mặc.”

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm nay, TP Hội An chỉ đón 965 ngàn lượt khách lưu trú trong tổng số 2,3 triệu khách tham quan, trong đó chỉ có 800 lượt khách quốc tế lưu trú. Số khách quốc tế lưu trú tuy có tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chỉ bằng 1/3 tổng lượt khách quốc tế đến tham quan tại Hội An. Điều này cho thấy mức chi tiêu cho dịch vụ lưu trú tại Hội An của khách quốc tế tương đối thấp, có đến 2/3 lượng khách quốc tế đến Hội An tham quan nhưng không lưu trú. Trong khi Hội An có đến hơn 11 ngàn phòng lưu trú, với đủ loại mức giá, từ bình dân đến cao cấp. Từ thực tiễn này, ông Nguyễn Văn Lanh gợi mở về sự phù hợp của thị trường khách truyền thống đối với du lịch Hội An hiện nay ra sao? Ông Lanh nói: “Không phụ thuộc vào bất cứ một thị trường nào cả, đó là kinh nghiệm sống còn của ngành du lịch Hội An. Làm sao chúng ta nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn liền với thương hiệu, bảo vệ cái uy tín của Hội An. Chứ còn thật ra trong du lịch chỉ chăm chăm mình thị trường khách truyền thống là không còn phù hợp nữa.”

  • Đa dạng dòng khách kể cả khách chi tiêu bình dân nhưng không bình thường hóa sản phẩm du lịch– Ảnh: Lê Hiền

Cách làm…

Cho rằng du lịch Hội An không nên phụ thuộc vào bất kỳ thị trường du khách nào, nhất là khi xu hướng tìm điểm đến mới của du khách là quy luật tất yếu, nhiều doanh nghiệp ở Hội An vẫn cho rằng, Hội An nên đa dạng thị trường khách, cần tìm cách dung hòa giữa thị trường khách truyền thống với các thị trường khách mới nổi. Trên thực tế, lượng khách ở thị trường mới nổi chiếm số lượng lớn tại các điểm đến, trong khi không gian, phạm vi du lịch ở Hội An lại có giới hạn, đã tạo ra dấu hiệu sụt giảm đối với dòng khách truyền thống và nhiều khả năng ảnh hưởng đến tính bền vững của du lịch Hội An. Để khắc phục tình trạng này, anh Trần Lưu Bình, chủ cơ sở Bảy Mẫu Eco cooking tour cho rằng: “Theo tôi nên điều tiết lượng khách Hàn Quốc này, nói chung là khách Châu Á nên đi về tuyến Duy Vinh, Cẩm Kim, làng nghề, để kéo giãn lượng khách này ra, không nên tập trung vào phố cổ quá đông trong những giờ quá tải. Riêng về các doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng cần có cách tiếp cận dòng khách này đưa về lưu trú tại Hội An, bù đắp lại lượng khách Châu Âu không về thì mới hài hòa được và có thu nhập tốt. Hiện nay khách du lịch tại Hội An tăng nhưng doanh thu một số doanh nghiệp lữ hành lại thấp, đặc biệt là lĩnh vực lưu trú.”

Ở góc nhìn của đại điện đơn vị quản lý, ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng VHTT Hội An cho rằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch là quan trọng nhất. Xu hướng du lịch của Hội An lựa chọn hiện nay là du lịch cộng đồng, giúp cho nhiều gia đình, nhiều người dân đều có thu nhập, tùy vào sự lựa chọn dịch vụ của du khách. Để làm được như vậy, sản phẩm du lịch phải đảm bảo tính văn hóa, thẩm mỹ nhưng cũng cần đáp ứng những “gu” riêng của nhiều dạng khách. Song không vì thế mà cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là cư dân Hội An bình thường hóa sản phẩm du lịch. Ông Lanh phân tích: “Theo thống kê, khách đến Hội An từ 2 lần trở lên chưa đến 0,8%. Trong khi tỷ lệ này ở Singapo và Thái Lan hơn 80%. Thứ hai là chi tiêu cao, quan điểm của chúng ta là du lịch cộng đồng. Mỗi người dân được hưởng lợi từ du lịch Hội An. Do vậy không nên ưu tiên một phía là chi tiêu cao mà quên đi thị trường khách cho chi tiêu, mặc dù chi tiêu thấp. Người ta đến Hội An có nghĩa là người ta có chi tiêu, người ta chịu khó ăn ly chè, ăn tô mì Quảng, cao lầu chỉ một vài chục ngàn, người ta ở Homsetay…, miễn là mỗi người dân Hội An người ta có đồng ra đồng vào từ nguồn thu du lịch, thì lúc đó chúng ta mới gọi là du lịch cộng đồng bền vững. Đương nhiên tôi nói lại là không bình thường hóa sản phẩm của chúng ta.”

Như vậy trước định hướng thu hút dòng khách truyền thống, có chi tiêu cao, Hội An cũng cần có những cách làm riêng, phù hợp với xu hướng và có thể đa dạng sản phẩm du lịch, phục vụ đa dạng các thị trường khách khác nhau, tạo cơ hội cho nhiều gia đình có thu nhập từ du lịch dịch vụ, ổn định cuộc sống.

Lê Hiền

Chia sẻ

Tweet

Follow us

Share

Share

Share

Share

Share

Video liên quan

Chủ Đề