Đổi mới nguyên tắc đánh giá học sinh năm 2024

Những năm tiếp theo, Thông tư áp dụng theo lộ trình: Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 7, lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 8, lớp 11; từ năm học 2024-2025 áp dụng đối với lớp 9, lớp 12.

Thông tư nêu rõ 2 hình thức đánh giá các môn học gồm: Đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số.

Đánh giá bằng nhận xét áp dụng đối với các môn học: Giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mĩ thuật, nội dung giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, kết quả học tập sẽ được đánh giá bằng nhận xét theo 2 mức là Đạt và Chưa đạt.

Những môn học còn lại sẽ được đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số. Kết quả học tập sẽ được cho điểm bằng thang điểm 10.

Đánh giá bằng hình thức nhận xét, giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh; Nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện. Học sinh có thể dùng lời nói hoặc viết để tự nhận xét về học tập, rèn luyện và sự tiến bộ, hạn chế của cá nhân.

Đánh giá bằng điểm số, giáo viên dùng điểm đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp với các môn học. Đặc biệt, đối với đánh giá thường xuyên, giáo viên cho điểm, nhận xét thông qua hỏi-đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Mỗi môn học, mỗi học sinh được đánh giá nhiều lần, trong đó chọn một số lần kiểm tra để ghi kết quả đánh giá vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh theo lớp.

Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số, chọn số điểm đánh giá thường xuyên trong mỗi kỳ cụ thể như sau: Môn học 35 tiết/năm học đánh giá 2 lần; môn học có trên 35 tiết-70 tiết/năm học đánh giá 3 lần; môn học trên 70 tiết/năm đánh giá 4 lần.

Bỏ tính điểm trung bình tất cả các môn

Một điểm mới nữa là Thông tư bỏ việc cộng điểm trung bình tất cả các môn học để xếp loại học sinh, thay vào đó học sinh sẽ được giữ nguyên bảng điểm các môn. Thông tư mới cũng quy định, kết quả học tập của học sinh từng kỳ và cả năm học được đánh giá theo 4 mức gồm: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Mức tốt: Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá Đạt. Tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét và điểm số thì có điểm từ 6.5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt 8.0 trở lên.

Mức Khá là tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét ở mức Đạt; điểm số các môn 5.0 trở lên, trong đó ít nhất 6 môn có điểm trung bình đạt 6.5 trở lên.

Mức Đạt có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Chưa đạt, ít nhất 6 môn có điểm từ 5.0 trở lên; không có môn học nào dưới 3.5 điểm.

Mức Chưa đạt là các trường hợp còn lại.

Về khen thưởng cuối năm học, Thông tư quy định, cuối năm học, hiệu trưởng khen tặng danh hiệu “Học sinh Xuất sắc” đối với học sinh có kết quả rèn luyện năm học được đánh giá ở mức Tốt; kết quả học tập cả năm được đánh giá ở mức Tốt và có ít nhất 6 môn học đạt 9.0 điểm trở lên.

Khen “Học sinh giỏi” cho học sinh có kết quả học tập cả năm đánh giá mức Tốt; Khen học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học; Khen học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường đề nghị cấp trên khen thưởng.

Giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Phúc Yên nhập dữ liệu kiểm tra, đánh giá học sinh và phần mềm cơ sở dữ liệu ngành

Kiểm tra, đánh giá học sinh là bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy học. Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đóng vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, khích lệ phát triển năng lực học tập của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo mục tiêu GDĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.

Để đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá, Sở GDĐT chỉ đạo Phòng GDĐT các huyện, thành phố, các trường học thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và nhiệm vụ về đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo định hướng tiếp cận năng lực.

Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá học sinh. Thực hiện hướng dẫn của Bộ GDĐT, Sở GDĐT, công tác kiểm tra, đánh giá tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới theo hướng tiếp cận năng lực học sinh, hướng tới phát triển năng lực toàn diện của người học.

Chia sẻ về việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh tại Trường THCS Lê Hồng Phong, phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên, cô giáo Lương Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để phát triển các năng lực, phẩm chất của học sinh như năng lực tự học, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực giao tiếp và hợp tác… thì việc kiểm tra, đánh giá học sinh cũng cần có sự đổi mới theo tình hình thực tế.

Nếu như trước đây, đánh giá kết quả học tập của học sinh thường lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức đã học làm trung tâm, thì nay sẽ tập trung vào đánh giá năng lực của người học, chú trọng đánh giá khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng khác nhau.

Nhà trường chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học; chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn; chú trọng đánh giá các năng lực tư duy bậc cao như tư duy sáng tạo, khuyến khích học sinh thể hiện cá tính và năng lực bản thân.

Trong đánh giá thành tích học tập sẽ chú ý đánh giá cả quá trình học tập; sử dụng các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá khác nhau; phát huy tính chủ động của học sinh trong việc tự đánh giá bản thân và đánh giá chéo lẫn nhau…”.

Theo thầy giáo Lê Minh Đức, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lưu Quý An, phường Trưng Nhị, thành phố Phúc Yên, việc kiểm tra, đánh giá trước hết phải vì sự tiến bộ của học sinh, quá trình kiểm tra, đánh giá không được làm học sinh lo sợ, mất tự tin mà phải tạo động lực để các em cố gắng, phấn đấu.

Thầy Đức cho biết: “Khi đánh giá năng lực của học sinh, giáo viên của trường thực hiện kết hợp giữa kết quả đánh giá qua các bài kiểm tra và đánh giá cả quá trình học tập; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ và những khó khăn không thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ. Qua đó, giúp học sinh từng bước khắc phục khó khăn, phát huy ưu điểm và các tố chất riêng để ngày càng tiến bộ.

Bên cạnh đó, các thầy, cô giáo còn hướng dẫn học sinh tự đánh giá việc làm và kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình, tham gia đánh giá kết quả của bạn hoặc nhóm bạn để các em tự phản hồi với bản thân về kết quả học tập, rèn luyện của mình đạt ở mức nào so với yêu cầu.

Nhà trường cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hồ sơ học tập của từng học sinh, thông qua đó, đưa ra những đánh giá chính xác nhất về tình hình học tập đối với từng em; tăng cường trao đổi với phụ huynh học sinh về các nhận xét, đánh giá và giúp đỡ học sinh rèn luyện, phát triển phẩm chất, năng lực...”.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá đóng vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy đổi mới toàn diện về phương pháp dạy học, quản lý, cách thức tổ chức hoạt động dạy học, góp phần phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh.

Tuy nhiên, quá trình đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá tại một số trường học trên địa bàn tỉnh hiện còn gặp một số khó khăn do giáo viên vẫn quen phương pháp kiểm tra, đánh giá truyền thống, chưa chủ động đổi mới việc kiểm tra, đánh giá.