Phân tích tâm quan trọng của thương hiệu đối với chủ thể kinh doanh

Quy định về chủ thể kinh doanh

  • 1. Khái niệm chủ thể kinh doanh
  • 2. Dấu hiệu của chủ thể kinh doanh
  • 3. Chủ thể kinh doanh trên thị trường chứng khoán
  • 4. Phân biệt giữa chủ thể kinh doanh và chủ sở hữu doanh nghiệp
  • 5. Chủ thể kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh
  • 6. Điều kiện (dấu hiệu) để trở thành chủ thể của Luật kinh doanh

1. Khái niệm chủ thể kinh doanh

Khái niệm chủ thể kinh doanh không được thể hiện rõ trong luật về mặt pháp lý nhưng nó thể hiện hành vi kinh doanh của chủ thể kinh doanh được hiểu theo nghĩa thực tế và pháp lý là những pháp nhân hay thương nhân nhân thực hiện trên thực tế những hành vi kinh doanh.

Chủ thể kinh doanh là tổ chức, cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh (hoặc giấy phép đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và thực hiện trên thực tế các hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận.

Theo quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2020 thì:

Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

Mọi thương nhân đều là chủ thể kinh doanh và mọi doanh nghiệp đều là thương nhân vì đều có đăng kí kinh doanh. Còn thương nhân thì chưa chắc đã là doanh nghiệp. Một số thương nhân không phải là doanh nghiệp như hộ kinh doanh, hợp tác xã.

Thương nhân có nghĩa bao hàm rộng hơn, đồng nghĩa với chủ thể kinh doanh có nghĩa rộng hơn khái niệm doanh nghiệp.

2. Dấu hiệu của chủ thể kinh doanh

Chủ thể kinh doanh có các dấu hiệu sau:

1) Là chủ thể pháp lí được tổ chức dưới một hình thức nhất định với tư cách doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể;

2) Được cơ quan đăng kí kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh hoặc được cơ quan quản lí nhà nước về đầu tư nước ngoài cấp giấy phép đầu tư;

3) Tiến hành một cách độc lập và thường xuyên các hoạt động đầu tư, sản xuất, mua bán hoặc dịch vụ trên thị trường để thu lợi nhuận.

Các chủ thể kinh doanh ở Việt Nam bao gồm: doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, công ti, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác làm kinh doanh. Luật thương mại năm 2005 sử dụng thuật ngữ thương nhân để chỉ các chủ thể kinh doanh tiến hành hoạt động thương mại như mua bán hàng hoá, thực hiện các dịch vụ thương mại hay xúc tiến thương mại một cách độc lập và thường xuyên.

Vậy: Chủ thể kinh doanh là tổ chức, cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh (hoặc giấy phép đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và thực hiện trên thực tế các hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận.

Giữa chủ thể kinh doanh và doanh nghiệp còn một số điểm để phân biệt như sau:

– Lượng nhân công: chủ thể kinh doanh có thể có giới hạn ví dụ như kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh còn doanh nghiệp thì có thể tự do trong việc sử dụng lao động.

– Điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp có thể phải xin các giấy phép con, chủ thể kinh doanh thì có thể hạn chế hơn.

Ngoài ra, việc phân biệt này còn dựa trên một số những khía cạnh khác về tư cách pháp nhân và cơ quan quản lý.

3. Chủ thể kinh doanh trên thị trường chứng khoán

Ở nước ta hiện nay, khái niệm kinh doanh chứng khoán được hiểu theo nghĩa khá rộng và cơ bản tương đồng với khái niệm kinh doanh chứng khoán trong pháp luật các nước trên thế giời đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể tại khoản 19, Điều 6 Luật chứng khoán qui định: “Kinh doanh chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh và phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu kí chứng khoán, quản lý quĩ đầu tư chứng khoán và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán”.

a. Công ty chứng khoán

Công ty chứng khoán là công ty cổ phần hoặc công ty TNHH được thành lập, hoạt động theo Luật chứng khoán và các quy định khác của pháp luật để thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán dưới đây theo giấy phép do Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp: Môi giới chứng khoán; Bảo lãnh phát hành chứng khoán; Tư vấn đầu tư chứng khoán.

b. Quỹ đầu tư chứng khoán

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ hình thành từ vốn góp của người đầu tư ủy thác cho công ty quản lý quỹ quản lý và đầu tư tối thiểu 60% giá trị tài sản của quỹ vào chứng khoán.

c. Công ty đầu tư (nhà đầu tư) chứng khoán

Công ty đầu tư chứng khoán là công ty được thành lập từ vốn góp của các nhà đầu tư và sử dụng số vốn góp đó để chủ đầu tư chủ yếu vào chứng khoán nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

d. Công ty quản lý quỹ

Công ty quản lý quỹ là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty cổ phần hoặc công ty TNHH, được thành lập để hoạt động quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và một số hoạt động kinh doanh khác có liên quan.Theo khái niệm về công ty quản lý quỹ đầu tư (Fund Management) tại thị trường chứng khoán Mỹ, công ty quản lý quỹ là công ty chuyên trách thực hiện việc quản lý các quỹ đầu tư. Các quỹ đầu tư được tổ chức dưới dạng một công ty, phát hành cổ phần. Công ty đầu tư sử dụng nhà tư vấn đầu tư, hay người quản lý đầu tư đề quyết định loại chứng khoán nào sẽ đưa vào danh mục đầu tư của quỹ. Người quản lý quỹ đuợc toàn quyền quản lý danh mục đầu tư, mua bán chứng khóan phù hợp với các mục tiêu đầu tư của quỹ. Công ty quản lý quỹ được cấu trúc dưới hai dạng: quản lý quỹ đầu tư quỹ dạng đóng và quỹ dạng mở.

Ở Việt Nam, công ty quản lý quỹ thực hiện việc quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Quỹ đầu tư chứng khoán có thể ở dạng quỹ công chúng hoặc quỹ thành viên, và là dạng đóng.

4. Phân biệt giữa chủ thể kinh doanh và chủ sở hữu doanh nghiệp

Về bản chất, đó đều là những chủ thể thực hiện các hoạt động về kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi nhuận. Các hoạt động kinh doanh được thực hiện bởi chủ thể kinh doanh nói chung hay chủ sở hữu doanh nghiệp nói riêng đều có những đặc trưng cơ bản giống nhau sau đây:

Thứ nhất, cả chủ thể kinh doanh và chủ sở hữu doanh nghiệp đều có một điểm chung giống nhau đó chính là thực hiện các hoạt động kinh doanh mang tính chất nghề nghiệp. Điều này thể hiện qua việc hoạt động kinh doanh mà các chủ thể này thực hiện được coi là công việc mang tính chất lâu dài, ổn định và tạo ra thu nhập.

Thứ hai, việc thực hiện các hoạt động kinh doanh của chủ thể kinh doanh và chủ sở hữu doanh nghiệp đều diễn ra trên thị trường, đa dạng về lĩnh vực, ngành nghề hoạt động

Thứ ba, chủ thể kinh doanh và chủ sở hữu doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình một cách thường xuyên, liên tục và độc lập.

Thứ tư, các hoạt động kinh doanh mà chủ thể kinh doanh nói chung và chủ sở hữu doanh nghiệp nói riêng thực hiện đều cùng nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận, sinh lời

Tuy nhiên, không phải tất cả chủ thể kinh doanh đều được xác định là chủ sở hữu doanh nghiệp, có thể phân biệt chủ thể kinh doanh và chủ sở hữu doanh nghiệp ở những đặc điểm cơ bản sau đây:

Thứ nhất, chủ thể kinh doanh đa dạng hơn chủ sở hữu doanh nghiệp về đối tượng thực hiện. Cụ thể chủ thể kinh doanh bao gồm cả chủ sở hữu doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác như hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh,…Không phải tất cả các chủ thể kinh doanh đều bắt buộc phải đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Thứ hai, chủ sở hữu doanh nghiệp chỉ bao gồm những đối tượng là tổ chức, cá nhân có thành lập doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật. Là những tổ chức, cá nhân có tên trên giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp.

