Hoằng pháp có nghĩa là gì

1. Bốn mức độ tiến tu của đệ tử Phật

Ta có 4 mức độ tiến tu của người đệ tử Phật theo 4 chữ H như sau:

- Học giáo pháp

- Hành theo giáo pháp

- Hoằng truyền giáo pháp

- Hộ trì giáo pháp

Ở mức độ ban đầu là học hỏi giáo pháp thì ai có chút lòng đều có thể thực hiện được. Hoặc là ta đi nghe các vị giảng sư giáo thọ giảng dạy trực tiếp; hoặc là ta mày mò đọc các sách viết về Phật Pháp; hoặc là ta đọc trực tiếp các bản kinh gốc nếu đủ trình độ. Riêng những Tăng Ni sinh đang theo học các trường Phật học thì được đi theo một hệ thống quy cũ chặt chẽ chuyên sâu hơn. Nhưng vẫn chỉ là chữ H thứ nhất.

Mức độ thứ hai khó hơn, đó là thực hành giáo pháp. Học hiểu thì ai có chút tò mò hiếu học thì cũng học được, nhưng chỉ những ai gan dạ nhìn lại lỗi lầm của mình, thành thật nhận lỗi về mình, can đảm vượt qua lỗi của mình thì mới có thể thực hành tu tập được. Tính ra, mười người học chưa được ba người hành. Sự tu hành trong đạo Phật khó ở chỗ không thể hiện ra ngoài giống như người luyện tập thể thao hay võ thuật. Tu hành cốt yếu ở việc nhìn rõ nội tâm của mình, chuyển hóa nội tâm của mình. Khi tâm đã được chuyển hóa rồi thì tự nhiên lời nói và việc làm sẽ thuần hòa, khiêm nhu, từ ái, can đảm. Cái khó tiếp theo nữa là trong đạo Phật còn có công phu tu tập thiền định nhiếp tâm. Đây là cả một công trình kiên trì hết đời này sang đời khác. Chỉ ai chịu cực thực hành tu tập chiến đấu với lỗi lầm của mình thì mới thấm sâu đạo lý của Phật dạy, mới có thể sống như Phật dạy mà không bị chấp trên ngôn ngữ.

Mức độ khó hơn nữa là hoằng truyền Chánh pháp. Khi có thực hành tu tập, ta có thể hiểu rất sâu lời Phật dạy rồi, ta thiết tha muốn giúp mọi người cùng hiểu giáo lý của Phật rồi, ta có lý tưởng Phật hóa cả thế gian này rồi, nhưng điều ta cần phải có tiếp theo nữa là khả năng truyền đạt của ta có hấp dẫn không, có dễ hiểu không. Thêm một điều khó nữa là ta có kết duyên lành với chúng sinh từ những kiếp xưa chưa? Nếu ta ít duyên với chúng sinh, nếu khả năng truyền đạt của ta kém thì xem như lý tưởng độ sinh của ta rất khó thực hiện. Tuy nhiên, không ai biết được duyên kiếp của mình rõ ràng. Ta cứ việc nuôi dưỡng lý tưởng độ sinh và biết đâu mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

Mức độ khó cuối cùng là hộ trì Chánh pháp. Người có duyên hộ trì chánh pháp phải là những người cúng dường cả thân và tâm cho Phật. Cuộc đời này không còn là của mình nữa mà đã thuộc về Tam Bảo. Người như vậy lý tưởng đối với Phật Pháp là tuyệt đối, có thực hành tu tập để thấy sự nhiệm mầu của Phật Pháp, có khả năng truyền "lửa" cho bất cứ ai đến gần. Nhưng khó hơn cả, người hộ trì Phật Pháp phải là người cực kỳ gan dạ, khôn ngoan, biết xử lý tình huống, và quan trọng nhất, là biết đoàn kết một lòng với nhau.

Phạm vi môn học này không nói về Hộ trì Phật Pháp nên ta không nhắc đến, chỉ tập trung nói về những vấn đề liên quan đến công việc Hoằng pháp mà thôi.

