Hướng dẫn kiểm tra tài chính công đoàn năm 2024

Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hướng dẫn kiểm tra tài chính công đoàn năm 2024

Buổi kiểm tra tại một công đoàn cơ sở thuộc ngành Ngân hàng.

Công đoàn có chức năng: “Đại diện cho người lao động, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; Tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[1].

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau: “Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế công đoàn, từ đề án, dự án do Nhà nước giao, từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân,…”. [2]

Trong từng thời kỳ, qua mỗi giai đoạn, đối tượng, mức đóng, căn cứ đóng kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn cũng được quy định khác nhau (Chính phủ quy định chi tiết về đóng kinh phí công đoàn; đoàn phí công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định). Thực tế hiện nay:

  1. Việc thu đoàn phí công đoàn đối với từng khu vực có quy định khác nhau:

+ Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Đơn vị sự nghiệp hưởng lương theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định, mức đóng đoàn phí công đoàn hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội,...

+ Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần nhà nước giữ cổ phần chi phối), mức đóng đoàn phí công đoàn hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh (lưu ý: Tiền lương đã khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên), nhưng mức đóng hàng tháng tối đa bằng 10% tiền lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.

+ Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả Công ty cổ phần nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối); đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hưởng tiền lương không theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định; Liên hiệp hợp tác xã; các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam, mức đóng đoàn phí công đoàn hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.

+ Đoàn viên thuộc các lĩnh vực khác, có quy định về mức đóng đoàn phí và căn cứ đóng đoàn phí riêng.

II. Việc thu kinh phí công đoàn, theo “Quy định chi tiết về tài chính công đoàn” [3]. Đối tượng đóng kinh phí công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm: Cơ quan nhà nước kể cả UBND xã, phường, thị trấn, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập; Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã; Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam; Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH.

Việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn cũng đã được quy định chi tiết [4] như sau: Công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tài chính công đoàn được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn, bao gồm các nhiệm vụ sau đây: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn vững mạnh; Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn; Tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch cho người lao động; Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới; Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động; Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác; Trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách; Chi cho hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp và chi khác.

Việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn phải luôn bảo đảm nguyên tắc “tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch, có phân công, phân cấp quản lý, gắn quyền hạn và trách nhiệm của công đoàn các cấp” [5].

Thẩm quyền và trách nhiệm của công đoàn các cấp đối với công tác kiểm tra, giám sát tài chính công đoàn được quy định [6] như sau: Công đoàn cấp trên hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác tài chính của công đoàn cấp dưới theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cơ quan kiểm tra của công đoàn kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính của công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính của công đoàn theo quy định của pháp luật.

Vai trò công tác kiểm tra tài chính công đoàn là vô cùng quan trọng - đây là công cụ đắc lực giúp tổ chức công đoàn thực hiện đầy đủ quyền hạn, chức năng của mình. “công đoàn các cấp có nhiệm vụ tiến hành công tác kiểm tra ở cấp mình, cấp dưới và chịu sự kiểm tra của công đoàn cấp trên; BCH công đoàn các cấp quyết định chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra của cấp mình và chỉ đạo công đoàn cấp dưới xây dựng chương trình kế hoạch công tác kiểm tra toàn khóa, hàng năm; BCH công đoàn các cấp báo cáo công tác kiểm tra trước đại hội; BTV công đoàn các cấp chịu trách nhiệm trước BCH về tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra…”[7]

Để đáp ứng được yêu cầu và đạt được kết quả trong hoạt động kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra công tác tài chính công đoàn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra trước hết phải hiểu sâu và nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, hướng dẫn có liên quan đến công tác quản lý và sử dụng tài chính công đoàn; mặt khác, cần tuân thủ và thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra theo các nội dung sau: Tổ chức thu thập thông tin liên quan đến đối tượng, mục tiêu kiểm tra; Lập kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương kiểm tra; Thiết lập chương trình, chuẩn bị nội dung kiểm tra; Chuẩn bị lực lượng kiểm tra (nguồn lực tham gia đoàn kiểm tra phải là những cán bộ có đủ năng lực, trình độ, am hiểu chuyên sâu về nghiệp vụ tài chính, kế toán,… công đoàn); Ra quyết định kiểm tra và chuẩn bị triển khai việc kiểm tra. Công bố quyết định kiểm tra (trước khi tiến hành cuộc kiểm tra); Thực hiện kiểm tra (quá trình tác nghiệp cần thực hiện: thu thập hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, cơ sở pháp lý liên quan; tiến hành nghiên cứu, phân tích và xử lý thông tin; trưng cầu ý kiến, giám định hồ sơ; hoàn thiện số liệu, chứng cứ,.. Đây là khâu cốt yếu, quan trọng, quyết định kết quả cuộc kiểm tra). Đảm bảo về thời hạn kết thúc cuộc kiểm tra (theo đúng chương trình, kế hoạch đã định); Dự thảo kết luận kiểm tra (dự thảo kết luận kiểm tra cần phản ánh đầy đủ kết quả những nội dung công việc đã kiểm tra; những nội dung chưa tiến hành hoặc tiến hành ngoài quyết định theo kế hoạch kiểm tra được duyệt – nguyên nhân của vấn đề; những ý kiến không thống nhất của đối tượng kiểm tra; những đề xuất, kiến nghị về chế độ, chính sách,…). Mỗi nội dung kết luận phải nêu cụ thể, rõ ràng sự việc, đúng/sai, nguyên nhân, trách nhiệm, hình thức xử lý và thời hạn chấp hành (nếu có); Kết luận và phát hành kết luận kiểm tra (kết luận kiểm tra là văn bản pháp lý có hiệu lực từ ngày ban hành; đơn vị được kiểm tra có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các kiến nghị của Đoàn kiểm tra đã nêu trong kết luận kiểm tra); Tổ chức họp đoàn để lưu ý, rút kinh nghiệm sau mỗi cuộc kiểm tra,..;

Giám sát việc thực hiện kết luận kiểm tra của đối tượng được kiểm tra (chú trọng theo dõi, giám sát và đôn đốc đối tượng có liên quan thực hiện kết luận kiểm tra, đảm bảo tính hiệu lực của kết luận kiểm tra; trường hợp cần thiết có thể báo cáo bằng văn bản đến cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết).

Do vậy, để xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, thì nguồn lực tài chính công đoàn cũng phải ngày càng gia tăng và phát triển cân đối, bền vững, cần phải có một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Các cấp công đoàn cần phải chú trọng làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông qua tổ chức tập huấn nghiệp vụ; tuyên truyền phổ biến, quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định mới có liên quan để cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ nắm được và tự giác chấp hành; ngoài ra cần vận động, thuyết phục người sử dụng lao động để họ có trách nhiệm thực hiện.

2. Nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với UBKT và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra công đoàn các cấp hiện nay là phải thường xuyên nghiên cứu trau dồi kiến thức, cập nhật và tìm hiểu đầy đủ thông tin; xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc kiểm tra công tác tài chính công đoàn (duy trì làm tốt công tác giám sát từ xa đối với các đơn vị trong phạm vi quản lý; tiến hành kiểm tra điểm, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm). Qua kiểm tra phát hiện sai sót, có biện pháp uốn nắn, chỉnh sửa kịp thời, đảm bảo quản lý và sử dụng tài chính công đoàn đúng nguyên tắc, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.