Vựa lúa lớn nhất việt nam ở đâu

An Giang là một trong những tỉnh sản xuất lúa lớn nhất cả nước

An Giang là vựa lúa của cả nước, sản xuất nông nghiệp An Giang cũng giống như các tỉnh khác vùng đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất lúa từ 1 vụ lên 2 vụ và lên đến 3 vụ. Đến năm 2019, tổng diện tích gieo trồng cả năm hơn 680 ngàn ha, trong đó diện tích lúa hơn 620 ngàn ha. Năng suất lúa bình quân cả năm 2019 đạt 6,3 tấn/ha. Sản lượng lúa cả năm toàn tỉnh đạt gần 4 triệu tấn và An Giang là một trong những tỉnh sản xuất lúa lớn nhất cả nước, chỉ sau tỉnh Kiên Giang. 

Qua 10 năm thực hiện đề án “Phát triển sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo Quyết định 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ”; cơ cấu giống lúa của tỉnh An Giang có sự chuyển đổi mạnh mẽ, những năm 2000 tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao còn thấp, đến năm 2018 có khoảng 70% diện tích sử dụng các loại giống có chất lượng cao như: OM6976, OM4218, OM5451, Jasmine, ….

Bên cạnh đó, An Giang cũng đã hình thành vùng sản xuất các loại giống đặc sản: Vùng Lúa nếp Phú Tân, vùng lúa Jasmine Châu Phú,… Với lợi thế này, tạo những điểm khác biệt lớn cho ngành sản xuất lúa gạo An Giang so với các tỉnh khác. Nhờ vậy, đã từng bước hình thành được các vùng nguyên liệu lúa gạo hàng hóa, lúa gạo đặc sản để các doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ.

Mỗi vụ lúa, ngành Nông nghiệp An Giang phối hợp với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long thực hiện trình diễn bộ giống lúa có triển vọng ở các huyện, thị thành trong tỉnh. Qua đó, tổ chức hội thảo cho nông dân đánh giá, lựa chọn giống phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương. Kết quả các điểm trình diễn giống là cơ sở cho ngành nông nghiệp khuyến cáo các giống lúa phục vụ sản xuất, phù hợp với từng vùng sinh thái trong tỉnh. Thời gian qua, tỉnh An Giang đã khuyến cáo một số giống lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho bà con nông dân gieo trồng như: OM4900, OM6377, OM8927, OM7347, OM9582...

Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang: Hiện An Giang là tỉnh đi đầu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trong công tác xã hội hóa giống lúa. Phong trào nhân giống lúa cộng đồng ở tỉnh An Giang khởi nguồn từ năm 2004, đến năm 2019 vẫn được duy trì ổn định về diện tích, sản lượng giống xác nhận phục vụ sản xuất lúa hàng hóa, nông dân đã hiểu và nhận thức được vai trò của lúa giống trong sản xuất, tự nhân giống phục vụ sản xuất và kinh doanh. 

Mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 26.000 ha đến 31.000 ha nhân giống lúa với 4.500 - 6.000 nông dân tham gia, có 160 tổ nhân giống [mỗi xã thành lập ít nhất 1 tổ nhân giống] và khoảng 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống.

Hiện An Giang có khả năng cung cấp từ 150.000 tấn đến 164.000 tấn giống lúa mỗi năm, khả năng cung cấp khoảng 90% nhu cầu giống cho sản xuất tại An Giang, với các giống được nhân chủ yếu: OM 6976, OM 4900, Jasmine, OM 5451, OM 9577, OM 9582, IR50404, Nếp,… 

Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giống lúa, thời gian qua tỉnh An Giang đã cung cấp nguồn lúa giống tốt và giá cả phù hợp nhu cầu của nông dân; đồng thời là nền tảng để triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật: Chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạn chế tác động đến môi trường.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: Giai đoạn 2010 - 2019, có khoảng 6 - 10% sản lượng lúa và các loại nông sản chủ lực khác của tỉnh được các doanh nghiệp và các tổ chức đại diện của nông dân thực hiện liên kết tiêu thụ thông qua hợp đồng. 

”Mỗi năm, trung bình có 20 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân, khoảng 25 tổ chức đại diện nông dân như: hợp tác xã và tổ hợp tác tham gia thực hiện liên kết. Riêng đối với năm 2019, ước thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với diện tích khoảng 40.000 ha đạt khoảng 6% diện tích gieo trồng cả tỉnh và dự kiến đến năm 2020 con số này tăng lên 50.000 ha”, ông Lâm thông tin.

