Chuột rút là gì

04:34, 03/09/2019

Chuột rút (còn gọi là vọp bẻ) là tình trạng co thắt cơ đột ngột, gây đau dữ dội ở bắp thịt, làm cho bệnh nhân không tiếp tục cử động được nữa.

Chuột rút là gì

Chuột rút sẽ gây nguy hiểm khi đang bơi dưới nước, ngồi gần bếp lửa, hoặc khi đang lái xe.

Chuột rút cơ bắp thường không phải là một bệnh nghiêm trọng và có thể được xử lý bằng các biện pháp khắc phục tại nhà, theo The Siver Post.

1. Kéo căng: Đứng thẳng, uốn cong chân ngay đầu gối và kéo chân ngược về phía bụng. Giữ mắt cá hoặc gót chân. Để cân bằng dựa vào tường hoặc ngồi trên ghế. Nếu bị chuột rút cơ bắp chân, hãy đứng bằng chân, đưa chân bị chuột rút về phía trước, hơi cong đầu gối và ấn trọng lượng cơ thể lên chân bị chuột rút. Giữ yên trong 20 - 30 giây. 

2. Chích lể cơ bắp: Phương pháp này thường được áp dụng cho các vận động viên. Chỉ cần dùng một cây kim để chích vào chỗ bị chuột rút. Cẩn thận kẻo bị nhiễm trùng.

4. Làm ấm: Làm ấm là cách hiệu quả để loại bỏ sự căng cơ và đau. Sử dụng một miếng đệm nóng hoặc chai nước nóng áp vào chỗ bị chuột rút. Nhiệt giúp cải thiện lưu lượng máu. Tắm nước ấm cũng giúp thư giãn cơ bắp và giảm chuột rút, theo The Siver Post.

5. Uốn cong ngón chân: Đây là cách dễ nhất để xử lý chuột rút ở bàn chân và ngón chân. Nắm bàn chân hoặc các ngón chân và kéo căng hết cỡ. Có thể rất đau. Nhưng sẽ nhanh chóng hết bị chuột rút.

Chuột rút là gì

Nguyên nhân gây ra chuột rút:

- Uống không đủ nước: Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của chuột rút là không đủ nước.

- Ăn uống thiếu chất: Chuột rút xảy ra chủ yếu do thiếu canxi, magiê, kali và natri.

- Không làm ấm cơ bắp: Khởi động trước khi tập luyện để làm ấm và kéo căng cơ bắp. Cần phải khởi động tối thiểu 10 phút. Sau khi tập cũng nên làm các bài tập kéo căng để thả lỏng cơ bắp.

- Mang giày không thoải mái: Mang giày chật hoặc giày cao gót cũng dễ gây ra chuột rút, theo The Siver Post.

Ngoài ra, các vấn đề về sức khỏe như bị chấn thương, thiếu chất dinh dưỡng hoặc vấn đề khác cũng có thể gây ra chuột rút.

Để phòng ngừa chứng chuột rút, tốt nhất nên ăn uống đủ dưỡng chất nhất là canxi, kali, magie, natri… Khi tập thể dục, chơi thể thao phải khởi động kỹ. Khi vận động ngoài nắng nóng nhớ uống đủ nước. Khi đi bơi, tránh tiếp xúc với nước lạnh một cách đột ngột. Đêm ngủ nên giữ ấm cơ thể, tránh quạt lạnh vào hai chân.

Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình TPHCM

Chuột rút là gì
Chuột rút là gì

Chuột rút là hiện tượng gì? Nguyên nhân, triệu chứng chuột rút và cách điều trị tình trạng này ra sao? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu và khám phá trong bài viết này nhé!

Tìm hiểu chung

Hiện tượng chuột rút là gì? Chuột rút là cơn co mạnh, đau và thắt chặt các cơ, thường đến đột ngột và kéo dài từ vài giây cho đến vài phút. Chuột rút thường xảy ra ở chân.

Chuột rút cảm giác như thế nào? Chuột rút xảy ra vào đêm và thường là những cơn co thắt đột ngột hoặc thắt chặt các cơ ở bắp chân. Chuột rút đôi khi có thể xảy ra ở đùi hoặc bàn chân và thường xảy ra khi bạn đang ngủ hoặc vừa tỉnh giấc.

Tập thể dục hoặc lao động chân tay trong thời gian dài, đặc biệt là trong thời tiết nóng có thể dẫn đến tình trạng chuột rút. Một số loại thuốc và các tình trạng sức khỏe nhất định có thể gây ra chuột rút. Bạn có thể điều trị chuột rút cơ tại nhà với các biện pháp tự chăm sóc cá nhân.

Có mấy loại chuột rút?

Có hai loại chuột rút là chuột rút tự phát và chuột rút bệnh lý. Với chuột rút tự phát, nhiều nghiên cứu cho rằng lao động vất vả vào ban ngày là nguyên nhân hình thành chuột rút vào ban đêm (gồm cả những người hay vận động, hay luyện tập thể thao).

Việc hoạt động nhiều khiến cơ thể bị mất muối là do tình trạng đổ mồ hôi làm giảm nồng độ kali, magie, natri, canxi trong máu. Từ đó, dẫn đến chuột rút.