2. Lý tưởng hoằng pháp

Nếu có ai nhìn thấy một vị giảng sư được nhiều người quý trọng rồi khởi lên ước muốn làm một giảng sư ngồi đường bệ trên bục giảng thì người đó không phải có lý tưởng Hoằng pháp. Đó chỉ là tham vọng danh lợi. Điều đầu tiên để làm một sứ giả chân chính của Phật là kiểm tra kỹ trong tâm mình có tham vọng danh lợi như thế hay không. Nếu quả thật thấy mình có tham vọng danh lợi đó thì phải tìm cách diệt trừ cho sạch. Nếu không diệt trừ sạch tận gốc tham vọng thầm kín đó thì thế nào cũng có ngày ta làm ngược lại những gì ta nói. Hậu quả cho sự tình như thế thật là cay đắng.

Do đâu ta có lý tưởng muốn hoằng truyền chánh pháp, nghĩa là muốn Giáo pháp của Phật được rất nhiều người tin hiểu và thực hành theo?

Chính bởi vì ta là lửa. Ngọn lửa đạo tâm của ta bừng cháy mãnh liệt nên dễ dàng cháy lây qua mọi người.

Chính bởi vì ta được lợi ích tuyệt vời từ nơi Giáo pháp, ta được hạnh phúc từ nơi giáo pháp, nên ta thiết tha mong muốn ai cũng được như vậy. Trên cuộc đời này, có rất nhiều niềm vui khiến con người ích kỷ chỉ muốn hưởng một mình. Riêng Phật Pháp thì ngược lại, ai đạt được niềm vui trong Phật Pháp đều thiết tha muốn chia sẻ với mọi người.

Vì đâu ta muốn chia sẻ đạo lý đến mọi người? Chỉ bởi vì ta là nước, nước đạo lý trong tâm đã đầy rồi thì phải tràn. Đó là chân lý luôn luôn đúng. Chỉ những ai đạo tâm còn yếu ớt, sơ sài, nông cạn thì chẳng muốn chia sẻ đạo lý đến người khác. Còn bất cứ ai đã thấm nhuần đạo lý rồi thì lập tức cháy bỏng ước muốn giúp người cùng biết đạo lý.

Lý tưởng hoằng pháp cũng tùy theo trí tuệ của ta mà lớn hoặc nhỏ khác nhau. Có khi ta chỉ muốn san sẻ đạo lý với những người trong gia đình, đồng nghiệp, láng giềng; có khi ta muốn viết sách để phổ biến ở mức độ rộng rãi hơn; có khi ta muốn đi đây đi kia để gặp gỡ trực tiếp với nhiều người xa lạ mà tuyên giảng đạo lý; có khi ta muốn tổ chức những cuộc hội họp đông người nơi những hội trường để thuyết giảng vân vân... Những người càng có khả năng thì tự nhiên hay nghĩ đến số đông. Thậm chí những tài năng lớn thì nghĩ đến cả thế giới, nghĩ đến vận mệnh Phật Pháp vài trăm, vài nghìn năm sau.

3. Người hoằng pháp

Người hoằng pháp là bất cứ người nào làm cho người

khác hiểu đúng về Phật Pháp, không phân biệt xuất gia hay tại gia. Hơn nữa, người hoằng pháp chân chính là người đủ sức thúc đẩy người khác thực hành chứ không chỉ dừng lại ở học hiểu.

Có rất nhiều trường hợp người tại gia làm công việc hoằng pháp hiệu quả hơn người xuất gia vì có thể tiếp cận bất cứ đối tượng nào, bất cứ nơi đâu. Người xuất gia không thể đi vào những nơi xô bồ phức tạp, không thể tiếp xúc với những người ngang tàng bướng bỉnh. Người xuất gia phải thuyết pháp đúng nơi đúng chỗ, nói đúng đối tượng, chọn lựa đúng tư thế; trong khi người tại gia có thể hòa đồng vui vẻ và nói về đạo lý một cách bình thường như mọi điều trong cuộc sống.

Vì vậy, ngoài nhiệm vụ giảng dạy một cách trịnh trọng, người xuất gia còn phải kiêm thêm vai trò cố vấn hướng dẫn cho người tại gia làm công tác hoằng pháp nơi môi trường của họ. Chính số đông người tại gia cùng góp tay làm công tác hoằng pháp sẽ khiến cho Phật Pháp đi vào đời sống hiệu quả hơn. Vì vậy, trong môn học Hoằng pháp này, phần đầu chúng ta thiên về hướng dẫn cho người cư sĩ tại gia biết cách hoằng pháp. Còn tính cách trịnh trọng đĩnh đạc của người xuất gia sẽ được triển khai ở phần sau.

