Điểm khác nhau cơ bản giữa chiến dịch huế-đà nẵng và chiến dịch biên giới

QĐND Việt Nam tiến vào giải phóng Ngọ Môn, Huế. Ảnh: Tư liệu

Theo kế hoạch tác chiến hai năm 1975 - 1976, khu vực Trị - Thiên và Khu 5 được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam xác định là hướng quan trọng, có nhiệm vụ phối hợp với hướng chủ yếu Tây Nguyên trong chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đây là địa bàn chiến lược với 2 thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng. Đặc biệt, Đà Nẵng còn là căn cứ quân sự lớn nhất miền Trung và lớn thứ hai miền Nam [sau Sài Gòn], là nơi có hệ thống kho tàng dự trữ chiến lược của địch.

Khi thời cơ đến, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã phát động Chiến dịch Huế - Đà Nẵng vào ngày 5-3-1975 [chỉ một ngày sau khi Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu] với lực lượng tham gia chiến dịch gồm: các Trung đoàn 4, 46, 271 và các tiểu đoàn độc lập thuộc Quân khu Trị Thiên, tăng cường thêm sư đoàn 304, 324, 325 thuộc Quân đoàn 2, Sư đoàn 2 và đơn vị độc lập thuộc Quân khu 5.

Việc ta tiến công cùng lúc trên các mặt trận đã làm cho địch rơi vào thế bị động không thể điều động các lực lượng trù bị chiến lược đi ứng cứu cho các địa bàn then chốt. Sau khoảng 2 tuần chiến đấu, ta đã làm chủ được Quảng Trị, giải phóng phần lớn khu vực nông thôn ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, bao vây, chia cắt quân địch tại Huế và Đà Nẵng. Được cổ vũ tinh thần từ chiến thắng trong Chiến dịch Tây Nguyên, ngày 20-3, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã hoàn thành bản kế hoạch tiến công thành phố Huế với phương châm “không cho địch co cụm phòng ngự trong nội đô”. 

Sáng ngày 21-3, Sư đoàn 325 tiến công vào các điểm cao 310, 312, 329, 494, 520, 560, đồi Yên Ngựa và dải đồi Kim Sắc, còn Sư đoàn 324 đánh chiếm các điểm cao 224, 303 và Núi Bông. Tuyến phòng ngự phía Tây đường số 1 từ Lương Điền đến Phú Lộc của địch bị đánh sập. Trước sức tấn công mạnh mẽ của ta, Bộ Tư lệnh Quân đoàn I - ngụy đã lên máy bay bỏ chạy về Đà Nẵng. Mất chỉ huy và trước áp lực của ta, quân địch ở Huế bắt đầu rối loạn, mất ý chí chiến đấu.

Đến ngày 22-3, Trung đoàn 18 [Sư đoàn 325] đã cắt đứt đường số 1 dài 4km từ Ràng Bò đến Bạch Thạch. Sau đó, tuyến phòng ngự của địch tại sông Mỹ Chánh bị vỡ, cánh quân phía Bắc Quân đoàn I - ngụy bị ta bao vây từ ba phía. Sáng ngày 23-3, Sư đoàn 324 vu hồi qua điểm cao 303 và Mỏ Tàu, đánh thẳng ra ven biển Bắc Phú Lộc, còn Sư đoàn 325 đánh chiếm Mũi Né, Phước Tượng, bịt chặt cửa Tư Hiền. Ở phía Bắc, các Trung đoàn 4, 46 và 271 bám theo sát gót cánh quân ngụy đang tháo chạy ra cửa biển Thuận An. 

Trên hướng chính diện, chiều ngày 23-3, Trung đoàn 101 [Sư đoàn 325] đánh chiếm Lương Điền, áp sát sân bay Phú Bài, mở cánh cửa vào Huế từ phía Nam. Trung đoàn 46 phá vỡ phòng tuyến sông Bồ, đánh chiếm quận lỵ Quảng Điền, Quảng Lợi, Hương Cần, cầu Thanh Hà, cầu An Hòa, mở cửa vào Huế từ phía Tây Bắc. Ngày 24 và 25-3, Trung đoàn 3 [Sư đoàn 324] và Trung đoàn 101 [Sư đoàn 325] đã đánh chiếm được sân bay Phú Bài, quận lỵ Hương Thủy, theo đường số 1 tấn công vào thành phố Huế, phát triển đến An Cựu. Các Trung đoàn 1 [Sư đoàn 324], 4 và 271 được sự yểm trợ của xe tăng và pháo binh ta đã đánh tan bộ phận còn lại của địch chưa kịp rút lên tàu tại Hương Thủy, Lương Thiện, Kệ Sung, Cự Lại.