Những người mắc bệnh tiểu đường, thiếu máu, bệnh tuyến giáp, parkinson, bệnh thận, rối loạn tuần hoàn, bệnh giãn tĩnh mạch có nguy cơ cao mắc phải chuột rút bệnh lý.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng chuột rút là gì?

Hầu hết các triệu chứng chuột rút đều xuất hiện ở bắp chân. Bên cạnh những cơn đau nhỏi xảy ra đột ngột, bạn có thể cảm thấy hoặc nhìn thấy những khối cứng trong mô cơ bên dưới lớp da.

Bạn có thể gặp các dấu hiệu chuột rút khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?

Bạn nên gặp bác sĩ nếu có các dấu hiệu chuột rút sau:

  • Cảm giác khó chịu nghiêm trọng
  • Sưng chân, mẩn đỏ hoặc màu da thay đổi
  • Yếu cơ
  • Xảy ra thường xuyên;
  • Tình trạng không cải thiện bằng các phương pháp tự chăm sóc
  • Không tìm ra một nguyên nhân rõ ràng, chẳng hạn như tập thể dục quá sức.

>>> Bạn có thể quan tâm: Chuột rút khi ngủ: Những điều bạn cần biết

Nguyên nhân

Nguyên nhân bị chuột rút là gì?

Lạm dụng cơ, mất nước, căng cơ hoặc chỉ đơn giản là giữ một tư thế trong thời gian dài có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng chuột rút. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nguyên nhân thường không rõ ràng.

Mặc dù hầu hết các cơn chuột rút cơ đều vô hại nhưng một số có thể liên quan đến tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như:

  • Vận động quá sức, cung cấp máu không đủ. Thu hẹp các động mạch cung cấp máu đến chân của bạn (xơ cứng động mạch tứ chi) có thể gây ra cơn đau giống như chuột rút ở chân và bàn chân khi đang tập thể dục. Nếu như bạn vận động quá sức vào ban ngày sẽ khiến cho cơ bắp bị mỏi hoặc chân bị chấn thương. Khi vận động, cơ thể bạn sẽ tiêu hao lượng đường ở gan, và việc tiêu hao quá mức mà không kịp bổ sung calo thì sẽ khiến chân bị chuột rút. Những cơn chuột rút này thường biến mất ngay sau khi bạn ngừng tập thể dục.
  • Nén dây thần kinh. Việc chèn ép các dây thần kinh trong cột sống của bạn (hẹp thắt lưng) cũng có thể gây ra cơn đau giống như chuột rút ở chân. Cơn đau thường trầm trọng hơn khi bạn đi bộ lâu hơn. Đi bộ ở tư thế hơi gập người như khi đẩy xe hàng trước mặt – có thể cải thiện hoặc trì hoãn sự khởi phát các triệu chứng.
  • Sự suy giảm chất khoáng. Quá ít kali, canxi hoặc magiê trong chế độ ăn uống có thể là nguyên nhân gây ra chuột rút ở chân. Thuốc lợi tiểu, một loại thuốc thường được kê cho bệnh cao huyết áp cũng có thể làm cạn kiệt các khoáng chất này.
  • Tâm trạng căng thẳng, lo lắng. Tâm trạng căng thẳng quá mức cũng có thể làm bạn chuột rút. Điều này có thể gây ra hoóc môn trong cơ thể mất cân bằng, khiến nhịp tim tăng nhanh, huyết áp tăng cao.
  • Hoạt động thái quá thần kinh cơ bắp. Khi bạn quỳ hoặc đứng lâu sẽ dễ gây sức ép lên các cơ bắp và mạch máu. Hoặc có thể là khi ngủ bạn thường xuyên để cong chân, trong khi cơ bắp ở bắp chân thì lại khá ngắn, vì thế nếu cứ tiếp diễn tư thế này lâu, bạn có thể bị chuột rút khi cử động nhẹ. Ngoài ra, khi phụ nữ mang giày cao gót cả ngày, mũi giày nhọn tác động lực ép lên ngón chân cũng có khiến các ngón chân lần lượt bị chuột rút.Tình trạng khởi động không kỹ, không khởi động trước khi tập luyện thể thao hay làm việc nặng dùng nhiều đến cơ bắp cũng làm tăng nguy cơ khiến bạn bị chuột rút.

Những ai thường mắc phải tình trạng chuột rút?

Chuột rút là tình trạng rất phổ biến, có thể tác động đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng chuột rút?

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị chuột rút, chẳng hạn như:

  • Tuổi tác. Người lớn tuổi bị mất lượng lớn cơ bắp, vì vậy các cơ còn lại có thể dễ hoạt động quá mức.
  • Mất nước. Vận động viên trở nên mệt mỏi và mất nước trong khi tham gia các môn thể thao vận động thường xuyên thường bị chuột rút.
  • Mang thai. Chuột rút cơ bắp thường xuất hiện trong thai kỳ.
  • Các vấn đề sức khỏe khác. Bị chuột rút là bệnh gì? Bạn dễ bị chuột rút nếu mắc bệnh tiểu đường hoặc các bệnh về dây thần kinh, gan, rối loạn tuyến giáp.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tình trạng chuột rút?

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng chuột rút và kiểm tra các khu vực bị ảnh hưởng do chuột rút. Họ có thể thăm khám và hỏi bạn có những triệu chứng khác không, chẳng hạn như tê liệt hoặc sưng. Bởi đó có thể là dấu hiệu chuột rút thứ cấp gây ra bởi các điều kiện tiềm ẩn. Trong trường hợp này, bạn sẽ cần làm thêm các xét nghiệm, chẳng hạn như xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu, để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp.

Những phương pháp điều trị chuột rút

Bạn thường có thể điều trị chuột rút cơ bằng các biện pháp tự chăm sóc tại nhà. Chuột rút thường kéo dài trong một vài giây đến vài phút. Hầu hết các trường hợp chuột rút ở chân có thể được cải thiện bằng cách thực hiện các bài tập căng cơ ở khu vực bị ảnh hưởng. Bác sĩ có thể chỉ cho bạn các bài tập kéo giãn có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị chuột rút cơ.

Để căng cơ bắp chân, bạn hãy đứng bằng nửa bàn chân phía trước, nhón gót chân lên cao, từ từ hạ gót bàn chân để gót thấp hơn vị trí đang đứng, giữ một vài giây trước khi nâng gót chân lên trở lại vị trí bắt đầu. Lặp lại một vài lần động tác này.

Đối với những cơn chuột rút tái phát làm ảnh hưởng giấc ngủ của bạn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để thư giãn cơ bắp. Thuốc thường chỉ cần thiết trong trường hợp chuột rút dai dẳng mà không thuyên giảm sau khi tập thể dục.

Nếu bạn bị chuột rút thứ cấp ở chân thì việc điều trị sẽ giúp làm giảm nhẹ các triệu chứng.

Chuột rút xảy ra trong khi mang thai sẽ tự khỏi sau khi đã sinh em bé.

>>> Bạn có thể quan tâm: Bà bầu bị chuột rút khi mang thai có nguy hiểm không?

Phòng ngừa

Những biện pháp sau có thể giúp ngăn ngừa chuột rút:

  • Tránh tình trạng mất nước. Uống đủ lượng nước cơ thể cần mỗi ngày trung bình từ 1,5 đến 2 lít nước. Chất lỏng giúp cơ bắp co lại và thư giãn, đồng thời giữ cho các tế bào cơ ngậm nước và ít bị kích thích hơn. Trong buổi tập thể dục, hãy bổ sung chất lỏng đều đặn, và tiếp tục uống nước hoặc các chất lỏng khác sau khi đã tập xong.
  • Kéo căng cơ. Căng cơ trước và sau khi tập thể dục. Nếu xuất hiện tình trạng chuột rút chân vào ban đêm, hãy kéo giãn cơ trước khi đi ngủ. Tập thể dục nhẹ, chẳng hạn như đi xe đạp cố định trong vài phút trước khi đi ngủ, cũng có thể giúp ngăn ngừa chuột rút vào ban đêm.
  • Tập luyện thể dục. Tập thể dục thường xuyên và nên nhớ khởi động kỹ trước khi tập. Duy trì thói quen tập thể dục cho đôi chân trước mỗi khi ngủ.
  • Giảm căng thẳng. Nên cân bằng cuộc sống và hạn chế stress quá độ vì nó có thể dẫn đến chuột rút.
  • Bổ sung canxi hoặc kali. Tăng lượng canxi hoặc kali cho cơ thể bằng cách uống sữa, nước cam hay ăn chuối.

>>> Bạn có thể quan tâm: Đau bắp chân: Nguyên nhân & Cách giảm đau ngay tại nhà

Ngoài ra, nếu bạn bị chuột rút, những hành động này có thể giúp giảm bớt:

  • Kéo căng và xoa bóp. Kéo căng phần cơ bị chuột rút và nhẹ nhàng xoa bóp để giúp nó thư giãn. Đối với chứng chuột rút ở bắp chân, hãy dồn trọng lượng của bạn lên phần chân bị chuột rút và hơi gập đầu gối lại. Nếu bạn không thể đứng, hãy ngồi trên sàn hoặc trên ghế với chân bị chuột rút được mở rộng và bắt đầu kéo căng cơ để giảm bớt cơn đau.
  • Chườm nóng hoặc lạnh. Chườm khăn ấm hoặc đệm nóng lên vùng cơ bị căng cơ. Tắm nước ấm hoặc hướng vòi sen nước nóng vào vùng cơ bị co cứng cũng mang lại hiệu quả. Ngoài ra, xoa bóp vùng cơ bị co cứng bằng nước đá có thể giảm đau.

Nếu tình trạng chuột rút tái phát và xuất hiện tự nhiên nhiều về đêm, bạn hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra tình trạng rối loạn điện giải hoặc các bệnh lý kèm theo. Ngoài ra, nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để hiểu rõ hơn các giải pháp tốt nhất dành cho bạn.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo