Anh chị phản ứng thế nào khi bị đồng nghiệp nói xấu không đúng sự thật về mình

Không khó để nhận diện những đồng nghiệp hay “chơi xấu”. Họ là những người thích phê phán bạn bất kể bạn đúng hay sai, thường xuyên “bỏ quên” bạn trong những cuộc trao đổi quan trọng, tìm cách giành giật thành tích của bạn, và nói xấu bạn với người khác. Động cơ của tất cả những việc làm này đều nhằm “dìm hàng” bạn và để nâng anh/cô ấy lên.

Sau đây là một vài gợi ý giúp bạn đối phó với những đồng nghiệp thiếu thiện chí này:

1. Đánh giá tình hình

Trước hết, bạn cần nhìn nhận sự việc với một thái độ khách quan. Điều gì đang thực sự xảy ra ở đây? Người đồng nghiệp này thích gây khó dễ với tất cả mọi người hay chỉ một mình bạn? Có phải bạn đang trao cho anh/cô ấy quá nhiều sức mạnh không? Có thể anh/cô ấy chỉ có thái độ xấu và điều đó chẳng hại gì đến bạn. Liệu bạn có quá nhạy cảm, xem những lời nói và hành động của cô ấy là nghiêm trọng đối với mình trong khi lẽ ra bạn nên bỏ qua?

Việc đánh giá tình hình bằng thái độ khách quan không phải là cách để bạn nhận hết lỗi về mình trong khi bạn đang xem mình là “nạn nhân”. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, công sở là một môi trường chuyên nghiệp, không phải lúc nào cũng ấm áp và thân thiện. Bạn không cần phải là bạn bè với mọi người ở công sở. Chắc chắn phải có một số người mà bạn không thể thân thiện cùng, và điều đó hoàn toàn bình thường.

Trong khi đó, những đồng nghiệp thích “chơi xấu” phải là những người thường xuyên có thái dộ và hành động khiêu khích và/hoặc không phù hợp nhằm vào người khác. Nếu mục tiêu “chơi xấu” của anh/cô ấy là bạn, thì cách đối xử của anh/cô ấy với bạn sẽ tệ hơn việc chỉ làm phiền hay cư xử thô lỗ. Những từ ngữ dùng để định nghĩa sự “chơi xấu” ở công sở là có hệ thống, thâm thù, đe dọa, lừa gạt, xúc phạm, phá hoại… Nói tóm lại, những kẻ “chơi xấu” có chủ ý cố gắng làm hại bạn và khả năng làm việc của bạn.

Bởi vậy, điều đầu tiên bạn cần làm khi bạn cảm thấy mình bị “chơi xấu” là bình tâm lại và nhìn nhận xem thực sự điều gì đang xảy ra. Nếu đơn giản người đồng nghiệp đó chỉ là một nhân vật khó ưa và khó làm việc cùng, có lẽ bạn không phải là người duy nhất cảm thấy điều đó. Hãy luyện tập sự kiên nhẫn và đừng để thái độ xấu của anh/cô ấy ảnh hưởng đến bạn. Còn nếu người đồng nghiệp đó thực sự đang “chơi xấu” bạn, hãy áp dụng các bước tiếp theo đây.

2. Tự mình đứng lên

Đừng tự biến mình thành một mục tiêu dễ dàng cho kẻ “chơi xấu”. Nếu bạn co người lại và cho phép anh/cô ấy tiếp tục hành vi của mình, thì sẽ chẳng có gì khiến người đồng nghiệp xấu tính này dừng lại. Hãy nhớ rằng, người khác đối xử với bạn theo cách mà bạn hướng họ đối xử với bạn. Chính bạn là người đưa ra những chỉ dẫn cho người khác về những hành vi mà bạn chấp nhận được và những hành vi bạn không chấp nhận.

Cái khó nhất ở đây là bạn cần giữ thái độ lịch sự và chuyên nghiệp trong khi đặt ra những giới hạn chắc chắn. Đừng để kẻ thích “chơi xấu” vượt qua những giới hạn mà bạn đặt ra, bởi đó chính là điều mà anh/cô ấy muốn. Hãy luyện tập cách phản ứng để khi vấp phải hành vi xấu từ anh/cô ấy vào lần tới, bạn có thể phản ứng nhanh mà không bị cảm xúc chi phối. Hãy giữ cách phản ứng của bạn đơn giản và thẳng thắn, chẳng hạn: “Tôi không cho rằng cách nói của anh/chị là phù hợp”.

Đừng rơi vào những cuộc đấu khẩu kiểu “ăn miếng trả miếng” với kẻ thích “chơi xấu”, nhưng hãy nhìn thẳng vào mắt anh/cô ấy, giữ thái độ bình tĩnh và mạnh mẽ. Liên tục đưa ra những giới hạn rõ ràng và nhất quán, rồi kẻ thích “chơi xấu” rốt cục sẽ nhận ra rằng, bạn là một đối tượng “khó nhằn”.

3. Ghi chép lại sự việc

Bạn cần hình thành thói quen ghi chép lại những gì xảy ra liên quan tới người đồng nghiệp này, cũng như thời gian và địa điểm của sự việc. Những chi tiết như anh/cô ấy đã nói và làm gì, cũng như cách phản ứng của bạn là những điều không thể bỏ qua. Những chứng cứ này sẽ là đồng minh lớn nhất của bạn trong trường hợp mọi chuyện xấu đi trong tương lai. Và dĩ nhiên, hãy nhớ luôn hành động theo cách mà bạn cảm thấy tự hào. Đừng để kẻ “chơi xấu” điều khiển bạn và khiến bạn bị chi phối bởi cảm xúc.

4. Trao đổi với cấp trên

Có lẽ, bạn chỉ làm được đến vậy khi bị “chơi xấu”. Người đồng nghiệp này có thể rất “cứng đầu cứng cổ” và kiên trì hơn bạn. Khi chuyện đã đến mức này, việc bạn nói chuyện trắng đen, phải trái với anh/cô ấy sẽ chẳng ích lợi gì. Và đây là lúc bạn cần tới sự can thiệp của nhà quản lý.

Khi trao đổi với sếp về chuyện này, bạn cần có đầy đủ chứng cứ đã được ghi chép như đề cập ở trên và cũng đã tự mình nhìn nhận vấn đề bằng thái độ khách quan. Ngoài sếp, bạn cũng có thể trao đổi vấn đề với bộ phận nhân sự để đề nghị giúp đỡ. Hãy miêu tả cụ thể những gì đang diễn ra và giải thích ảnh hưởng của việc đó đối với khả năng làm việc của bạn. Đồng thời, bạn cần nhấn mạnh rằng, bạn muốn tìm một cách thức giải quyết vấn đề hiệu quả và thoải mái nhất có thể.

Ở nhiều công ty, bộ phận nhân sự là lựa chọn tốt nhất để bạn nói chuyện bạn bị đồng nghiệp “chơi xấu” như thế nào. Một số vị sếp không muốn tham gia vào những chuyện như thế này, trong khi phòng nhân sự có chức năng giải quyết những vấn đề như vậy.

5. Chuyển việc

Những vố “chơi xấu” không được kiểm soát của đồng nghiệp có thể gây hại đến tinh thần, thể chất và cảm xúc của bạn. Nếu bạn đã cố gắng hết sức để giải quyết và cũng đã nhờ tới sự hỗ trợ của bộ phận nhân sự mà không giải quyết được vấn đề, thì đó là lúc bạn nên tính chuyển việc.

Việc bạn rời đi không đồng nghĩa với tuyên bố “chiến thắng” dành cho kẻ “chơi xấu”. Đó đơn giản chỉ là cách bạn chăm sóc bản thân mình. Bạn sẽ không chứng minh được điều gì hay dạy ai được bài học nào nếu cứ ở trong tình trạng nguy hiểm đó. Ai cũng xứng đáng được ở trong một môi trường làm việc an toàn và thoải mái. Nếu công ty của bạn không thể đem lại cho bạn được điều đó, thì bạn cần phải đi tìm ở một nơi khác.

Người thông minh sẽ xử lý ra sao khi phát hiện đồng nghiệp nói xấu sau lưng mình?

Nếu chúng ta không biết điều hoà những mối quan hệ chốn công sở một cách hợp lý, có thể nảy sinh những vấn đề khó xử và nan giải.

Môi trường công sở là nơi hội tụ nhiều mối quan hệ: đồng nghiệp với đồng nghiệp, sếp với trưởng phòng, trưởng phòng với nhân viên,... Nếu chúng ta không biết điều hoà những mối quan hệ này một cách hợp lý, có thể nảy sinh những vấn đề khó xử và nan giải.

Khi bạn bắt đầu làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức nào đó, bạn không những đối diện với những áp lực thường trực, nhiệm vụ khó nhằn mà còn phải chịu sự quấy rối, xấu tính từ những người đồng nghiệp của mình. Tuy nhiên, bạn không cần phải quá lo lắng, hoảng sợ mà hãy giữ thái độ bình tĩnh và tích cực để đối phó với những tình huống nan giải và trớ trêu nhất. Hãy cùng tham khảo bài viết với chủ đềPhát hiện đồng nghiệp nói xấu sau lưng và cách xử lý thông minhsau đây để biết cách làm thế nào bảo vệ bản thân và xử lý những vị đồng nghiệp xấu tính này.

Những lời nói xấu sau lưng bắt nguồn từ đâu?

Đầu tiên, bạn cần hiểu tại sao đồng nghiệp của bạn lại đặt điều nói xấu bạn. Những lời nói xấu đó đúng bao nhiêu phần trăm sự thật, được phóng đại và biến tướng như thế nào? Việc xác định như vậy có thể giúp bạn nhìn nhận lại một lần nữa về bản thân, những ưu lẫn khuyết điểm và tìm cách cải thiện nếu những lời nói xấu đó dù chỉ có vài phần trăm đúng với con người bạn. Đây cũng là một cách để không ngừng hoàn thiện bản thân.

Bản chất của hành vi nói xấu, đặt điều về người khác xuất phát từ tính ganh ghét, đố kị và tranh đua không lành mạnh. Thường họ sẽ cố dìm và hạ thấp giá trị của những người giỏi hơn họ, xinh hơn họ hay được người khác yêu mến nhiều hơn họ. Trong mỗi con người chúng ta luôn tồn tại sự ích kỷ, so sánh lẫn nhau nhưng nếu không kiểm soát, bạn có thể trở thành những vị đồng nghiệp tâm tính của kẻ phá hoại, thích lấy niềm vui từ sự thất bại của người khác.

Bên cạnh đó, những đồng nghiệp chuyên đi nói xấu bạn có thể là hệ quả của tính cách vốn có là nhiều chuyện, thích soi mói và sân si người khác. Họ lâu nay vẫn như vậy và bạn là một trong số những nạn nhân của họ. Việc buôn chuyên về khuyết điểm của bạn làm họ cảm thấy thỏa mãn, giải trí và hào hứng.

Cách xử lý thông minh những vị đồng nghiệp xấu tính

Giữ bình tĩnh và im lặng

Giữ bình tĩnh và im lặng để tránh để được những cuộc xung đột không đáng có có thể xảy ra. Bạn sẽ không tránh khỏi việc bực tức, thất vọng, mất niềm tin hay thậm chí là áp lực, tổn thương khi nghe được những lời nói xấu sau lưng mình. Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rằng đây là những điều tất nhiên của cuộc sống mà bạn phải mạnh mẽ đối mặt. Thị phi ở khắp muôn nơi và việc đầu tiên bạn cần làm là giữ một thái độ điềm tĩnh, tỉnh táo nhất. Khi đó, bạn mới nhận thức được toàn cảnh sự việc, bao gồm mức độ nghiêm trọng, người chủ mưu và cách giải quyết.

Nếu những lời nói xấu sau lưng có phần phản ánh đúng sự thật về con người bạn, đừng ngần ngại sửa đổi. Mọi người sẽ nhìn thấy sự thay đổi tích cực của bạn và họ sẽ không còn điều gì có thể dèm pha về bạn được nữa. Còn nếu những lời nói xấu sau lưng hoàn toàn bịa đặt, bạn hãy làm việc và cống hiến, chứng minh sao cho mọi người thấy những điều người khác nói về bạn là sai hoàn toàn.

Rèn luyện kỹ năng giao tiếp khéo léo và tìm kiếm đồng minh

Kỹ năng giao tiếp khéo léo sẽ giúp bạn tạo được thiện cảm, niềm yêu mến đối với đồng nghiệp, tránh gây ra những mâu thuẫn hay khó chịu với nhau. Hãy chỉ lựa chọn những chủ đề thích hợp khi trò chuyện, không nên đặt cái tôi quá cao vào và quá thể hiện bản thân mình. Thái độ chừng mực, ở mức khiêm tốn sẽ không có điều gì để người khác soi mói cả.

Tuyệt đối đừng để bản thân bị cô lập trong một tập thể. Hãy luôn có một hoặc một vài người bạn để tán gẫu mỗi lúc nghỉ giữa giờ, tan ca hay tại những buổi tiệc của doanh nghiệp. Khi bạn bị cô lập hay dị biệt, người khác sẽ dễ để ý, nhìn vào điểm yếu và bới móc bạn.

Tránh "trả đũa" chống lại kẻ bắt nạt

Hành động "trả đũa" sẽ hạ thấp giá trị con người bạn. Hãy cứ ung dung, lạc quan và làm việc chăm chỉ mặc kệ những ánh nhìn, lời dèm pha xung quanh. Bên cạnh đó, khi bạn cố gắng chống lại họ, họ sẽ càng đạt được niềm hứng thú và khoái cảm, những cuộc mâu thuẫn nảy lửa là điều không tránh khỏi. Để bảo vệ bản thân khỏi những hệ lụy không đáng có xuất phát từ xung đột, bạn hãy cứ bình tĩnh và lạc quan nhất có thể.

Vạch trần trực tiếp

Nếu sự việc đã trở nên khá nghiêm trọng và bạn cảm thấy bạn không thể im lặng hơn được nữa, hãy thẳng thắn trao đổi vấn đề này với vị đồng nghiệp xấu tính kia. Vạch trần trực tiếp ở đây không phải là vạch mặt cho tất cả mọi người biết về bộ mặt thật của cô/cậu ta, mà là cuộc nói chuyện hai mặt một lời dựa trên tinh thần thiện chí và bình tĩnh.

Họ có thể tiếp thu những lời khuyên của bạn, và họ cũng có thể biến tướng sự việc nghiêm trọng hơn. Nếu họ trở nên quá quắt, hãy sử dụng phương pháp dưới đây:

Tìm kiếm sự trợ giúp của cấp trên nếu vấn đề trở nên nghiêm trọng

Khi mọi chuyện đã đi quá xa và danh dự, nhân phẩm của bạn bị bôi nhọ nghiêm trọng, bạn không thể thanh minh hay làm mọi người tin bạn, hãy tìm kiếm sự trợ giúp của cấp trên. Một đồng nghiệp cáu bẩn và lắm trò có thể khiến nội bộ lục cục và ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Vì vậy, cấp trên của bạn sẽ đồng ý giải quyết cho bạn, nếu bạn trình bày được độ nghiêm trọng của vấn đề. Đồng thời, bạn cũng cần nhấn mạnh với họ rằng, bạn muốn mọi chuyện được giải quyết ổn thoả, thoải mái nhất có thể.

Trong công việc, ai cũng mong muốn được làm việc với những người đồng nghiệp lịch sự, hoà nhã và tử tế. Môi trường công sở lí tưởng là nơi mọi người đồng hành cùng nhau hoàn thiện và phát triển chứ không phải là nơi chứa đầy thị phi và dè bỉu lẫn nhau. Tuy nhiên, cuộc sống không thể luôn một màu hồng. Với những bí kíp được đề cập trong bài viếtPhát hiện đồng nghiệp nói xấu sau lưng và cách xử lý thông minhtrên, hy vọng bạn có thể giải quyết êm đẹp những tình huống oái ăm và tiếp tục làm việc tích cực, thoải mái.

HR Insider

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Từ khóa: kỹ năng giao tiếp, giá trị con người, đồng nghiệp, cấp trên

Cùng chuyên mục

Xem theo ngày Ngày 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 Tháng Tháng 1 Tháng 2 Tháng 3 Tháng 4 Tháng 5 Tháng 6 Tháng 7 Tháng 8 Tháng 9 Tháng 10 Tháng 11 Tháng 12 Năm 2022 2021 2020 2019 2018 2017 2016 2015 2014 XEM

Video liên quan

Chủ Đề