Quy định về an toàn thực phẩm trong trường học

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
___________

Số: 5029/BGDĐT-GDTC
V/v: Tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2020

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thời gian vừa qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt, tích cực. Các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm trong trường học đang dần được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, mưa bão liên tục nhiều ngày qua đổ bộ vào các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản, lũ lụt trên diện rộng gây ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ sở giáo dục, nhiều trường học bị ngập sâu, học sinh phải nghỉ học. Đây là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh phát sinh do các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải... theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh đe dọa đến sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên.

Để bảo đảm việc vệ sinh trường học, không để dịch bệnh bùng phát sau mưa bão và bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo [GDĐT] đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở GDĐT phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm, cụ thể như sau:

1. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật An toàn thực phẩm, Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ GDĐT và Bộ Y tế quy định về công tác y tế trường học, Chỉ thị số 4316/CT-BGDĐT ngày 12/10/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục và các văn bản hiện hành của Bộ GDĐT, Bộ Y tế về bảo đảm vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền do điều kiện vệ sinh không bảo đảm và dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.

3. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi.

4. Triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học; tăng cường công tác y tế trường học; huy động đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên tham gia vệ sinh khuôn viên sân trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải xung quanh sân trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học. Lập kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh trong các cơ sở giáo dục.

5. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường [thực hành thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tuân thủ việc sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi, thay đổi các thói quen có nguy cơ dẫn đến mất vệ sinh, an toàn thực phẩm...].

6. Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với chế độ rèn luyện thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm.

7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của ngành Giáo dục, ngành Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, công tác vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.

Trân trọng./.

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Bộ trưởng [để b/c];

- Các Thứ trưởng [để p/h chỉ đạo];

- Bộ Y tế [để p/h chỉ đạo];

- Các Sở GDĐT [để t/h];

- Cổng thông tin điện tử Bộ GDĐT;

- Lưu: VT, Vụ GDTC.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Ngô Thị Minh

An toàn thực phẩm trong trường học là mối quan tâm hàng đầu của nhiều phụ huynh khi hiện nay tình hình vệ sinh an toàn thực diễn ra rất phức tạp. Vậy ATTP trong trường học được đảm bảo ra sao về điều kiện theo quy định pháp luật? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết sau với Luật Nhân Dân.

Cơ sở pháp lý

  • Thông tư 46/2010/TT-BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ trưởng Bộ y tế ban hành ngày 29 tháng 12 năm 2010;;
  • Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trường học do Bộ y tế , Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 12 tháng 5 năm 2016.

Quy định trong việc bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm trong trường học

– Đối với trường học có  bếp ăn nội trú, bán trú, cần:

  • Bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất về an toàn vệ sinh thực phẩm theo khoản 1, khoản 2, khoản 3, mục VI và yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm theo khoản 5 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia [QCVN 07:2010/BYT] phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
  • Bếp ăn, nhà ăn [khu vực ăn uống], căng tin trong trường học bảo đảm theo quy định Đối với người làm việc tại nhà ăn, bếp ăn trong trường học phải bảo đảm các yêu cầu về sức khỏe theo quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

– Đối với  các trường học không có bếp ăn nội trú, bán trú ký hợp đồng với các cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để cung cấp thức ăn cho học sinh; căng tin của nhà trường phải bảo đảm yêu cầu.

Theo các quy định trên, cần có các điều kiện sau để đảm bảo được an toàn thực phẩm trong nhà trường.

  • Nhà ăn, căng tin phải thông thoáng, đủ ánh sáng, cửa sổ phả có lưới để chống chuột, ruồi, nhặng, gián hoặc các côn trùng khác có hại;
  • Tường, trần nhà và sàn nhà phải nhẵn, bằng phẳng, hạn chế các khe rãnh, góc cạnh, gờ dễ bám bụi, chất bẩn, thuận tiện cho việc làm vệ sinh và khử trùng.
  • Bàn ghế, dụng cụ, phương tiện phải được làm bằng vật liệu dễ cọ rửa. 
  • Có đủ các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho việc làm vệ sinh và khử trùng.
  • Dụng cụ chứa thức ăn và sử dụng để ăn uống phải được làm bằng vật liệu dễ làm vệ sinh và không thôi nhiễm yếu tố độc hại.
  • Có phương tiện bảo quản thực phẩm.
  • Có hệ thống cung cấp nước sạch và chỗ rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
  • Có phương tiện phân loại, thu gom và vận chuyển rác, thực phẩm, thức ăn thừa; các dụng cụ chứa đựng rác phải được làm bằng vật liệu chắc chắn, có nắp đậy và thuận tiện cho việc làm vệ sinh….
  • Nhà bếp phải có hợp đồng nguồn cung cấp thực phẩm an toàn, thực hiện đầy đủ chế độ kiểm thực ba bước và chế độ lưu mẫu thực phẩm 24 giờ. 
  • Nhân viên phục vụ phải được khám sức khoẻ, cấy phân định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần…

Trên đây là những chia sẻ của Luật Nhân dân Việt Nam về Quy định bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm trong trường học. Nếu còn những vướng mắc cần giải đáp hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng, cập nhật những quy định mới theo quy định pháp luật hiện hành. 

Thông tin liên hệ:

Địa chỉ trụ sở chính: CÔNG TY LUẬT NHÂN DÂN VIỆT NAM

Số 16, ngõ 84 Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội

Hotline tư vấn pháp luật miễn phí:

Mobile: 0966.498.666

Tel: 02462.587.666

Email:

Video liên quan

Chủ Đề