Đến chiều ngày 25-3, hầu hết các mục tiêu quan trọng của địch trong thành phố Huế như căn cứ Mang Cá, Sở chỉ huy Quân đoàn I, Đại Nội... đã bị các lực lượng của ta đánh chiếm. Quân đội ngụy - Sài Gòn tại Huế vỡ trận, ta bắt sống gần 60.000 tên. Ngoài ra, ta cũng thu giữ nhiều phương tiện chiến tranh của địch, trong đó có 140 xe tăng, xe bọc thép, hơn 800 xe quân sự khác và khoảng một vạn tấn đạn. Cũng trong ngày này, lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã giải phóng hoàn toàn Quảng Nam và Quảng Ngãi, phá vỡ tuyến phòng thủ đồng bằng ven biển của địch ở phía Nam Đà Nẵng.

Cùng ngày, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa [tháng 5-1975]. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng thông qua kế hoạch giải phóng Đà Nẵng và quyết định thành lập Bộ Tư lệnh mặt trận Quảng Đà do Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, được làm Tư lệnh, Thiếu tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 làm Chính ủy. Sau đó, Bộ Tư lệnh mặt trận đã lên kế hoạch tác chiến với phương châm “Nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất, nhưng chắc thắng”. Sáng ngày 28-3, Trung đoàn Pháo binh 84 và 164 tại các trận địa Sơn Thạch, Sơn Khánh, đèo Mũi Trâu đã pháo kích dữ dội vào các căn cứ của địch tại thành phố Đà Nẵng, sau đó các đơn vị bộ binh ta đồng loạt tiến công thành phố từ 4 hướng.

Tại hướng Tây Nam, Trung đoàn 66 đánh chiếm quận lỵ Ái Nghĩa và sân bay Nước Mặn, còn Trung đoàn 24 [Sư đoàn 304] tấn công căn cứ Hòa Cầm và Tòa thị chính thành phố. Lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến phải lùi về An Đông, Mỹ Khê và bị Sư đoàn 2 [Quân khu 5] hợp vây. Hơn 3.000 tân binh địch tại trại Hòa Cầm nổi loạn, bắn giết các sĩ quan chỉ huy, phá doanh trại, ra hàng quân ta. Ngày 29-3, sau khi vượt qua các chốt chặn của địch ở trên đèo Hải Vân, Sư đoàn 325 tràn xuống đánh chiếm kho xăng Liên Chiểu, cầu Nam Ô, mở đường cho xe tăng tiến ra bán đảo Sơn Trà và Quân cảng.

Còn tại hướng Tây Bắc, trưa ngày 29-3, Trung đoàn 9, bộ binh của Sư đoàn 304 được sự yểm trợ của xe tăng đã đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 3 - ngụy và toàn bộ khu vực Phước Tường, Hòa Khánh. Ở hướng Nam, Sư đoàn 2 được tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng và 1 tiểu đoàn pháo binh đã đánh chiếm khu vực Bà Rén, địch đánh sập cầu Bà Rén nhưng không cản nổi bước tiến của bộ đội ta

Sáng ngày 29-3, Vĩnh Điện, cứ điểm phòng thủ vòng ngoài cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại phía Nam Đà Nẵng bị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh chiếm. Trung tướng ngụy Ngô Quang Trưởng và các chỉ huy cao cấp của địch dùng trực thăng bỏ chạy ra biển. Trưa ngày 29-3, tất cả các mục tiêu quan trọng như Tòa thị chính, sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, Đài phát thanh, Ty Cảnh sát... đều được giải phóng.

Như vậy, trong thời gian chưa đầy một tháng, quân và dân ta đập tan hệ thống phòng thủ của địch tại miền Trung, giải phóng 5 tỉnh, thành phố là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Kết thúc chiến dịch, ta loại khỏi vòng chiến đấu 120.000 tên địch, tiêu diệt và làm tan rã 3 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn thủy quân lục chiến, 4 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn, 1 sư đoàn không quân. Đồng thời, thu giữ 129 máy bay, 179 xe tăng, 327 khẩu pháo, hơn 1.100 xe quân sự và tàu, xuồng các loại. Chiến dịch đã trực tiếp đập tan âm mưu co cụm chiến lược của chính quyền ngụy - Sài Gòn, đồng thời, cùng với Chiến dịch Tây Nguyên đã góp phần quyết định làm thay đổi về tương quan lực lượng, thế cục theo hướng có lợi cho ta, góp phần đẩy nhanh tới Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trọng Thành

Tháng 6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới Việt-Trung. Nguồn: TTXVN

[Thanhuytphcm.vn]- Sau 29 ngày đêm quân ta chiến đấu quyết liệt, anh dũng và mưu trí [16/9 đến 14/10/1950], chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 đã giành thắng lợi. Đây là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào hệ thống phòng ngự của quân Pháp trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn, mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược [1945-1954].

Năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều biến đổi lớn:

Trên thế giới: Các nước xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố, phát triển và lớn mạnh về mọi mặt. Trong đó, Liên Xô giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước, có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ La-tinh. Ngày 30/1/1950, Việt Nam và Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong khu vực: Sau ngày thành lập [1/10/1949], Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố là một nước dân chủ mới, thực hiện chuyên chính dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo; đồng thời tuyên bố đoàn kết với tất cả các nước và dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự do trên thế giới, cùng các dân tộc đấu tranh chống chiến tranh xâm lược của đế quốc để giữ gìn nền hòa bình lâu dài. Ngày 18/1/1950, Việt Nam và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tình hình trong nước: Sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, quân và dân ta tiếp tục giành nhiều thắng lợi quan trọng: Lực lượng kháng chiến phát triển về mọi mặt; chiến tranh du kích được đẩy mạnh ở vùng sau lưng địch; lực lượng vũ trang ba thứ quân hình thành tương đối hoàn chỉnh, đặc biệt là bộ đội chủ lực phát triển nhanh, phương thức tác chiến phát triển từ đánh du kích lên đánh tập trung, với nhiều chiến dịch quy mô nhỏ trên chiến trường. Thực dân Pháp thực hiện kế hoạch mới, được Mỹ giúp sức ráo riết thực hiện Kế hoạch Rơ-ve, tập trung lực lượng mở rộng chiếm đóng vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ; ra sức phong tỏa biên giới nhằm ngăn chặn sự chi viện của cách mạng Trung Quốc cho cách mạng Việt Nam; bao vây, cô lập căn cứ địa Việt Bắc.

Trước tình hình đó, để đẩy mạnh kháng chiến tiến lên một bước mới. Tháng 6/1950, Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới Việt - Trung với mục đích tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn kế hoạch tác chiến với các sĩ quan quân đội trong chiến dịch vào hạ tuần tháng 8/1950. Nguồn: TTXVN

Ngày 7/7/1950, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch giải phóng vùng biên giới Đông Bắc tại khu vực Cao Bằng - Lạng Sơn, lấy mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong II, tiến công phòng tuyến của địch trên đường số 4, tập trung vào khu vực Cao Bằng - Thất Khê. Đây là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của quân đội ta, mang ý nghĩa chiến lược rất to lớn. Sự thành bại trong chiến dịch này có ảnh hưởng quyết định đến việc thay đổi cục diện chiến tranh, đến lòng tin của quân và dân đối với đường lối kháng chiến của Đảng, đến quá trình xây dựng, trưởng thành của quân đội trong giai đoạn cách mạng mới. Với ý nghĩa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Chiến dịch này hết sức quan trọng, chỉ được thắng không được thua!”[1].

Với quyết tâm giành thắng lợi cho chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược quan trọng này, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp nghiên cứu tình hình, phê chuẩn kế hoạch tác chiến, chỉ đạo các ngành ở Trung ương và địa phương đem hết sức mình phục vụ tiền tuyến và thực hiện sự phối hợp chiến trường trên toàn quốc để bảo đảm cho chiến dịch toàn thắng. Liên khu Việt Bắc là địa phương chính động viên sức người, sức của phục vụ chiến dịch. Để bảo đảm chắc thắng, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sử dụng nhiều đơn vị mạnh tham gia chiến dịch. Với tổng số lực lượng tương đương hai đại đoàn, Chiến dịch Biên Giới đã vượt tất cả các chiến dịch trước đây về quy mô sử dụng lực lượng.

