Vảy phấn hồng có tự khỏi không

Vảy phấn hồng là bệnh lý da liễu phổ biến, triệu chứng xuất hiện thường bắt đầu từ một đốm tròn hoặc hình bầu dục trên da. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 10 – 35 tuổi. Vậy bệnh có nguy hiểm không, có chữa dứt điểm được không là băn khoăn của rất nhiều người. Cùng tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này qua bài viết sau đây.

1. Tổng quan về bệnh vảy phấn hồng

1.1 Bệnh vảy phấn hồng là gì?

Vảy phấn hồng có tên tiếng anh là Pityriasis rosea, đây là một bệnh da cấp tính. Bệnh có hai đặc điểm chính là da đỏ và bong vảy. Bệnh có thể gặp ở cả nam và nữ, đặc biệt thường gặp ở người trong độ tuổi 10 – 35 tuổi. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân và mùa thu và tiến triển rất nhanh. Mặc dù vậy, bệnh được đánh giá tương đối lành tính, tuy nhiên trong một số trường hợp bệnh vẫn có thể thể gây ra những ảnh hưởng không mong muốn đối với người bệnh.

1.2 Hình ảnh vảy phấn hồng

Dưới đây là một số hình trên bệnh nhân vảy phấn hồng

Vảy phấn hồng giai đoạn đầuVảy phấn hồng giai đoạn đầu

Vảy phấn hồng trên nền da sángVảy phấn hồng trên nền da sáng

Vảy phấn hồng trên nền da sẫm màuVảy phấn hồng trên nền da sẫm màu

2. Nguyên nhân gây vảy phấn hồng

Hiện nay, nguyên nhân gây vảy phấn hồng chưa được xác định rõ. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã đề cập tới vai trò của virus herpes  HHP 6, HHP 7  kích hoạt bệnh. Ngoài ra, có một số loại thuốc được cho là có liên quan đến bệnh như omeprazole, terbinafin, metronidazole, ketotifen, griseofulvin, isotretinoin. Bệnh cũng có tiến triển mạnh hơn vào mùa xuân và mùa thu.

3. Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh vảy phấn hồng

Bệnh vảy phấn hồng  thường bắt đầu khi xuất hiện một mảng lớn, hơi nổi lên, có vảy, giới hạn rõ như hình huy hiệu trên thân mình, cổ, gốc chi. Các mảng phát ban này thường có hình tròn hoặc bầu dục lớn, kích thước có thể dài tới 10cm. Bờ xung quanh có màu hồng tươi, ở giữa có màu nhạt hơn và hơi nhăn nheo. Giữa hai vùng được cách biệt bởi lớp vảy da dính vào da ở phía ngoài. Tổn thương có xu hướng lan ra xung quanh. Kể từ 2 – 20 ngày sau xuất hiện tổn thương tiên phát, người bệnh có thể thấy các đốm nhỏ hình huy hiệu lây lan xếp thành nếp căng da giống như hình cây thông.

Một số trường hợp người bệnh có thể thấy nhức đầu, đau cơ, sốt, đau họng, mệt mỏi.

4. Bệnh vảy phấn hồng có nguy hiểm không? Bệnh vảy phấn hồng có lây không?

Bệnh vảy phấn hồng là bệnh ngoài da tương đối lành tính, bệnh có thể tự khỏi sau 4 đến 10 tuần. Sau khi khỏi bệnh thường không để lại dấu vết gì, đôi khi cũng có thể gây tăng giảm sắc tố nhẹ. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp bệnh tiến triển nặng cần điều trị nếu không có thể gây ra các biến chứng như chàm, bội nhiễm.

Hiện nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy bệnh vảy phấn hồng lây như các bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm sinh hoạt, tiếp xúc với những người khác mà không sợ lây bệnh cho họ.

5. Bệnh vảy phấn hồng có chữa dứt điểm được không?

Vảy phấn hồng có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì. Trong trường hợp người bệnh cần điều trị bằng y khoa cũng rất hiếm trường hợp bệnh nhân bị tái phát. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bệnh bạn cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Tuân thủ phác đồ điều trị kết hợp lối sống lành mạnh, dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp bạn loại bỏ dứt điểm căn bệnh này.

