Chia sẻ các trải nghiệm của bản thân về tự học và học tập suốt đời.

16/07/2021 06:02

Xây dựng ý thức và năng lực tự học, học suốt đời là một trong các tiêu chí cốt lõi phấn đấu mà Hội Khuyến học Việt Nam đã nêu ra đối với một công dân Việt Nam học tập.

Nói đến tự học là nói đến việc tự mình nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, tiếp thu kiến thức của nhân loại trong sách vở, trong nhà trường, ngoài đời, mà không có thầy trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy. Khác với trong nhà trường, người học luôn có thầy giáo trực tiếp giảng dạy.

Học suốt đời tức là việc học tập đối với một con người không chỉ dừng lại ở một giai đoạn, thời gian nhất định trong nhà trường lúc học phổ thông, đại học, mà còn phải học tập ngay cả khi đi làm, lúc về già. Điều đó có nghĩa là học bất cứ lúc nào, ở đâu, miễn là khi có điều kiện thuận lợi, đặc biệt là còn sức khoẻ.

Xây dựng ý thức và năng lực tự học, học suốt đời không những hình thành nhận thức đúng đắn, mà còn có năng lực tốt để thực hiện có hiệu quả việc tự học, học suốt đời.

Mỗi công dân học tập phải có tinh thần tự học và học tập suốt đời vì kiến thức của nhân loại là vô bờ. Trong cuộc đời của một con người, không phải lúc nào cũng có điều kiện thuận lợi để được thầy giảng dạy trực tiếp, đặc biệt khi đã rời khỏi ghế nhà trường, khi đi làm việc, khi về già. Do đó, học để bổ sung thêm những hiểu biết cho cuộc sống. Hơn nữa, việc tự học còn giúp cho công dân khắc sâu, nhớ lâu hơn kiến thức đã tự tìm hiểu được. Việc nâng cao trình độ hiểu biết sẽ giúp cho công dân có nhiều thuận lợi hơn trong cuộc sống như tìm kiếm việc làm; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; giúp công dân trở nên năng động, sáng tạo, không phụ thuộc vào người khác. Bên cạnh đó, sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách và làm cho công dân được mọi người kính nể hơn.

Ngày sách tổ chức tại Trường Tiểu học Ngụy Như Kon Tum, thành phố Kon Tum. Ảnh: NH

Khi cuộc cách mạng khoa học - công nghệ 4.0 đang phát triển nhanh chóng, công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước đang được đẩy mạnh và trước đòi hỏi của nền kinh tế tri thức, để thích ứng với những biến đổi của xã hội và hội nhập sâu rộng vào trường quốc tế, hơn bao giờ hết mỗi công dân phải chủ động nâng cao nhận thức, trình độ; do vậy, không gì khác hơn là phải học tập, tự học tập, học tập thường xuyên.

Mô hình Công dân học tập là mô hình nòng cốt, là yếu tố có tính quyết định đến sự thành công của việc xây dựng xã hội học tập.Việc tự học và học suốt đời giúp công dân học tập đạt được kết quả tích cực, góp phần vào việc xây dựng thành công xã hội học tập.

Để cho việc tự học, học suốt đời đạt kết quả tốt thì cần xác định mục đích, động cơ học tập đúng đắn. Đây là nhân tố có tính xuyên suốt, là kim chỉ nam cho các yếu tố khác liên quan đến học tập; không bao giờ tự cảm thấy thoả mãn với những gì bản thân biết được, phải luôn nêu cao tác phong độc lập trong suy nghĩ, không tin mù quáng; có tính kiên trì, lòng quyết tâm, sự say mê giúp công dân học tập không cảm thấy chán nản trong quá trình học tập.

Cùng với đó, căn cứ vào trình độ nhận thức, năng lực tiếp thu, yêu cầu của công việc đang làm, vị trí, nhu cầu của bản thân để lựa chọn những nội dung cơ bản, thiết thực, những vấn đề cần cho lĩnh vực công tác để tự học tập. Có như thể mới tránh lãng phí thời gian; tận dụng mọi điều kiện, phương tiện thuận lợi [internet, các phần mềm, đĩa, băng, truyền hình, sách, báo…], bằng nhiều hình thức khác nhau: học chính quy, tại chức, từ xa, trực tuyến… để học tập.

Cần áp dụng kiến thức học được vào thực tế cuộc sống, vào công việc đang làm, có như vậy mới khắc sâu cũng như kiểm nghiệm giá trị đích thực của lý thuyết; phải biết rèn luyện tốt các kỹ năng như đọc, cập nhật thông tin trên sách, báo, các phương tiện thông tin; xây dựng kế hoạch học tập một cách khoa học, sắp xếp hợp lý thời gian, thời khóa biểu…, xây dựng ý thức, tinh thần động viên người thân trong gia đình, đồng nghiệp học tập thường xuyên.

Hiện nay, việc tự học của học sinh phổ thông rất hạn chế. Sau khi học xong chính khoá ở nhà trường, hầu hết các em đi học thêm ngoài nhà trường. Điều này làm cho các em sinh ra bệnh lười suy nghĩ, thiếu tự tin khi gặp một vấn đề mới. Do vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời các em về sau khi bắt đầu bước vào đời để tự lập. Đối với người lớn tuổi, vẫn còn bộ phận không nhỏ chưa có ý thức học suốt đời, chỉ thoả mãn đối với những gì học ở nhà trường, thiếu sự cập nhật kiến thức mới cho nên có ảnh hưởng đến kết quả giải quyết công việc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyên cán bộ và đồng bào: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”, “Học không bao giờ cùng”, “Phải lấy tự học làm cốt” và theo Người, “Ai cũng phải học; không kể người sang hay hèn; giàu hay nghèo; không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tôn giáo, dân tộc… khi đã xác định việc học là một nhu cầu thì ai cũng phải tự giác học tập”.

Bởi vậy, xây dựng ý thức, năng lực tự học và học suốt đời không chỉ là các tiêu chí mà Hội Khuyến học Việt Nam nêu ra để đánh giá, công nhận đối với danh hiệu Công dân học tập mà đó còn là phương châm sống đối với tất cả mọi người Việt Nam. Xây dựng ý thức, năng lực tự học và học suốt đời không những có ý nghĩa, tác dụng tích cực, to lớn đối với bản thân của mỗi công dân mà còn có tác dụng trong việc đóng góp cho sự phát triển đối với quê hương, đất nước; đặc biệt đối với việc xây dựng xã hội học tập. Do vậy, mỗi công dân cần có ý thức xây dựng năng lực tự học và học suốt đời.   

NGUYỄN HÓA

Xây dựng phương pháp học tập hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19

[ĐCSVN] - Dịch bệnh gây thảm họa cho con người, đồng thời là phép thử không phải cho nền kinh tế mà cho chính mỗi tổ chức, mỗi cá nhân... về sự bền bỉ, ý chí, lòng quyết tâm và sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện mới, để vừa đảm bảo công việc, cuộc sống… diễn ra bình thường song năng động hơn, tích cực hơn.

Ảnh minh họa. [Nguồn: trian.vn].

Cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận mới cho sự phát triển trong bối cảnh mới

Đại dịch COVID-19 với các biến thể mới đã và đang làm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe người dân, sức khỏe nền kinh tế và còn nhiều diễn biến khó lường. Với loại dịch bệnh này, virus có thể xâm nhập vào cơ thể bất cứ ai không phân biệt tuổi tác, giới tính, thành phần, nghề nghiệp... Sự lây lan của dịch bệnh ở Việt Nam nói riêng và trên toàn cầu nói chung là rất đáng quan ngại, thậm chí nó thúc ép các quốc gia, các tổ chức cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận mới cho sự phát triển trong bối cảnh mới.

Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội và mang tính khách quan. Không thể nói vì dịch bệnh mà hãy ngừng tác động. Sự tác động ấy như một dòng chảy liên tục, không thể gián đoạn ở bất cứ quốc gia nào, trừ khi quốc gia đó quá nghèo, không thể đủ năng lực tiếp cận sự tiến bộ của khoa học - công nghệ diễn ra và phát triển từng ngày, từng giờ.

Nếu không có đại dịch COVID-19, các quốc gia chỉ phải chăm lo vào chiến lược phát triển của mình trong điều kiện Cách mạng 4.0 và các mối quan hệ quốc tế cần giải quyết. Hai năm nay, dịch bệnh đã làm thế giới thay đổi và những thay đổi đó đang định hình lại tương lai của mỗi quốc gia, mỗi tổ chức và mỗi con người bởi những phương pháp phát triển truyền thống có thể không còn phù hợp, rõ nhất là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Đất nước không thể không phát triển, dịch bệnh không thể không đẩy lùi. Vì tương lai đất nước, vì hạnh phúc nhân dân, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức... cần xác định lại vị trí của mình trong bối cảnh mới, trong điều kiện phải thực hiện bằng được “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra. Hội Khuyến học Việt Nam cũng cần kịp thời nhận thức đúng nhiệm vụ của mình trong tình hình đó, trước tiên cần đào sâu tìm các phương pháp mới trong thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao thông qua 02 đề án “Công dân học tập” và “Mô hình: gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập”. Chi phối sự thành công của các mô hình chính là các công dân học tập – vừa là mấu chốt, vừa là nền tảng của xã hội học tập mà chúng ta đang xây dựng.

Công dân học tập cần có 3 năng lực cơ bản

Công dân học tập cần có 3 năng lực cơ bản, đó là: Năng lực tự học, học suốt đời; năng lực sử dụng các công cụ tương tác và năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội.

Điều đầu tiên đặt ra đối với các “Công dân học tập” thời kỳ dịch bệnh là các công dân cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước. Trước tiên, để thực hiện “Mục tiêu kép”, mỗi người cần chấp hành tốt pháp luật, thực hiện tốt các quy định của chính quyền và Bộ Y tế. Mỗi người được an toàn trong mùa dịch là cả gia đình an toàn, cộng đồng an toàn và đất nước an toàn. Mỗi quốc gia an toàn là thế giới an toàn. Đó là trách nhiệm công dân của mỗi người.

Sự thành công trong phòng, chống dịch bệnh thời gian vừa qua là do Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, đoàn kết nhất trí từ trên xuống dưới, cộng với sự đồng lòng, ủng hộ, tin tưởng của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch. Mỗi công dân đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đóng góp tiền của, sức lực, tinh thần... cho người nghèo thời dịch bệnh. Những tấm gương nơi tuyến đầu chống dịch của các bác sỹ, cán bộ ngành Y, của các em sinh viên ngành Y, dược, những cụ già, em nhỏ dành phần tiền ít ỏi của mình cho chống dịch... đã thắp sáng thêm truyền thống nhân ái của đất nước Việt Nam anh hùng. Họ là những công dân Việt Nam đã thể hiện tốt tinh thần công dân của mình, điều đó đã khơi dậy niềm tin yêu, hy vọng là đất nước sẽ đạt được mục tiêu kép như kế hoạch đã đề ra.

Song, trách nhiệm công dân, tinh thần công dân chỉ được nhân lên khi mỗi người cần có quyết tâm cao độ trong việc bồi đắp, tiếp nhận các thông tin cần thiết hàng ngày về cách phòng, chống dịch bệnh, cách áp dụng những kinh nghiệm và chia sẻ thông tin phòng, chống dịch hiệu quả, những kiến thức khoa học thường thức, khoa học kỹ thuật để vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, vừa ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh đảm bảo đời sống và phát triển kinh tế trong thời dịch bệnh. Học tập thường xuyên bằng phương pháp học trực tuyến là phương pháp học hiệu quả, phổ biến và mang tính văn minh nhất hiện nay.

Muốn thành công thì các điều kiện cho việc học phải được đảm bảo tương đối đầy đủ

Thực tế vừa qua cho thấy: Phương pháp học truyền thống: Thầy – trò, Trường – lớp trực tiếp tương tác đã không thể đáp ứng nhu cầu học tập an toàn trong mùa dịch, nếu tất cả mọi người đều đến cơ quan làm việc là không chấp hành chủ trương giãn cách xã hội.... Và tất cả buộc phải học và làm việc trực tuyến, tuy lúc đầu khó khăn nhưng chúng ta cũng đã thành công bước đầu và việc học trực tuyến đã trở thành thói quen. Do đó nhân đợt dịch này, mỗi nhà trường, mỗi tổ chức nên nhìn nhận lại công nghệ tổ chức, công nghệ dạy học, công nghệ vận hành của tổ chức mình vừa qua để định hình lại các công việc cho phù hợp với điều kiện mới. Dịch bệnh gây thảm họa cho con người, đồng thời là phép thử không phải cho nền kinh tế mà cho chính mỗi tổ chức, mỗi cá nhân... về sự bền bỉ, ý chí, lòng quyết tâm và sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện mới, để vừa đảm bảo công việc, cuộc sống… diễn ra bình thường song năng động hơn, tích cực hơn.

Nhìn lại gần 2 năm chống dịch thì thấy rõ điều đó. Chuyển biển rõ nhất là phương pháp học tập từ học sinh tiểu học đến sinh viên đại học, từ người nông dân đến cán bộ cao cấp: Điều hành trực tuyến, họp trực tuyến vượt biên giới, học trực tuyến đã thành phương pháp bắt buộc, phổ biến.... Phương pháp này đã mang lại giá trị kinh tế lớn, giảm chi phi đi lại, ăn ở... mà mọi quyết định vẫn được đưa ra và thực hiện một cách hiệu quả, mọi người lại thoải mái hơn khi được học và làm việc ở nhà... Song học trực tuyến chỉ có hiệu quả khi mỗi người cần trau dồi và rèn luyện kỹ năng TỰ HỌC – kỹ năng quan trọng nhất và là năng lực đầu tiên bắt buộc phải có đối với mỗi “Công dân học tập” thời kỳ 4.0, và nó lại càng quan trọng hơn khi dịch bệnh kéo dài, không biết bao giờ chấm dứt. Tất nhiên muốn thành công thì các điều kiện cho việc học này phải được đảm bảo tương đối đầy đủ.

Như vậy cùng với trách nhiệm công dân, tinh thần công dân như phân tích ở trên [thuộc nhóm năng lực thứ 3] thì năng lực tự học của công dân cần được nhấn mạnh và đề cao trong thời điểm dịch bệnh này.

Để đáp ứng yêu cầu của phương pháp học online có hiệu quả, mọi công dân [người học] cần sử dụng thành thạo một số chức năng của điện thoại thông minh, hoặc máy vi tính và máy tính bảng để vào được chương trình, gọi được đúng tên chương trình và có thể tương tác [đối thoại] được với giáo viên [đối với các chương trình cần giáo viên]. Cần tạo cảm giác thật thoải mái, chuẩn bị sẵn sàng mọi dụng cụ học tập: Bút, giấy… vì nếu học online mà chỉ như xem phim và đọc truyện thì rất lãng phí thời gian, không hiệu quả. Cần chọn cho mình một vị trí thích hợp để bắt đầu giờ học. Nếu được một vị trí yên tĩnh, sáng, thoáng mát thì tốt nhất và là điều kiện tốt nhất để tiếp thu kiến thức.

Trong khi học online hoặc tự học các chương trình khác bằng các thiết bị điện tử, điều quan trọng nhất là phải có kỹ năng đọc nhanh. Đối với cán bộ, công chức, viên chức thì đây là kỹ năng quan trọng để tiếp thu được nhiều kiến thức hơn. Đối tượng này đã có trình độ chuyên môn, họ có khả năng đọc lướt để tìm kiếm kiến thức cần cho chuyên môn của mình và dừng lại đó để đào sâu hơn, dùng khả năng ghi chép để ghi lại những dữ liệu quý, những thông tin quý báu cho chuyên môn của mình. Kinh nghiệm cho thấy việc ghi chép sẽ giúp cho mình nhớ lâu hơn và nếu muốn xem lại, sẽ rất tiện lợi. Điều này rất phù hợp với người cao tuổi khi tự học bằng mọi hình thức. Người cao tuổi đã có thời gian công tác lâu dài thì điều này càng có ý nghĩa khi đọc kiến thức trên máy, ghi chép những điều cần thiết và liên hệ lại với những kiến thức mình đã vận dụng vào công việc trước đây, sẽ thấy sự thay đổi về tư duy, về phương pháp và về cả nội dung mới phong phú hơn, hiệu quả hơn. Đôi khi điều đó sẽ kích thích họ muốn làm việc, muốn khởi nghiệp, muốn học tiếp.

Trong thời dịch bệnh, nhất là hiện nay, ai cũng có thời gian làm việc ở nhà nhiều hơn. Do đó cần phải có thói quen học tập, đọc sách mỗi ngày. Phải coi đây là món ăn tinh thần không thể thiếu được. Thay vì vào mạng, đi lang thang để tìm tin “hot” thì hãy tiếp tục học tập các chương trình phù hợp, cần thiết cho cuộc sống, công việc trên mạng [ví dụ: rèn luyện sức khỏe đối với mọi đối tượng đều cần thiết mà trên mạng thì có bao nhiêu chương trình bổ ích phục vụ đề tài này]. Khi có thói quen học, đọc mỗi ngày, ta sẽ thấy mệt mỏi khi có ngày không được học, không được đọc. Lúc đó cơ thể cảm thấy như thiếu một cái gì đó. Do đó thói quen học tập thường xuyên như là liều thuốc bổ cho trí não. Học tập thường xuyên hàng ngày chính là phương pháp tốt rèn luyện não bộ. Khi kiến thức được dung nạp, tư duy, sáng tạo sẽ phát triển và người học sẽ cảm thấy tự tin vào bản thân mình trong công việc, trong cuộc sống. Từ những kiến thức đã học được, chúng ta sẽ cải thiện được cuộc sống của chính mình và tốt hơn nữa nếu chúng ta biết chia sẻ được những điều mình học cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Điều này hết sức cần thiết trong việc phổ biến, chia sẻ các kinh nghiệm trong phòng, chống dịch hiệu quả hiện nay [bản thân tôi cũng được nhiều bạn bè chia sẻ những bài thuốc dân gian hay, hiệu quả ngoài 5K do Bộ Y tế đưa ra].

Như vậy, COVID-19 đã buộc mỗi công dân phải định hình lại cách tự rèn luyện mình, cuộc sống và công việc của mình cho phù hợp với xu hướng mới. Với xu hướng mới này, dù trong tình huống nào mỗi người vẫn phải sống khỏe mạnh, phải học, phải phấn đấu để mọi việc đều ổn định và phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới: cả thế giới chống dịch, cả đất nước chống dịch, nhà nhà chống dịch, người người chống dịch để thực hiện “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra.

Nói tóm lại, dù bất cứ hoàn cảnh nào, qua sự phân tích ở trên, mỗi công dân học tập đều phải thể hiện được cả 3 năng lực cốt lõi. Khi sử dụng tốt cả 3 năng lực này, chúng ta sẽ được lắng nghe và thấu hiểu một cách sâu sắc, hiệu quả những diễn biến của cuộc sống hàng ngày, luôn tạo được sự tương tác và cảm nhận của cộng đồng. Khi đó ta sẽ thấy mình luôn tìm được sự giúp đỡ từ đồng nghiệp có chuyên môn tốt hơn thông qua các bài viết được đăng tải trên mạng và đối thoại trực tiếp. Chúng ta sẽ được hoàn thiện hơn, cuộc sống vui hơn, thoải mái hơn, thành công hơn./.

GS.TS Nguyễn Thị Doan
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

TIN LIÊN QUAN

  • TP Hồ Chí Minh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ học sinh và giáo viên mầm non
  • TP Hồ Chí Minh: Công bố số điện thoại để người dân phản ánh tình trạng quấy rối, tệ nạn xã hội trên xe buýt
  • Tình hình tội phạm tại TP Hồ Chí Minh có xu hướng giảm
  • Thúc đẩy hợp tác hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Lào đạt bước đột phá mới
  • Bốc thăm chia bảng VCK Giải bóng đá Vô địch U19 Quốc gia 2022
  • Kỳ họp thứ 7 Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025
  • Lan tỏa tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ ngành Y trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân

Video liên quan

Chủ Đề