Giải pháp nâng cao chất lượng thu hút hội viên phụ nữ

16:22, 24/05/2022

Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn khóa IX, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đề ra mục tiêu: “Đến cuối nhiệm kỳ tăng thêm 3.000 hội viên; hằng năm, có ít nhất 50% lượt chủ tịch, phó chủ tịch Hội cơ sở, 100% chi hội trưởng được nâng cao kiến thức, kỹ năng thông qua các hình thức tập huấn, bồi dưỡng của các cấp Hội”. Vì vậy, Hội LHPN tỉnh triển khai nhiều chương trình, đổi mới nội dung để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội, thu hút hội viên.

Giải pháp nâng cao chất lượng thu hút hội viên phụ nữ
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Thanh- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh thăm nắm hoạt động phụ nữ tại xã Cẩm Giàng (Bạch Thông).

Xác định công tác tập hợp, thu hút hội viên là nhiệm vụ then chốt nhằm thúc đẩy các phong trào của phụ nữ phát triển, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai các hoạt động hướng về cơ sở thông qua nhiều hình thức như: Sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức tập huấn, hội thảo, diễn đàn, hội thi... Đồng thời, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua việc hỗ trợ phụ nữ xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với đặc thù của địa phương bằng hình thức hỗ trợ giống, vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm, gắn sản xuất với tham gia xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP...

Kết quả trong 5 năm (2016 – 2021), các cấp Hội đã phát triển được 5.559 hội viên nâng tổng số hội viên trong toàn tỉnh trên 68.000 hội viên, không có cơ sở Hội có tỷ lệ thu hút hội viên dưới 50%. Thực hiện hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, các cấp Hội quản lý tổng dư nợ gần 800 tỷ đồng cho hơn 14.000 hộ vay; Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh có dư nợ hơn 80 tỷ đồng cho trên 5.000 thành viên vay.

Triển khai khâu đột phá “Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội, đặc biệt chú trọng đến chất lượng sinh hoạt chi hội phụ nữ”, nhiệm kỳ qua, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội hướng hoạt động về cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng đội ngũ cán bộ Hội. Trong 5 năm qua, Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh tổ chức rà soát, lựa chọn những cán bộ Hội cơ sở còn hạn chế về năng lực, cử 32 lượt cán bộ trưởng, phó các ban của Tỉnh hội trực tiếp đến 32 cơ sở hướng dẫn cán bộ Hội triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Hội và phong trào phụ nữ. Tổ chức được 12 lớp tập huấn cho 600 cán bộ Hội LHPN các cấp theo Đề án 1893; phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho chủ tịch, phó chủ tịch và cán bộ nguồn chủ tịch cấp xã, 100 chị được cấp chứng chỉ nghiệp vụ công tác Hội. Các cấp Hội chủ động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho 2.832 lượt chi hội trưởng, chi hội phó, chủ tịch, phó chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở.

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội vào hoạt động thực tế, Hội LHPN tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả như: Mở rộng các loại hình tập hợp, đa dạng nội dung hoạt động Hội theo phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”; xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng hội viên nòng cốt tại các cơ sở Hội; có các giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn đội ngũ cán bộ Hội cơ sở trong hoạt động công tác. Quản lý hội viên, xây dựng các mô hình tập hợp, thu hút phụ nữ tham gia Hội tại các cơ sở; đổi mới, nội dung hình thức sinh hoạt; hướng các hoạt động về cơ sở, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp hội viên phụ nữ.

Ngay từ đầu năm 2022, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh phân công nhiệm vụ cho lãnh đạo, các ban chuyên môn chủ động thăm nắm tình hình thực tế hoạt động tại từng địa phương, tham gia sinh hoạt, thăm mô hình phát triển kinh tế của hội viên tại chi hội phụ nữ cơ sở. Thực hiện có hiệu quả Đề án 1893 và quan tâm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ Hội nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp, đặc biệt là cán bộ Hội cấp cơ sở, cán bộ Hội mới được kiện toàn. Tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ chi hội trưởng cơ sở bằng phương pháp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn thực hành sinh hoạt mẫu. Tập trung triển khai các hoạt động hướng về cơ sở, tham dự sinh hoạt tại các chi hội vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cán bộ Hội cơ sở còn hạn chế về năng lực. 4 tháng đầu năm, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 3 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho 130 cán bộ Hội.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Thanh- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng tổ chức Hội, thu hút hội viên, ngoài các giải pháp đã và đang thực hiện thì việc đổi mới hoạt động của các phong trào thi đua, cuộc vận động: Phụ nữ Bắc Kạn “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”; công tác khen thưởng phong trào thi đua cũng được đổi mới theo hướng giới thiệu điển hình hằng tháng, quý, năm đối với từng cấp Hội. Quan tâm khen thưởng hội viên phụ nữ là người lao động trực tiếp, kịp thời khen đột xuất, khen theo chuyên đề, do đó đã thực sự tạo động lực cho hội viên, các cấp Hội hăng hái hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua của Hội; phát huy vai trò của các cấp Hội tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ; đề xuất thực hiện chính sách, cơ chế đào tạo, luân chuyển cán bộ Hội, chú trọng cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số…

Với những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội Phụ nữ các cấp, tin tưởng rằng ở nhiệm kỳ này, Hội Phụ nữ luôn là điểm tựa cho chị em phụ nữ trong các lĩnh vực của cuộc sống; sự đổi mới mạnh mẽ trong phương thức hoạt động tiếp tục đưa công tác Hội và phong trào phụ nữ của tỉnh có những chuyển biến tích cực, phù hợp với giai đoạn hiện nay./.

