Rửa chén quét nhà cứ phải đàn bà mới ổn

Mẹ: Có lẽ với con, vợ quan trọng hơn mẹ rồi nên con chấp nhận làm cả những việc lặt vặt trong nhà

Ảnh minh họa

Cứ nghĩ đến cảnh con kì cạch ngồi rửa bát, lựa chọn phân chia từng loại quần áo trước khi cho vào máy giặt mà mẹ thấy chạnh lòng quá. Hơn 20 năm nuôi dưỡng con, đã bao giờ mẹ nỡ để con động chân tay vào “việc của đàn bà” dù là rửa một cái chén nhỏ. Vậy mà giờ đây, khi đã lấy vợ, hết mâm bát lớn đến mâm bát bé đều đến tay con. Nhiều bữa sáng, mẹ còn thấy con quét nhà, phơi quần áo xong mới đi làm.

Vợ con kỳ lạ thật, là phụ nữ mà không biết cách quán xuyến việc nhà, lại còn lý luận vợ chồng phải biết chia sẻ, giúp đỡ nhau. Là vợ thì phải biết chăm sóc chồng, biết vun vén việc nhà. Ngày trước, mẹ là giáo viên mà vẫn phải đi cấy, vẫn phải băm bèo nuôi lợn, lại chăm liền một lúc 3 đứa con, vậy mà việc nhà từ nấu cơm, rửa bát, giặt giũ… có việc nào mẹ dám để lại cho bố con đâu.

 Không phải bố con không biết thương mẹ, không muốn giúp mẹ, nhưng là người phụ nữ mẹ không cho phép mình như vậy. Để đàn ông làm việc nhà, tức là làm mất đi bản lĩnh, khí chất mạnh mẽ của họ. Đấy, chỉ có mẹ là thương con nhất thôi! Ngày mẹ đồng ý cho hai đứa kết hôn, nhìn nó nhẹ nhàng, thuần khiết, mẹ cứ nghĩ nó sẽ chăm sóc chu đáo cho chồng. Nào ngờ…

Ông bà ta đã nói việc nhà là thiên chức của người phụ nữ. Được chăm sóc chồng con là hạnh phúc của người phụ nữ. Mẹ không dám nói là vợ con không yêu chồng, nhưng để chồng phải rửa bát như thế là không ổn, là không biết nghĩ đến sĩ diện của chồng, là không đảm đang. Có hôm, nửa đêm mẹ tỉnh giấc, thấy con vẫn lạch cạch với mấy cái bát mà mẹ thấy xót ruột quá! Chẳng lẽ mẹ lại gọi con dâu dậy mà nói: “Sao chồng bận làm việc cả buổi tối mà con còn để chồng rửa bát”.

Nhìn cảnh này, mẹ buồn vì con dâu và cũng buồn vì con trai nhiều. Mẹ đã phân tích hết lời mà sao con không hiểu, lại còn vào hùa với vợ nói: “Đàn ông nội trợ là việc bình thường”. Mẹ chẳng cần biết nhà anh A, chị B nào chồng còn giỏi lo toan việc nhà hơn vợ, mẹ chỉ biết rằng ở nhà mình, đàn ông phải giữ lấy cái uy, chứ suốt ngày lo toan mấy việc nhà lặt vặt ấy thì chí đâu để làm việc lớn.

Con trai: Mẹ và vợ đều quan trọng, khó có thể so sánh ai hơn ai. Bây giờ biết chia sẻ việc nhà với vợ con mới nhận ra con đã rất vô tâm, không biết đỡ đần mẹ.

Con biết, mẹ thương con nhiều lắm nên mới phiền lòng như vậy. Mẹ ơi, không phải con không hiểu những lời mẹ nói, không chịu nghe theo lời mẹ khuyên như mẹ nghĩ đâu. Mẹ đừng nghĩ vợ với con quan trọng hơn mẹ. Với con, mẹ và vợ ai cũng quan trọng, khó có thể so sánh ai hơn ai.

