Thông tư hướng dẫn nghị định 81/2013/nđ-cp

Vĩnh Long tổng kết 08 năm thi hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hànhLuật Xử lý vi phạm hành chính

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tư pháp, tỉnh đã tiến hành tổng kết 08 năm thi hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính [được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2013/NĐ-CP].

Ngay khi Nghị định 81/2013/NĐ-CP và Nghị định 97/2017/NĐ-CP được ban hành, Ủy ban nhân dân [UBND] tỉnh đã ban hành văn bản triển khai Nghị định đến các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện chỉ đạo triển khai quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý đầy đủ các nội dung quy định của nghị định nhằm thực hiện tốt quy định về công tác xử lý vi phạm hành chính [XLVPHC] trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, Sở Tư pháp đã tổ chức hơn 10 hội nghị tập huấn về công tác XLVPHC cho cán bộ, công chức những người trực tiếp thực hiện xử phạt vi phạm hành chính [XPVPHC], trực tiếp tham mưu công tác quản lý XLVPHC tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã về nghiệp vụ XPVPHC, chế độ báo cáo công tác XLVPHC, thanh kiểm tra công tác XLVPHC.

Trong 08 năm thi hành Nghị định, các chức danh có thẩm quyền xử phạt trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xử phạt 224.522.000 vụ với tổng số quyết định xử phạt 228.499.000 quyết định và tổng số tiền phạt thu được là 334.275.009.217 đồng [Đã thi hành: 213.978.000 quyết định; Chưa thi hành: 14.521.000 quyết định]. Nhìn chung, trình tự thủ tục XPVPHC được địa phương tuân thủ khá tốt đúng quy định. Tuy nhiên, số lượng vụ việc vi phạm hành chính chưa thi hành quyết định xử phạt còn khá cao do nhiều nguyên nhân như cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh việc nộp phạt, nhiều đối tượng bị xử phạt có hoàn cảnh khó khăn không có nơi cư trú ổn định vì vậy khi bị phát hiện và xử phạt đã bỏ đi khỏi địa phương; nhiều đối tượng vi phạm có hoàn cảnh khó khăn không có tiền nộp phạt nhưng không thuộc diện đối tượng được hoãn/giảm/miễn tiền phạt, đối tượng có tài sản nhưng giá trị quá nhỏ so với hành vi vi phạm vì vậy không có khả năng thi hành. Một số trường hợp vẫn còn thực hiện chưa đảm bảo như việc ban hành quyết định XPVPHC còn trễ hạn đối với những hồ sơ vượt thẩm quyền phải chuyển lên cấp trên xử phạt; việc tạm giữ, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm ở một số lĩnh vực chưa thực hiện đúng quy định do thời gian tạm giữ ngắn không đủ thời hạn để xác định hành vi vi phạm ban hành quyết định xử phạt, không đủ bến bãi, điều kiện về kho để tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm Bên cạnh đó, việc sử dụng các biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được các ngành, địa phương thực hiện tốt. Tuy nhiên, do trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng áp dụng trong một số trường hợp còn ghi không đúng thông tin yêu cầu trên biểu mẫu.

Về việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi hành pháp luật XLVPHC cũng được tỉnh thực hiện tốt. Hiện nay, tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã trong tỉnh về công tác thi hành pháp luật về XLVPHC. Do đó giữa các ngành, địa phương thực hiện công tác phối hợp thực hiện chế độ báo cáo, thanh kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, cung cấp thông tin khi được yêu cầu thực hiện tốt không phát sinh vướng mắc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua 08 năm thi hành Nghị định 81/2013/NĐ-CP đã phát sinh những khó khăn, bất cập như:

- Công tác kiểm tra, thanh tra, XPVPHC, áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại một số đơn vị hiện nay chưa thực hiện thường xuyên liên tục. Nguyên nhân là biên chế tại các ngành, địa phương càng thu hẹp trong khi nhiệm vụ ngày càng tăng nên không thể đảm đương thực hiện tốt hết các nhiệm vụ nhất là cấp huyện và xã ngày càng quá tải công việc. Việc thiếu nguồn lực con người nên công tác phối hợp trong XLVPHC giữa các đơn vị với Sở Tư pháp có thực hiện nhưng đôi lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.

- Chế độ báo cáo công tác XLVPHC hiện nay 2 kỳ/năm là nhiều so với khối lượng công việc, biên chế con người thực hiện nhiệm vụ tại các ngành, địa phương hiện nay cho nên rất khó khăn trong tổng hợp, xây dựng chế độ báo cáo.

- Về thực hiện kiểm tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC quy định tại Điều 21 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP [được bãi bỏ và quy định mới tại Nghị định 19/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về XLVPHC] quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 19/2020/NĐ-CP rất khó thực hiện. Nguyên nhân, Nghị định quy định về công tác pháp chế chưa có sự thay đổi, tổ chức pháp chế hiện nay có thể được thành lập hoặc bố trí công chức pháp chế chuyên trách hoặc kiêm nhiệm để thực hiện nhiệm vụ này. Thực tiễn nhiều đơn vị hiện nay chưa thành lập phòng pháp chế, chủ yếu bố trí công chức thanh tra kiêm nhiệm công tác pháp chế do đó nếu những người này giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị kiểm tra những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc quyền quản lý thì khó đảm bảo chính xác, khách quan và không phù hợp.

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn, bất cập nêu trên tỉnh đã có những kiến nghị, đề xuất, giải pháp đến cơ quan có thẩm quyền để giúp công tác XLVPHC trên địa bàn tỉnh ngày càng thuận lợi và hiệu quả hơn./.

Trúc Ly - Sở Tư pháp

Video liên quan

Chủ Đề