Thời gian qua, tỉnh An Giang cũng chú trọng hình thành các vùng nguyên liệu lúa gạo hàng hóa chất lượng cao, lúa gạo đặc sản để các doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ như vùng chuyên canh sản xuất lúa nếp Phú Tân với diện tích 22.500 ha; vùng chuyên canh sản xuất lúa Jasmine Châu Phú với diện tích 1.150 ha; vùng bảo tồn lúa mùa nổi với diện tích 100 ha. 

Bên cạnh đó, An Giang luôn chú trọng vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách từ trung ương để triển khai mạnh mẽ chương trình cánh đồng lớn có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, kêu gọi đầu tư, tăng cường năng lực cho tổ chức nông dân, hợp tác xã, tạo tiền đề đẩy mạnh sản xuất theo hướng chuỗi hàng hóa lớn. Tăng cường nghiên cứu các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, xây dựng mô hình thí điểm cánh đồng lớn theo phương châm 4 H là: Hợp tác - hiện đại - hài hòa, thân thiện môi trường - hiệu quả, ở quy mô tối thiếu 50 ha hay nghiên cứu chuỗi giá trị cây nếp nhằm thúc đẩy thị truờng cho sản phẩm lúa gạo. Qua đó tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo An Giang. 

Hiện tỉnh An Giang cũng đã hình thành vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao và bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện An Giang đã hình thành được 4 vùng sản xuất lúa gạo đạt chứng nhận sản phẩm GlobalGAP với diện tích 260 ha, trên giống lúa Jasmine và được doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩn, đồng thời hỗ trợ tái chứng nhận hàng năm. Kết quả việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa cao sản có hiệu quả, giúp giảm lượng giống gieo sạ từ 50 - 100 kg/ha, tiết kiệm vật tư đầu vào, tăng lợi nhuận bình quân ước khoảng 02 triệu đồng/ha. 

Ngoài ra, An Giang thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP trong từ vụ Đông xuân 2017 - 2018, được thực hiện với tổng diện tích 175 ha/vụ tại Hợp tác xã Thạnh Giang, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn tất cả sản phẩm được Công ty thu mua với mức giá cao hơn thị trường 100 đồng/kg và thưởng thêm 150 đồng/kg lúa tươi nếu kiểm tra mẫu lúa đạt tiêu chuẩn dư lượng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.

Để tăng cường động lực thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gąo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang chú trọng đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ vào khâu tổ chức sản xuất, phục tráng, lai, chọn tạo các giống đặc sản địa phương, các bộ giống theo hướng năng suất cao, phẩm chất tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu điều kiện thời tiết bất lợi hạn, lũ, mặn và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu như: Nàng Nhen, Hồng Ngọc Óc Eo, Huyền Ngọc, nếp Phú Tân, Jasmine 85 Châu Phú, TAG1, TAG2.

Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có ứng dụng công nghệ cao như: Vùng sản xuất giống cá tra chất lượng cao của Việt Úc - quy mô: 104 ha; vùng sản xuất cá tra công nghệ cao của Công ty Nam Việt Bình Phú - quy mô 600 ha; vùng sản xuất chuối công nghệ cao Vĩnh Phát: quy mô 400 ha. Hình thành được vùng chuyên canh sản xuất xoài với quy mô trên 5.000 ha ở huyện Chợ Mới. 

Theo UBND tỉnh An Giang: Thời gian tới, An Giang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng, theo nhu cầu thị trường, trong đó lấy doanh nghiệp và nông dân làm trọng tâm; nhà nước giữ vai trò kiến tạo bằng các chính sách đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp, nông dân và các thành phần tham gia cùng phát triển. Tỉnh An Giang luôn xem nhiệm vụ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xem doanh nghiệp là động lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn và có doanh nghiệp đầu tư mới thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn gắn với ứng dụng công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị.../.

Quy chuẩn canh tác lúa bền vững SRP là gì? 

Quy chuẩn canh tác lúa SRP [Sustainable Rice Platform – nền tảng lúa bền vững] là bộ công cụ thúc đẩy thực hành sản xuất lúa bền vững đại diện cho chính phủ các nước trồng lúa, bao gồm Việt Nam, nhà khoa học, doanh nghiệp, GIZ, Tổ chức LHQ về môi trường, Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế [IRRI] đồng chủ trì sáng lập.

Tiêu chuẩn SRP bao gồm 41 tiêu chuẩn đánh giá 8 lĩnh vực liên quan của sản xuất lúa gạo, như: Sử dụng nước, chuẩn bị xuống giống, thu hoạch và sau thu hoạch, quản lý đồng ruộng, quản lý sâu bệnh, quản lý dinh dưỡng, quyền của người lao động, sức khỏe và an toàn lao động.

