Vì sao ta quyết định diệt viện binh quân Minh trong trận Chi Lăng - Xương Giang

Dựa vào lược đồ, em hãy trình bày diễn biến trận Chi Lăng - Xương Giang.

Đề bài

Dựa vào lược đồ, em hãy trình bày diễn biến trận Chi Lăng - Xương Giang.

Phương pháp giải - Xem chi tiết

dựa vào sgk trang 91, 92, 93 để trả lời.

Lời giải chi tiết

Lược đồ trận Chi Lăng - Xương Giang

- Đầu tháng 10-1427, hơn 10 vạn viện binh từ Trung Quốc chia làm hai đạo kéo vào nước ta.

+ Đạo thứ nhất: do Liễu Thăng chỉ huy, từ Quảng Tây tiến vào theo hướng Lạng Sơn.

+ Đạo thứ hai: do Mộc Thạnh chỉ huy, từ Vân Nam tiến vào theo hướng Hà Giang.

- Bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt viện quân giặc, trước hết là đạo quân của Liễu Thăng, không cho chúng tiến sâu vào nội địa nước ta.

- Ngày 8-10, Liễu Thăng hùng hổ dẫn quân ào ạt tiến vào biên giới nước ta, bị nghĩa quân phục kích và giết ở ải Chi Lăng.

- Sau khi Liễu Thăng chết, Phó tổng binh là Lương Minh lên thay, chấn chỉnh đội ngũ, tiến xuống Xương Giang [Bắc Giang]. Trên đường tiến quân, quân giặc liên tiếp bị phục kích ở cần Trạm, Phố Cát, bị tiêu diệt đến 3 vạn tên, ông binh Lương Minh bị giết tại trận, Thượng thư bộ Binh Lý Khánh phải thắt cổ tự tử.

- Mấy vạn địch còn lại cố gắng lắm mới tới Xương Giang xong cũng bị tiêu diệt, kể cả tướng giặc là Thôi Tụ, Hoàng Phúc.

Loigiaihay.com

QPTD -Thứ Sáu, 09/10/2020, 13:49 [GMT+7]

Nét đặc sắc của nghệ thuật tạo lập thế trận trong trận Chi Lăng - Xương Giang

Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang [10/1427] của quân và dân ta có ý nghĩa quyết định, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Chiến thắng oanh liệt đó để lại nhiều bài học quý, nổi bật là nghệ thuật tạo lập thế trận.

Sau chiến thắng Tốt Động - Chúc Động [1426], giặc Minh buộc phải chuyển sang thế phòng ngự bị động, còn ta giành thế chủ động, tập trung vây hãm - bức hàng quân giặc trên khắp các chiến trường, riêng thành Đông Quan bốn đạo quân Lam Sơn bao vây tứ bề. Trước tình hình đó, tướng giặc là Vương Thông một mặt âm mưu giảng hòa, chỉ huy quân co cụm, cố thủ trong các sào huyệt, mặt khác phái người về nước xin tăng viện. Để tiếp viện cho đạo quân đang bị vây hãm, nhà Minh lại một lần nữa tổ chức đội quân viễn chinh lớn, chia làm hai đạo tiến vào nước ta. Đạo thứ nhất, gồm 10 vạn quân và 02 vạn ngựa, do Liễu Thăng làm tổng binh, Lương Minh làm phó tổng binh, Thôi Tụ, Lý Khánh làm tham tướng đi theo đường Quảng Tây vào Lạng Sơn. Đạo thứ hai, gồm 05 vạn quân và 01 vạn ngựa, do Mộc Thạnh cùng các tướng Từ Hanh, Đàm Trung chỉ huy tiến theo đường Vân Nam vào Lào Cai. Với 15 vạn quân tiếp viện và những tướng dày dạn kinh nghiệm cùng 04 vạn quân đang bị bao vây, nhà Minh hy vọng có thể tiến hành một cuộc phản công, trong đánh ra, ngoài đánh vào, chuyển bại thành thắng.

Lược đồ trận Chi Lăng - Xương Giang, tháng 10/1427. Ảnh: baotanglịchsu.vn

Lực lượng nghĩa quân Lam Sơn mặc dù đã lớn mạnh, giành được quyền chủ động, ghìm và giam chân quân giặc tại các thành, nhưng chưa đủ sức để tiêu diệt chúng. Giữa lúc đó, quân tiếp viện của giặc lại tiến vào nước ta, đòi hỏi Bộ Chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn phải có kế hoạch đối phó đúng, trúng, hiệu quả với quân giặc trên các hướng. Trên cơ sở dự đoán chính xác tình hình, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và giặc, với chủ trương “vây thành, diệt viện”, Nghĩa quân không dốc toàn bộ sức lực đánh thành Đông Quan, mà chỉ để lại một bộ phận bao vây, còn tập trung phần lớn lực lượng tiêu diệt quân tiếp viện. Thực hiện mưu kế này, Bộ Chỉ huy nghĩa quân đã tổ chức xây dựng thế trận chặn giặc tại khu vực Chi Lăng - Xương Giang, đảm bảo có chiều sâu, hiểm hóc, vững chắc, liên hoàn,… được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:

Một là, nghiên cứu, chọn hướng, khu vực chặn giặc thuận lợi cho việc giấu quân, bày trận. Khi được tin viện binh giặc sắp sang, nghĩa quân Lam Sơn tiếp tục xiết chặt vòng vây thành Đông Quan, cô lập hoàn toàn, cắt đứt mọi liên lạc của chúng với hai khối viện binh, đồng thời tích cực chuẩn bị chiến trường để tiêu diệt viện binh giặc theo hai hướng Quảng Tây và Vân Nam. Một vấn đề đặt ra đối với Bộ Chỉ huy nghĩa quân là, khi hai đạo quân của giặc tiến vào thì ta tổ chức đánh cả hai cùng lúc hay tập trung lực lượng tiêu diệt lần lượt từng đạo quân và nếu tiêu diệt lần lượt thì tiêu diệt đạo quân nào trước? Đây là vấn đề cần được nghiên cứu, đánh giá tình hình hết sức chính xác, xác định đối tượng tác chiến chủ yếu, chọn hướng, mục tiêu chiến lược. Nếu tập trung đánh cả hai đạo quân viện binh cùng lúc thì lực lượng của ta bị phân tán, khó giành thắng lợi. Do đó, Bộ Chỉ huy nghĩa quân chủ trương tập trung lực lượng tiêu diệt một đạo quân viện binh và sử dụng lực lượng nhỏ kiềm chế đạo viện binh còn lại. Đạo quân do Mộc Thạnh chỉ huy, gồm: 05 vạn người, 01 vạn ngựa, nếu ta tập trung lực lượng tiêu diệt đạo quân này thì dễ dàng giành thắng lợi, nhưng lại không đủ lực lượng ngăn chặn đạo quân của Liễu Thăng. Vì vậy, Bộ Chỉ huy nghĩa quân quyết định tiêu diệt đạo quân tiếp viện của Liễu Thăng và kiềm chế đạo quân của Mộc Thạnh.

Cùng với việc chọn hướng, mục tiêu và đối tượng tác chiến, Bộ Chỉ huy nghĩa quân chọn ải Chi Lăng làm khu vực quyết chiến chiến lược với giặc, đây là quyết định táo bạo trong việc tạo lập thế trận. Ải Chi Lăng có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng, được giặc Minh coi là “yết hầu của Giao Chỉ”, “nơi hiểm yếu đại quân ra vào”; đồng thời, cũng là khu vực có địa hình hiểm trở nhất của tỉnh Lạng Sơn, trên đường từ Pha Lũy đến Đông Quan; một thung lũng nhỏ, hình bầu dục, hai đầu Nam, Bắc thu hẹp, chiều dài 04 km, chỗ rộng nhất khoảng 01 km, địa hình núi đá với vách núi cao dựng đứng, thành lũy chắn cả bốn phía, nếu quân giặc lọt vào Chi Lăng sẽ bị bao vây khó thoát, dồn đến “chỗ chết”. Ngược lại, đối với nghĩa quân Lam Sơn, địa hình núi, sông hiểm trở, thành lũy là nơi giấu quân và bày trận thuận lợi, bức tường che mắt, hạn chế tầm quan sát của quân giặc. Nếu chỉ bố trí các trận địa mai phục ở ải Chi Lăng thì không thể tiêu diệt được 10 vạn quân giặc cùng một lúc, do đó Bộ Chỉ huy nghĩa quân còn bố trí các trận địa sâu vào nội địa trên con đường độc đạo Pha Lũy - Chi Lăng - Xương Giang. Đây là con đường đi xuyên núi, rừng trùng điệp của Lạng Sơn, trung du Lạng Giang và đồng bằng Bắc Giang với hệ thống sông ngòi dày đặc. Núi, rừng Chi Lăng đã chứng kiến nhiều chiến công oanh liệt, hiển hách của dân tộc ta trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Việc lựa chọn Chi Lăng làm khu vực tiến công đạo quân tiếp viện chủ lực của giặc là minh chứng khẳng định việc nghiên cứu, đánh giá tình hình, lựa chọn khu vực quyết chiến chiến lược của Bộ Chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn là chính xác và phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Hai là, tổ chức lực lượng, bố trí trận địa mai phục sâu, hiểm, vững chắc, liên hoàn. Việc Bộ Chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn chọn đạo viện binh chủ lực của giặc do Liễu Thăng chỉ huy - viên tướng từng tham gia nhiều cuộc chiến, lập nhiều chiến công là quyết định sáng suốt, tài tình, thể hiện tài thao lược của Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Liễu Thăng là viên tướng trẻ nhưng có nhiều kinh nghiệm trận mạc, lại sẵn có tính kiêu ngạo, khi nắm trong tay 10 vạn quân tiến vào nước ta mà không gặp bất kỳ sự kháng cự nào thì hắn càng chủ quan, khinh địch. Nắm được nhược điểm này của tướng giặc, dựa vào địa thế núi, rừng hiểm trở, Bộ Chỉ huy nghĩa quân tổ chức lực lượng, bố trí trận địa mai phục chặt chẽ, vững chắc, liên hoàn, đảm bảo đánh bại đạo viện binh chủ lực của giặc. Theo đó, Bộ Chỉ huy cử hai tướng Trần Lựu và Lê Bôi đem quân lên trấn giữ cửa ải Pha Lũy, có nhiệm vụ: khi giặc đến thì ra đánh, nhưng giả thua, rút chạy nhử giặc, nhằm kích động thêm tính chủ quan, khinh địch của Liễu Thăng; đồng thời, từng bước dụ chúng tiến về ải Chi Lăng. Các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Đinh Liệt, Phạm Văn Liêm,… đem 01 vạn quân tinh nhuệ, 100 ngựa và 05 voi chiến tổ chức đội hình, bố trí các trận địa mai phục ở ải Chi Lăng. Các tướng Nguyễn Lý, Lê Văn An đem 03 vạn quân lên tiếp ứng cho Lê Sát, Lưu Nhân Chú phối hợp bố trí trận địa mai phục ở Cần Trạm [phía dưới ải Chi Lăng], sẵn sàng đón đánh quân giặc khi chúng lọt qua ải, ngoài ra phía sau pháo đài Xương Giang [thành Xương Giang ta đã đánh chiếm được trước đó] và phòng tuyến sông Thương ta còn có thành Thị Cầu. Như vậy, ta đã tạo vòng vây khép kín, nhiều lớp, nhiều tuyến trên con đường độc đạo tiến về Đông Quan, khiến quân giặc lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, nên dù đông cũng không thể thoát được lưỡi hái tử thần. Nguyễn Trãi gọi đây là thế trận “Phục binh giữ hiểm, đập gẫy tiên phong”.

Tại Sở Chỉ huy, chủ tướng Lê Lợi và Nguyễn Trãi trực tiếp theo dõi, chỉ đạo kế hoạch diệt viện và duy trì lực lượng cần thiết để sẵn sàng tiếp ứng cho các hướng đánh. Ngoài việc tiến công quân sự, Nguyễn Trãi còn chuẩn bị kế hoạch “tâm công” - đánh vào lòng người, làm lung lay ý chí chiến đấu của quân giặc. Công tác bảo đảm hậu cần, tiếp tế binh, lương, chiến khí cho nghĩa quân cũng được chuẩn bị chu đáo, một khối lượng lớn lương thảo được chuyến đến, tích trữ sẵn trong thành Xương Giang. Với cách tổ chức lực lượng, bố trí trận địa mai phục hiểm hóc, có chiều sâu và bảo đảm hậu cần, kỹ thuật đã tạo thế và lực để nghĩa quân Lam Sơn sẵn sàng đánh giặc.

Ba là, tiến công liên tục với cách đánh phong phú trong từng trận. Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và giặc; căn cứ vào trình độ, khả năng chiến đấu của nghĩa quân, địa hình khu vực và quyết tâm “đập gẫy tiên phong”, Bộ Chỉ huy chỉ đạo nghĩa quân tiến công đạo quân viện binh chủ lực của giặc trên khắp các chiến trường với nhiều cách đánh. Vì thế, khi đạo quân của Liễu Thăng tiến vào biên cảnh nước ta, tướng Trần Lựu đã chỉ huy một bộ phận nghĩa quân chặn đánh quyết liệt làm cho chúng hồn xiêu phách lạc. Khi địch hoàn hồn tìm cách đánh trả, thì quân ta kiên trì, khôn khéo, vừa đánh, vừa rút lui, vờ thua bỏ chạy - thực hiện kế sách nhử địch lọt vào trận địa mai phục. Với bản tính kiêu ngạo, chủ quan, không một chút nghi ngờ, Liễu Thăng dẫn đầu đoàn kỵ binh hung hăng tiến vào ải Chi Lăng. Khi đội kỵ binh của địch lọt hoàn toàn vào trận địa mai phục, đội quân của tướng Trần Lựu phối hợp với phục binh, nhất tề xông lên chiến đấu. Trận chiến diễn ra bất ngờ, mau lẹ, chỉ trong thời gian ngắn tướng giặc Liễu Thăng thiệt mạng, đội kỵ binh tiên phong của chúng hoảng hốt, bỏ chạy toán loạn, nhưng vẫn bị quân ta tiêu diệt.

Mặc dù chủ tướng Liễu Thăng bị giết, nhưng với quyết tâm chiếm nước ta, Lương Minh cùng với Lý Khánh, Thôi Tụ vẫn ngoan cố ra lệnh chấn chỉnh lại đội hình vượt ải Chi Lăng tiến về Cần Trạm. Khi đội hình giặc lọt hoàn toàn vào các trận địa mai phục của ta trên đoạn đường dài gần 05 km, với 03 vạn quân đã ém sẵn ở đó đồng loạt xông ra đánh vào hai bên sườn đội hình hành quân của chúng. Một vạn quân của Lê Sát, Lưu Nhân Chú [sau chiến thắng Chi Lăng vẫn bám sát địch] xông lên công kích phía sau lưng. Sau khi tiêu diệt gần 02 vạn quân giặc, thu được nhiều lương thảo, khí giới, ta chủ động từng bước hình thành thế trận bao vây, ép chặt quân giặc, đẩy chúng vào thế co cụm, cô lập ở khu vực Xương Giang. Sau khi vây chặt quân giặc, Bộ Chỉ huy nghĩa quân chủ trương chưa tiến công ngay, mà vây hãm một thời gian cho chúng thật rã rời, kiệt sức, cùng lúc ta tổ chức lực lượng đánh đạo quân của Mộc Thạnh. Khi nhận được tin đạo quân của Liễu Thăng thất bại nặng nề và bị giam chân ở Xương Giang, lại nhận được thư của Lê Lợi và ấn tín của Liễu Thăng, đạo quân của Mộc Thạnh đã vô cùng khiếp sợ, đang đêm vội vàng thu quân tháo chạy về nước. Dự đoán trước tình hình, quân ta chuẩn bị sẵn sàng, truy đuổi quân giặc, diệt trên 01 vạn tên, bắt sống 01 nghìn tên, 01 nghìn ngựa, thu nhiều lương thảo, khí giới. Việc đánh tan hai đạo viện binh của giặc tại Chi Lăng, Cần Trạm, Xương Giang góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, đồng thời khẳng định sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật “lấy ít địch nhiều”, “lấy đoản binh chế trường trận” của Bộ Chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn.

Nghệ thuật tạo lập thế trận đánh giặc trong trận Chi Lăng - Xương Giang của nghĩa quân Lam Sơn cách đây gần 600 năm vẫn còn nguyên giá trị, cần được vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. NGUYỄN HUY ĐỘNG

Video liên quan

Chủ Đề