Con rửa bát không phải vì sợ vợ, vì đã giảm đi chí khí nam nhi mà đơn giản là bởi thấy nó là việc cần làm để san sẻ gánh nặng với người phụ nữ mà mình yêu thương. Ngay cả bây giờ, nếu con về sống với mẹ, con cũng sẽ rửa bát sau mỗi bữa ăn [chứ không như ngày xưa nữa đâu], sẽ không để quần áo cho mẹ giặt mà giặt cả quần áo của mẹ nữa. Con xin lỗi vì khi còn trong vòng tay mẹ thì con chỉ biết đi học, đi làm rồi đàn đúm bạn bè mà không biết mẹ tối mặt với một đống việc không tên ở nhà.

Ngày mới lấy vợ, con chưa cam tâm tình nguyện rửa bát đâu, làm việc nhà đâu vì như mẹ nói, đó là việc của đàn bà. Nhưng từ ngày cô ấy mang bầu, con thấy thương nên nghĩ đến việc sẽ rửa bát, quét nhà, nhặt rau hỗ trợ. Lúc đầu, con chỉ nghĩ là làm “hộ” cô ấy thôi và đã rất tự hào kể chuyện này với bạn bè và cô út nhà mình, giống như con khoe một chiến tích.

Ấy vậy mà con nhỏ ấy lại thở dài: “Làm phụ nữ khổ thật đấy, đi làm 8 tiếng như đàn ông, về đến nhà lại phải làm hết việc nhà. Về nhà với đàn ông là nghỉ ngơi, còn phụ nữ coi về nhà là bắt đầu với những công việc mới. Xét cho cùng, đàn ông khỏe hơn phụ nữ nhưng sao phụ nữ lại phải làm nhiều việc hơn đàn ông. Như thế này thì em chẳng dám lấy chồng nữa”.

Lúc đó, con mới giật mình mẹ ạ. Đúng là con vô tâm quá nên mới không nhận ra sự vất vả của những người phụ nữ bấy lâu nay. Vậy là từ đó, con tình nguyện nhận việc rửa bát và coi đó là một phần trách nhiệm với gia đình.

Mẹ đừng trách phiền vợ chồng con nữa nhé. Vợ con cũng ngày ngày phải đảm nhận rất nhiều việc, từ đi làm tới cho con ăn, dỗ con ngủ… Công việc của cô ấy cũng vất vả chẳng kém gì việc của con. Thế nên việc con chia sẻ việc nhà với cô ấy cũng là lẽ đương nhiên ạ.

Nói ra những điều này, con cũng mong mẹ hiểu rằng, con không có ý trách “tự mẹ ôm đồm, tự mẹ khổ” hay ám chỉ rằng mẹ đang dạy con điều sai trái. Con chỉ nghĩ rằng mẹ không để con và bố làm việc nhà vì xuất phát từ tình yêu quá lớn và quan điểm của mẹ giống như bao người cùng thế hệ khác.

Đến giờ, với thế hệ của chúng con, cuộc sống có những thay đổi thì cách nhìn nhận cũng có thể khác với bố mẹ ngày xưa, và điều đó đang phù hợp với chúng con. Sẽ chẳng có ai bảo con trai mẹ là kém bản lĩnh chỉ vì chăm chỉ làm việc nhà cho vợ đâu. Mẹ hiểu cho chúng con nhé.

Dương Phương

Theo tạp chí Sống Khỏe

Đàn ông rửa chén quét nhà,vợ gọi thì dạ em à, anh đây.

Gửi bạn DOVE, tác giả bài "Điên tiết" vì bị bạn trai thường xuyên chê bai chuyện nấu nướng”.

Qua chuyện cách cư xử trong chuyện ăn uống của người yêu bạn, tôi thấy có 1 số điểm cần lưu ý:

Thứ 1: Đó là sự THIẾU TRUNG THỰC thể hiện qua các giai đoạn cưa cẩm. Ban đầu thì chiều chuộng giả bộ ăn ngon lành cho dù mình rất ghét, đến lúc trở thành người yêu rồi thì quay ngoặt 180 độ, như vậy có thể gọi là DÙNG THỦ ĐOẠN ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC MỤC ĐÍCH không vậy?

Mới là người yêu thôi đã thay đổi như thế, đến lúc “trăng mật” chắc bạn “vỡ mật” quá. Và có thể còn nhiều “SỰ THẬT” khác mà anh ta chưa bộc lộ, khi yêu thì ai cũng tốt đẹp hết đến lúc thành vợ chồng rồi mới thấy được bản chất thật sự của nhau, bạn cần lưu ý điều này.

Thứ 2: HỖN LÁO thể hiện qua ” Đến nhà mình ăn cơm, nếu không có món hợp khẩu vị của anh, anh ấy sẽ ngồi chọc đũa, chọc bát cả bữa cơm”. Đang yêu con gái người ta mà còn coi không ra gì, tôi không biết nếu sau này lấy nhau thì anh ta sẽ đối xử với bố mẹ vợ như thế nào nữa?

Thứ 3: QUÁ GIA TRƯỞNG thể hiện qua ”mỗi khi đi ăn, anh thường xuyên giành phần gọi món”, ” anh thích áp đặt những món ăn anh thích vào khẩu vị của mình, muốn mình phải theo anh”, “không ngon là không thèm đụng đũa, mặc cho người yêu bỏ công nấu hay nịnh anh ấy ăn đến thế nào chăng nữa”, “Hôm nào nấu hợp ý, anh ấy coi đó là chuyện mặc nhiên, ăn xong buông đũa, buông bát không thèm cho người yêu một lời khen hay cảm ơn cứ như kiểu mình là người hầu của anh ấy không bằng”

Đàn ông ích kỷ như thế thì sau này làm sao có thể tôn trọng vợ được nhỉ? Vợ nấu không ngon chắc anh ta sẽ cho vài bạt tai, không ăn món anh ta thích chắc anh ta bắt nhịn đói, sai gì thì làm nấy không được cãi. Chắc anh ta VIP lắm nên nghĩ ai cũng phải theo ý mình, chẳng biết đến khi gặp khó khăn hoạn nạn thì anh ta sẽ như thế nào nữa? Đó mới là “CHUYỆN NHỎ” thôi nhé, còn “chuyện lớn” thì đến mức nào, DOVE có chấp nhận nổi không? Thà 1 lần đau hoặc đánh cược với cuộc đời của mình là do quyết định của bạn thôi.

Bây giờ là quan điểm của tôi về chuyện “đàn ông rửa chén quét nhà”:

Mình lấy vợ chứ có phải lấy osin đâu? Xã hội bây giờ bình đẳng lắm, không còn cảnh “chồng chúa vợ tôi” nữa đâu, ai cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Chồng đi làm thì vợ cũng đi làm, chồng kiếm tiền thì vợ cũng kiếm tiền. Vậy mà chồng ngồi rung đùi uống trà, đọc báo, xem tivi… trong khi vợ lau nhà, nấu ăn, rửa chén, trà nước cho chồng thì vô lý quá. Bắt vợ làm mệt quá đến tối còn sức đâu mà “chiều” chồng nữa.

Thôi thì trong lúc vợ nấu ăn mình tiện tay quét cái nhà, ăn xong thì chồng rửa chén vừa tiêu cơm vừa khỏi hại bao tử nếu đọc báo, cùng lắm là mất có 30 phút thôi. Rồi đến lúc vợ đau ốm, sanh đẻ thì sao? Chẳng lẽ lúc đó thuê osin hay nhờ bố mẹ già nấu giùm à? Thôi thì chồng học nấu ăn, biết nấu vài món căn bản không tốt hơn sao? Nếu nấu không hợp khẩu vị thì góp ý cho nhau rồi cũng sẽ ngon thôi.

Đây chỉ là cách đàn ông thể hiện sự chăm sóc, thương yêu, chia sẻ với vợ thôi chứ chẳng phải sợ vợ hay nhu nhược gì hết nhưng cũng phải cẩn thận tránh trường hợp “chiều quá hóa hư” đùn đẩy hết mọi việc cho chồng. Tất nhiên tề gia nội trợ vẫn là vai trò của người phụ nữ, cô nào ỷ mình tiểu thư xinh đẹp không biết nấu ăn thì chồng sang nhà hàng xóm ăn ráng chịu nhé.

Nghiêm cấm “ném đá” dưới mọi hình thức.

Video liên quan

Chủ Đề