Đất bị người khác đứng tên sổ đỏ thì lấy lại bằng cách nào

Việc nhờ người đứng tên giùm trên Giấy CNQSDĐ có rủi ro cực kì cao. Trên cơ sở pháp lý việc một người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là căn cứ xác định người đó là chủ sở hữu đối với đất. Do đó, khi người đứng tên dgiùm không chịu hợp tác thì rất khó có thể đòi lại đất được, thậm chí mất trắng nếu không có giấy tờ chứng minh.

Sau đây là tổng hợp 05 bản án về đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất nhờ đứng tên giùm, mời bạn đọc cùng tham khảo.

1. Bản án 803/2019/DS-PT ngày 12/09/2019 về đòi tài sản

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

- Tóm tắt nội dung vụ án: “Bà Đinh Thị Hà T có mua một số bất động sản nhưng do không thường xuyên có mặt tại Việt Nam nên đã nhờ Ông Nguyễn Công T2 đứng tên một số tài sản…Ngày 02/08/2008 bị đơn đã viết giấy xác nhận đứng tên giùm 04 tài sản nêu trên của nguyên đơn. Sau đó nguyên đơn nhiều lần yêu cầu bị đơn sang tên chủ quyền các tài sản đã đứng tên giùm nhưng bị đơn không thực hiện.

Quyết định của Tòa án: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện: Công nhận thỏa thuận đứng tên giùm giữa nguyên đơn và bị đơn; bị đơn có trách nhiệm hoàn trả số tiền 626.451.000đ cho nguyên đơn để chấm dứt nghĩa vụ của bị đơn theo thỏa thuận đứng tên giùm; Công nhận phần đất thuộc thửa số 551 thuộc quyền sử dụng của nguyên đơn.

2. Bản án 11/2018/DS-ST ngày 24/07/2018 về tranh chấp đòi lại di sản thừa kế

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng

- Tóm tắt nội dung vụ án: Tại thời điểm, làm thủ tục giải tỏa đền bù, nguyên đơn là ông D đi làm ăn xa không có ở nhà. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Tr có nhờ ông Nguyễn C5 đứng tên giùm 1 ngôi nhà trên diện tích đất nói trên để giải quyết các chính sách giải tỏa đền bù. Sau đó ông D nói ông C5 viết một tờ giấy xác nhận việc chỉ đứng tên giùm cho nhà đất của bà Nguyễn Thị Tr có chữ ký của người làm chứng. Sau khi bà Tr và ông C5 chết, nguyên đơn yêu cầu các con ông C5 trả lại phần đất được nhận theo hồ sơ đứng tên giùm thì các con ông Nguyễn C5 gồm 12 người thì tất cả đều đồng ý trả lại trừ bà Nguyễn Thị A và bà Nguyễn Thị B không đồng ý. Do đó nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bà A và bà B và những người liên quan trả lại phần đất và tài sản gắn liền trên đất mà ông C5 đã đứng tên giùm cho nguyên đơn.

- Quyết định của Tòa án: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đoàn Văn D.

3. Bản án về tranh chấp đòi quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất số 101/2020/DS-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh

- Tóm tắt nội dung vụ án: Bà Đ là người Việt Nam đang định cư ở Thụy Sỹ. Bà Đ và chồng là Nguyễn Văn Tr có nhờ vợ chồng ông Trần Văn Ch [em ruột bà Đ] và bà Dương Thị U đứng tên giùm các tài sản là nhà và đất có giấy xác nhận có đứng tên sở hữu giùm. Nay bà Đ yêu cầu bà Dương Thị U và và ông Trần Văn Th trả các tài sản nêu trên.

- Quyết định của Tòa án: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Đ

4. Bản án 20/2020/DS-ST ngày 22/07/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang

- Tóm tắt nội dung vụ án: Năm 2007 bà M nhận chuyển nhượng phần đất có diện tích 8.700m2 và phần đất ở ngoài chưa được cấp giấy tọa lạc tại thửa số 9 và nhờ ông Phạm Hoàng Q đứng tên giùm để sau này về Việt Nam có chỗ ở. Sau khi thỏa thuận chuyển nhượng đất thì bà M bỏ tiền ra thuê người trông coi, giữ gìn đất, chăm sóc cây. Vợ chồng ông Q, bà N hoàn toàn không có bất kỳ công sức nào đối với phần đất này. Hai bên có làm “tờ thỏa thuận và cam kết” với nội dung thể hiện rõ là thửa đất bà M bỏ tiền ra nhận chuyển nhượng và nhờ ông Q đứng tên giùm, cam kết sẽ chuyển cho bà M vô điều kiện, không được bán, chuyển dịch, cho thuê hay thế chấp gì. Nay bà M khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông Phạm Hoàng Q và bà Đàm Thị Mỹ N giao trả toàn bộ quyền sử dụng đất cho bà M theo đúng hiện trạng ban đầu.

- Quyết định của Tòa án: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Ngô Thị M

5. Bản án 57/2020/DS-PT ngày 18/05/2020 về tội tranh chấp đòi lại giá trị quyền sử dụng đất

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh An Giang

- Tóm tắt nội dung vụ án: Năm 2000, nguyên đơn là vợ chồng ông B, bà Kh có nhờ vợ chồng ông Phan Văn Đ và bà Trương Thị M mua giùm diện tích 7.128m2 đất nông nghiệp và cho ông Đ, bà Mỹ mượn canh tác[ có làm Giấy mượn đất ngày 30/4/2000] và đồng ý cho ông Đ, bà Mỹ đứng tên giùm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau này khi đòi lại thì mới biết ông Đ, bà Mỹ đã sang tên cho con là Phan Kim L và Nguyễn Văn H. Nay ông B, bà Kh yêu cầu ông Đ, bà Mỹ và chị L, anh H phải trả giá trị quyền sử dụng đất cho ông B

- Quyết định của Tòa án: Buộc ông Phan Văn Đ, bà Trương Thị M, anh Nguyễn Văn H và chị Phan Kim L phải có nghĩa vụ liên đới trả giá trị quyền sử dụng đất cho ông Diệp Vĩnh B và bà Trương Thị Kh.

Hướng dẫn đòi lại đất khi người khác đứng tên

Bài viết tham khảo:

>>> Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cần biết;

>>> Những điều cần biết khi giải quyết tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài;

Người khác đứng tên hộ sổ đỏ trong trường hợp như: Vì lý do cá nhân nên nhờ người đứng tên hộ khi mua nhà, cho ở nhờ lâu năm rồi chuyển luôn quyền sở hữu hay mượn giấy chứng nhận mượn luôn đất ở … là những trường hợp mà gần đây xảy ra tranh chấp rất nhiều. Khi những chủ sở hữu đất do tin tưởng mà giao giấy chứng nhận gốc để người khác giữ hộ, nhưng khi lấy lại thì không được chủ hộ hiện tại đồng ý. Vậy trường hợp này mình sẽ đòi lại như thế nào?

Sau đây là bài viết hướng dẫn các bạn cách đòi lại đất khi người khác đứng tên. Các bạn cùng tham khảo.

Căn cứ thêm khoản 1 Điều 168 Luật đất đai 2013 quy định: 

"Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất".

Bên cạnh đó, tại khoản 16 Điều 3 quy định:

"Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất"

Do đó, trong trường hợp bạn để người khác đứng tên hộ hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đã sang tên trên sổ đỏ thì đương nhiên người được pháp luật công nhận chủ sở hữu là người đứng tên trên sổ đỏ.   

Nếu muốn đòi lại đất bạn cần thực hiện theo trình tự thủ tục như sau:

- Hai bên tự thỏa thuận

- Hai bên đã được UBND can thiệp hòa giải tại cơ sơ, có lập biên bản hòa giải;

- Gửi đơn khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền nơi có đất tòa lạc, có đính kèm biên bản hòa giải tại cơ sở để yêu cầu giải quyết.

Bạn tham khảo chi tiết tại đây: Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai cần biết;

Nhưng vì việc bạn nhờ người khác đứng tên hộ, hay cho người khác ở nhờ,...là giao dịch dân sự, thì bạn có nghĩa vụ phải đưa ra các bằng chứng chứng minh có sự thỏa thuận giữa hai bên và đối với trường hợp cho ở nhờ bạn phải có bằng chứng chứng minh trước đây bạn là chủ sở hữu hợp pháp.

Hướng giải quyết đối với các trường hợp cụ thể

Trường hợp 1: Đòi lại quyền sử dụng đất đất đối với tranh chấp do nhờ người khác đứng tên hộ

- Lúc này bạn cần thỏa thuận với người đứng tên hộ để họ tự nguyện trả lại phần đất mà bạn đã nhờ họ đứng tên

- Trường hợp, người đứng tên hộ cố tình không trả lại phần đất do mình đứng tên hộ thì bạn có thể gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp đó để hòa giải theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013.

Bạn tham khảo chi tiết tại đây: Những tranh chấp đất đai phải tiến hành hòa giải;

- Nếu hòa giải không thành bạn có thể gửi đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền nơi có đất tranh chấp để yêu cầu giải quyết.

- Lúc này bạn phải đưa ra các bằng chứng như: Thỏa thuận ban đầu giữa hai bên về nhờ đứng tên hộ, người làm chứng,...để tòa án xem xét giải quyết

Trường hợp 2: đòi lại quyền sở dụng đất đối với tranh chấp quyền sử dụng đất cho ở nhờ, sau đó chuyển quyền sở hữu.

- Việc thỏa thuận cho mượn  quyền sử dụng đất là giao dịch dân sự, thuộc loại hợp đồng mượn tài sản được quy định trong Bộ luật dân sự 2015.

Do đó, khi có tranh chấp hợp đồng mượn quyền sử dụng đất, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết thì TAND áp dụng các quy định của pháp luật dân sự về hợp đồng mượn tài sản để giải quyết.

Tuy nhiên về nguyên tắc, nếu bên có đất cho mượn phải chứng minh được mình vẫn thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người có quyền sử dụng đất [kê khai, đứng tên trong sổ địa chính và thực hiện các quyền năng khác] thì Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi lại đất cho mượn của bên có đất cho mượn và bên có đất cho mượn phải thanh toán cho bên mượn chi phí làm tăng giá trị của đất đó, nếu các bên có thỏa thuận.

Trên đây là những hướng dẫn của mình, các bạn có thể sử dụng để tham khảo. Nếu bạn nào có thắc mắc cứ để lại bình luận mình cùng thảo luận nhé!

Video liên quan

Chủ Đề