Đảng có vững thì cách mệnh mới thành công

[HNM] - Thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm đã đúc rút cho thấy, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là yếu tố có tính chất quyết định, bảo đảm mọi thắng lợi, mọi thành công của cách mạng. Để đổi mới và phát triển nước ta thành công theo mục tiêu đã đề ra thì đổi mới, chỉnh đốn Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng đang trở thành vấn đề của mọi vấn đề mà Đảng ta coi là khâu then chốt. Và trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành vị trí xứng đáng để căn dặn về việc thực hiện vấn đề này.

Xây dựng và chỉnh đốn Đảng...

Bản Di chúc lúc khởi thảo năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Trước hết nói về Đảng”, năm nào Bác cũng có sửa chữa chút ít, nhưng bản sửa năm 1968 là bản sửa chữa quan trọng. Từ “trước hết nói về Đảng”, Bác sửa lại thành“việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Thực hiện công việc đó là nhằm làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, cán bộ đảng viên thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, Đảng phải là người lãnh đạo thật trung thành với nhân dân. Chỉ có chỉnh đốn Đảng để sự lãnh đạo của Đảng đúng đắn mới có khả năng giải quyết có hiệu quả những vấn đề của nhân dân, của đất nước. Có thể thấy, vấn đề xây dựng Đảng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và chú trọng. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Bác chỉ rõ: “Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy”. Đặc biệt, khi trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước, yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng được đặt ra cấp thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đảng sẽ không giữ vững được địa vị lãnh đạo nếu quyền lực bị tha hóa, cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, dẫn tới lộng quyền, lạm quyền, tham quyền…, đánh mất niềm tin của nhân dân, xa rời đạo đức cách mạng”. Vậy Đảng cầm quyền phải như thế nào? Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này rất rõ. Trước hết là Đảng phải có kế hoạch thật tốt để không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Đảng lãnh đạo xã hội, lãnh đạo đất nước không chỉ bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chủ trương và chính sách; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức và kiểm tra; mà phần cốt yếu là thông qua đội ngũ tiền phong của mình là những cán bộ, đảng viên tiêu biểu về ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất và năng lực. Do vậy, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, là tấm gương đối với nhân dân. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, phải làm hết sức mình để phục vụ nhân dân, chăm lo tới cuộc sống của người dân, củng cố bền chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Cũng về vấn đề này, năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra 12 điều xây dựng Đảng cách mạng chân chính, làm nổi bật mối quan hệ giữa Đảng với dân, nêu cao một tư tưởng lớn “dựa vào dân mà xây dựng Đảng”. Với Di chúc để lại, một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu trong công tác xây dựng Đảng với nhiều góc độ xoay quanh vấn đề đạo đức và trách nhiệm trong quan hệ với dân, trong mục đích vì dân, trong sứ mệnh phục vụ dân, trong tư cách “người lãnh đạo” và “người đầy tớ” thật trung thành của nhân dân. Chỉ có như vậy mới có thể lan tỏa uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Đảng trong xã hội, xây dựng và củng cố niềm tin trong nhân dân, được dân tin tưởng, dân yêu mến, dân ủng hộ, dân giúp đỡ và dân bảo vệ. Và đây chính là sức mạnh của Đảng cầm quyền, Đảng cách mạng.

... yêu cầu từ thực tế cuộc sống

Qua Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều làm chúng ta thấm thía là từ 45 năm trước Người đã đề cập tới sự cần thiết phải chỉnh đốn lại Đảng. Rõ ràng với những bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của cách mạng, với xu thế của thời đại, với bối cảnh trong nước và quốc tế, tình hình mới đòi hỏi Đảng phải ngang tầm nhiệm vụ. Chỉnh đốn lại Đảng hiểu một cách cơ bản nghĩa là sửa chữa những khuyết điểm, khắc phục hạn chế tồn tại. Tuy nhiên, chỉnh đốn lại Đảng còn có hàm nghĩa sâu xa, toàn diện, từ chỉnh đốn tổ chức đến chỉnh đốn tư tưởng, đạo đức, phương pháp và phong cách, thống nhất tư tưởng để thống nhất ý chí và hành động, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Trong bối cảnh hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà cách mạng nước ta đã giành được thì vẫn còn không ít những khuyết điểm, hạn chế tồn tại. Thực hiện căn dặn của Người, trong Cương lĩnh bổ sung và sửa đổi năm 2011 mà Đại hội XI của Đảng đã thông qua, khẳng định Đảng phải tiếp tục thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn. Và việc chỉnh đốn lại Đảng càng trở nên cấp thiết khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã thẳng thắn chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân…”. Điều đó ít nhiều đã tạo nên những tác động tới niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đe dọa trực tiếp tới sự tồn vong của chế độ, kìm hãm và cản trở quá trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Cụ thể là các vấn đề đang phải đối mặt như sự vận hành kém hiệu quả của nền kinh tế mà rõ nét nhất là việc trông chờ, ỷ lại, thụ động của những doanh nghiệp “đầu tàu” gồm một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước; sự yếu kém trong công tác quản lý xã hội; tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa được ngăn chặn và đẩy lùi; vấn nạn “bôi trơn”, chạy theo thành tích, lợi dụng quan hệ, hình thành lợi ích nhóm, nói mà không làm hay nói một đằng làm một nẻo còn phổ biến... Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, việc chỉnh đốn lại Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách hiện nay. Vẫn biết cuộc đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và rất cam go, phức tạp, không thể làm xong trong một sớm, một chiều mà phải tiến hành một cách thường xuyên, liên tục như “đánh răng, rửa mặt hằng ngày”. Trước nhiệm vụ khó khăn này, các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu có quyết tâm chính trị cao, có trách nhiệm chính trị lớn trước vận mệnh của Đảng, của dân tộc thì “Không có việc gì khó”. Mặt khác, trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 [khóa XI], Đảng phải dựa vào dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân, phát huy sức mạnh vĩ đại của nhân dân như Bác Hồ đã căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Đảng phải tiên phong trong đổi mới, Đảng phải tự đổi mới chính mình để thúc đẩy đổi mới xã hội, phải huy động sức mạnh của toàn dân và của cả hệ thống chính trị vào việc xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Chỉ có như vậy, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng mới có thể nâng lên ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng những đòi hỏi và yêu cầu trong giai đoạn mới.

Năm 1927, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, từ khẳng định cách mạng trước hết phải có Đảng cách mệnh, Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm “Đảng có vững, cách mệnh mới thành công”.

Người lấy ví dụ đơn giản, dễ hiểu, chứng minh cho luận điểm này: “Cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Luận điểm Đảng có vững cách mạng mới thành công của Hồ Chí Minh định hướng cho công tác xây dựng Đảng ở mọi thời kỳ cách mạng, nhất là hiện nay khi toàn Đảng đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 [khóa XI, XII], gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Luận điểm Đảng có vững cách mạng mới thành công của Hồ Chí Minh không tách rời cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong Đảng.

Từ nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới, Hồ Chí Minh đã cảnh báo và chỉ ra biện pháp đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong Đảng ngay từ khi rất sớm.

Người có nhiều tác phẩm trực diện đấu tranh, ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong Đảng, như: “Đường cách mệnh” năm 1927, “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947, “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân” năm 1969…

Chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong Đảng, được Hồ Chí Minh gọi là giặc nội xâm, giặc ở trong lòng, nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm, làm mất niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong và phát triển của Đảng. 

Nếu không giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm, giặc ở trong lòng, thì sự nghiệp cách mạng vô sản ở nước ta không thể giành được thắng lợi, suy đến cùng là cuộc cách mạng “nửa vời”, “không đến nơi”.

Vì vậy, Người yêu cầu, phải tập trung lực lượng toàn dân - lực lượng vô cùng vĩ đại, đấu tranh và giành thắng lợi trong cuộc chiến cam go, phức tạp này. Hồ Chí Minh viết: “Nhiệm vụ của quần chúng là phải hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu” và Người cho rằng: “Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”.

Thực tế khi đối diện với kẻ thù ngoài mặt trận, nơi chiến tuyến, tuy gian khổ song vẫn giành thắng lợi, nhưng đối diện với giặc nội xâm, giặc ở trong lòng, vô cùng phức tạp trong nhận diện, khó khăn và đau đớn trong đấu tranh, vì đó là cuộc đấu tranh với thói hư tồn tại ngay trong chính bản thân mình, với đồng đội, đồng chí, trong nội bộ cơ quan, đơn vị. 

Hồ Chí Minh khái quát: “Việc tranh đấu với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót”.

Việc làm cần thiết để xây dựng Đảng vững là: “Tiền bạc phải tính toán một cách rành mạch, thật thà, phải tiết kiệm, chớ lười biếng. Chớ ăn cắp của công làm của tư”. 

Thực tế cho thấy không còn con đường nào khác muốn xây dựng Đảng vững, phải kiên quyết, nghiêm khắc, nghiêm minh trong đấu tranh chống giặc nội xâm, giặc ở trong lòng. 

Hồ Chí Minh hoàn toàn ủng hộ cách làm của V.I.Lênin: “Ngày 2-5-1918, tòa án nhân dân Mat-xcơ-va xử nhẹ một vụ án hối lộ. Lênin không bằng lòng, và viết: “Không xử bắn lũ ăn của đút lót, mà xử một cách pha trò, mềm mỏng nhẹ nhàng như vậy, - đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng. Cần phải nêu những đồng chí đã ăn hối lộ ra để cho dư luận quở trách và cần phải đuổi họ ra khỏi Đảng”. 

Đấu tranh chống giặc nội xâm không chỉ dừng ở từng cá nhân đảng viên, một tổ chức đảng cụ thể, mà ngay đối với toàn Đảng, cũng phải khách quan, trung thực, thừa nhận, quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, không bảo thủ, trì trệ, rơi vào chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức. 

Hồ Chí Minh khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. 

Từ luận điểm Đảng có vững cách mạng mới thành công, Người luôn căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, nhất là trước những bước ngoặt của đất nước thì “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”.

Tình hình thế giới và trong nước hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 1927. Loài người bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, song luận điểm Đảng có vững cách mạng mới thành công cần tiếp tục được khẳng định, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong công cuộc đổi mới. 

Đặc biệt, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái, tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang diễn ra rất phức tạp, đe dọa tới vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ ở nước ta.

Với luận điểm Đảng có vững cách mạng mới thành công, Đảng ta đã và đang quyết tâm đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái, tiêu cực ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền trong bộ máy Đảng, nhà nước. 

Nghị quyết Trung ương 4 [khóa XII] của Đảng chỉ ra: tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn thao túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực vẫn đang diễn ra. 

Để cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm giành ưu thế và thắng lợi phải có phương pháp đúng đắn, bước đi thích hợp, thận trọng, không ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm… thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những vi phạm, khắc phục triệt để biểu hiện nhẹ trên nặng dưới vốn không mang lại nhiều kết quả.

Mỗi đảng viên dù ở cương vị công tác nào cũng phải có ý thức và hành động cụ thể để xây dựng Đảng. Phát huy dân chủ, thực hiện tự phê bình và phê bình như “rửa mặt hàng ngày”, thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức, kiên quyết và kiên trì đấu tranh với bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân trong Đảng hiện nay.

Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng trong việc giám sát cán bộ, đảng viên. 

Đồng thời, xây dựng cơ chế phù hợp để quần chúng, nhân dân được tham gia đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong Đảng, thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Kịp thời khen thưởng, cổ vũ những cá nhân, cơ quan báo chí đã phát hiện, phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân. 

Công khai và khách quan xử lý mọi cán bộ, đảng viên, không có vùng cấm, khi vi phạm tư cách, thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, cũng như những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết trong Đảng. Khắc phục triệt để tình trạng vì động cơ cá nhân, phe nhóm xử lý nội bộ các vụ việc tiêu cực.

Đại tá, TS Đồng Anh Dũng

Video liên quan

Chủ Đề