Hoằng pháp là tính cách tiêu biểu của người đệ tử Phật, ai không có tinh thần hoằng pháp thì chưa phải là đệ tử Phật chân chính. Một trong những tiêu chuẩn để chọn lựa đệ tử xuất gia của quý thầy cũng phải đánh giá trên khả năng hoằng pháp ở mai sau. Nếu người nào có thể tiếp xúc với nhiều ngưòi mà không bị ảnh hưởng, không bị ô nhiễm, lại còn có thể làm cho những người đó hiểu thêm Phật Pháp thì đó chính là những người có tiêu chuẩn xuất gia. Từ đây về sau, quý thầy phải chọn lựa đệ tử theo tiêu chuẩn này.

Như đã nói, Hoằng pháp là giai đoạn sau của Hành pháp. Chỉ những người vất vả chiến đấu với những sai lầm của mình mới là người hoằng pháp chân chính. Còn những ai chỉ cố học cho nhiều rồi đem ra nói lại thì không gây được cảm xúc cho người nghe, không khiến người nghe tin vào đạo lý cao thượng. Ai càng có lý tưởng hoằng pháp chừng nào thì lại càng phải ráng tu hành chừng nấy. Những lời được nói ra từ kinh nghiệm tu hành vất vả là cả một sức mạnh làm lay chuyển người nghe.

4. Đối tượng để hoằng pháp

Ta sẽ đem đạo lý đến cho những ai?

Bất cứ ai; tất cả chúng sinh; khắp thế giới này.

Trên lý thuyết và lý tưởng là như thế, còn trong thực tế thì ta phải tùy theo duyên của mình mà làm công việc hoằng pháp. Theo trình tự, ta sẽ hóa độ người chưa biết đạo lý trở thành người biết đạo lý.

Sau đó giúp cho người đã biết đạo lý thành người hiểu sâu đạo lý và bước vào thực hành.

Trên bước đường thực hành gồm có việc tạo phước, tu dưỡng đạo đức, thiền định. Ta cũng phải giúp cho người được thuận lợi với những việc như thế. Khi người đã vững vàng và có lý tưởng hoằng pháp như ta thì ta lại giúp người trong công việc hoằng pháp.

Tiến trình là như thế, nhưng thực tế thì nói chuyện đạo lý với người đã biết đạo thì dễ, còn nói về đạo lý cho người chưa biết gì thì rất khó. Chính vì vậy mà hầu hết chúng ta đều thích duy trì tình thân với người đã biết đạo, còn rất ngại làm quen truyền bá đến người chưa biết gì. Đây là nhược điểm lớn của người đệ tử Phật từ trước tới giờ khiến cho Phật giáo ít phát triển. Bây giờ ta phải vượt qua nhược điểm đó, phải tập đem đạo lý đến với những người chưa biết gì.

Người hoằng pháp phải giải đuợc bài toán đầu tiên là nói chuyện đạo lý với người chưa biết gì. Những bài kế tiếp ta sẽ phân loại nhiều hạng người, tâm lý từng hạng người, cách tiếp cận mỗi hạng người.

Sau đó là những Phật tử đã tin hiểu đạo lý, cần được nâng cao thêm để việc thực hành được sâu sắc kỹ lưỡng.

Cuối cùng là Tăng Ni cũng cần được giảng dạy để nắm vững những giáo lý cao siêu làm hành trang tu tập. Riêng những Tăng Ni có tuổi đạo đã lớn thì hầu như chỉ tự tham khảo và trao đổi trong những dịp An cư hoặc các dịp lễ hội lớn mà thôi.

Một đối tượng đặc biệt của công việc hoằng pháp là những người ở tôn giáo bạn. Dĩ nhiên ta không có ý định làm cho họ chuyển qua đạo Phật, nhưng nếu giúp họ hiểu thêm về Phật Pháp thì cũng khiến cho sự đoàn kết loài người được tốt đẹp hơn. Nhất là một khi tin hiểu được Nhân quả thì những tôn giáo cực đoan sẽ chùn tay lại, không dám gieo rắc khủng bố tang thương cho đồng loại nữa. Việc đem Phật Pháp đến với những người khác đạo là đỉnh cao của sự hoằng pháp. Ai chưa đủ sức làm việc này thì chưa phải là người hoằng pháp trọn vẹn.

5. Ứng dụng khoa học kỹ thuật-nghệ thuật

Khoa học kỹ thuật là kết tinh trí tuệ của loài người qua nhiều thế hệ. Nếu ta không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong việc hoằng pháp có nghĩa là ta cũng không có trí tuệ, hoặc là ta khinh thường trí tuệ của loài người. Nếu ta khinh thường trí tuệ của loài người thì quả báo xảy ra là ta sẽ không có trí tuệ.