Tiêu chí thực hành canh tác lúa bền vững giúp giám sát, đánh giá việc thực hành canh tác lúa bền vững ở ba cấp độ: cơ bản, trung bình, cao. Công cụ này gồm 12 tiêu chí kết nối chặt chẽ với các tiêu chuẩn thực hành canh tác lúa bền vững.

Hệ thống bảo đảm tuân thủ canh tác lúa bền vững SRP, có 3 cấp độ đảm bảo tuân thủ, trong đó cấp độ 1: Nông dân tự đánh giá; Cấp độ 2: một bên thứ hai đánh giá; Cấp độ 3: Một bên thứ ba đánh giá.

Hệ thống bảo đảm tuân thủ này bao gồm việc nông dân đăng ký thực hành trên hệ thống cơ sở dữ liệu trung tâm và nhóm các nông dân [tổ sản xuất/hợp tác xã] tự đánh giá sự tuân thủ thông qua các hệ thống kiểm soát nội bộ.

Sự khác biệt của bộ công cụ canh tác lúa bền vững này là việc tuân thủ các tiêu chuẩn canh tác SRP chỉ cần được xác thực mà không cần chứng chỉ khiến giá thành sản xuất không bị tăng lên do phải trả phí cho các cơ quan cấp chứng chỉ.

Thanh Sang

Hình dáng nước ta kéo dài cong cong như một chiếc đòn gánh mà 2 đầu là 2 vựa lúa lớn, đất đai phì nhiêu.

Hình dáng nước ta kéo dài cong cong như một chiếc đòn gánh mà 2 đầu là 2 vựa lúa lớn, đất đai phì nhiêu.

Một triệu năm, một tấc đất

So với “khúc ruột miền Trung” gầy guộc, hình dáng đất nước ta có 2 điểm nhấn no tròn ở hai đầu, đó là đồng bằng châu thổ sông Hồng [1.486.241ha] và đồng bằng châu thổ sông Mekong [4.060.478ha]. Đất sản xuất nông nghiệp thực tế của đồng bằng sông Hồng chỉ có 764.024ha, còn ở đồng bằng sông Mekong là 2.579.463ha [số liệu thống kê 2005].

Mùa vàng no ấm ở ĐBSCL.

Các đồng bằng kể trên với đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho việc trồng lúa nước, là những tài nguyên thiên nhiên quý giá bậc nhất của nước ta. Theo những đánh giá lạc quan nhất, trong vòng 100 năm nữa, loài người sẽ rút lên từ lòng đất những giọt dầu mỏ cuối cùng. Còn than đá ư - nước ta đang có nguy cơ từng bước chuyển biến từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu than.

Đất đai của các đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Mekong là những giá trị trường tồn nếu chúng ta biết bảo vệ và khai thác một cách hợp lý. Cũng chính trên các đồng bằng châu thổ đó, nền văn minh lúa nước đã được nhen nhóm từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Có học giả nước ngoài cho rằng, nền văn minh lúa nước của Đông Nam Á đã xuất hiện sớm nhất trên hành tinh.

Nếu tìm hiểu ngọn ngành, chúng ta sẽ biết rằng để có một tấc đất trồng lúa nước ở đồng bằng ngày nay, thiên nhiên đã phải tốn đến hàng triệu năm. Lùi lại mốc thời gian cách đây 59 triệu năm, vào cuối kỳ Paleocen của kỷ Đệ Tam, khi mảng lục địa Ấn Độ xô húc vào mảng lục địa Âu – Á. Từ đó, bắt đầu quá trình nâng lên của dải đất mà ngày nay đã trở thành mái nhà thế giới - dãy Hymalaya với đỉnh Everes cao 8.848m.

Cũng chính quá trình tạo núi Hymalaya đó đã khiến lớp vỏ Trái đất bị tổn thương, tạo nên nhiều vết nứt vỡ kèm theo sự dịch trượt của đất đá ở hai bên vết nứt, được gọi là các đứt gãy địa chất. Một đứt gãy lớn kéo dài từ Tây Tạng, qua Myanmar, Vân Nam [Trung Quốc] rồi xuyên cắt vào lãnh thổ nước ta.

Thu hoạch lúa ở Nam Định

Nương theo đới đứt gẫy sung yếu đó của vỏ Trái đất, một dòng sông đã được hình thành, bắt nguồn từ dãy Ngụy Sơn ở độ cao 1.776m, thuộc huyện Nhị Đô, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam vào Việt Nam từ Hồ Khẩu [Lào Cai] rồi chảy qua các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình đổ ra vịnh Bắc Bộ ở cửa Ba Lạt, với chiều dài khoảng 1.160km.

Con sông này kéo theo đất đỏ terra-rossa của những vùng nó đi qua làm cho nước sông nhuốm màu hồng đặc trưng, và tên gọi sông Hồng cũng bắt nguồn từ đó. Tương tự như vậy, sông Mekong, dài thứ 12 trên thế giới, bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua các lãnh thổ Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia trước khi vào Nam Bộ nước ta, rồi chia thành 9 nhánh đổ ra Biển Đông. Vì thế, ở Việt Nam con sông này còn có tên Cửu Long [mặc dù trên thực tế ngày nay sông chỉ còn 7 cửa chảy tự nhiên ra biển].

Bê tông găm trên đất phù sa

Vào kỷ Neogen, cách nay 23,5 đến 1,75 triệu năm, sông Hồng còn trẻ, đã để lại tầng trầm tích lòng sông tuổi Neogen mà ngày nay đã chìm sâu dưới những tầng trầm tích trẻ hơn. Nhưng sang kỷ Đệ Tứ, từ mốc 1,75 triệu năm trước đây, con sông đã bước vào thời kỳ già. Những tầng bồi tích đầu tiên của nó đã khai sinh đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Từ đó, cùng với các chi lưu của mình, từng chút một, sông Hồng cần mẫn chở phù sa, vun đắp đồng bằng châu thổ. Quá trình hình thành đồng bằng châu thổ sông Hồng có sự tương tác giữa sông và biển. Nếu nhìn từ ảnh vệ tinh tại vùng cửa Ba Lạt, chúng ta có thể thấy những dấu tích của quá trình đồng bằng “lấn biển” đó. Mà không phải con sông nào cũng có khả năng này.

Sự hình thành một tầng đất thích hợp với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa nước, là cả một quá trình dài lâu, gian khổ của thiên nhiên và con người, dù là ở đồng bằng Bắc Bộ hay Nam Bộ. Trên thế giới, nhiều nước đã quy hoạch phát triển đô thị lên những vùng đồi thoải, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp cho các dự án phi nông nghiệp. Tuy nhiên ở Việt Nam, điều này dường như chưa được chú trọng.

Không cần đi đâu xa, chỉ trên Quốc lộ số 5, dài khoảng 100km, nối hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng, nhiều người đã thấy đau lòng khi không biết bao nhiêu diện tích trồng lúa nước hai bên đường đã phải nhường chỗ cho những dự án đủ loại từ công nghiệp, dịch vụ, giải trí đến khu đô thị. Có cả những “dự án ma” nằm “đắp chiếu” nhiều năm trời. Sắt thép, bê tông găm vào và phủ lên không thương tiếc những mảnh đất phì nhiêu mà thiên nhiên đã tốn cả triệu năm tạo ra và rất thích hợp cho việc trồng lúa nước.

Đất nông nghiệp của những đồng bằng châu thổ nếu bị chuyển đổi cho những mục đích sử dụng khác không hợp lý là một tổn thất không gì bù đắp được. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời đại ngày nay là cực kỳ quan trọng, không cần bàn cãi. Song từ trong sâu thẳm tâm hồn, người Việt Nam vẫn tự hào là cư dân của cái nôi lúa nước nhân loại. Việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, việc giữ vững vị thế cường quốc của lúa gạo thế giới hẳn là điều chúng ta cần nghĩ tới, cho hôm nay và cho mai sau.

Kể chuyện Cánh đồng

Lúa ơi! Có phải người kết tinh từ mồ hôi mặn chát trên mặt cha sạm nắng và giọt sương sớm ướt đầm vai áo mẹ? Người gom hết những mặn nồng của đất, làm bật lên chồi mạ nhỏ nhoi, gom những xôn xao của gió tháng Hai vào lúa thì con gái, gom những giận dữ của Trời khi tháng Tám bão lũ nước ngập đồng sâu... Thân người mảnh mai, rễ người bền chắc, đứng chân trên đất phù sa, người vươn thật cao về phía trời xanh rồi lại khiêm nhường cúi xuống chở che những hạt vàng no ấm.

Gần thật gần với lúa, áp mặt vào bùn nâu, để nghe mãi đời đời Câu chuyện Cánh đồng...


Nguồn: PGS-TS Tạ Hòa Phương

Dân Việt

Video liên quan

Chủ Đề