Đã bao nhiêu tháng kể từ 15/10/2022

Bảo đảm an toàn thực phẩm kết hợp phòng dịch

Hiện tại, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị xã đang tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm và công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm khi phát hiện trường hợp vi phạm...

Tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm

Hơn 3 tuần nay, cửa hàng phở Thìn ở B2-11 [đường Hàm Nghi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm] đã mở cửa trở lại sau thời gian tạm dừng thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch. Anh Phạm Xuân Điều, chủ cửa hàng này cho biết, hiện trung bình mỗi ngày cửa hàng bán khoảng 100 suất/ngày. Trước khi mở cửa trở lại, cơ sở đã được tập huấn về các tiêu chí phòng dịch và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Tùng, chủ cửa hàng sữa chua trân châu Hạ Long [đường Hàm Nghi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm] cho biết, ngoài tuân thủ các yêu cầu về điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, cửa hàng cũng phải thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch. Cụ thể, mỗi khách hàng đến đây đều phải bảo đảm đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và quét mã QR khai báo y tế...

Tại thời điểm kiểm tra 2 cửa hàng nêu trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và quận Nam Từ Liêm đánh giá, các cơ sở này đã chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng dịch cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm. Hệ thống dụng cụ được sắp xếp ngăn nắp, thực phẩm cũng như các nguyên liệu pha chế, bao gói sản phẩm đều có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc… Ngoài ra, qua xét nghiệm nhanh một số mẫu thực phẩm và dụng cụ chế biến đều bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Phó Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, trên địa bàn quận có khoảng 1.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trước khi thực hiện Công điện số 21/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, chỉ có khoảng 20% cơ sở hoạt động trở lại với hình thức phục vụ bán mang về. Khi các cơ sở hoạt động trở lại, quận đã tăng cường tập huấn và kiểm tra các điều kiện an toàn thực phẩm, nhất là kiểm tra hợp đồng mua bán thực phẩm, các dụng cụ bao gói thực phẩm phải bảo đảm xuất xứ, nguồn gốc…

Còn tại huyện Sóc Sơn, trong 9 tháng năm 2021, các đơn vị chức năng của huyện đã tiến hành kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với 465 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có 393 cơ sở bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm; còn lại 72 cơ sở có vi phạm [chiếm 15,5% tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra]. Các đoàn thanh, kiểm tra đã thực hiện xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 70 triệu đồng đối với 47 trong tổng số 72 cơ sở được phát hiện có vi phạm. Cùng với tịch thu toàn bộ hàng hóa không bảo đảm chất lượng, huyện cũng đã thông báo công khai cơ sở vi phạm để người dân biết và phòng tránh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, thời điểm hiện nay, cùng với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, các cơ sở kinh doanh còn phải đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, cùng với công tác tuyên truyền, tập huấn, huyện đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải ký cam kết bảo đảm song hành hai nhiệm vụ nêu trên.

Kiên quyết đóng cửa cơ sở không bảo đảm an toàn

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện thành phố có hơn 83 nghìn cơ sở chế biến, kinh doanh và sản xuất thực phẩm chịu sự quản lý của 3 ngành: Y tế, Công Thương, NN&PTNT.

Để duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đạt hiệu quả song hành với việc phòng, chống dịch, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, trong thời điểm hiện tại khi thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới, cùng với phòng, chống dịch Covid-19, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần tiếp tục được đẩy mạnh. Đầu tiên là các địa phương cần rà soát các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Tiếp đến, cùng với việc tập huấn, tuyên truyền thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thực phẩm, các địa phương phải tăng cường tổ chức thanh tra, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phải xử lý nghiêm, đồng thời chấn chỉnh kịp thời khi phát hiện vi phạm.

“Trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần phải phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã cần đẩy mạnh hoạt động của các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất”, ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc kiểm tra đột xuất các cơ sở, huyện sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra theo chuyên đề, tập trung vào từng lĩnh vực do các ngành: Y tế, Công Thương, NN&PTNT quản lý. Các đoàn kiểm tra của huyện sẽ kiên quyết đóng cửa hoạt động các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như phòng, chống dịch.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, từ nay đến cuối năm 2021 là cao điểm buôn bán, vận chuyển và sử dụng thực phẩm, do đó, huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên cơ sở phù hợp với điều kiện dịch Covid-19. Trong đó sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành, nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử phạt nghiêm các cơ sở có vi phạm để tạo sức răn đe.