Vì vậy, người hoằng pháp phải khôn ngoan biết ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật vào công việc hoằng pháp của mình để tăng thêm hiệu quả. Nhờ phương tiện máy móc hiện nay, một bài pháp tuyệt diệu xuất thần sẽ không bay mất theo hư vô mà sẽ được giữ gìn, lưu truyền từ nơi này sang nơi khác, từ đời này sang đời khác.

Rồi những phương tiện phim video, âm thanh surround làm tăng thêm sự hấp dẫn sẽ giúp cho nhiều người được lôi kéo tìm hiểu đạo. Nhiều người chẳng bao giờ chịu lắng nghe một bài giảng âm thanh, nhưng lại rất thích thú khi theo dõi một cuốn phim video thể hiện bài giảng với những hình ảnh minh họa đầy sống động

Am nhạc có sức hút kỳ lạ với tất cả mọi người. Từ lâu nhiều nhạc sĩ Phật giáo cũng đã tạo nên những bản nhạc đạo bất hủ làm phong phú thêm phương tiện hoằng pháp trong Phật giáo. Các tu sĩ bây giờ phải am tường âm nhạc để mở ra một cánh cửa rộng cho giới trẻ đến với đạo Phật. Những bài tụng theo điệu ru xưa có giá trị không thể chối cãi, nhưng âm nhạc hiện đại ngày nay vẫn cực kỳ hấp dẫn. Đến lúc nào đó, âm nhạc hiện đại có thể thay thế điệu ru cổ trong nghi thức tụng niệm của Phật giáo. Vì vậy, trường Phật học phải có thêm bộ môn âm nhạc cho Tăng Ni sinh.

Rồi bất cứ đôi mắt ta nhìn vào đâu cũng đòi hỏi ở đó phải đẹp, từ mái chùa, bìa cuốn kinh, lễ đài Phật đản, tượng Phật, lọ hoa, lối đi, trang phục... Chính những ấn tượng mỹ thuật đó biểu hiện sự phong phú tâm hồn của những người tu Phật. Nếu nhìn một ngôi chùa xấu xí, luộm thuộm, người ta cũng nghi ngờ tâm hồn của những tu sĩ ở trong đó. Hơn nữa tâm lý ai cũng thích đến những nơi có cảnh trí đẹp đẽ. Vì vậy, có khả năng mỹ thuật để tạo ra một cảnh trí già lam đẹp đẽ cũng là phương tiện để hoằng pháp. Trường Phật học cũng phải cho dạy bộ môn Mỹ thuật.

6. Ước mơ về một thế giới Phật giáo

Muốn làm một người hoằng pháp giỏi, trong tâm ta phải biết mơ ước về một thế giới mà trong đó hầu hết mọi người đều tin hiểu Phật Pháp, đều biết thương yêu nhau theo đạo từ bi, đều biết kềm chế tránh ác làm thiện theo luật Nhân quả. Bây giờ thế giới bị phân hóa bởi nhiều tín ngưỡng, trong đó có những tín ngưỡng rất sai lầm quá khích đã khuyến khích tín đồ giết hại đồng loại không thương tiếc, hoặc có những tín ngưỡng mưu đồ thống trị thế giới một cách bí mật. Hơn bao giờ hết, đây là lúc con người cần một đạo lý diệt trừ lòng ác độc, diệt trừ tham vọng điên cuồng; đây là lúc con người cần đạo lý sống hiền hòa thanh thản với lòng thương yêu vạn loại, với trí tuệ kiểm soát lầm lỗi chính mình, với khát vọng vượt lên cao hơn về tâm linh để hòa nhập vào nền văn minh của vũ trụ.

Người hoằng pháp phải mang trong trái tim mình ước mơ cháy bỏng về một cõi Phật trên hành tinh đầy mây bay gió thổi này, đầy sông sâu biển lớn này, đầy núi cao đồi dài này, đầy cây xanh cỏ mượt này. Trái tim đó sẽ đưa ta đi đến mọi góc trời để ta nói với loài người rằng, hãy yêu thương nhau.

Câu hỏi: Hãy nói về lý tưởng hoằng pháp.

Hoằng Pháp Phần 1 [Đàm Đạo]

Video liên quan

Chủ Đề