Hà Nhung

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong hội viên, phụ nữ, các cơ sở hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) ở huyện Long Mỹ đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực thu hút hội viên, qua đó vừa góp phần chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em vừa đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

Giải pháp nâng cao chất lượng thu hút hội viên phụ nữ

Cán bộ Chi hội Phụ nữ ấp 9 (bìa trái) thăm một hộ thành viên trong mô hình “Cùng bà nuôi dạy cháu”.

“Cùng bà nuôi dạy cháu”

Thành lập đến nay hơn một năm, mô hình “Cùng bà nuôi dạy cháu” ở ấp 9, xã Thuận Hưng, tạo được sự đồng thuận lớn trong hội viên, phụ nữ. Ngày thành lập, mô hình có 12 hội viên, nay thu hút thêm 2.

Bà Mai Thị Bé Tư, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 9, cho biết: “Chúng tôi thành lập mô hình này nhằm vận động, tuyên truyền giúp các gia đình trẻ em có cha mẹ đi làm ăn xa có cách quản lý, giáo dục và bảo vệ quyền lợi cho trẻ tốt hơn”.

Theo bà Tư, khi sống với ông bà, chủ yếu các cháu được chăm lo, quan tâm nhiều về vật chất. Tuy nhiên, về tinh thần, ông bà dù gì cũng ít gần gũi, theo dõi, nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm của trẻ như sống cùng cha mẹ. Mô hình thành lập sẽ giúp các bà có thêm những kỹ năng, kiến thức cần thiết để nuôi dạy cháu tốt hơn. “Đối với những gia đình khó khăn về kinh tế, không đảm bảo đủ điều kiện cho cháu đến trường, chúng tôi còn quan tâm vận động các nguồn hỗ trợ để các cháu có đủ điều kiện học tập, không phải bỏ học”, bà Tư thông tin thêm.

Vợ chồng bà Trần Thị Đào hiện nuôi đến 4 đứa cháu để cha mẹ các em đi làm xa. Nhờ có mô hình “Cùng bà nuôi dạy cháu”, các cháu thường xuyên được cho tập, tặng học bổng để học hành đàng hoàng. “Trong các lần sinh hoạt hay đến thăm nhà, chúng tôi còn được nhắc nhở nên quan tâm tìm hiểu, nắm bắt tâm lý trẻ nhỏ để có phương pháp dạy dỗ phù hợp. Quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ trẻ không bị đuối nước, bạo lực, xâm hại...”, bà Trần Thị Đào chia sẻ.

Xử lý rác, hỗ trợ phụ nữ nghèo

Năm 2020, Hội LHPN xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ xây dựng mô hình “Xử lý rác thải nhựa, hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc” với 15 thành viên. Tham gia mô hình, chị em được hướng dẫn phân loại, xử lý rác để không gây ô nhiễm môi trường; với rác thải tái chế, các chị sẽ tập hợp lại để bán rồi tạo quỹ cho mô hình hỗ trợ những thành viên khó khăn về kinh tế.

“Mỗi tháng, chúng tôi tập hợp rác tái chế lại điểm sinh hoạt rồi đem bán. Số tiền thu được sẽ trao tặng cho chị nào khó khăn nhất trong tháng đó để làm vốn mua con giống chăn nuôi. Tuy số tiền không lớn, chỉ đủ mua 10-15 gà con, vịt con về nuôi nhưng đối với những hộ khó khăn thì rất quý. Qua cách làm này còn giúp chị em trong xóm đoàn kết, thân thiết hơn”, bà Trần Thị Thảo, thành viên  mô hình, cho biết.

Theo Hội LHPN huyện Long Mỹ, thông qua việc thành lập các mô hình đã giúp cho Hội nâng cao tỷ lệ tập hợp hội viên hàng năm. Tùy theo điều kiện, sở thích và loại hình sinh hoạt, từng đối tượng phụ nữ sẽ chủ động xin tham gia sinh hoạt ở mô hình phù hợp. Với cách làm này, từ năm 2016 đến nay, Hội đã phát triển mới 3.165 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn huyện là 15.433.

Giai đoạn 2016-2021, Hội LHPN huyện còn phát động sâu rộng trong cán bộ, hội viên tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với 2 cuộc vận động: “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đến nay, toàn huyện có 18.607 cán bộ, hội viên phụ nữ đạt 3 tiêu chuẩn phong trào thi đua, tăng so nhiệm kỳ trước 3.612 hội viên, trong đó có hơn 3.000 chị đạt xuất sắc tiêu biểu 5 năm liền.

Đối với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, qua thực hiện, Hội được các cấp ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao, góp phần thiết thực trong việc phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện hiện có 10.133 hộ gia đình hội viên, phụ nữ đạt 8 tiêu chí cuộc vận động, chiếm tỷ lệ trên 54%.

Theo bà Đoàn Thị Tuyết Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện, hoạt động Hội trong nhiệm kỳ qua có nhiều đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức; hoạt động luôn có sự lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương nên được cấp ủy đánh giá cao, nhất là vận động xã hội hóa chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, hội viên, phụ nữ nghèo...

Thông qua các phong trào, hoạt động, nhận thức của hội viên, phụ nữ nâng lên đáng kể, chị em ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng; vị trí, vai trò của Hội ngày càng được khẳng định rõ hơn trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.

Bài, ảnh: MỸ AN