[hanoimoi.com.vn]

Hà Nội tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết

Từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 1.800 ca mắc sốt xuất huyết tại 28/30 quận, riêng tuần từ 4/10 - 10/10, thành phố đã ghi nhận 440 ca sốt xuất huyết mới.

Khoảng thời gian này, Hà Nội đang có những đợt mưa kéo dài, thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết bùng phát và lan rộng. Chính vì thế, vừa qua, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại một số quận, huyện trên địa bàn.

Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Song song tập trung với lực lượng để phòng chống COVID-19, bệnh sốt xuất huyết là bệnh hàng năm nên chúng ta cũng không thể chủ quan, lơ là".

Tại quận Tây Hồ, ngoài công tác tuyên truyền, trung tâm y tế quận cũng tổ chức các đợt chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy với sự tham gia của đông đảo người dân; tổ chức phun xử lý tại các ổ dịch 2 lần cách nhau 7 - 10 ngày tại các ổ dịch.

Trong buổi làm việc với quận Tây Hồ, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá cao các biện pháp đang triển khai, đồng thời cũng nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị tất cả các cấp chính quyền cần tăng cường công tác truyền thông đến người dân; hướng dẫn người dân công tác tổng vệ sinh hàng tuần để diệt bọ gậy; áp dụng công tác phòng chống sốt xuất huyết với cá nhân.

Trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều người còn lo lắng không dám đến các bệnh viện xét nghiệm khi thấy những biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết có thể khiến nhiều ổ dịch bùng phát mạnh. Chính vì thế, khi có ca bệnh phát sinh, các quận huyện cần xử lý ổ dịch ngay, không để dịch bùng phát. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho cả cộng đồng.

[vtv.vn]

Những điều cần biết về vắc xin Covid-19 cho trẻ em

Hiện tại, vắc xin Pfizer được tiêm phổ biến cho trẻ nhỏ từ 12 tuổi trở lên ở nhiều nước.

Kể từ tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các bậc cha mẹ bắt đầu lo lắng về nguy cơ con cái bị bệnh.

Hiện nay, đã có nhiều nước sử dụng vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ từ 12 tuổi như Mỹ, Pháp, Italy, Đức, Tây Ban Nha, Israel… Trong khi đó, Cuba tiêm chủng vắc xin Soberana cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên.

Vắc xin Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc cũng được sử dụng tiêm cho trẻ ở nhiều lứa tuổi tùy quy định của từng nước. Trung Quốc, UAE phê duyệt vắc xin Sinopharm cho trẻ từ 3 tuổi. Ở Chile, trẻ em từ 6 tuổi trở lên có thể tiêm Sinovac.

Trẻ em không phải là “người lớn thu nhỏ” nên sẽ có những phản ứng khác nhau đối với bệnh tật, thuốc men và tiêm chủng - vì vậy, nỗi lo của các phụ huynh là điều bình thường. Bên cạnh đó, có nhiều tin đồn liên quan tới Covid-19, đặc biệt xung quanh các tác dụng phụ của vắc xin.

Covid-19 tác động tới trẻ em như thế nào?

Trên thực tế, nhiều trẻ em không có triệu chứng, không trở nặng khi nhiễm Covid-19 như người lớn. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể nhiễm bệnh.

Tính đến tháng 10, ở Mỹ, đã có hơn 6 triệu trẻ nhiễm Covid-19. Trong tuần cuối cùng của tháng 9, trẻ em chiếm 26,7% tổng số ca bệnh.

Trẻ em trong độ tuổi đi học [dưới 17 tuổi] có nguy cơ cao tiếp xúc với nguồn bệnh mỗi ngày. Tất nhiên, điều này có thể thay đổi tùy thuộc các chính sách của nhà trường.

Một nghiên cứu cho thấy trường học có nguy cơ bùng phát dịch cao hơn 3,5 lần nếu không yêu cầu đeo khẩu trang.

Mức độ bệnh tật

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ [CDC], chỉ 1 đến 2% số trẻ em nhiễm Covid-19 phải nhập viện. Tuy nhiên, 30% số bệnh nhi này cần được chăm sóc tích cực. Bệnh nhi chỉ chiếm 1% tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ.

