Ca sĩ lộc vàng là ai?

Thật tình cờ, gặp danh ca Lộc Vàng trên sân khấu Nhà hát lớn, trong chương trình ra mắt sách: “Những tài danh âm nhạc 13+” của Nhà phê bình âm nhạc - Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha. Trong buổi lễ đặc biệt ấy, người yêu nhạc được thưởng thức những tác phẩm của các nhạc sĩ Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Phạm Duy, Đặng Thế Phong.v.v. Quá trưa, nhưng khán giả chẳng ai có ý định rời chỗ, bởi tiếng hát của danh ca Lộc Vàng cứ da diết, thấm sâu, lan tỏa như níu giữ những tâm hồn đồng điệu, trở về với những gì xưa cũ của môt thời quá vãng, trong tiết trời dịu nhẹ, tĩnh tại ở khán phòng Nhà hát lớn.

Danh ca Lộc Vàng và con trai Quốc Linh biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, tháng 6/2017. Ảnh Internet

Để giải tỏa những băn khoăn của mình, tôi tìm đến quán cà phê Lộc Vàng, một ngôi nhà nhỏ nằm khiêm nhường ở số 15 ngõ 12, phố Đặng Thai Mai. Đây vừa là nơi hội ngộ những người yêu dòng Tân nhạc thời kỳ đầu, vừa là nơi ông sinh sống. Mang thắc mắc hỏi ông về cảm giác khiến tôi “sởn da gà” khi nghe ông cất giọng. Không biết có phải vì lâu tôi không nghe ông hát, hay vì cảm xúc của ông hôm đó có gì đặc biệt, mà sao tiếng hát khắc khoải đến lạ?.

Nhấp ngụm trà sen, ông chậm dãi chia sẻ: “Khi hát phải đưa con người mình về thời điểm đó, đưa tâm hồn mình vào nhân vật trong bài hát. Khó cũng là dễ, bởi khi hát phải thấu hiểu tâm trạng của những nhạc sĩ sáng tác bản nhạc ấy. Người ca sĩ giống như một diễn viên, phải giàu cảm xúc, giàu trí tưởng tượng mới có thể cảm và thể hiện được trọn vẹn ý đồ tác phẩm. Phải có sự trải nghiệm cuộc sống đủ để hiểu ngôn ngữ của lời ca. Những bản nhạc xưa, buồn man mác chứ không não nề, ngôn từ sâu sắc, nhẹ nhàng, bóng bảy, thoáng chút buồn của những "tao nhân mặc khách" chứ không phải nỗi buồn bi lụy. Người ca sĩ khi hát phải hiểu và vẽ được câu chuyện, hình ảnh tác phẩm như bức tranh giàu màu sắc".

Một sự ngẫu nhiên, 3 bài hát được Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha đề nghị ông biểu diễn trong buổi lễ ra mắt sách, trong đó có “Chuyển bến” lại chính là 1 trong 10 bài ông đã hát cách đây tròn 49 năm cũng tại sân khấu Nhà hát lớn.

49 năm trước, vì hát những bản tình ca được coi là nhạy cảm «nhạc vàng» ở thời điểm ấy, mà ông rơi vào vòng lao lý. Và sau 49 năm, cũng vẫn sân khấu này, ông lại được đón nhận bằng những tràng pháo tay không dứt của khán giả. Thánh đường âm nhạc Nhà hát lớn với ông hôm ấy thật tuyệt vời để cảm xúc thăng hoa, chạm vào trái tim người yêu nhạc khó tính. Ông cho răng: "Có những người sợ quá khứ, không dám nhắc lại, nhưng với ông thì không, bởi không có quá khứ sẽ không có hiện tại. Ôn lại quá khứ để thấy nghị lực và giá trị sống hôm nay. Trở lại thánh đường âm nhạc Nhà hát lớn, cầm chiếc micro cất tiếng hát, mọi giác quan trong tôi bị đánh thức bởi những cảm xúc mãnh liệt dội về thật khó tả. Tôi hát và chỉ muốn thêm một lần nữa chứng minh sự trường tồn của một dòng nhạc và sự quyết tâm bảo vệ dòng nhạc ấy của tôi là đúng đắn”.

Danh ca Lộc Vàng biểu diễn cùng ca sĩ Hồng Hải tại cà phê Lộc Vàng - nơi gặp gỡ những tâm hồn đồng điệu

Cũng theo danh ca Lộc vàng, trước năm 1954 những gì quý gía thường được coi “quý như vàng” và những nhạc sĩ gây dựng nền Tân nhạc ngày ấy được cũng được ưu ái gọi là nhạc vàng, nhưng sau năm 1954 do ảnh hưởng của lịch sử, cách mạng, người ta coi nhạc vàng là thứ âm nhạc ủy mị, là sự úa tàn. Nghệ sĩ Lộc Vàng cho biết: Ngày 12/1968 ông được đề nghị hát 10 bài ở Nhà hát lớn với lý do làm tài liệu nghiên cứu. Sau này ông mới biết, do sự hiểu lầm về bài hát “Chuyển bến” của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Bài hát được sáng tác năm 1952, chứ không phải sáng tác sau năm 1954 và nội dung đơn thuần chỉ nói về một mối tình chia ly. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật sáng tác năm 1954 không được phép lưu hành, trong khi hàng đêm, ông cùng một nhóm bạn vẫn cứ tụ tập ca hát và phổ biến nhiều tác phẩm trong thời điểm nhạy cảm, đó là lý do khiến ông phải ngồi tù.

Nghệ sĩ Lộc Vàng nhớ lại: "Trong suốt thời gian 8 năm trong tù, với gần 2.000 phiên xử, mỗi lần hỏi cung đến 4h, tất cả chỉ xoay quanh âm nhạc, song ông vẫn khẳng định: vấn đề ông mê nhạc vàng như các cụ xưa nói: Nốt nhạc quý ví như vàng; Giọng ca vàng; đồng tiền vàng; ngai vàng…Khi được hỏi nghĩ gì lúc bấy giờ ông nói: “Tôi có ước mơ đất Bắc phát triển nghệ thuật theo đà phát triển của thế giới. Mỗi một quán cà phê có một dàn nhạc sống, hoặc phải có một dàn âm thanh thật hay để người dân ngoài giờ lao động ngồi uống cà phê, thưởng thức âm nhạc, và trong lúc thưởng thức âm nhạc phải có đèn màu... Và thật bất ngờ, ngày tôi được ra tù, trên các đường phố ở Lào Cai, các quán cà phê đâu đâu cũng thấy mở nhạc, hát những bài nhạc mà tôi đã từng hát… Lúc ấy cảm giác của tôi lại là vui mừng, tất cả những việc làm của mình là đúng. Mặc dù đôi khi tôi nghĩ nỗi oan thì ký ức nó sẽ mãi ỏ bên, nó ngấm ngầm ẩn sâu trong lòng. Tuy nhiên là con người sống bằng chiều sâu tâm hồn và khi nghĩ những bản nhạc xưa giờ đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng. Những nhạc sĩ tôi yêu mến, bảo vệ họ ngày nào giờ được tôn vinh, mặc dù bản thân tôi lý lịch mang "vết nhọ" chưa thể xóa nhòa, song tôi vẫn vui vì những đớn đau mình phải chịu ngày ấy, ít nhiều có ý nghĩa với cuộc đời. Mọi chuyện hãy để lịch sử sẽ phán xét, bởi mỗi một giai đoạn lịch sử người ta đều có những cách nhìn khác nhau về văn hóa, nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Quá khứ đau khổ tôi trải qua đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh bởi tôi đã bảo tồn được cả nền tảng âm nhạc trước năm 1954.

Sau này, khi trở về với cuộc sống đời thường, bài hát “Chuyển bến” lại gắn với ông nhiều kỷ niệm như định mệnh cuộc đời ông vậy. Trong một lần biểu diễn ở Mặt trận Tổ quốc trong chương trình, nhạc sĩ Khắc Huề chỉ đạo nghệ thuật, tôi hát bài «Chuyển bến» của Đoàn Chuẩn.Tiếp đó ngày 15/6/2002, Z cafe tổ chức sinh nhật nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, họ mời ông lên hát hai bài: Gửi người em gái miền Nam và Chuyển bến, với mức thù lao 200 ngàn. Lúc ấy, vợ ông ốm nặng, ông không muốn để vợ ở nhà một mình mà đi, nhưng nghĩ đến chi phí thuốc thang, ông dặn con cẩn thẩn rồi gọi xe ôm đưa đi và chờ hát xong để về luôn. Đến nơi, vừa hát, ông vừa nhìn vào cánh gà canh chừng điện thoại vì chỉ sợ nhận được tin giữ. Hát xong, ông cuống cuồng chạy về và vợ ông cũng chỉ kéo dài được thêm vài ngày thì qua đời.

Âm nhạc là nguồn sống để danh ca Lộc vàng vượt qua bão tố cuộc đời

Cuộc đời không ai biết trước được điều gì. Quen biết cô Mai [vợ ông] từ 1965, đến 1967 khi tình yêu chớm nở chẳng được bao lâu thì năm 1968 ông bị bắt. Hiệp định Pari được ký kết, ông được giảm án tù trước 2 năm và ra tù năm 1976. Trong suốt 8 năm bặt vô âm tín, ông cũng không ngờ cô Mai vẫn một lòng chung thủy chờ đợi. Mỗi lần nhắc tới người vợ quá cố, danh ca Lộc Vàng rưng rưng nhớ lại những kỷ niệm về người vợ đã từng chữa những chiếc quần của mình cho người yêu mặc và chấp nhận một người tù như ông.

Quãng đời cay đắng chưa dừng lại ở đó, năm 1979 - 1980, theo lời bạn bè ông vào Quy Nhơn làm bánh mì kiếm tiền về cưới vợ. Tuy nhiên, vì nhiều lẽ cô Mai đã phải chịu liên lụy bỏ luôn sự nghiệp của mình là một diễn viên của Đoàn đoàn Tuồng trung ương về bán bún đậu kiếm sống để bảo vệ hạnh phúc vì cô tin ở người chống sắp cưới. Năm 1981 hai người tổ chức đám cưới, năm 1982 con trai đầu lòng ra đời. Cuộc sống khó khăn, ông ở rể trong căn nhà chỉ có 9m2 ở 128 Bùi Thị Xuân. Năm 1991, tai họa tiếp tục ập đến với gia đình ông khi vợ chồng hàng xóm mâu thuẫn đánh nhau, người vợ sợ quá chạy vào nhà ông ẩn nấp, người chồng vác dao xông vào chém chết người vợ chết tại chỗ. Mẹ vợ ông trong lúc can ngăn cũng bị chém gãy đùi, con trai ông 9 tuổi cũng bị một vết chém ngang lưng phải khâu tới tận 31 mũi. Gia đình lầm vào cảnh kiệt quệ…Năm 1992, vợ ông sinh đứa con thứ 2, do sức khỏe yếu lại mất máu khi sinh và viêm phổi, 20 ngày dùng kháng sinh liều cao, bệnh chuyển sang sơ gan và qua đời không lâu sau đó. Khi ấy, ông cũng chỉ muốn đi theo vợ, nhưng rồi những câu nói và cả sự hy sinh của vợ, nhìn con nhỏ dại cần sự chăm sóc… đấy là động lực mạnh nhất để ông tồn tại.

Và đến giờ, mỗi khi ai đó nhắc đến quá khứ luôn khiến ông rưng rưng khi nhớ về người vợ cả một đời tần tảo hy sinh vì chồng, con. Ông bảo: “Những lúc vui nhất là khi tôi nhớ vợ nhiều nhất, những lúc hát say sưa cũng là vì đó là những bài hát mà vợ tôi rất thích. Mỗi khi có một bài bào viết về mình, tôi lại về bên mộ vợ tôi đọc cho bà ấy nghe. Tôi biết bà ấy vẫn ở bên tôi và các con cho dù âm dương cách biệt”.

Lịch sử không bao giờ lập lại... nhưng đến giờ, danh ca Lộc Vàng vẫn được bạn yêu nhạc ở cả trong nước và ở nước ngoài yêu mến! Hai lần được mời sang Mỹ biểu diễn. Nhiều lời đề nghị ông qua Mỹ sinh sống, nhưng ông đều từ chối. Với ông: “Nghệ thuật tồn tại thì con người tồn tại. Khổ nhất là không được hát chứ không phải khổ vì không có miếng ăn ngon. Ông bảo: “Tôi đã đánh đổi mọi điều trong cuộc sống, kể cả khi ở trong tù, tôi đã chấp nhận những ngã rẽ cuộc đời để bảo vệ danh dự của mình. Tôi chỉ nghĩ, lúc đó, cả xã hội trong thời kỳ quá độ, mà tôi là người không may mắn. Giờ thì tôi đang sống đàng hoàng, được làm điều mình đam mê nên tôi đâu cần điều gì”...

Vào các tối thứ 3-5-7 hàng tuần, danh ca Lộc Vàng lại cất tiếng hát tri ân khán giả tại Cafe Lộc Vàng tại số 15 ngõ 12, phố Đặng Thai Mai, Hà Nội. Người đồng hành và hỗ trợ ông trong những đêm nhạc để ông có thể thả hồn phiêu lãng, bay bổng trong những lời ca, không ai khác chính là cậu con trai - nghệ sĩ ghi ta Quốc Linh, giảng viên khoa Guitare Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Video liên quan

Chủ Đề