Nghệ sĩ hài Dũng Nhí bao nhiêu tuổi

Thay cho chương trình Táo Quân, hiện các nghệ sỹ hài nổi tiếng như Xuân Hinh, Quang Thắng, Tự Long... đang tập hợp cho "Gặp nhau cuối năm".

Diễn viên Dũng Nhí từng tham gia nhóm hài cùng Hoài Linh, Hoàng Sơn, Tấn Beo... kể chuyện 10 năm chạy show tấu hài anh mua được căn nhà 20 m2.

Cùng mẹ tham gia chương trình Hát cùng mẹ yêu, Dũng Nhí khiến khán giả bất ngờ với giọng ca vang, chắc khỏe. Anh từng tham gia các nhóm hài cùng Hoài Linh, Hoàng Sơn và Tấn Beo…

Ít ai biết anh vốn là con nhà nòi với ba mẹ là ông bà bầu cải lương của đoàn Du Sĩ Ca Quốc Trầm và Phương Dung. Nhắc đến điều này, anh thường tự trào mình thừa hưởng được giọng ca vàng của ba nhưng lại không có gương mặt đẹp của mẹ.

Cuộc sống vất vả

Tổ Nghiệp cho anh nét duyên nghề nên Dũng Nhí nhận được nhiều lời mời biểu diễn từ sân khấu, phim ảnh. Anh từng xuất hiện trong nhiều bộ phim truyền hình như Người xứ hoa, Đất mặn, Duyên nợ miền Tây, Bìm bịp kêu chiều...

“Tôi cũng ráng bơi để tồn tại với nghệ thuật. Đây là công việc từ nhỏ tôi đã làm, buông ra tôi không biết làm gì”, anh nói.

Diễn viên hài Dũng Nhí. Ảnh: FBNV.

Cuộc đời Dũng Nhí thay đổi từ khi cải lương suy yếu, dần đi vào quên lãng. Gia đình anh phải từ bỏ gánh hát ở tỉnh, trở về Sài Gòn bắt đầu cuộc sống mới. 

Từ vai trò một công tử trong gánh hát ba mẹ làm chủ, Dũng Nhí trở thành người thế vai trong các nhóm hài Khánh Nam, Lê Quốc Nam, Hoàng Sơn. Nam diễn viên kể: “Các anh giúp đỡ tôi bằng cách trong nhóm có người nghỉ, lại gọi tôi đến thế vai. Nhờ đó, tôi có tiền nuôi vợ con”.

Nhớ lại quá khứ, anh ngậm ngùi nhắc lại những ngày bắt đầu cuộc sống ở Sài Gòn từ năm 1995. Gánh hát tan rã, ba mẹ anh trắng tay. Ban đầu gia đình Dũng Nhí phải ở nhờ nhà họ hàng trong căn phòng nhỏ xíu.

Hàng ngày, anh đi làm bằng chiếc xe đạp cà tàng. Mỗi khi di chuyển đến các điểm diễn khác nhau thì Dũng Nhí đi “ké” xe đồng nghiệp. “Thời gian này gia đình tôi phải ăn cơm trộn nước lạnh là chuyện bình thường nhưng cũng nhờ đó tôi biết trân trọng đồng tiền do công sức mình làm ra. Vì vậy, tôi chưa từng sa đà vào cá độ, bài bạc”, anh nói.

Hơn 10 năm chăm chỉ chạy show và tích cóp, Dũng Nhí đã mua được căn nhà. Nhưng niềm vui chưa tày gang, khi ngày anh nhận nhà cũng là lúc phát hiện mình bị lừa mua phải căn nhà trong diện giải tỏa trắng. Anh và ba mẹ đau xót mất tiền và chấp nhận đi thuê nhà.

Vài năm sau, nhờ chăm chỉ đi tấu hài, đóng phim, anh mua được căn nhà tại quận 7, rộng hơn 20 m2 với giá 20 triệu đồng. Tới nay gia đình 4 người của nam diễn viên vẫn gắn bó với ngôi nhà nhỏ này.

Anh Hoài Linh đã trao cho tôi "chiếc cần câu cơm"

Dũng Nhí tự nhận mình may mắn khi được nhiều đàn anh giúp đỡ công việc và diễn xuất. Nếu đạo diễn Lê Quốc Nam cho anh học hỏi nhiều về xử lý vai diễn kịch bản, Tấn Beo giúp đỡ anh nhiều cơ hội làm việc thì Hoài Linh lại cho anh học hỏi về thái độ sống.

Nam diễn viên từng đi diễn tấu hài với Hoài Linh trong 2 mùa Tết năm 2012-2013. "Một lần đi diễn cùng anh Hoài Linh, anh đã rủ tôi chạy show tỉnh vào dịp Tết. Khi ấy anh Linh vẫn còn ở sân khấu Nụ cười mới", anh kể.  

Trong những ngày Tết, mọi người quây quần bên gia đình thì anh cùng danh hài Hoài Linh mải miết trên xe đi liên tục từ Nam ra Bắc. Mỗi tối nhóm diễn từ 2-3 show mà mỗi show cách nhau 30-40 km. Vì vậy 2-3 giờ khuya còn ngồi trên xe là chuyện bình thường.

Dũng Nhí cùng các đồng nghiệp thường gặp gỡ và đi diễn với Hoài Linh. Ảnh: FBNV.

Dù chỉ gắn bó với Hoài Linh hai mùa Tết, Dũng Nhí ấn tượng về lối sống giản dị và đầy tình cảm của anh. Dù được các ông bầu o bế, sẵn sàng chiều mình nhưng không vì thế Hoài Linh làm cao.

“Anh Linh đến sớm, chờ tới lượt mình diễn nhưng ai cần, muốn diễn trước, anh đồng ý ngay. Không những thế từ công nhân đến hậu đài, ánh sáng anh đều trò chuyện thân thiện”, Dũng Nhí kể.

Ở vị trí của ngôi sao, Hoài Linh có quyền đòi hỏi đất diễn cho các vai của mình. Anh lại không đặt nặng điều đó, ngược lại, còn nhận mình chỉ là nhân vật phụ khi tham gia live show của đồng nghiệp. Khi diễn chung, thay vì thể hiện đẳng cấp, anh nâng đỡ và tung hứng với đàn em, đồng nghiệp. 

Mọi người thường thắc mắc tại sao anh Hoài Linh được khán giả, đồng nghiệp yêu quý? Theo Dũng Nhí, tất cả do tấm lòng và cách sống đầy yêu thương của anh dành cho đàn em. Sự giúp đỡ của anh không phải là đưa cho ít tiền bố thí mà là giúp cho "cần câu cơm" như giới thiệu phim, chương trình.

Thực tế Dũng Nhí nhận được lời mời tham gia các chương trình như Hát cùng mẹ yêu, Tài tử tranh tài... cũng là nhờ đàn anh giới thiệu. Anh thú nhận: "Khi tôi đến ký hợp đồng mới phát hiện người giới thiệu mình cho nhà sản xuất không ai khác chính là Hoài Linh. Anh ấy giúp đỡ vô tư, không kể công, cũng không cần trả ơn".

Sự quan tâm, yêu thương đàn em của nam danh hài còn thể hiện ở những điều giản dị. Ví dụ, biết Dũng Nhí khó khăn, Hoài Linh mời anh đến sinh nhật và không quên nhắc nhở: “Đến chơi với anh cho vui, không phải quà cáp gì đâu. Em không đủ tiền mua quà cho anh đâu”. 

Vì thế, với Dũng Nhí, Hoài Linh luôn là một đàn anh đáng kính.

Không phải tự nhiên Dũng Nhí được nhiều đồng nghiệp nhận xét “nhỏ nhưng có võ”. Anh là một trong số hiếm hoi những diễn viên có khả năng tung hoành từ cải lương đến kịch nói và thể hiện khá thành công đủ dạng nhân vật từ bi, hài đến “độc”. 

Khởi nghiệp từ việc... nhắc tuồng

Rất khó để nhớ hết tên các nhân vật Dũng Nhí đã đảm nhận, nhưng nhắc đến tên anh, khán giả có thể hình dung ngay hình ảnh anh chàng diễn viên nhỏ con nhưng diễn tốt mọi loại vai từ trẻ đến già, đặc biệt là những nhân vật chân chất, hiền lành, đôi chút khờ khạo. Khán giả cải lương lại nhớ Dũng Nhí bởi giọng ca khỏe, vang, nhiều cảm xúc, đối nghịch với vóc dáng nhỏ bé của “thân chủ”.

Giọng ca, khả năng diễn xuất và cả đam mê nghệ thuật của Dũng Nhí được thừa hưởng từ cha mẹ: nghệ sĩ [NS] Phương Dung - Quốc Trầm. Từ ngày còn trong bụng mẹ, cậu bé Dũng Nhí đã theo chân cha mẹ khi đó là bầu gánh hát rong ruổi khắp mọi miền đất nước và lớn lên từng ngày với câu ca, tiếng đờn. 

Tuổi thơ côi cút, trải qua nhiều thăng trầm, cực nhọc của cuộc đời theo nghề hát, vợ chồng NS Phương Dung muốn cả hai con đừng theo nghề của cha mẹ. Dũng Nhí được gửi về ở với cậu mợ ở Nha Trang cùng lời gửi gắm của cha mẹ: “Con ráng học. Cực khổ cách mấy ba mẹ cũng ráng lo cho con học hành đến nơi đến chốn”. Nhưng con đường học vấn của Dũng Nhí dừng ở năm lớp Mười. Phần vì cậu bé ham hát hơn ham học, phần vì hơn mười năm phải sống xa cha mẹ với Dũng Nhí khi đó đã là quá “ngưỡng chịu đựng”.

Khi đa phần các bầu gánh hát thường tìm cách để con mình sớm được lên sân khấu, không được đóng chánh thì cũng phải đảm nhận vai gì đó quan trọng trong tuồng thì ông bà bầu Phương Dung - Quốc Trầm, khi đó là chủ gánh hát La Ngà, lại có suy nghĩ rất khác. “Thấy tôi nhỏ con lại không có thời gian đi theo đoàn nhiều nên ba mẹ phân công nhiệm vụ nhắc tuồng để vừa có việc làm, vừa có cơ hội học nghề. Người cho tôi cơ hội được lên sân khấu lần đầu là đạo diễn Minh Thiện, người cùng lập gánh hát với ba mẹ. Tôi trưởng thành chính nhờ sự khó tính đó của ba mẹ” - Dũng Nhí nhớ lại. 

Không dám nuôi ước mơ nổi tiếng

Hơn cả những bài học vỡ lòng về sân khấu, điều Dũng Nhí nhận diện rõ hơn trong những tháng ngày làm người nhắc tuồng còn là suy nghĩ: con đường làm nghệ thuật sẽ không dễ dàng mà phải là một quá trình nỗ lực lâu dài, phải luôn hết lòng với từng cơ hội được xuất hiện trên sân khấu. Chính vì lẽ đó, mỗi khi nhận bất kỳ vai diễn nào dù ở phim truyền hình hay sân khấu, thậm chí có khi chỉ là vai quân lính trong một vở cải lương, Dũng Nhí cũng tập luyện rất nghiêm túc, cố gắng sáng tạo bằng tất cả khả năng của mình. 

Dũng Nhí và mẹ - nghệ sĩ Phương Dung trong chương trình Hát cùng mẹ yêu

Gần ba mươi năm lăn lộn với sân khấu, từ những năm tháng theo đoàn hát lênh đênh sông nước, đến thời gian phải làm quen với tất cả những điều mới lạ khi quyết định về thành phố để ổn định cuộc sống và ở gần ba mẹ, khó khăn của anh chàng diễn viên đoàn cải lương tỉnh lẻ lại không có lợi thế ngoại hình để trở thành diễn viên, khó có thể kể hết thành lời. Nhưng Dũng Nhí chưa bao giờ nản lòng. “So với ba mẹ, khó khăn của tôi không là gì. Từng phải lo cho cả đoàn hát mấy chục con người, có lúc phải bán sạch tài sản để lập gánh hát, ba mẹ vẫn kiên trì suốt mấy chục năm. Còn tôi, đơn giản chỉ cần nỗ lực và luôn làm tốt trách nhiệm mỗi khi hóa thân thành nhân vật. Cũng có lúc tôi mơ được trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng khi bình tĩnh suy nghĩ lại, tôi nhận ra được sống với đam mê và sống được bằng nghề hát của gia đình đã là hạnh phúc”, Dũng Nhí chia sẻ.