6. Cách điều trị vảy phấn hồng hiệu quả nhất

Điều trị vảy phấn hồng thường được thực hiện khi bệnh gây khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến người mắc và có nguy cơ gây biến chứng. Để điều trị bệnh hiệu quả, bạn cần tránh tất cả những yếu tố có thể gây kích ứng da kết hợp với một số loại thuốc như:

  • Kem làm mềm da: Có tác dụng dưỡng ẩm, làm dịu da. Hạn chế tình trạng ngứa ngáy, khó chịu. Các loại kem làm mềm được sử dụng cần đảm bảo không chứa xà phòng nhằm hạn chế tình trạng kích ứng da.
  • Thuốc bôi tại chỗ: Có tác dụng giảm viêm, giảm sưng và ngứa, giúp bệnh nhân thoải mái hơn. Hydrocortison, betamethasone là một trong những thuốc thường dùng.
  • Thuốc kháng histamin: Giảm tình trạng dị ứng, phát ban cũng như giúp người bệnh ngủ ngon hơn. Các thuốc thường dùng gồm hydroxyzine, chlorpheniramine.
  • Thuốc kháng virus: Acyclovir, famcyclovir có tác dụng rút ngắn thời gian điều trị.

7. Vảy phấn hồng kiêng ăn gì? Nên ăn gì?

Chế độ dinh dưỡng luôn giữ vai trò quan trọng trong và sau quá trình điều trị. Người bệnh có thể nhanh chóng thoát khỏi các triệu chứng và hạn chế tái phát vảy phấn hồng nếu lựa chọn thực phẩm phù hợp. Lựa chọn thực phẩm không phù hợp cũng có thế khiến bệnh trở nặng hơn khiến quá trình điều trị bắt buộc phải kéo dài.

Các thực phẩm người bệnh vảy phấn hồng nên ăn

  • Thực phẩm giàu omega – 3: Cá hồi, cá thu, cá trích, hàu, dầu cá,…
  • Thực phẩm nhiều beta caroten: Bơ, cà rốt, xoài,…
  • Thực phẩm giàu acid folic: Súp lơ xanh, súp lơ trắng, ngũ cốc, đậu, cam quýt, hạt hướng dương,…
  • Thực phẩm giàu vitamin E: Hạnh nhân, bơ, cải bó xôi, măng tây, cá, dầu oliu, dầu mè, dầu dừa, vừng đen,…
  • Thực phẩm chứa nhiều kẽm: Hàu, cua, sò, hến, thịt heo nạc, mầm lúa mì, hạt điều, hạt lanh, bột cacao, yến mạch, sữa chua,…

Các thực phẩm người bệnh vảy phấn hồng nên kiêng

  • Rượu, bia, cà phê, nước ngọt và các chất kích thích.
  • Thức ăn cay nóng.
  • Đồ ăn chế biến sẵn.
  • Bánh kẹo, thực phẩm chứa nhiều đường.
  • Thức ăn gây dị ứng với người có cơ địa nhạy cảm như tôm, cua,… hay bất kỳ loại thực phẩm nào người bị dị ứng trước đó.

Xem thêm

Tác dụng của thuốc corticosteroid trong điều trị bệnh vảy nến

8. Vảy phấn hồng có ngứa không? Có để lại sẹo không?

Ngứa da làm một trong những triệu chứng đi kèm thường gặp của bệnh vảy phấn hồng. Một số người bệnh còn ngứa nhiều, ngứa dữ dội, đặc biệt khi thân nhiệt quá cao. Bệnh vảy phấn hồng thường tiến triển nhanh và mạnh trong vài tuần liên tục, hoặc vài tháng, vài năm tùy cơ địa mỗi người và quá trình điều trị bệnh. Khi bệnh ổn định hơn các nốt ban trên da có thể tự biến mất mà không để lại sẹo. Tuy nhiên, có một số trường hợp có thể xuất hiện các nốt sạm trên da. Điều trị đúng cách sẽ hạn chế được các nốt sạm này nên bạn không cần quá lo lắng bệnh sẽ ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ của làn da.

9. Bệnh vảy phấn hồng có tái phát không?

Khác với các bệnh lý da liễu khác, vảy phấn hồng có tỷ lệ tái phát rất thấp, chỉ khoảng 2% tổng số ca bệnh. Để hạn chế tối đa nguy cơ tái phát bệnh và phòng ngừa biến chứng, người bệnh cần đảm bảo tuân thủ điều trị chặt chẽ, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh.

Vảy phấn hồng là bệnh lý phát ban cấp tính trên da khá phổ biến. Bệnh tương đối lành tính, có thể tự khỏi nhưng vẫn có nguy cơ gây ra các biến chứng như bội nhiễm, chàm.