Như vậy, trên cở sở những nội dung này có thể xác định chủ thể kinh doanh có phạm vi lớn hơn và bao hàm cả về chủ sở hữu của doanh nghiệp. Các đối tượng là tổ chức, cá nhân chỉ cần đáp ứng được yếu tố thực hiện hoạt động kinh doanh thường xuyên, liên tục và phát sinh lợi nhuận đều có thể được đánh giá là chủ thể kinh doanh. Tuy nhiên, để được coi là chủ sở hữu doanh nghiệp đòi hỏi phải đáp ứng được các điều kiện pháp lý nhất định liên quan như phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 đối với mỗi hình thức doanh nghiệp nhất định.

5. Chủ thể kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh

Khái niệm “Chủ thể kinh doanh” không được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật nhưng nó là khái niệm rộng hơn khái niệm thương nhân. Một cách khái quát, chủ thể kinh doanh có thể hiểu là tất cả các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh nhằm mục đích thu lợi nhuận.

Không phải mọi chủ thể kinh doanh đều phải đăng kí kinh doanh trước khi hoạt động kinh doanh bởi theo quy định tại Nghị định số 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng kí kinh doanh, thì có những chủ thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên nhưng không phải đăng kí kinh doanh. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động th­ương mại sau đây:

- Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các th­ương nhân đ­ược phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

- Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

- Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, n­ước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

- Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc ng­ười bán lẻ;

- Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

- Các hoạt động thương mại một cách độc lập, th­ường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

6. Điều kiện (dấu hiệu) để trở thành chủ thể của Luật kinh doanh

a) Đối với cơ quan, tổ chức:

Phải được thành lập hợp pháp: những cơ quan, tổ chức được coi là thành lập hợp pháp khi chúng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thành lập, cấp giấy phép đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

Phải có tài sản riêng: để tham gia vào các quan hệ kinh tế, cơ quan tổ chức phải có tài sản riêng, đồng thời có quyền chi phối khối lượng tài sản đó để có thể tự chịu trách nhiệm độc lập về tài sản trong hoạt động của mình. Quyền chi phối tài sản riêng của tổ chức hoặc cá nhân thường thể hiện dưới hình thức quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản.

Phải có thẩm quyền kinh tế: thẩm quyền kinh tế là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ về kinh tế được pháp luật ghi nhận hoặc công nhận. Thẩm quyền kinh tế của chủ thể Luật kinh doanh luôn phải tuơng ứng với chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động của nó. Vì vậy, trên thực tế các chủ thể Luật kinh doanh có những quyền và nghĩa vụ cụ thể không hoàn toàn giống nhau.

b. Đối với cá nhân:

Phải có năng lực hành vi dân sự hoàn toàn: năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng chính hành vi của mình để xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự. Điều đó có nghĩa là cá nhân có khả năng nhận thức được hành vi của mình và tự chịu trách nhiệm về hành vi đó. Pháp luật nước ta quy định, người đủ 18 tuổi trở lên không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh lý khác làm mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức hành vi của mình là có đủ năng lực hành vi dân sự.

Có giấy phép hoạt động và đã đăng ký kinh doanh hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: cá nhân có năng lực hành vi dân sự chỉ mới là điều kiện cần. Để trở thành chủ thể kinh doanh, phần lớn các cá nhân còn phải xin phép hoặc đăng ký kinh doanh (tùy theo ngành nghề kinh doanh) ở các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Chỉ sau khi được cấp giấy phép kinh doanh và đã đăng ký kinh doanh, cá nhân mới có năng lực pháp luật trong quan hệ Luật kinh doanh, có quyền hoạt động kinh doanh và khi đó mới trở thành chủ thể của Luật kinh doanh.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)