Quan niệm hạnh phúc là những điều không quá cao xa nên vợ chồng Dũng Nhí có cuộc sống khá yên bình. Anh tự nhận mình là người may mắn khi vợ dù cũng là nghệ sĩ nhưng sống đơn giản, không đua đòi, se sua, toàn tâm toàn ý cho gia đình. Anh cũng cho rằng, hạnh phúc trong đời sống hôn nhân không thể chỉ từ một phía, nhất là khi cả hai bên đều còn cha mẹ, người thân.

Có lẽ ít ai ngờ từng có thời gian vợ chồng Dũng Nhí sống chung nhà cùng hai bên sui gia. Khi quay về thành phố, công việc chính của gia đình anh và gia đình vợ đều là kinh doanh quán ăn. Thay vì mỗi nhà làm một quán, chi bằng cả hai cùng hợp lực, vợ chồng anh quyết định thuê nhà để cha mẹ hai bên cùng kinh doanh chung. 

Bốn ông bà sui sống chung một nhà, cùng kinh doanh, mọi ứng xử nếu không khéo léo sẽ khó tránh khỏi bất hòa. Những năm tháng lăn lộn ở đoàn hát, những trải nghiệm tích lũy được từ cuộc sống và cả những tuồng cải lương bỗng trở nên có giá trị hơn bao giờ hết.

“Hiểu rõ mâu thuẫn giữa hai bên sui gia thường do sự chăm lo không đồng đều, tôi thường không tặng quà cho ba mẹ, trừ những ngày đặc biệt. Tôi dành sự chăm lo nhiều hơn cho cha mẹ vợ. Đổi lại, vợ tôi cũng chăm sóc hệt như vậy cho cha mẹ tôi. Việc kinh doanh cũng luôn được công khai rõ ràng minh bạch. Cuộc sống chung luôn đầy ắp tiếng cười, nhưng nhìn nhận một cách cụ thể thì những người được “hưởng lợi” không phải là ba mẹ của hai bên, mà chính là vợ chồng tôi. Ông bà sui vui vẻ, hòa thuận, chúng tôi có cuộc sống tinh thần thoải mái và được yêu thương nhiều gấp đôi”, Dũng Nhí hóm hỉnh.

Dũng Nhí và bạn diễn Tấn Beo

Cho đến giờ, hai bên sui gia tuy không còn ở chung một nhà nhưng đã thành thói quen, những món quà vợ chồng Dũng Nhí biếu ba mẹ luôn luôn là “anh em sinh đôi”, bởi từ rất lâu, dường như trong gia đình anh không có quan niệm ba má chồng, ba má vợ mà là ba má của cả hai vợ chồng. 

Hạnh phúc khi… con hơn cha

Hạnh phúc đong đầy khi Dũng Nhí nhắc về cậu con trai duy nhất của vợ chồng anh. Thương con đứt ruột vì đã không tránh cho con đừng rơi vào tâm trạng của mình thời ấu thơ, nhưng suốt mười năm ròng, vợ chồng anh phải gửi con ở nhà ngoại để theo đoàn hát. Dũng Nhí không nhớ bao nhiêu lần người đàn ông là anh đã phải khóc vì nhớ con. Thương con thắt lòng khi nhớ cảm giác mình từng khóc vùi vì nhớ ba mẹ thời ấu thơ, quay về thành phố, việc đầu tiên anh làm là đưa con lên ở cùng, dù lúc đó cuộc sống đầy khó khăn, còn phải chạy ăn từng bữa. 

Không khó để nhận ra cảm xúc rất đặc biệt ở Dũng Nhí khi anh nói về gia đình: “Con đã hơn cha. Con chịu học đến đại học và giờ theo chuyên ngành thiết kế đồ họa. Ba năm nay con đã có thể sống tự lập, không cần ba mẹ chu cấp. Nhưng không vì vậy mà cuộc sống của con tách khỏi gia đình. Đi chơi xa với bạn, tới nơi con vẫn gọi điện, nhắn tin để ba mẹ yên lòng. Mỗi người một công việc, thời gian làm việc cũng khác nhau, nhưng không vì thế mà chúng tôi quên những ngày đặc biệt trong năm của mỗi người. Chúng tôi luôn trân trọng những lúc cả nhà được quây quần bên nhau, bởi gia đình là nơi tiếp cho tôi nhiều sức mạnh nhất để có thể tiếp tục thực hiện những điều mình mong muốn”.

Thảo Vân

Video liên quan

Chủ Đề