Trẻ dưới 1 tuổi, trẻ mắc các bệnh nền như tiểu đường, bệnh hồng cầu hình liềm hoặc các tình trạng suy giảm miễn dịch dễ trở nặng hơn khi nhiễm Covid-19.

Tỷ lệ trẻ dưới 18 tuổi chưa tiêm phòng phải nhập viện cao gấp 10 lần so với trẻ đã được tiêm đầy đủ.

Các loại vắc xin hiện có dành cho trẻ nhỏ

Hiện nay, vắc xin Pfizer đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ [FDA] phê duyệt hoàn toàn cho trẻ em và người lớn từ 16 tuổi trở lên và có giấy phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi [liều lượng giống người lớn 30mcg, tiêm cách nhau 3 tuần].

Các thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành ở nhóm từ 6 tháng đến 11 tuổi.

Chương trình thử nghiệm vắc xin dành cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi đã hoàn tất với dữ liệu từ giai đoạn 2 và 3 cho thấy vắc xin an toàn và hiệu quả. Theo đó, mỗi trẻ tiêm 2 liều, mỗi liều 10mcg, cách nhau 3 tuần.

Pfizer đã đệ trình dữ liệu ban đầu của mình lên FDA vào tháng 9 cho nhóm tuổi trên và yêu cầu cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Moderna và Johnson & Johnson đang thử nghiệm vắc xin cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Tác dụng phụ của vắc xin với trẻ em

Không phải tất cả mọi người đều bị tác dụng phụ và một số trẻ em sẽ không bị bất kỳ tác dụng phụ nào.

Nhưng nếu trẻ gặp phải các phản ứng sau tiêm, biểu hiện sẽ tương tự ở người lớn như đau nhức tại chỗ tiêm, mệt, nhức đầu, ớn lạnh, đau cơ, sốt. Những tác dụng phụ này thường biến mất sau khoảng 48 giờ.

Có hai tác dụng phụ hiếm gặp là viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim ở thanh thiếu niên [chủ yếu là nam giới]. Biển hiện là tức ngực, khó thở, tim đập nhanh.

Nhưng các chuyên gia cho biết, có nhiều nguy cơ bị viêm cơ tim khi mắc bệnh Covid-19 hơn so với việc tiêm vắc xin.

Nếu nguy cơ trở nặng thấp, tại sao phải tiêm vắc xin cho trẻ?

Tiêm phòng rất quan trọng trong việc ngăn chặn đại dịch. Ngay cả trẻ em mắc bệnh nhẹ cũng truyền bệnh cho người khác.

Ngoài ra, trẻ em không được tiêm chủng vẫn có nguy cơ mắc Covid-19 và trở nặng nghiêm trọng dù không có bệnh nền.

[vietnamnet.vn]

Hà Nội: Số người khai báo ho sốt, khó thở tăng

Ngày 13-10-2021, trên địa bàn Hà Nội có 439 người khai báo tình hình ho sốt khó thở, tăng 19 trường hợp so với ngày hôm trước [420], trong đó có 170 người khai báo ho, sốt qua PC-Covid; có 269 người khai báo ho sốt qua tokhaiyte.

Thông tin về công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại thành phố Hà Nội cho biết, trong ngày 14-10, Hà Nội ghi nhận 12 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 11 ca bệnh thuộc chùm liên quan đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức và 1 ca thuộc chùm về từ các tỉnh có dịch. Tính từ ngày 29-4 đến nay trên địa bàn thành phố ghi nhận tổng 4.078 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.606 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.472 ca.

Chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ ngày 30-9 đến nay ghi nhận tổng số 88 ca mắc tại Hà Nội [bao gồm: 40 F0 là người sinh sống tại Hà Nội; 48 F0 là người từ tỉnh khác đến điều trị, chăm sóc bệnh nhân]. Phân bố bệnh nhân theo nhóm đối tượng, bao gồm 36 bệnh nhân là người nhà chăm sóc bệnh nhân; 43 người là bệnh nhân điều trị trong bệnh viện; 6 bệnh nhân là nhân viên y tế làm việc trong bệnh viện và 3 trường hợp là đối tượng khác.

Kết quả tiêm [đến 18g ngày 13-10]: số mũi tiêm trong ngày 82.160 mũi, trong đó 2.585 mũi 1, 79.575 mũi 2. Trong đó, các quận, huyện, thị xã tiêm đuợc 7.681.305 mũi, trong đó có 5.114.251 mũi 1; 2.567.054 mũi 2. Các Bệnh viện Trung ương tiêm được 1.159.840 mũi, trong đó có 792.138 mũi 1 và 367.702 mũi 2.

