Vua Giản Định nhà Hậu Trần lên ngôi ở Mô Độ hào kiệt bốn phương

Giản Định Đế [mất năm 1410; tại vị 1407-1409], là vị vua nhà Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam, tên thật là Trần Ngỗi, sinh tại kinh đô Thăng Long, Hà Nội, Việt Nam. Có tài liệu phiên âm tên ông là Quỹ.

Tái lập nhà Trần

Trần Ngỗi là con thứ của vua Trần Nghệ Tông, từng được Trần Nghệ Tông phong là Giản Định vương. Nhà Hồ đổi phong ông là Nhật Nam quận vương. Năm 1407, quân Minh đánh bại nhà Hồ, Trương Phụ treo bảng tìm con cháu nhà Trần để giúp nhưng thực ra là để giết hại nên không ai dám ra.

Trần Ngỗi lẩn trốn về Mô Độ [Ninh Bình], gặp thổ hào đất này là Trần Triệu Cơ đang tụ tập lực lượng chống quân Minh nên lập ông làm chủ. Ngày 2 tháng 10 năm Đinh Hợi [1407], Trần Ngỗi xưng làm hoàng đế, đặt niên hiệu là Hưng Khánh, kể từ đó sử bắt đầu gọi ông là Giản Định Đế.

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: Mùa đông tháng 10 ngày mồng 2, Giản Định Đế lên ngôi ở Mô Độ châu Trường Yên, dựng niên hiệu là Hưng Khánh. Trước là Trương Phụ yết bảng bắt những người tôn thất nhà Trần và cựu thần đầu mục đem về. Vua trốn đến Mô Độ. Người phủ Thiên Trường là Trần Triệu Cơ đem quân đến tập xưng theo hiệu cũ. Tháng 4, quân Minh đánh vào hành dinh, vì là quân mới chiêu tập, không đánh mà tan. Vua bèn đi về miền Tây, tạm đóng ở Nghệ An. Đại chi châu châu Hóa là Đặng Tất nghe tin giết chết quan nhà Minh đem quân đến họp với vua, tiến con gái sung vào hậu cung. Vua phong Tất làm quốc công, cùng nhau mưu việc khôi phục.[1]

Ngày đầu gian truân

Quân Hậu Trần mới họp, bị quân Minh đánh bại phải chạy vào Nghệ An. Các hào kiệt nghe tin vua Trần tới Nghệ An liền tới theo khá đông. Đặng Tất ở Hoá châu giết quan lại nhà Minh mang quân ra theo, Nguyễn Cảnh Chân cũng là tướng nhà Hồ và nhiều tướng thuộc lực lượng của Trần Nguyệt Hồ, người vừa bị quân Minh đánh bại ở Đông Triều cũng mang quân đến họp, Thế quân Hậu Trần mạnh lên. Trần Giản Định đế phong Đặng Tất làm quốc công, Nguyễn Cảnh Chân làm Đồng Tri khu mật tham mưu quân sự. Trần Ngỗi lấy con gái Đặng Tất làm vợ.

Đầu năm 1408, theo kiến nghị của Đặng Tất, Giản Định đế điều quân đánh Nghệ An và Diễn Châu, tiêu diệt lực lượng của hai quý tộc nhà Trần cũ là Trần Thúc Dao và Trần Nhật Chiêu theo hàng quân Minh trấn giữ.

Trương Phụ cùng tướng người Việt là Mạc Thuý [tổ 4 đời của Mạc Đăng Dung] mang quân vào đánh Diễn châu. Quân Hậu Trần ít không chống nổi, rút vào Hoá châu. Khi Trương Phụ đuổi đến cửa sông Gianh, Phạm Thế Căng ra hàng, được Phụ cho làm Tri phủ Tân Bình. Coi như đã dẹp xong Giao Chỉ, Phụ rút về Đông Quan [Hà Nội] rồi mang đại quân về nước.

Bắc tiến thắng lợi

Tháng 5 năm 1408, Giản Định đế từ Hoá châu ra đánh chiếm lại Nghệ An. Tân Bình vẫn do Phạm Thế Căng chiếm giữ. Thế Căng cậy quyền hống hách, tự xưng là Duệ Vũ đại vương. Tháng 7 năm 1408, Giản Định đế sai Đặng Tất mang quân vào đánh Tân Bình, phá tan quân Thế Căng ở cửa Nhật Lệ, bắt giết Căng và cháu là Đống Cao. Quân Hậu Trần làm chủ từ Nghệ An tới Thuận Hoá.

Giản Định đế lệnh cho Đặng Tất tiến quân ra bắc. Đặng Tất huy động quân 5 lộ từ Thanh Hoá đến Thuận Hoá, tiến ra đến Trường Yên [Nam Định] thì hào kiệt và quan lại đi theo rất đông. Quân Hậu Trần chia đường đánh đồn Bình Than, cửa Hàm Tử, chặn đường qua lại ở Tam Giang và đánh phá ngoại vi Đông Quan.

Minh Thành Tổ sai Mộc Thạnh, Lưu Tuấn mang 4 vạn quân sang tiếp viện. Thạnh họp với Lữ Nghị ở Đông Quan, tập trung ở bến Bô Cô [Nam Định]. Nhân lúc nước thuỷ triều lên cao, gió lớn, quân Hậu Trần đóng cọc ở sông và đắp luỹ hai bên bờ chống cự với hai cánh quân thuỷ bộ của địch. Ngày 30 tháng 12 năm 1408, Giản Định đế đích thân gõ trống động viên quân sĩ và giao quyền chỉ huy cho Đặng Tất. Quân Hậu Trần đánh với quân Minh một trận oanh liệt, giết chết thượng thư bộ binh Lưu Tuấn, đô đốc Lữ Nghị, tham chính ty bố Giao Chỉ là Lưu Dục, đô chỉ huy sứ Liễu Tông và phá 10 vạn quân Minh. Mộc Thạnh dẫn tàn quân chạy vào thành Cổ Lộng.

Tự cắt chân tay

Giản Định đế muốn thừa cơ đánh ngay vào lấy Đông Quan, nhưng Đặng Tất lại chủ trương đánh xong số quân địch còn sót lại rồi mới tiến. Vua tôi bàn mãi chưa quyết định được, viện binh quân Minh ở Đông Quan đã tiếp ứng cho Mộc Thạnh chạy về cố thủ Đông Quan. Đặng Tất chia quân vây các thành và gửi hịch đi các lộ kêu gọi hưởng ứng đánh quân Minh.

Do bất đồng về sách lược, Giản Định đế không bằng lòng với Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Nghe theo lời gièm pha, Giản Định đế sợ uy tín của hai người quá cao, lại nghi ngờ hai tướng "có ý khác" vì hai người từng làm quan cho nhà Hồ và từng hàng quân Minh.

Tháng 3 năm 1409, Giản Định đế đóng quân bên bờ sông Hoàng Giang, sai triệu hai tướng đến rồi sai võ sĩ bóp cổ giết chết Đặng Tất. Nguyễn Cảnh Chân sợ hãi bỏ chạy lên bờ cũng bị đuổi theo chém chết.

Thái thượng hoàng bất đắc dĩ

Hai người con hai tướng là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bất bình vì cha bị giết oan, bỏ đi lập Trần Quý Khoáng làm vua, tức là Trùng Quang Đế. Giản Định đế đang giữ thành Ngự Thiên [Thái Bình] chống quân Minh thì tướng của Trùng Quang đế là Nguyễn Suý đánh úp bắt ông mang về.

Ngày 4 tháng 7 âm lịch năm 1409, mẹ ông cùng các tướng Lê Tiệt, Lê Nguyên Đỉnh ngầm khởi binh ở sông Hát để đánh úp Trùng Quang đế, giành lại quyền hành cho ông nhưng bị Nguyễn Trạo tiết lộ. Trùng Quang đế bèn bắt giết Tiệt và Đỉnh. Ngày 20 tháng 4, Nguyễn Suý rước ông về với Trùng Quang đế. Trùng Quang đế tôn ông lên ngôi thái thượng hoàng.

Tháng 7 năm 1409, thượng hoàng và vua Trùng Quang chia quân hai đường đánh quân Minh. Thượng hoàng Trần Ngỗi đóng ở Hạ Hồng [Ninh Giang], Trùng Quang đế đóng ở Bình Than. Quân Minh cố thủ không dám ra đánh.

Trương Phụ mang quân tới tiếp viện. Trần Ngỗi bỏ thuyền lên bờ, chạy về trấn Thiên Quan. Trùng Quang đế ngờ thượng hoàng có ý tách lực lượng riêng nên sai Nguyễn Suý đuổi theo nhưng không kịp. Trương Phụ mang quân đuổi theo bắt được Trần Ngỗi và thái bảo Trần Hy Cát, sai giải về Kim Lăng [Trung Quốc] và sát hại.

Giản Định đế làm vua được hơn 1 năm [1407 – 1409], làm thái thượng hoàng được 4 tháng thì bị giết, không rõ bao nhiêu tuổi.

Page 2

Page 3

Trùng Quang Đế [? – 1414; trị vì 1409-1414] là vua thứ hai của triều Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam, tên huý là Trần Quý Khoáng hay Trần Quý Khoách, sinh tại kinh đô Thăng Long, Hà Nội, Việt Nam. Thời gian ở ngôi của Trùng Quang Đế là thời kỳ chống sự đô hộ của nhà Minh sau khi nước Đại Ngu của nhà Hồ bị xâm chiếm.

Thân thế

Trùng Quang Đế là con của Trang Định vương Trần Ngạc, cháu nội vua Trần Nghệ Tông. Khi vua Giản Định Đế [Trần Ngỗi] nghe lời gièm pha giết chết hai tướng dưới trướng là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, ông được Đặng Dung [con của Đặng Tất] và Nguyễn Cảnh Dị [con của Nguyễn Cảnh Chân] đưa lên làm vua thay thế cho Giản Định Đế. Tuy nhiên Giản Định Đế vẫn được ông tôn lên làm thượng hoàng.

Tôn lập thượng hoàng

Trần Quý Khoáng lên ngôi ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Sửu [1409], phong Nguyễn Suý làm thái phó, sai đem quân đón Giản Định Đế để tránh sự phân tán lực lượng. Quân của Trần Giản Định là Hành khiển Lê Triệt và Lê Nguyên Đỉnh dấy quân chống lại xong bại lộ, bị giết. Ngày 20 tháng 4, Giản Định bị dẫn về Nghệ An, Trùng Quang khiêm nhường mặc thường phục xuống thuyền đón rước, tôn Giản Định làm thái thượng hoàng.

Tháng 7 năm 1409, vua Trùng Quang cùng thượng hoàng chia quân hai đường đánh quân Minh. Thượng hoàng Trần Ngỗi đóng ở Hạ Hồng [Ninh Giang, Hải Dương], Trùng Quang đế đóng ở Bình Than. Quân Minh cố thủ không dám ra đánh. Tướng Minh là Trương Phụ đem quân cứu viện, thượng hoàng thấy liền rời thuyền chạy lên trấn Thiên Quan, Trần Quý Khoáng nghi ngờ thượng hoàng có lòng khác, liền sai người đuổi theo. Nguyễn Súy đuổi theo không kịp, nhưng Trương Phụ lại bắt được thượng hoàng Trần Ngỗi, giải về Kim Lăng giết chết.

Tận lực chống Minh

Nhà Minh muốn đánh chiếm Đại Ngu lâu dài nên năm 1410, tổng binh Trương Phụ sai quân mở đồn điền ở địa bàn Tuyên Quang, Thái Nguyên, Tam Giang tạo lương thực cho quân, lại cấp ruộng đất cho các thổ quan đầu hàng để họ thu tô thay cho bổng lộc, cấp ruộng đất cho quân đội để cày cấy lấy lương thực. Nhà Minh còn cấp bằng ghi công trạng cho các thổ quan đi đánh dẹp quân khởi nghĩa người Việt. Vì vậy có một bộ phận người Việt là thổ quan, hàng tướng phản bội, cùng với những kẻ nhát gan đã từng tiếp tay cho địch diệt nhà Hồ, nay lại tiếp tay cho giặc đàn áp cuộc khởi nghĩa của Trùng Quang Đế, khiến cuộc khởi nghĩa gặp trăm ngàn khó khăn. Nhưng vua tôi Trùng Quang vẫn dũng cảm chiến đấu.

Tháng năm năm 1410, Trùng Quang Đế và Nguyễn Cảnh Dị đánh thắng quân của Đô đốc Giang Hạo nhà Minh ở La Châu, Hạ Hồng, thừa thắng truy kích đến bến Bình Than, đốt phá thuyền trại của giặc.

Tháng bảy năm 1411, Trùng Quang Đế và Nguyễn Súy chia quân đánh các cửa biển, bắt nhóm thổ quan theo giặc và Nguyễn Chính ở Bài Lâm, chém bêu đầu cảnh cáo.

Tháng sáu năm 1412, Trương Phụ, Mộc Thạnh đem quân đánh Nghệ An gặp quân của Nguyễn Suý, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung ở Mô Độ ở vùng Ninh Bình, Nam Định. Chưa phân thắng bại thì Nguyễn Suý, Cảnh Dị rồi Hồ Bối đều bỏ chạy, Đặng Dung phải dùng thuyền nhẹ rút lui ra biển, các thành tại Thanh Hoá, Diễn Châu, Nghệ An bị chiếm.

Cùng lúc đó, Nông Văn Lịch ở Lạng Sơn cầm đầu quân khởi nghĩa "áo đỏ" chặn đường giao thông, giết chết được Tham chính người Việt là Mạc Thuý[2] của giặc và tiêu diệt được khá nhiều quân giặc. Nguyễn Liễu ở Lý Nhân chiêu tập người các huyện Lục Na, Vũ Lễ đánh quân Minh trong mấy năm nhưng do thiếu sự liên kết với vua nên các thế lực này dần tan vỡ.

Sau khi bị dồn về phía Nam, đến tháng ba năm 1413 Trùng Quang Đế mới trở lại Nghệ An với một lực lượng đã suy yếu nhiều, nhưng vẫn nuôi hy vọng phục hồi thế trận. Trương Phụ lại đánh vào Nghệ An, vua phải rút về Châu Hóa, sai Nguyễn Biểu làm sứ đi cầu phong, đến Nghệ An bị Trương Phụ bắt giữ, Nguyễn Biều tức giận mắng Trương Phụ và bị Phụ giết chết.

Trương Phụ được Việt gian Phan Liêu[3] chỉ điểm cho biết nơi quân Hậu Trần ẩn náu liền đem quân vào châu Hoá, song vấp phải sự phản kháng quyết liệt của các tướng nhà Trần. Nguyễn Súy dàn trận tại kênh Thái Đà, đánh nhau ác liệt, Đặng Dung dùng voi đánh úp dinh của Phụ, định nhảy lên thuyền Phụ bắt sống mà không nhận được mặt, Phụ nhảy lên thuyền nhỏ trốn mất, quân Minh tan vỡ quá nửa, thuyền chiến vũ khí bị đốt phá gần hết. Thế nhưng Nguyễn Súy không chịu hợp sức cùng Đặng Dung chiến đấu, mà quân thì còn rất ít. Trương Phụ thấy vậy xua tàn quân phản công, thay đổi cục diện. Quân Đặng Dung phải lui, ẩn nấp trong hang núi, thế lực suy giảm. Sau đó, cả Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bị quân Minh bắt, Nguyễn Cảnh Dị mắng Phụ và bị giết.

Trùng Quang Đế chạy sang nước Lão Qua, sau đó bị người của Phụ bắt. Các tướng Hậu Trần cũng lần lượt bị bắt. Người của Thuận Hóa cũng ra hàng, từ đó nhà Hậu Trần chấm dứt.

Đầu năm 1414, vua Trùng Quang cùng các bầy tôi bị giải về Trung Quốc. Giữa đường, Trùng Quang Đế nhảy xuống nước tự vẫn. Các bầy tôi của ông là Đặng Dung, Nguyễn Súy sau đó cũng đều tự vẫn chết vì nước.

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề