Mua ngựa bạch ở đâu

Nhiều người ngỡ ngàng khi chứng kiến “ốc đảo” của “ông chủ trẻ” lọt thỏm giữa sông Ba, đoạn chảy qua xã Ia Rsai, H.Krông Pa [Gia Lai] sum suê cây trái và đặc biệt là đàn ngựa bạch đầu tiên ở Tây nguyên, cho thu nhập tiền tỉ mỗi năm.

“Ông chủ trẻ” ấy là Nguyễn Văn Hậu, 32 tuổi. Khi đưa những con ngựa bạch đầu tiên về Gia Lai nuôi, nhiều người thì thầm bảo Hậu “phát rồ”. Song giờ không ai dám nghĩ chàng trai có chút ngổ ngáo, táo bạo năm nào lại có trong tay cơ ngơi tiền tỉ từ chút... “rồ” ấy!

Đàn ngựa bạch tiền tỉ của anh Hậu

Ảnh: Trần Hiếu

Ngựa bạch lên cao nguyên

Dãy Trường Sơn trùng điệp, phủ xanh cây cỏ cho đại ngàn bao đời nay là mảnh đất màu mỡ cho các loại cây con, muông thú sinh trưởng, phát triển. Gia Lai cũng không ngoại lệ khi có đàn bò thuộc top đầu Việt Nam và đàn trâu cũng trên 15.000 con. Nhưng ngựa thì chỉ xuất hiện lác đác, ngựa bạch càng không.

Ông Dương Ngọc Thanh, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Gia Lai, cho biết: “Hiện ở Gia Lai chưa có mô hình nào nuôi ngựa bạch. Anh Hậu là người đầu tiên đem mô hình này về Gia Lai. Đàn ngựa bạch của anh Hậu phát triển khá tốt và trở thành sự khích lệ đối với những người ham tìm tòi, mạnh dạn phát triển kinh tế hộ gia đình. Theo chúng tôi, địa điểm nuôi là vùng Krông Pa tương đối phù hợp với sự phát triển của ngựa bạch”.

Hậu chia sẻ về cơ duyên đến với những con ngựa bạch này: “Cũng là cái duyên thôi. Cách đây hơn 4 năm, trong một buổi uống cà phê, anh em có chia sẻ với nhau về chăn nuôi. Họ có nói về ngựa bạch và cao ngựa bạch. Tôi nghe vậy thì đâm tò mò, khăn gói ra bắc tìm hiểu. Lúc đó tôi bị thoát vị đĩa đệm, khi dùng cao này thấy tốt. Sau khi suy tính, tôi đầu tư vốn liếng mua hẳn 20 con ngựa bạch với giá hơn 600 triệu đồng đem về “ốc đảo” nuôi. Hồi giờ ở đây chưa có ai nuôi ngựa hết. Mọi người nói nếu nuôi thí điểm thì nuôi một, hai con, tại sao lại nuôi nguyên đàn. Tôi trấn an, nói là tìm hiểu kỹ rồi, loài ngựa này cũng rất dễ chăm”.

Những con ngựa bạch đầu tiên trực chỉ lên cao nguyên theo bước chàng trai “liều lĩnh” như thế. Đàn ngựa được Hậu thả vào “ốc đảo”, ngay dưới chân đèo Tô Na, H.Krông Pa. Ngay chính Hậu cũng không ngờ đàn ngựa lại thích nghi và phát triển nhanh. Phải nói thêm rằng vùng đất này lâu nay có món thịt bò một nắng nức tiếng trong và ngoài nước. Nhiều người nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp cho biết đó là do ở đây có một số loại chất dinh dưỡng có trong đất, trong cỏ mà nơi khác không có.

Chỉ trong vòng một năm, đàn ngựa bạch đã... phát tướng, trổ mã, neo thêm niềm tin thành công cho chàng trai trẻ. Ông Ksor H’bai, một lão nông ở gần trang trại của Hậu, nói: “Hậu làm lạ quá. Ai cũng tò mò. Nhưng rồi thấy nhiều người ở xa đến tìm mua cao ngựa, vào trang trại tham quan. Mọi người biết nó đã thành công. Ước gì đám thanh niên trong làng đều có nhiều suy nghĩ, mạnh dạn như Hậu để kinh tế gia đình khá hơn”.

Vườn cam trên “ốc đảo” cho thu nhập cao mỗi năm

Ảnh: Trần Hiếu

Cơ ngơi tiền tỉ nơi “ốc đảo”

Có lẽ ít người biết để có được thành công với đàn ngựa bạch như hôm nay, Hậu cũng phải lăn lộn, trả giá với nhiều thứ. Sau khi tốt nghiệp THPT, Hậu làm đủ nghề như lái máy cày thuê, buôn hoa quả sang Trung Quốc, đầu tư nuôi bò, dê, heo rừng... Song, mọi thứ đều dở dang cho đến khi anh tìm hiểu và nuôi thành công ngựa bạch.

Hậu nói: “Cao ngựa bạch chứa nhiều dược chất, rất cần thiết trong việc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh, trong đó đặc trị là các bệnh về cơ, xương, khớp... Khi tìm hiểu thị trường, tôi thấy ở Việt Nam nông dân chiếm số đông và thường làm những công việc đồng áng nặng nhọc, dẫn đến hay mắc các bệnh như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa xương khớp, thoát vị đĩa đệm... cần phải điều trị. Vì thế tôi hoàn toàn yên tâm về đầu ra của sản phẩm; việc còn lại là làm sao để phát triển đàn”.

Theo anh Hậu, nếu nói về ngựa bạch thì chúng là siêu lợi nhuận trong chăn nuôi. Thứ nhất, chúng là dòng hai hàm, ăn uống rất dễ; thứ hai, chúng là loài tạp ăn, trong khi vùng Ayun Pa, Krông Pa cây dược liệu rất nhiều. Khi thả ra thấy ngựa ăn thì mới biết. Đơn giản như hai cây đu đủ cái và đực, thì ngựa sẽ ăn sạch cây đu đủ đực mà không ăn cây đu đủ cái.

Một góc trang trại bên dòng sông Ba của anh Hậu

ẢNH: TRẦN HIẾU

“Nói về hiệu quả kinh tế thì rất tốt. Ngựa khi mới sinh ra đã có giá rồi. Thị trường hiện nay không có đủ để cung ứng. Theo thống kê hiện tại, cả nước chỉ có khoảng 300 con. Một con ngựa bạch Tây Tạng trưởng thành sẽ cho 7 kg cao, ngựa bạch Việt Nam chỉ cho hơn 3 kg. Mỗi kg cao ngựa bạch hiện có giá 20 triệu đồng. Tôi đã nấu thành công hơn 30 kg cao bán ra thị trường. Nhờ Hội Chăn nuôi Việt Nam tư vấn và sự giúp đỡ, hướng dẫn của một trang trại, tôi mới đưa được giống ngựa Tây Tạng về đây”, Hậu cho biết.

Vườn cam rộng 3 ha cộng với hơn 2 ha đồng cỏ mà Hậu đang sở hữu tại “ốc đảo” là nơi lý tưởng để phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt kết hợp du lịch sinh thái. Ý tưởng này đang được Hậu ấp ủ, chờ điều kiện thuận lợi để phát triển. Từ cơ sở chế biến tinh dầu, cao ngựa, vườn cam năng suất 45 - 50 tấn/mùa... cho anh Hậu thu nhập tiền tỉ mỗi năm.

Nhân thêm nhiều khát vọng

Địa điểm Hậu nuôi ngựa bạch được bao bọc bởi dòng sông Ba, nằm dưới chân đèo Tô Na, chỉ cách QL25 chừng 500 m. Nhiều người gọi đây là “ốc đảo”, bởi muốn đến nơi chỉ có cách duy nhất là đi bằng xuồng. Đàn ngựa bạch của anh Hậu được nuôi dưỡng hoàn toàn trong môi trường tự nhiên. Không khí ở đây trong lành, thức ăn dồi dào, bãi chăn thả rộng rãi, an toàn...

Nhận thấy giống ngựa bạch Việt Nam nhỏ con, trọng lượng thấp, hiệu quả kinh tế không cao, Hậu đã tìm hiểu, kết nối và mua ngựa giống, có nguồn gốc từ Tây Tạng để lai tạo cho đàn ngựa bạch của mình. Đây là giống ngựa có thân hình to lớn, mạnh mẽ... mà còn có xu hướng ăn các loại thảo dược. Theo Hậu, việc lai tạo đàn ngựa sẽ mang lại mục tiêu kép, vừa nâng cao giá trị sản xuất dược liệu trên mỗi cá thể, vừa chuẩn bị đàn ngựa tốt, khỏe để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch sinh thái sau này. Hậu chỉ giữ lại 9 con để đáp ứng cho việc lai tạo nói trên. Những con ngựa đực thấp bé được bán đi hoặc nấu cao và lợi nhuận mà nó mang lại cũng làm cho Hậu khá yên tâm.

Hiện Hậu đã làm chủ được những quy trình về chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như phòng trị bệnh cho ngựa. Những con ngựa bị bệnh, Hậu đều tự mua thuốc hay tìm các loại thảo dược có sẵn ở địa phương về tự chữa.

Ngoài điều kiện lý tưởng để đàn ngựa bạch phát triển tốt, chủ nhân trẻ này còn ấp ủ ý tưởng biến nơi đây thành một địa điểm du lịch sinh thái. Hậu cho biết thời gian tới anh sẽ làm những căn nhà sàn, nuôi trồng thêm các loại cây, con để phục vụ du khách tham quan, thưởng lãm.

Tin liên quan

Hải Dương: Chăn nuôi ngựa bạch ở Nam Hưng [Nam Sách]

[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Ông Mạc Văn Tịch, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hưng, huyện Nam Sách cho biết hiện toàn xã có 10 hộ nuôi ngựa bạch với gần 100 con. Gia đình ít nuôi từ 4 – 5 con, hộ nhiều hơn 10 con.

Ngựa bạch ngoài cung cấp thịt thì một số bộ phận như xương, phổi có thể dùng làm thuốc nên có giá trị kinh tế cao.

Thời gian qua, xã luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi đại gia súc như bố trí bãi chăn thả rộng gần 3 ha, quy hoạch khu vực xây dựng chuồng trại cách xa khu dân cư rộng gần 20 ha cho các hộ ở khu vực gần đê. Hội cũng tạo điều kiện để các hộ tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi. Các hộ nuôi ngựa bạch ở địa phương giúp đỡ nhau nhiệt tình, nhất là đối với những hộ mới nuôi hay có quy mô nhỏ.

Theo nhiều người dân nuôi ngựa bạch, hiện nay nhu cầu về ngựa giống và ngựa thịt của thị trường cao, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nghề. Ngựa bạch ngoài cung cấp thịt thì một số bộ phận như xương, phổi có thể dùng làm thuốc nên có giá trị kinh tế cao. Do đó, ngựa giống, ngựa thương phẩm bán được giá hơn so với trâu bò. Hiện nay, người chăn nuôi bán ngựa bạch giống từ 4 – 5 tháng tuổi với giá 26 triệu đồng/con đực, từ 30 – 35 triệu đồng/con cái [trong khi bê chỉ 15 triệu đồng/con], ngựa thương phẩm từ 65 – 70 triệu đồng/con [trong khi trâu chỉ bán được 50 – 60 triệu đồng/con]. So với giống ngựa bình thường thì ngựa bạch thương phẩm thường bán được giá cao gấp đôi.

Người chăn nuôi ngựa bạch còn có lợi thế do ngựa bạch không kỹ tính trong việc tìm thức ăn. Chúng có thể ăn bất kỳ loại cỏ hay rau củ quả nào. Yên tâm nhất là ngựa bạch có sức đề kháng rất tốt. Từ khi nuôi đến nay, người dân chưa thấy ngựa bị các bệnh như trâu bò thường gặp, thích nghi tốt với môi trường, khí hậu của địa phương. Do chi phí thức ăn hầu như không đáng kể nên trừ tiền giống, mỗi con ngựa thương phẩm, người dân thu lãi từ 35 – 40 triệu đồng. Người dân mua ngựa giống từ 4 – 5 tháng chỉ nuôi sau hơn 1 năm sẽ sinh sản, còn ngựa thịt thì sau hơn 2 năm sẽ bán được.

Danh Trung

Video liên quan

Chủ Đề