Hướng dẫn mua sắm tập trung

Ngày 27/6, Sở Tài chính đã ban hành Hướng dẫn số 2858/HD-STC thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện đăng ký mua sắm tài sản tập trung

Theo đó, đối với đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản, các cơ quan, đơn vị căn cứ nguồn kinh phí được duyệt, tiêu chuẩn, định mức chế độ sử dụng máy móc thiết bị, quy định của pháp luật hiện hành để xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật và giá của máy móc, thiết bị theo nhu cầu chuyên môn của đơn vị mình trình cơ quan chủ quản cấp trên (nếu có) phê duyệt chủ trương mua sắm hoặc thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương mua sắm (nếu vượt quá thẩm quyền). Sau khi có chủ trương mua sắm, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp để trình đơn vị mua sắm tập trung (nếu là đơn vị trực thuộc); trình trực tiếp đơn vị mua sắm tập trung (nếu là cơ quan, đơn vị độc lập).

Đối với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã (Cơ quan chủ quản) hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng cấu hình kỹ thuật, dự toán và giá tài sản, phê duyệt chủ trương mua sắm hoặc thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương mua sắm (nếu vượt quá thẩm quyền). Tổng hợp đăng ký mua sắm của các đơn vị, đồng thời kiểm tra, rà soát về cơ sở pháp lý, nguồn kinh phí thực hiện, tiêu chuẩn, định mức tài sản đăng ký mua sắm tập trung, tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá và các thành phần hồ sơ đăng ký của các đơn vị gửi về đơn vị mua sắm tập trung của tỉnh trước ngày 31/01 hằng năm.

Hồ sơ đăng ký mua sắm tập trung gồm các thành phần như sau:

Chủ trương mua sắm tài sản của cấp có thẩm quyền. Nếu tài sản là thiết bị văn phòng có giá đề nghị vượt quá quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị và các văn bản bổ sung, thay thế của pháp luật liên quan (nếu có) phải có quyết định mua sắm tài sản chuyên dùng của cấp có thẩm quyền.

Quyết định giao dự toán của cấp có thẩm quyền (đối với nguồn ngân sách);

Quyết định sử dụng kinh phí của đơn vị dự toán (đối với nguồn quỹ phát triển sự nghiệp);

Các văn bản, tài liệu chứng minh về nguồn kinh phí khác liên quan đến hồ sơ đăng ký mua sắm và các tài liệu để chứng minh về tài sản cần mua sắm;

Công văn đề nghị mua sắm tập trung của đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản kèm theo bảng đăng ký mua sắm tập trung và ghi đầy đủ thông tin chi tiết về tài sản mua sắm (Tên hàng hóa, Model, xuất xứ, năm sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật, bản vẽ thiết kế, mẫu mã hàng hóa và giá trị từng tài sản…) kèm theo các tài liệu liên quan để chứng minh cơ sở xây dựng danh mục và dự toán mua sắm tài sản theo quy định của pháp luật trình cơ quan chủ quản cấp trên tổng hợp để trình đơn vị mua sắm tập trung (nếu là đơn vị trực thuộc) hoặc trình trực tiếp đơn vị mua sắm tập trung (nếu là cơ quan, đơn vị độc lập).

Công văn đề nghị mua sắm tập trung của cơ quan chủ quản của đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản kèm theo bảng tổng hợp đăng ký mua sắm tập trung theo Mẫu số 03/TSC-MSTT đính kèm và phải ghi đầy đủ thông tin chi tiết về tài sản mua sắm gửi đơn vị mua sắm tập trung.

Danh mục áp dụng mua sắm tập trung, phân công đơn vị mua sắm tập trung, cách thức mua sắm tập trung, đối tượng áp dụng mua sắm tập trung, nguồn vốn áp dụng mua sắm tập trung, thời gian đăng ký mua sắm tập trung, cấu hình kỹ thuật và dự toán mua sắm áp dụng theo Quyết định số 14/2023/QĐ-UBND ngày 15/6/2023 của UBND tỉnh về việc ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung, phân công đơn vị mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Quy trình thực hiện mua sắm tập trung gồm: Tiếp nhận đăng ký, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản. Ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn. Ký kết hợp đồng mua sắm tài sản. Thanh toán tiền mua sắm tài sản. Bàn giao, tiếp nhận tài sản. Quyết toán, thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản. Bảo hành, bảo trì tài sản. Quản lý thu, chi liên quan đến mua sắm tập trung.

Đơn vị Mua sắm tập trung (Trung tâm Hỗ trợ Tư vấn Tài chính) có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu đăng ký mua sắm của từng đơn vị qua đơn vị đầu mối và tổ chức các bước lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị mua sắm tập trung theo điều 69 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác của pháp luật liên quan.

Kho Bạc Nhà nước có trách nhiệm: Kiểm soát chi đối với các khoản mua sắm từ ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật. Thực hiện từ chối thanh toán các khoản kinh phí mua sắm tài sản thuộc Danh mục mua sắm tập trung nhưng không thực hiện mua sắm tập trung hoặc hợp đồng mua sắm tài sản không phù hợp với thỏa thuận khung đã ký, mua sắm trái quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức, chế độ, và các quy định hiện hành của pháp luật về mua sắm tập trung.

Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 952/HD-STC ngày 29/3/2022 của Sở Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung trên địa bàn tỉnh Nghệ An.