Nghị định số 35 xử lý cán bộ công chức

Trong thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành các văn bản mới quy định nhiều nội dung liên quan đến công tác cán bộ, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25/11/2019. Nhằm quy định chi tiết, đầy đủ các nội dung được giao trong Luật số 52/2019/QH14, bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; ngày 18/9/2020 Chính phủ ban hành Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (có hiệu lực từ ngày 20/9/2020) và áp dụng thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương tới địa phương; kể cả đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

Nghị định 112/2020/NĐ-CP bãi bỏ các quy định tại: Nghị định 34/2011/NĐ-CP về xử lý kỷ luật đối với công chức; quy định về kỷ luật viên chức theo Nghị định 27/2012/NĐ-CP về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức; chương 6 Nghị định 112/2011/NĐ-CP về công chức xã, phường, thị trấn; nội dung liên quan đến kỷ luật cán bộ được quy định tại Nghị định 35/2005/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

Nghị định 112/2020/NĐ-CP bao gồm 5 Chương với 32 Điều; những điểm mới, nổi bật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức như sau:

1. Về đối tượng áp dụng

Nghị định 112/2020/NĐ-CP lần đầu tiên đã gộp các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức ở bốn Nghị định khác nhau về chung một Nghị định, tạo sự thống nhất, thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật.

2. Về nguyên tắc xử lý kỷ luật

Bên cạnh kế thừa các nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trước đây đã quy định, Nghị định 112/2020/NĐ-CP bổ sung thêm một số nguyên tắc trong xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức như:

- Nguyên tắc “công khai, minh bạch”;

- Không tách riêng từng nội dung vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.

- Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức xử lý kỷ luật hành chính phải đảm bảo ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.

- Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.

3. Các trường hợp chưa xem xét kỷ luật

Nghị định 112/2020/NĐ-CP bổ sung và làm rõ thêm các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật như:

- Cán bộ, công chức,viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức, bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

- Cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

4. Bổ sung thêm trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật

Nghị định 112/2020/NĐ-CP bổ sung cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.

5. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật

a) Thời hạn

Theo Nghị định 34, Nghị định 27, Nghị định 112/2011 thì: Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng.

Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã tăng thời hạn từ 02 tháng lên 90 ngày (tăng 30 ngày) và trường hợp kéo dài thì được 150 ngày.

b) Thời hiệu

So với các quy định của Nghị định 34, Nghị định 27 thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã có sự thay đổi rất lớn; trước đây thời hiệu xử lý kỷ luật chỉ 24 tháng, theo quy định của Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì thời hiệu xử lý kỷ luật là 02 năm, 05 năm hoặc không tính thời hiệu đối với từng mức độ vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức (quy định này phù hợp với khoản 2 Điều 3 Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị quy định xử lý đảng viên vi phạm).

6. Thẩm quyền xử lý kỷ luật

a) Đối với cán bộ

Nghị định 112 quy định cụ thể như sau: Cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử thì có thẩm quyền xử lý kỷ luật, trừ trường hợp đối với các chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật.

b) Đối với công chức

Nghị định 112/2020/NĐ-CP cơ bản kế thừa Nghị định 34/2011/NĐ-CP, tuy nhiên có bổ sung thêm một số nội dung như:

- Đối với công chức cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.

- Đối với công chức biệt phái: Bổ sung thêm quy định người đứng đầu cơ quan nơi công chức được cử đến biệt phái thống nhất hình thức kỷ luật với cơ quan cử biệt phái trước khi quyết định hình thức kỷ luật (Nghị định 34 thì cơ quan cơi công chức được cử biệt phái toàn quyền quyết định hình thức kỷ luật và chỉ thông báo cho cơ quan nơi công chức được cử biệt phái biết).

c) Đối với viên chức

Nghị định 112/2020/NĐ-CP cơ bản kế thừa Nghị định 27/2012/NĐ-CP về thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức, tuy nhiên bổ sung: Đối với viên chức giữ chức vụ, chức danh do bầu cử thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định công nhận kết quả bầu cử tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.

d) Đối với người đã nghỉ việc, về hưu:Đây là quy định hoàn toàn mới được quy định tại Điều 22 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.