Như vậy tổng số tiêm được 8.841.145 mũi, trong đó: tiêm được 5.906.389 mũi 1 [đạt 97,95% dân số trên 18 tuổi và 71,16% tổng dân số], tiêm được 2.934.756 mũi 2 [đạt 48,7% dân số trên 18 tuổi và 35,4% tổng dân số].

Khai báo y tế, theo dõi truy vết: Tính đến ngày 13-10, thành phố Hà Nội có tổng số tờ khai báo y tế trên hệ thống phần mềm: 10.983.273; số tờ khai trong ngày: 301.286 tờ khai, tăng 19.053 so với ngày hôm trước [282.233], trung bình 7 ngày 151.178 trường hợp.

Ngày 13-10, có 439 người khai báo tình hình ho sốt khó thở, tăng 19 trường hợp so với ngày hôm trước [420], trong đó: có 170 người khai báo ho, sốt qua PC-Covid, tăng 7 so với ngày hôm trước [163]; có 269 người khai báo ho sốt qua tokhaiyte, tăng 12 trường hợp so với ngày hôm trước [257].

Số smartphone có cài đặt PC-Covid trên tổng số smartphone đến 18g ngày 13-10: 3.576.762/6.685.289 [tỷ lệ 54%]. Cài đặt mới trong ngày: 7.088.

Tổng số địa điểm quét mã QR đến hết ngày 13-10: 600.002, tăng 5.216 điểm so với ngày 12-10 và tăng 303.755 địa điểm so với ngày 21-9 [296.247 địa điểm], Số địa điểm quét QR tạo mới trong ngày 12-10-2021: 5.216, trung bình 7 ngày 6.641.

Số địa điểm QR Code có lượt quét mã QR trong ngày 13-10: 68.369, giảm 3.573 điểm so với ngày 12-10 trung bình 7 ngày 84.707.

Tổng số lượt quét mã QR trên phạm vi toàn Thành phố trong ngày 13-10: 245.680 lượt, giảm 60.780 lượt so với ngày 12-10 và tăng 47.084 lượt so với ngày 21-9 [198,596 lượt], trung bình 7 ngày vừa qua: 238.371 lượt. Tổng số người đi/đến checkin tại các địa điểm quét QR trong ngày 13-10: 194.376 người, giảm 18.012 người so với ngày 12-10 và tăng 58.729 so với ngày 21-9 [135.647 người], trung bình 7 ngày vừa qua 175.043.

Tiếp nhận xử lý phản ánh: Tình hình tiếp nhận, xử lý thông tin từ Tổng đài 1022: Từ 12g ngày 13-10 đến 12g ngày 14-10 đã tiếp nhận 540 cuộc gọi đến, trong đó cuộc đáp ứng là 379 cuộc, đạt 70,2%. Đã giải đáp/xử lý/tư vấn 364 cuộc, chuyển các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xử lý theo thẩm quyền 15 cuộc [từ ngày 20-8 đến 12g ngày 14-10 đã tiếp nhận 36.600 cuộc gọi đến, trong đó cuộc đáp ứng là 25.805 cuộc, đạt 70,51%. Đã giải đáp/xử lý/tư vấn 24.692 cuộc, chuyển các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xử lý theo thẩm quyền 2021 cuộc].

Từ ngày 20-8 đến 12g ngày 14-10: tổng số cuộc gọi đi chăm sóc sức khỏe chủ động [nhánh 3] là 7.750 cuộc gọi đi thành công; Số người được tư vấn, chăm sóc F0 là 1.604.

Từ 12g ngày 13-10 đến 12g ngày 14-10, Sở Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về phòng, chống dịch trên Tổng đài 1022 [nhánh 4], tài khoản Zalo “Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội” và ứng dụng PC-Covid thêm 5.281 cuộc gọi, tin nhắn, trong đó giải đáp 5.273 phản ánh, chuyển xử lý 08 phản ánh. Lũy kế từ ngày 22-7 đến thời điểm báo cáo 101.936 cuộc gọi, tin nhắn. Trong đó, giải đáp 95.786 phản ánh, chuyển xử lý 6.150 phản ánh.

[phapluatxahoi.kinhtedothi.vn]

Tạ Duy Tuân

Video liên quan

Chủ Đề