Ngày 27/7/1950, Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy mặt trận và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch. Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch; đồng chí Lê Liêm làm Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Trần Đăng Ninh làm Chủ nhiệm Cung cấp.

Số lượng lớn pháp binh và công binh của Bộ Tư lệnh được tập trung cho Chiến dịch biên giới. Nguồn: TTXVN

Tháng 8/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Trên đường ra mặt trận, Người ân cần thăm hỏi, nắm thêm tình hình, động viên bộ đội, dân công.

Ngày 16/8/1950, sau khi cân nhắc, thảo luận, Đảng ủy chiến dịch quyết định đánh Đông Khê trước để mở màn chiến dịch; đồng thời, tổ chức tiêu diệt quân ứng cứu cho Đông Khê, sau đó đánh xuống Thất Khê và chỉnh đốn rồi tiếp tục đánh Cao Bằng.

Lực lượng của thực dân Pháp tại biên giới hầu hết là các đơn vị tinh nhuệ, tổng số binh lực chiếm đóng và cơ động là 11 tiểu đoàn, 9 đại đội bộ binh, 4 đại đội cơ giới, 4 đại đội công binh, 27 khẩu pháo các loại và 8 máy bay; xây dựng thành các cụm cứ điểm có lô cốt, hầm hào tương đối kiên cố, hỏa lực chi viện được cho nhau.

Lực lượng của ta tham gia chiến dịch với khoảng 2/3 lực lượng chủ lực của Bộ, cùng lực lượng chủ lực của Liên Khu Việt Bắc và lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích của hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn; được phân chia làm ba mặt trận: mặt trận Đông Khê đánh cụm cứ điểm Đông Khê và quân dù có thể nhảy xuống quanh Đông Khê; mặt trận đánh quân ứng chiếm bố trí ở đoạn đường giữa Đông Khê - Thất Khê; mặt trận Na Sầm - Lạng Sơn có nhiệm vụ phá đường, tiêu hao, quấy rối, phục kích địch trên đoạn đường Thất Khê - Lạng Sơn.

Chiến dịch Biên Giới diễn ra 3 đợt:

Đợt 1 [từ ngày 16 đến ngày 20/9/1950]: Ta tập trung lực lượng đánh trận then chốt tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê.

Đợt 2 [từ ngày 21 đến ngày 29/9/1950]: Tiến hành trận then chốt quyết định tiêu diệt hai binh đoàn Lơ Pa-giơ và Sác - tông.

Đợt 3 [từ ngày 9 đến ngày 14/10/1950]: Địch ở Thất Khê, Na Sầm, Lạng Sơn rút chạy, ta truy kích địch giải phóng Thất Khê, Na Sầm.

Sáng ngày 16/9/1950, ta bắt đầu nổ súng đánh cụm cứ điểm Đông Khê mở màn chiến dịch. Mặc dù địch chống cự hết sức quyết liệt và tình huống chiến đấu diễn ra rất gay go, phức tạp, song bộ đội ta vẫn dũng cảm chiến đấu, tổ chức nhiều đợt xung phong, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ. Sáng ngày 18/9, bộ đội ta chiếm toàn bộ cụm cứ điểm Đông Khê.

Sau thất bại Đông Khê, Tổng chỉ huy Pháp ở Đông Dương vội vàng thực hiện kế hoạch rút quân khỏi thị xã Cao Bằng, điều động binh đoàn Lơ Pa-giơ ở Thất Khê hành quân tiến lên chiếm lại Đông Khê và đón binh đoàn Sác-tông từ Cao Bằng rút về. Ngoài ra, Bộ chỉ huy quân Pháp còn mở cuộc hành quân Phô-cơ đánh lên vùng tự do Thái Nguyên, nhằm thu hút chủ lực của ta, giải tỏa cho hướng biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn.

Nhờ phán đoán từ trước và đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó, ta vẫn tập trung lực lượng tại biên giới, kiên quyết tiến hành kế hoạch chiến dịch như đã xác định. Bộ Chỉ huy chiến dịch tập trung gần như toàn bộ lực lượng để đánh quân địch đi tiếp viện, lấy đó là đòn đánh then chốt quyết định giành toàn thắng.

Từ ngày 1/10 đến 5/10/1950 đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt ở khu vực phía Nam và phía Tây Đông Khê. Binh đoàn Lơ Pa-giơ chẳng những không thực hiện được ý định chiếm Đông Khê mà còn bị ta tiêu diệt một bộ phận, cuối cùng phải chạy dồn vào khu núi đá Cốc Xá, nơi có địa hình hiểm trở, dựa vào đó cố thủ và lấy đó làm địa điểm đón quân Sác-tông.

Từ ngày 5/10 đến 7/10/1950, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, 4 tiểu đoàn của ta đã liên tục công kích địch ở Cốc Xá. Lơ Pa-giơ cùng ban tham mưu và một bộ phận tàn quân chạy thoát, nhưng đến chiều 8/10/1950 toàn bộ bị bắt gọn.

Ngày 7/10/1950, binh đoàn Sác-tông bị quân ta bao vây công kích tại khu điểm cao 477 [cách Cốc Xá 3km].

Ngày 8/10/1950, một tiểu đoàn do Đờ-la Bôm chỉ huy từ Thất Khê tiến lên định ứng cứu cho Lơ Pa giơ và Sác-tông cũng bị ta đánh tan. Địch liên tiếp rút chạy khỏi Na Sầm, Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn, Lạng Giang, Lộc Bình, Đình Lập, An Châu.

Ngày 14/10/1950, Chiến dịch Biên Giới kết thúc.

Trải qua 29 ngày chiến đấu quyết liệt, quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn trong Chiến dịch Biên giới, bộ đội ta tiến vào giải phóng Thất Kê năm 1950. Nguồn: TTXVN

Phối hợp với Chiến dịch Biên Giới, quân và dân ta đồng loạt tiến công địch trên khắp các chiến trường: ở Thái Nguyên, ta đánh bại cuộc hành quân Phô-cơ của Pháp; hướng Tây Bắc Bắc Bộ, ta bao vây tiến công, buộc địch rút khỏi Lào Cai, Hà Giang, thị xã Hòa Bình; ở Đồng bằng Bắc Bộ, ta tiêu diệt và bức rút hàng chục vị trí, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm; ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ, ta mở nhiều chiến dịch tiến công địch.

Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950 đã khẳng định tầm nhìn chiến lược, những quyết sách sáng tạo, hiệu quả của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được thể hiện trên một số nội dung cơ bản: nhận định chính xác tình hình, kịp thời hạ quyết tâm mở chiến dịch, tạo bước ngoặt cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc phát triển; kịp thời, chính xác chuyển hướng chiến lược tiến công; tập trung lực lượng lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Quân đội, tổ chức chỉ huy chặt chẽ, đoàn kết thống nhất cao.

Thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 là sự kết tinh sức mạnh tổng hợp của cả nước, thành quả của cuộc chiến đấu kiên cường suốt 5 năm [1945-1950] trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc.

Quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới, từ thị xã Cao Bằng đến thị trấn Đình Lập [Lạng Sơn] - một địa bàn chiến lược trọng yếu, tạo nên thế trận mới vững chắc; làm phá sản âm mưu “khóa chặt biên giới Việt-Trung” và chọc thủng “hành lang Đông-Tây” của thực dân Pháp.

Thủ đô kháng chiến Việt Bắc không những được giữ vững, mà còn được củng cố, mở rộng, trở thành vùng tự do, an toàn; niềm tin vào thắng lợi của quân và dân cả nước ngày càng thêm vững chắc; nối liền đường giao thông quốc tế giữa căn cứ địa Việt Bắc [Việt Nam] với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tiếp nhận các nguồn viện trợ về vật chất, vũ khí, trang bị quân sự và học hỏi kinh nghiệm tổ chức chiến đấu của quân đội các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Cùng với ý nghĩa to lớn đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, Chiến thắng Biên Giới Thu Đông 1950 góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến của nhân dân Lào và Campuchia từng bước phát triển vững chắc, phối hợp nhịp nhàng với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam; đồng thời cổ vũ tinh thần chiến đấu và tăng thêm niềm tin cho các dân tộc đang đấu tranh vì độc lập, tự do, nhất là trong giai đoạn này đế quốc Mỹ đang mở cuộc chiến tranh xâm lược Bắc Triều Tiên.

Sau Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950, quân và dân ta tiếp tục giữ vững quyền chủ động, phát huy thế tiến công chiến lược trong những năm 1951 - 1953; tiến tới giành thắng lợi liên tiếp trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

[Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM]

-------
[1]
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, 2006, tr.626

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề