Chính sách phát triển sản phẩm của Vinamilk

Năm 2021, vùng nguyên liệu sữa tươi của Vinamilk phát triển, đạt 380.000 tấn, tổng đàn khai thác ghi nhận hơn 160.000 con cao nhất từ trước đến nay - Ảnh: VGP/Lê Nguyễn

Về dài hạn, chiến lược phát triển của Vinamilk sẽ hướng đến 4 mũi nhọn là; thứ nhất, phát triển sản phẩm và trải nghiệm ưu việt cho người tiêu dùng, tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu thị trường. Đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, hướng đến phục vụ nhu cầu dinh dưỡng toàn diện. Đặt trải nghiệm người tiêu dùng làm trọng tâm trong việc phát triển chiến lược tiếp cận và phân phối đa kênh.

Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và phát triển bền vững, từ đó nâng cao tính minh bạch và hiệu quả khai thác và đa dạng sinh học của các loại hình trồng trọt, chăn nuôi và khai thác…Triển khai thực hành các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, tăng cường sử dụng năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ tài nguyên nước và đất.

Thứ ba, khởi tạo cơ hội kinh doanh mới thông qua M&A, liên doanh, đầu tư cho các dự án khởi nghiệp…, củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống và chuyển dịch qua đầu tư sản xuất tại chỗ và thứ tư sẽ trở thành đích đến của nhân tài, tiếp tục xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng đến đổi mới và sáng tạo, xây dựng môi trường làm việc thu hút nhân tài.

Để thúc đẩy quá trình phát triển theo hướng bền vững, Vinamilk tiếp tục đẩy mạnh việc thực hành các tiêu chí Môi trường-Xã hội-Quản trị - Ảnh: VGP/Lê Nguyễn

Tăng tốc các mục tiêu phát triển bền vững

Qua việc duy trì và phát triển sản xuất-kinh doanh năm 2021 [năm cao điểm của đợt dịch bệnh vừa qua], cho thấy các trang trại, nhà máy của Vinamilk vừa phải tổ chức sản xuất, vừa thực hiện phòng chống dịch và đảm bảo sức khỏe cho nhân viên. Tuy nhiên, do đã phát triển theo hướng bền vững nên các nhà máy vẫn ứng phó tốt và không để gián đoạn sản xuất.

Kế hoạch đầu tư máy móc thiết bị về cơ bản đã được hoàn thành tại tất cả các nhà máy để gia tăng năng lực sản xuất của các dòng sản phẩm chủ lực, đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, đại dịch cũng ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi bò sữa của Vinamilk do khan hiếm nguyên liệu đầu vào, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, hoạt động thu mua sữa tươi gặp khó khăn do giãn cách xã hội kéo dài, v.v… Thế nhưng, do đã xây dựng chiến lược phát triển dài hạn nên vùng nguyên liệu sữa tươi vẫn phát triển, đạt 380.000 tấn trong năm 2021 - cao nhất từ trước đến nay. Tổng đàn khai thác ghi nhận hơn 160.000 con.

Trong năm 2021, Vinamilk cũng đã triển khai lắp đặt năng lượng mặt trời trên tất cả các trang trại và nhà máy. Tiếp tục đẩy mạnh vận dụng kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao đi đôi với phát triển bền vững. Hệ thống trang trại sinh thái Green Farm hoạt động hiệu quả, chăn nuôi bò sữa theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường; quá trình chuyển đổi số được đẩy nhanh, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các hệ thống hỗ trợ quản trị, quản lý và làm việc trực tuyến như E-office, Chữ ký số...

Để thúc đẩy quá trình phát triển theo hướng bền vững, Vinamilk tiếp tục đẩy mạnh việc thực hành các tiêu chí E-S-G [Môi trường-Xã hội-Quản trị], không chỉ để vững vàng hơn trong giai đoạn nhiều biến động mà còn hướng đến phát triển bền vững trong dài hạn.

Vinamilk tiếp tục theo đuổi các giá trị bền vững và xác định đó chính là mục tiêu chiến lược với 6 khía cạnh trọng tâm là: an toàn - chất lượng sản phẩm; đảm bảo điều kiện lao động; phát triển kinh tế địa phương; giảm phát thải khí nhà kính; quản lý chất thải và phúc lợi dành cho động vật; cam kết hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội.

Lê Nguyễn


Ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc Điều hành Marketing Vinamilk - Ảnh: VGP/Tiến Quyết

Ngành sữa đang ổn định sau những biến động khách quan trong thời gian qua và sẽ phát triển bền vững trong tương lai. Cơ hội cho các doanh nghiệp ngành sữa vẫn rất nhiều khi đón đầu các xu hướng lớn. Trong khi đó, Vinamilk sở hữu năng lực sản xuất - cung ứng lớn, đội ngũ R&D chuyên nghiệp và đặc biệt là sự thấu hiểu người tiêu dùng và thị trường Việt Nam qua 45 năm nên có thể nói Vinamilk tự tin vào chiến lược phát triển bền vững của mình. 

Ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc Điều hành Marketing Vinamilk đã có buổi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ xoay quanh vấn đề này.

Đâu là dấu ấn trong hoạt động kinh doanh của Vinamilk năm qua, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Trí: Kết thúc năm 2021, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng và chuỗi cung ứng tại Việt Nam cũng như toàn cầu ảnh hưởng bởi Covid-19, Vinamilk vẫn đạt mức doanh thu hợp nhất kỷ lục là 61.012 tỷ đồng. Song chúng tôi không chỉ đánh giá thành tựu qua những con số doanh thu, lợi nhuận. Trong suốt 45 năm kể từ khi thành lập, điều Vinamilk thực sự trân trọng là sự tin tưởng, tình cảm của người dùng Việt Nam lẫn thế giới.

Năm 2021, Vinamilk dẫn đầu bảng xếp hạng "Thương hiệu được chọn mua nhiều nhất" của ngành Sữa và Sản phẩm từ Sữa [theo báo cáo Brand Footprint – Kantar WordPanel]. Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp chúng tôi được vinh danh tại vị trí này. 10 năm với một doanh nghiệp không quá dài, nhưng để giữ vững vị trí số một trong lòng người tiêu dùng suốt thập kỷ không phải là chuyện đơn giản.

Có thể nói, cứ 10 gia đình Việt thì có 9 nhà sử dụng ít nhất một sản phẩm Vinamilk. Nhiều dòng sản phẩm đã quen thuộc với bao nhiều thế hệ người Việt như sữa đặc Ông Thọ, sữa chua, sữa tươi Vinamilk. Đó là những thành công, niềm tự hào lớn nhất của chúng tôi.

Tại sao doanh nghiệp có những sản phẩm tuổi đời hàng chục năm, song cũng có những thương hiệu liên tục thay đổi?

Ông Nguyễn Quang Trí: Việc thay đổi sản phẩm phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của người tiêu dùng. Ví dụ hương vị của sữa đặc Ông Thọ khá đặc trưng và được yêu thích nên chúng tôi trung thành với công thức vốn có. Quen thuộc nhưng vẫn đổi mới, sản phẩm ngày nay có bao bì hiện đại hơn, ra mắt thêm dòng mới đáp ứng nhu cầu pha chế, làm bánh…

Đối với những sản phẩm như sữa chua, kem, nước trái cây… đặc trưng là tệp khách hàng trẻ hơn nên nhu cầu thay đổi luôn hiện hữu. Để thành công, nhà sản xuất buộc phải đón dòng chảy của nhu cầu, làm mới sản phẩm. Đây là lý do chúng tôi dành nhiều ngân sách cho hoạt động R&D nhằm phát triển thêm nhiều công thức, công nghệ tiên tiến, phát hiện nhu cầu mới của người tiêu dùng để chủ động cho ra mắt sản phẩm mới.

Có một câu chuyện tôi cũng muốn chia sẻ thêm. Cách đây hơn 10 năm, người Việt hầu hết ưa chuộng sử dụng các sản phẩm sữa bột công thức nước ngoài, ngoại nhập. Lúc này, bài toán của chúng tôi là: làm ra sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, phù hợp thể trạng trẻ em Việt, giá thành hợp lý.

Hiện nay, Vinamilk đã có gần như đầy đủ các dòng sản phẩm và ứng dụng nhiều công thức, thành tựu khoa học tiên tiến nhất của thế giới. Những nỗ lực này của chúng tôi được người dùng đón nhận khi nhiều năm qua, sữa bột trẻ em Vinamilk luôn dẫn đầu thị trường Việt Nam về mặt sản lượng.

Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm là chiến lược phát triển bền vững của Vinamilk - Ảnh: VGP/Tiến Quyết

Định hướng chung của Vinamilk trong việc phát triển sản phẩm là gì?

Ông Nguyễn Quang Trí: Đặc trưng của ngành hàng tiêu dùng nhanh là liên tục thay đổi. Cách làm của chúng tôi cũng như vậy: sản phẩm phát triển, cải tiến liên tục để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; còn bản sắc thương hiệu giữ vững nhờ giá trị cốt lõi xoay quanh chất lượng, uy tín.

Đón đầu và tạo nên xu hướng cũng chính là tiêu chí mà chúng tôi trung thành. Vinamilk không bỏ qua bất kỳ nhu cầu nào của người tiêu dùng. Vì sao chỉ chọn một khi chúng ta có thể làm tốt tất cả? Vinamilk có năng lực đáp ứng cho các phân khúc, nhu cầu, xu hướng dinh dưỡng tiên tiến nhất để mang đến sản phẩm chăm sóc sức khỏe người Việt.

Từ nhóm phổ thông tiến đến khách hàng cao cấp, doanh nghiệp làm gì để hài hòa các nhu cầu khác nhau này?

Ông Nguyễn Quang Trí: Với mô hình kinh tế chữ K trong và sau đại dịch, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng phân hoá sâu sắc. Bên cạnh một bộ phận đáng kể với thu nhập không ổn định và sức mua giảm sút, thì cũng có tập không nhỏ những người tiêu dùng với thu nhập cao, đòi hỏi sản phẩm và dịch vụ mang nhiều giá trị cao hơn, dẫn tới việc xu hướng cao cấp hoá diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Danh mục sản phẩm phong phú với 250 chủng loại là thế mạnh của Vinamilk. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu phát triển để mang lại cho người tiêu dùng những giải pháp dinh dưỡng theo hướng toàn diện, cải thiện sức khoẻ cả thể chất lẫn tinh thần, ứng dụng các thành tựu khoa học thế giới.

Tôi cũng nhấn mạnh thông điệp đã nêu ở trên, Vinamilk mở rộng phân khúc cao cấp không có nghĩa là tung ra sản phẩm đắt đỏ hay hướng đến lợi nhuận. Thay vào đó, chúng tôi muốn đưa nhiều "giá trị cộng thêm" vào mỗi sản phẩm.

Những sản phẩm cao cấp của Vinamilk đã có mặt trên thị trường gần đây được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Nhóm sản phẩm này gồm sữa tươi trang trại Green Farm, sữa tươi và sữa bột Organic, sữa tươi chứa tổ yến, sữa chua ăn Love Yogurt, sữa bột trẻ em Yoko và thức uống dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, sản phẩm dinh dưỡng y học dành cho người lớn tuổi và người cần phục hồi sức khoẻ Kenko Haru...

Để đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường tức là doanh nghiệp phải không ngừng tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng với chất lượng cao. Điều này cần sự đổi mới, sáng tạo. Ở Vinamilk, quá trình đổi mới sáng tạo này thực hiện trên những nền tảng nào, thưa ông?  

Ông Nguyễn Quang Trí: Đổi mới, sáng tạo là những nỗ lực không ngừng nghỉ giúp chúng tôi tăng trưởng vượt bậc, không những giữ vững vị trí dẫn đầu trong ngành sữa mà còn góp phần phát triển ngành sữa Việt Nam theo hướng hiện đại, mang lại giá trị ngày càng cao hơn cho người tiêu dùng. Việc liên tiếp giới thiệu hàng loạt sản phẩm mới là kết quả của những nỗ lực đó.

Từ nhiều năm trước, Vinamilk đã đi theo định hướng chuẩn quốc tế, cho trang trại, nhà máy và ở tất cả các khâu liên quan đến chất lượng sản phẩm. Song song, chúng tôi đầu tư cho hoạt động R&D, hợp tác với các nhà khoa học, viện nghiên cứu dinh dưỡng hàng đầu thế giới nhằm đưa ra những sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu phát triển toàn diện và phù hợp với khẩu vị và thể trạng của người Việt Nam.

Dự báo của ông về nhu cầu của thị trường sữa trong thời gian tới là gì?

Ông Nguyễn Quang Trí: Tốc độ tăng trưởng của thị trường sữa những năm gần đây tuy có chững lại do một số yếu tố khách quan, nhưng sẽ phát triển bền vững trở lại. Thị trường sữa Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng khi tiêu thụ bình quân đầu người vẫn còn khoảng cách khá xa với các nước lân cận [23,2 kg/người/năm so với 31,7 kg ở Thái Lan và 43,7 kg ở Hàn Quốc].

Mỗi năm vẫn có xấp xỉ một triệu trẻ em chào đời. Thêm vào đó, nhận thức về việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ ngày càng cao, đặc biệt ở lứa tuổi từ trung niên trở lên - đối tượng ổn định hơn về kinh tế cũng là một động lực tăng trưởng lớn cho ngành sữa.

Một góc nhìn khác vào thế hệ trẻ [Gen Z], đối tượng đang quyết định xu hướng tiêu dùng tương lai với đặc điểm được giáo dục bài bản, đề cao lối sống xanh, tích cực tương tác xã hội trên các nền tảng công nghệ cao… Phục vụ đối tượng này đòi hỏi doanh nghiệp ngành sữa phải năng động, tinh tế và chân thành hơn khi đưa ra thị trường các giải pháp dinh dưỡng thật sự tốt cho sức khoẻ, nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường và có những hoạt động truyền thông mang tính tương tác cao.

Lê Nguyễn [thực hiện]


Video liên quan

Chủ Đề