Mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là gì

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới

01/09/2021 | 17961

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

02/09/2020 | 9266

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - Mục tiêu, lý tưởng và lẽ sống của chúng ta

[ĐCSVN] - Trong hoàn cảnh hiện thời, việc đẩy mạnh tuyên truyền và lan tỏa, hưởng ứng, truyền cảm hứng bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là cơ sở lý luận và khoa học để xây dựng, củng cố niềm tin tất thắng của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Ảnh minh hoạ: Phạm Cường

Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, một số người đã vội hý hửng rằng, sự sụp của đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu là “sự cáo chung của chủ nghĩa Mác - Lênin”, là “sự sụp đổ của lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga” vĩ đại. Trong các nội dung về chủ nghĩa xã hội thì vấn đề lý luận và thực tiễn của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam luôn được những người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đặc biệt quan tâm. Bằng âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, họ cố tình công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta từ nhiều phía.

Vì sao họ lại xoáy vào bài xích, xuyên tạc, phủ nhận những vấn đề lý luận và thực tiễn nóng bỏng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là lý luận về đường lối đổi mới, về thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vì sao họ lại ra sức xuyên tạc, phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn từ những năm đầu thế kỷ XX. Trong bối cảnh tình hình mới, đẩy mạnh nghiên cứu, truyền cảm hứng và lan tỏa bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phát triển quan điểm, tư tưởng của đồng chí Tổng Bí thư, chúng tôi phân tích, làm rõ hơn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội để khẳng định lý luận về đường lối đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn.

Luận giải về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã có nhiều cách tiếp cận, lập luận, giải đáp khác nhau; phần lớn là các quan điểm đồng tình, ủng hộ chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Song cũng có không ít quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta về đường lối đổi mới, rõ nhất là luận điệu sai trái cho rằng, ở Việt Nam cần phải lựa chọn con đường khác chứ không phải là tiếp tục đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội!

Họ lập luận rằng: Thay đổi mục tiêu, con đường, định hướng phát triển đất nước lúc này là rất cần thiết. Có thay đổi thì ở Việt Nam mới thật sự có đổi mới; người Việt Nam sẽ có điều kiện để hội nhập quốc tế, mau chóng thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, trở thành “con rồng, con phượng ở châu Á”. Theo họ, con đường đi “ngắn nhất, phù hợp nhất” đối với Việt Nam thời điểm nay hoàn toàn không phải như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu mà là bắt tay “làm ăn” với các nước tư bản phát triển, nhờ sự giúp đỡ của các tập đoàn kinh tế, khoa học, công nghệ, tài chính lớn trên thế giới để phát triển đất nước. Họ đưa ra nhiều luận cứ khác nhau để chứng minh cho luận điểm, rằng hầu hết các nước trước đây đã từng là chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu như Balan, Hunggari, Bungari,... nhưng đã từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đã bắt tay với Mỹ, gia nhập khối NATO, được các tập đoàn kinh tế, khoa học, công nghệ, tài chính lớn trợ giúp nên họ đã “lột xác”, phát triển thần tốc, đã thay da đổi thịt, mang bộ mặt hoàn toàn mới, đất nước phồn vinh, người dân đã đổi đời, có cuộc sống sung sướng; từ đó khẳng định “đi theo con đường tư bản chủ nghĩa là một tất yếu lịch sử”, là “sự thật khách quan”, sự lựa chọn duy nhất đúng đắn.

Theo họ, “đổi mới như vậy mới thực là đổi mới”, “cách đi như vậy mới thật sự đúng đắn, hợp thời”. Một mặt, tránh được sự bao vây, phong tỏa, cấm vận của một số nước lớn, tạo được môi trường “hòa bình, ổn định” để mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế để Việt Nam phát triển bền vững. Hơn thế nữa, đó là “tính ưu trội vốn có của một nước có trình độ sản xuất, khoa học, công nghệ thấp so với các nước có trình độ sản xuất, khoa học, công nghệ phát triển cao” là các nước lớn G7, G20. Nhờ “bước phát triển đột phá ấy”, Việt Nam sẽ sớm chuyển mình, “lột xác”, chấm dứt sự lạc hậu, yếu kém, nhanh chóng vươn lên thứ hạng cao, sánh vai với các quốc gia hàng đầu, trở thành nước phát triển. Đó là cái cách giúp Việt Nam nhanh chóng thu hút vốn đầu tư; phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và chuyên gia của mọi lĩnh vực được tăng cường, không cần phải chờ đợi quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia và tích lũy vốn dài lâu. Với cách đi này, Việt Nam vừa không phải lo đối phó với thù trong giặc ngoài, giữ được Biển Đông; vừa có điều kiện để tăng tốc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đẩy nhanh quá trình phát triển đất nước.

Không dừng ở đó, họ còn cho rằng, nếu Việt Nam bắt tay “làm ăn”, hợp tác với các nước lớn, gia nhập khối NATO thì đó là thời cơ, điều kiện tốt nhất để giảm chi phí quốc phòng, an ninh, tập trung xây dựng, phát triển kinh tế, làm cho đất nước giàu có, phồn vinh, quân đội hiện đại, không cần chờ đến 2030 mới xây dựng quân đội hiện đại như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định. Sự hùng mạnh của quốc gia - dân tộc nhờ sự tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước sẽ có thêm điều kiện bảo đảm xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Cùng hướng với quan điểm sai trái, lệch lạc này là một số ý kiến tự cho mình là “cấp tiến” khi cho rằng, tham gia khối NATO là cái đảm bảo chắc chắn nhất để có độc lập chủ quyền quốc gia - dân tộc Việt Nam. Thậm chí, sự lớn mạnh của đất nước sẽ là thứ vũ khí lợi hại nhất để uy hiếp, răn đe các nước có mưu đồ thôn tính Biển Đông của Việt Nam, làm thui chột âm mưu xâm chiếm biển, đảo của họ…

Với những lập luận về “cái được”, “cái mất” nêu trên, những người có quan điểm “cấp tiến” đã gửi “tâm thư”, “huyết thư” kiến nghị với Đảng, Nhà nước ta phải đẩy nhanh quá trình đổi mới tư duy và mạnh dạn huỷ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin để sớm kết thúc thời kỳ quá độ gián tiếp đầy đau khổ hiện nay mà nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang gây ra. Theo họ, có “quyết tâm” làm như vậy thì nước ta mới thực sự rút ngắn quá trình “đau khổ’, sớm thực hiện được mục tiêu làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Những “lời khuyên”, “kiến nghị” nêu trên, thoạt nghe có vẻ hấp dẫn, thực dụng, “tâm huyết”. Song, suy xét kỹ lưỡng, nhìn nhận khách quan, toàn diện, thì nó hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu, con đường, lẽ sống mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Khi những bức “tâm thư” với lời khuyên, kiến nghị, khuyến nghị, yêu cầu của những người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước không được chấp nhận thì họ quay lưng, trở mặt, lập tức uốn lưỡi nói xấu, xuyên tạc sự thật, cố tình bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín, vị thế của Đảng, Nhà nước ta. Bằng sự thật đầy thuyết phục là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 35 năm đổi mới đất nước, họ không thể sống sượng phủ nhận, bài bác vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, không thể bóp méo, bôi đen sự thật trước người dân theo kiểu “lấy vải màn che mắt thánh”, nghĩa là phủ định sạch trơn, chà đạp thô bạo lên lịch sử; thế nhưng họ vẫn trơ tráo “khua môi múa mép”, nói càn, viết bậy, “đậm vại thóc chọc vại gạo” hết sức phi lý.

Việc họ quay lưng, sử dụng các ngón đòn ác hiểm, lời lẽ cay nghiệt để phê phán, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là chiêu trò “quấy rối” chúng ta đã biết. Làm điều sai trái ấy, họ hy vọng sẽ gặt hái thành công, đạt được hiệu quả nhất định vì nó gây ra sự nghi ngờ về bản chất khoa học, cách mạng, giá trị và ý nghĩa; tính đúng đắn, sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho một bộ phận người dân nghi ngờ về sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Theo cách này, họ cố tình tạo ra “một khoảng trống” trong lòng Nhân dân với việc hình thành dư luận xấu trong lòng xã hội ta. Qua đó, phân hóa các lực lượng “trung thành” với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nắm thóp ai thuộc lực lượng “cấp tiến” có mong muốn đi theo chủ nghĩa tư bản, kết thân với nước lớn. Từ đó, bằng mọi cách lừa bịp, mua chuộc, tập hợp các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, phản động thành một lực lượng độc lập, tạo dựng ngọn cờ, khi đủ mạnh thì ép Đảng, Nhà nước ta từ bỏ mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội để thực hiện mưu đồ lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, có lợi cho chúng.

Trước tình hình ấy, trong quảng đại quần chúng Nhân dân ta, không phải tất cả mọi người đều hiểu sâu sắc và nhìn thấy thực chất, bản chất vấn đề, không ít người đã bị “lây nhiễm cái xấu”, có lúc nghi ngờ, hoang mang, dao động quan điểm, lập trường, cho rằng, đi theo con đường chủ nghĩa xã hội như Liên Xô và các nước Đông Âu chẳng có ích lợi gì, kết cục là trượt dài theo lối mòn, không thể tránh khỏi vết xe đổ vỡ. Trong khi đó, nhìn về các nước tư bản phát triển, nhất là các nước lớn phương Tây, họ thấy sức mạnh của đồng đôla, đồng bảng Anh, đồng Euro và đời sống vật chất, phượng tiện sinh hoạt đều đạt mức cao, từ đó choáng ngợp, lóa mắt, mơ tuởng hão huyền, thậm chí lâm bệnh “sùng ngoại”, tẩy chay “hàng nội” đáng trách.

Trong khoảng giới hạn của nhận thức và trình độ hiểu biết hữu hạn, cùng với sự “bơm tin” bài xích, xuyên tạc và phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ nhận chủ nghĩa xã hội hiện thực; ca ngợi chủ nghĩa tư bản đương đại, đã làm cho bộ phận người “thiển cận” cả tin vào sự mê hoặc của lý luận tư sản, sự “thuyết phục”, bị mua chuộc của đồng tiền. Tình trạng này đã và đang diễn ra nếu không có biện pháp ngăn chặn, khắc phục, không được giáo dục từ sự giải thích có lý, có tình, có cơ sở khoa học để họ “tâm phục, khẩu phục” sẽ là một nguy cơ đáng lo ngại là làm cho những người này ngày càng lún sâu vào “vũng bùn” của nhận thức sai lầm và những hành vi sai trái, xô đẩy họ có hành vi chống Đảng, Nhà nước; đồng thời, gây tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong hoàn cảnh hiện thời, việc đẩy mạnh tuyên truyền và lan tỏa, hưởng ứng, truyền cảm hứng bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là cơ sở lý luận và khoa học để xây dựng, củng cố niềm tin tất thắng của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng thời, tỏ rõ thái độ kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, cơ hội chính trị; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội XIII của Đảng đã xác định, phấn đấu để nước ta sớm trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là lời kêu gọi từ trái tim, mệnh lệnh của cuộc sống; danh dự và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với Đảng, Nhà nước và chế độ lúc này.

Thông qua những việc làm thiết thực, các cấp, các ngành, từng cán bộ, đảng viên phải làm cho quần chúng Nhân dân, những người thân trong gia đình hiểu rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch. Đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân nhận thức đúng bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn từ những năm đầu thế kỷ XX, vững vàng niềm tin trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Qua đó, trang bị những kiến thức lý luận - thực tiễn cần thiết để cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân “miễn dịch” trước các đòn tấn công ác hiểm, thâm độc của các thế lực thù địch cả trong lý luận và trong thực tiễn. Trên cơ sở đó, mọi người tự tin, chủ động và tích cực tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, phản động, bảo vệ cái đúng, cái tốt, cũng như việc bình tĩnh, khôn khéo và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, những cám dỗ vật chất đời thường, trước mắt để giữ sạch phẩm chất, thanh danh người cán bộ, đảng viên.

Ai đó vẫn khư khư cho rằng, ở Việt Nam, con đường phù hợp và hiệu quả nhất để xóa đói, giảm nghèo, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, xin hãy một lần đến viếng thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 và hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ khác trên khắp 3 miền đất nước. Ở đó, họ sẽ nhận rõ hơn sự thật, cái giá phải trả cho một ngày sống trong hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc; sẽ phải tự mình thẩm vấn, suy nghĩ và nhận thức lại chính mình, cắt nghĩa được lẽ phải, cái thiện, cái ác, đúng và sai, ai là bạn, ai là thù. Chẳng nhẽ sự hy sinh tuổi trẻ, xương máu của đồng chí đồng bào ta, của hàng vạn anh hùng, liệt sĩ là uổng công, vô ích? Chẳng nhẽ họ không hiểu lịch sử truyền thống của dân tộc Việt Nam, hay là cố tình không hiểu sự thật về những đau thương, mất mát mà ông cha ta đã từng gánh chịu bởi gặp họa giặc ngoại bang xâm lược, từ đó sẽ tự lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội hay tư bản chủ nghĩa cho phải đạo?

Bài học về nỗi đau thương mất mát, về nỗi ô nhục vì giặc ngoại bang đô hộ cướp đoạt thân mạng, cuộc sống làm người đã thúc giục ông cha ta, mọi người dân ta kế tiếp nhau đứng lên đánh đuổi quân ngoại xâm, quyết giành tự do, độc lập, dù biết rằng trong cuộc chiến đấu ấy có thể bị hy sinh, đổ máu, tổn thất nặng nề, ra đi không hẹn ngày về. Là người Việt Nam yêu nước, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, hiểu rõ cội nguồn lịch sử, cớ sao lại nhẫn tâm, cúi đầu, cam chịu làm tay sai cho địch, tại sao lại “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về rày mả tổ”, gây tội ác tày trời với chính những người thân là bà con ruột thịt của mình. Là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên bằng dòng sữa mẹ, bằng truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, cớ sao lại nhắm mắt, quay lưng lại lịch sử, quyết lựa chọn con đường đẫm máu, quay lại chế độ áp bức, bất công, tệ nạn người thống trị người? Hãy đọc lại lịch sử dân tộc Việt Nam, tĩnh tâm xem vì lẽ gì mà các sĩ phu yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã phải rời bỏ quê hương, ra đi tìm đường cứu nước, phải cầu cạnh người nước ngoài giúp Nhân dân ta đấu tranh giành độc lập? Vì lẽ gì mà người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành phải rời Tổ quốc, phải bôn ba tìm đường cứu nước đến tận phương trời Âu châu xa xôi, tận nơi sào huyệt của quân xâm lược để cắt nghĩa cho được tại sao thực dân Pháp lại đem quân xâm lược một dân tộc nhỏ bé “đất không rộng, người không đông” là Việt Nam và các dân tộc thuộc địa khác, để rồi qua đó học hỏi kinh nghiệm đấu tranh chống quân xâm lược về giúp đỡ đồng bào đánh đuổi giặc ngoại xâm, nội xâm; thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, cơm no, áo ấm cho đồng bào.

Với lương tâm và trách nhiệm của một CON NGƯỜI, phân biệt được điều hay lẽ phải, nhận thức được cái đúng, cái sai, chắc chắn rằng ai cũng phải nhìn đúng sự thật, tôn trọng sự thật và nói đúng sự thật; cảm nhận sâu sắc giá trị tìm kiếm con đường cách mạng vô sản, đi theo Các mạng Tháng Mười Nga của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Còn nếu như hiểu biết và nhìn nhận đúng sự thật, nhưng lại “đeo cặp kính màu”, bị cám dỗ, mua chuộc để cố tình bóp méo sự thật, thêu dệt, xuyên tạc sự thật, đổi trắng, thay đen, đánh tráo khái niệm thì những việc làm đó, tự bản thân người làm sai phải thấy hổ thẹn và day dứt với chính lương tâm của mình, thấy việc làm đó là có tội lỗi với cha mẹ, người thân; những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì mình, là thiếu lương tâm, trách nhiệm với cuộc sống, là bội bạc với tổ tiên, cha mẹ, những người đã sinh thành, dưỡng dục, cho mình cuộc sống hạnh phúc hôm nay. Cuộc sống chiến đấu, lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta không cần những con người thay lòng đổi dạ, bất nhân, bất nghĩa; không muốn đi chung con đường lạc lối, sai lầm.

Ai cũng biết rằng, việc xóa bỏ chế độ xã hội cũ, lỗi thời, lạc hậu để xây dựng nên chế độ xã hội mới, tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn là xã hội xã hội chủ nghĩa, không thể làm tức thời, mong muốn là có ngay những kết quả, mà cần phải có một thời gian nhất định, một thời kỳ quá độ để từng bước xóa bỏ cái cũ, cái lạc hậu còn rơi rớt lại; đồng thời, xây dựng và nuôi dưỡng những cái mới, cái tốt của chế độ xã hội mới, đúng như đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Đảng ta đã khẳng định trong bài viết. Chủ nghĩa Mác - Lênin dạy rằng, giữa xã hội tư bản và xã hội cộng sản cần có một thời kỳ cải biến cách mạng để chuyển từ xã hội nọ sang xã hội kia, thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ về kinh tế và chính trị, bởi vì xã hội của thời kỳ quá độ là xã hội vừa thoát thai từ chế độ xã hội cũ, cho nên, các mặt kinh tế, chính trị, đạo đức, văn hóa... còn mang những dấu vết của chế độ xã hội cũ mà nó đã lọt lòng.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa giai cấp vô sản và giai cấp địa chủ, phong kiến và giai cấp tư sản là tất yếu khách quan, vô cùng quyết liệt. Tính phức tạp và cam go của cuộc đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được V.I. Lênin khái quát là “thời kỳ sinh đẻ lâu dài và đau đớn”. Ở đó, có những thành phần, những bộ phận, những mảng ghép đan xen giữa hai chế độ cũ và mới: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.

Theo V.I. Lênin, đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội chính là thời kỳ đấu tranh gay gắt giữa chủ nghĩa tư bản đang chết dần chết mòn và chủ nghĩa cộng sản đang phát sinh nhưng chưa đủ sức đánh gục các thế lực phản động. V.I. Lênin cũng khẳng định rằng, “những cơn đau đẻ kéo dài” của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan. Bởi lẽ, giai cấp vô sản sau khi giành thắng lợi trong cách mạng vô sản phải đồng thời làm nhiều việc để loại bỏ dần những cái cũ, những tàn dư mà chế độ xã hội trước đó đã để lại, đồng thời, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, đặc biệt là nền tảng chính trị, tinh thần cho xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đương nhiên là một thời kỳ đầy khó khăn, phức tạp, có thể rất lâu dài và phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều bước trung gian. Các nhà lý luận tư sản và bồi bút của họ là những người có học thức, có lý luận, họ quá hiểu rõ điều này nhưng vì lợi ích của họ gắn chặt với lợi ích và địa vị của chủ nghĩa tư bản, nên đã cố tình làm ngơ, buộc “phải ăn theo, nói theo”, bênh vực và phụ họa cho chủ nghĩa tư bản; bênh vực và bảo vệ con đường đẫm máu và nước mắt do giai cấp bóc lột gây ra.

Đối với chúng ta, chủ nhân của đất nước có hòa bình, độc lập, đang ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tuy cương vị, chức trách, nhiệm vụ của mỗi người có khác nhau, song chúng ta đều thấm nhuần sâu sắc: chỉ có đi theo con đường chủ nghĩa xã hội thì chúng ta mới xóa bỏ được tệ nạn người áp bức, bóc lột người, mới thực hiện được lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người; chỉ có chủ nghĩa xã hội mới là cái bảo đảm chắc chắn nhất cho sự phát triển tự do, toàn diện của mỗi người và mọi người.

Rõ ràng là, đi theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn là thực hiện chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, bởi vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự khái quát cao nhất cái đẹp của cuộc sống, hạnh phúc của con người, là sự chung đúc tất cả lý tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội. Ai đó đã cố tình xuyên tạc bản chất của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là vì họ đã rơi vào chủ nghĩa cá nhân, là làm trái với chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, là đi ngược lại lợi ích của người dân và dân tộc Việt Nam. Muốn chữa “căn bệnh” này, chỉ có một thứ thuốc đặc hiệu là từ bỏ chủ nghĩa cá nhân, rũ bỏ những thành kiến, những ác cảm bởi những nhận thức sai lầm về chủ nghĩa Mác - Lênin, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Nói cách khác, chừng nào còn “theo đuôi” giai cấp tư sản, nói theo, ăn theo, bênh vực và bảo vệ chủ nghĩa tư bản, quay lưng và phản bội dân tộc thì chừng ấy, những người “bồi bút” cho giai cấp tư sản, có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta cũng chỉ là “diễn viên đeo mặt nạ”, làm hề kiếm tiền trên sân khấu, mua vui cho giai cấp tư sản. Nghị quyết Đại hội XIII đã triển khai; sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhân dân ta vẫn tiếp tục, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội không thể đổi khác, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Trong cuộc đấu tranh sinh tử vì chủ nghĩa xã hội thì cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận của Đảng chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển lý luận về đổi mới đất nước, về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta phải đồng thời gắn với cuộc đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, bệnh cá nhân chủ nghĩa, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, lãng phí... Bởi vì, căn bệnh này đẻ ra tất cả mọi tính hư, tật xấu như lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Và chính căn bệnh này không chỉ gây nguy hại, làm thoái hóa, biến chất con người và tổ chức, làm cho Đảng ta suy yếu, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng mà còn dẫn đến tình trạng khinh thường, nhờn lý luận, phai nhạt lý tưởng, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chà đạp lên chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Có thể khẳng định rằng, người mắc “căn bệnh chủ nghĩa cá nhân” cũng có nghĩa là đã bước ra khỏi đội ngũ của những người cộng sản, bị tha hóa, biến chất, phản bội lại sự nghiệp của Đảng, của Nhân dân ta. Chính những người này là đối tượng bị lôi kéo, quyến rũ của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong thực hiện mưu đồ chống lại sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Đồng thời, với quá trình đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, chống chủ nghĩa cá nhân, Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cần đổi mới công tác giáo dục pháp luật và đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Bởi vì, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân được ấm no, tự do, hạnh phúc, được học hành tiến bộ, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và đạt được mục tiêu đó còn dài lâu. Để thực hiện mục tiêu, lý tưởng đó, xã hội ta cần xác lập cho được ý thức đạo đức cộng sản chủ nghĩa: “mình vì mọi người và mọi người vì mình”. Đúng như điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa phải là người cách mạng, "người cách mạng phải có đạo đức cách mạng". Đây là điều mấu chốt, mang ý nghĩa quyết định thắng lợi sự nghiệp đổi mới, sự thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Con đường, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội do Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta lựa chọn từ đầu thế kỷ XX đã được triển khai và thực hiện trên đất nước Việt Nam yêu dấu. Chúng ta tự hào vì có Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Nhân dân ta anh hùng, đã kế thừa và tô thắm thêm lịch sử truyền thống vẻ vang, bách chiến, bách thắng của ông cha ta để tự tin, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Là một nước đất không rộng, người không đông, đời sống vật chất chưa thật giàu sang, sản xuất xã hội chưa thật phát triển, song dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã làm nên những chiến công hiển hách, đã ghi những mốc son chói lọi vào trang sử vàng của dân tộc, đã khắc ghi dấu ấn vào thời đại mới là một dân tộc đã đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ là Pháp và Mỹ; đã đưa công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thành công, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội của Nhân dân thế giới, vì sự nghiệp đấu tranh gìn giữ hòa bình và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thời gian tiếp tục trôi đi, cuộc sống sẽ có nhiều đổi thay, Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trước sau như một, đều nhất quán, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, nhất định chúng ta sẽ hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định. Suy ngẫm về bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cảm nhận từ thực tế những thành tựu đã đạt được trong thế kỷ XX và hơn 20 năm đầu thế kỷ XXI, chúng ta tin tưởng rằng sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nhất định sẽ thành công, uy tín, vị thế của nước ta sẽ tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế./.

Thiếu tướng, PGS TS NGND Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện KHXH&NVQS, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam

Ngày phát hành: 13/04/2021 Lượt xem 49809

1. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam được thể hiện xuyên suốt trong các tác phẩm của Người, từ Đường cách mệnh đến Chánh cương vắn tắt và những bài viết sau này. Đó là tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc; xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tức là, cách mạng nước ta sẽ trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin trong các tác phẩm kinh điển đã dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề dân tộc và độc lập dân tộc; chỉ rõ con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc. V.I.Lênin đã phát triển luận điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen "vô sản toàn thế giới liên hiệp lại" thành "vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại", trở thành khẩu hiệu của phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của các nước bị áp bức trên toàn thế giới.

Hồ Chí Minh đã khẳng định tư tưởng về dân tộc và giải phóng dân tộc là một trong những vấn đề bản chất nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin. Hồ Chí Minh đã nêu rõ mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa, đặt nền tảng cho sự quá độ từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Độc lập dân tộc là quyền tự chủ, tự quyết của một dân tộc, quốc gia trong việc tổ chức các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… trong phạm vi lãnh thổ của mình, không chịu sự tác động, ép buộc, chi phối, thao túng của nước ngoài. Độc lập dân tộc phải trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng trong quan hệ quốc tế, được luật pháp quốc tế thừa nhận và trên thực tế phải được khẳng định. Độc lập dân tộc là thành quả của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đối với Việt Nam, độc lập dân tộc không chỉ dừng lại ở độc lập dân tộc dưới chế độ phong kiến, vì vị trí của người lao động vẫn không thay đổi. Độc lập dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một nền độc lập thật sự. Người nhấn mạnh: phải đấu tranh giành cho được độc lập thật sự, độc lập hoàn toàn, chứ không phải là thứ "độc lập giả hiệu", "độc lập nửa vời", "độc lập hình thức". Người đã kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới để giành độc lập thật sự cho dân tộc, cho đất nước. Tư tưởng độc lập dân tộc của Hồ Chí Minh bao giờ cũng gắn với tự do, dân chủ và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân lao động; gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng đó đã trở thành mục tiêu của cách mạng, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đã xây dựng học thuyết về chủ nghĩa xã hội. Học thuyết này đề cao các giá trị độc lập dân tộc; khẳng định chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của độc lập dân tộc. Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin vào vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam. Người chỉ rõ: tiến lên chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, là bước phát triển tất yếu, khách quan ở Việt Nam sau khi đã giành được độc lập dân tộc. Người viết: "Chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân sung sướng, ấm no"[1]; "chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân được ấm no, hạnh phúc và học hành tiến bộ"[2].

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không chỉ là mục tiêu, lý tưởng mà còn là động lực của cách mạng Việt Nam, Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nguyên tắc chỉ đạo tiến trình cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta kiên định, quán triệt trong Cương lĩnh, đường lối, chủ trương; Nhà nước thể hiện nguyên tắc này trong chính sách, pháp luật. Toàn thể hệ thống chính trị, mọi cán bộ, đảng viên phải nắm vững và thực hiện đúng nguyên tắc, mục tiêu này. Đây là lý tưởng, định hướng chiến lược của Đảng, tâm nguyện của nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cao cả của độc lập dân tộc, độc lập dân tộc là điều kiện then chốt để bảo đảm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, có học hành, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân; dân chủ được mở rộng, người dân thực sự trở thành chủ nhân của đất nước mình.

2. Mối liên hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai chặng đường nối tiếp nhau của một tiến trình cách mạng. Hay nói cách khác, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai mục tiêu cụ thể của hai cuộc cách mạng trong đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, độc lập dân tộc là mục tiêu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân. Đây là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng dân tộc, dân chủ, làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu khác, như quyền lực chính trị, dân chủ, vấn đề ruộng đất, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí… xây dựng một thể chế chính trị do dân làm chủ, xây dựng nền dân chủ nhân dân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội…. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là giai đoạn tiếp theo của tiến trình cách mạng Việt Nam, sau khi kết thúc giai đoạn trước là cách mạng dân tộc, dân chủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ mối liên hệ biện chứng giữa đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng này là cơ sở quá độ từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chính cách mạng xã hội chủ nghĩa đã kế thừa, khẳng định và bảo đảm vững chắc thành quả của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Sự phát triển này là quy luật tất yếu của lịch sử. Các giai đoạn của tiến trình cách mạng là những bước đi không thể tách rời nhau dù mỗi giai đoạn có những mục tiêu cụ thể riêng.

Quá trình phát triển nhận thức của Đảng và thực tiễn cách mạng nước ta là minh chứng lịch sử cho mối liên hệ biện chứng trên:

Giai đoạn 1930 - 1945: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thông qua cương lĩnh vắn tắt, sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Trong đó, Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố sẽ làm cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng ruộng đất, đấu tranh xây dựng một xã hội tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, phổ cập giáo dục. Đảng xác định mục tiêu đánh đổ thực dân Pháp và chế độ phong kiến, lấy ruộng đất chia cho dân nghèo.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 20 triệu nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đỉnh cao là cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chấm dứt chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm, chấm dứt sự đô hộ của thực dân Pháp sau gần một thế kỷ. Thắng lợi vĩ đại này của dân tộc Việt Nam đã đưa nước ta bước sang một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Giai đoạn 1945 - 1954: Đảng lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Mục tiêu của giai đoạn này là tiến hành thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, cụ thể hóa tư tưởng của Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu này mới đạt được ở miền Bắc. Sau hiệp định Giơnevơ [20/7/1954] nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Sau khi hòa bình lập lại, miền Bắc tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, trở thành hậu phương lớn cho cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam. Đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn này là hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam.

Giai đoạn 1954 - 1975: cả nước dốc lòng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc đã khơi dậy truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha, truyền thống chiến thắng giặc ngoại xâm của dân tộc. Cả nước xuống đường, cả nước hướng về miền Nam ruột thịt theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta "Tất cả cho tiền tuyến". Lịch sử Việt Nam chưa lúc nào được chứng kiến sự kết hợp giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi, quy mô lớn như thời điểm này của cách mạng. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước - kỷ nguyên của độc lập, tự do, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.

Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thách thức to lớn: đất nước bị chiến tranh tàn phá; Mỹ và phương Tây tiến hành bao vây, cô lập, cấm vận Việt Nam; các thế lực phản động quốc tế phát động kiểu "chiến tranh phá hoại nhiều mặt"chống phá Việt Nam; nền kinh tế nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kéo dài nhiều năm. Sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng [1986] đã từng bước hồi sinh đất nước về mọi mặt. Trước những bối cảnh mới của tình hình, Đảng ta luôn xác định phải giương cao ngọn cờ "Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội". Công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một chủ trương chiến lược đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; tạo điều kiện, tiền đề cho chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta vẫn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong mối liên hệ gắn kết biện chứng.

3. Nhận diện quan điểm sai trái, thù địch về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Trong âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch phản động, cơ hội chính trị và các phần tử chống chủ nghĩa xã hội luôn tìm mọi cách phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng đưa ra luận điệu: Ở Việt Nam không thể có độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nội dung tập trung vào những lập luận sau:

Thứ nhất, ở một nước như Việt Nam, nhất là đã trải qua hàng ngàn năm bị đô hộ bởi ngoại bang và chế độ phong kiến, sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc, thực hiện chế độ dân chủ nhân dân là phù hợp, không cần tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai phạm trù độc lập, tồn tại ở các thời kỳ khác nhau, ở các quốc gia có định hướng chính trị khác nhau, không có mối liên hệ gắn kết. Đồng thời, phải thực hiện xong độc lập dân tộc, sau đó trải qua một thời kỳ "trung gian" quá độ từ độc lập dân tộc lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Việt Nam không thể có độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Việc Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam xác định độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội và cho đó là một tất yếu, khách quan của lịch sử dân tộc Việt Nam là một sự gán ghép khiên cưỡng, bắt chước rập khuôn, máy móc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây.

Thứ ba, học thuyết của Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời, trên thực tế đã cáo chung sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới tồn tại được 70 năm đã tan rã, sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Sai lầm của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam là vận dụng học thuyết về chủ nghĩa xã hội vào Việt Nam. Vì vậy, kết cục Việt Nam sẽ cùng chung số phận như Liên Xô và Đông Âu. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện hiện nay thực chất là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, không có chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và cũng không thể có độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội như Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định.

Những lập luận trên đây hoàn toàn mang tính mặc cảm, áp đặt, không có căn cứ thực tiễn và khoa học, nằm trong mưu đồ chiến lược chống chủ nghĩa xã hội của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.

4. Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch

Luận điệu của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị và các phần tử chống chủ nghĩa xã hội ít nhiều đã tác động vào các giai tầng xã hội, làm xuất hiện sự hoài nghi trong nhận thức của những người non kém về chính trị, những người có thái độ mặc cảm với chế độ xã hội chủ nghĩa. Vấn đề đặt ra là phải chủ động đấu tranh vạch rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; nâng cao cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; vô hiệu hóa luận điệu của chúng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Để có cơ sở đấu tranh, cần xây dựng luận cứ cho cuộc đấu tranh này.

Thứ nhất, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của lịch sử dân tộc, là chiến lược, bước đi của cách mạng Việt Nam.

Học thuyết C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin về chủ nghĩa xã hội luôn đề cao các giá trị của độc lập dân tộc, khẳng định chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của độc lập dân tộc. Học thuyết đồng thời chỉ ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong việc thành lập Đảng chính trị và vai trò của Đảng trong lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đập tan xiềng xích, áp bức, bóc lột của giai cấp thống trị, giành độc lập dân tộc, tạo tiền đề cho con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Học thuyết về chủ nghĩa xã hội của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho giai cấp vô sản toàn thế giới.

Đối với Việt Nam, các sĩ phu yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đều hướng các phong trào cách mạng vào mục tiêu giành độc lập dân tộc, nhưng cuối cùng đều thất bại do sai lầm về chủ trương, đường hướng cách mạng, không gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, tức là làm cách mạng nửa vời. Khác với các chí sĩ cách mạng, sĩ phu yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước đã sớm tìm đến học thuyết Mác - Lênin, đứng trên lập trường của giai cấp vô sản để xác định phương hướng, đường lối cho cách mạng Việt Nam, đó là kết hợp cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định cách mạng Việt nam không thể dừng lại ở đôc lập dân tộc; đồng thời chỉ rõ mối quan hệ giữa độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã tìm ra con đường đúng đắn dựa trên học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng [2-1930] đã xác định mục tiêu của cách mạng nước ta là giành độc lập cho dân tộc để đi tới xã hội cộng sản, gắn tinh thần độc lập, tự chủ, tự tôn dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã là sự lựa chọn tất yếu, khách quan của lịch sử nước nhà, là đường lối, bước đi chiến lược của Đảng ta từ khi mới thành lập.

Thứ hai, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là định hướng chính trị, mục tiêu xuyên suốt của tiến trình cách mạng Việt Nam.

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã đi qua những giai đoạn đầy cam go trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và kháng chiến chống ngoại xâm. Tiến trình đó được phân kỳ lịch sử theo bốn giai đoạn: [1] Giai đoạn đấu tranh giành chính quyền [1930-1945]; [2] Giai đoạn vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, tiến trình kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi [1945-1954]; [3] Giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi [1954-1975]; [4] Giai đoạn cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội [1975 đến nay].

Trong suốt các chặng đường lịch sử của cách mạng Việt Nam, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã trở thành nội dung cốt lõi, xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó thể hiện sự nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Đảng, là ngọn cờ cách mạng mà Đảng ta luôn giương cao. Đây là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam trong từng giai đoạn cách mạng. Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam đã được thể hiện rõ trong các cương lĩnh, văn kiện Đại hội Đảng. Đường lối của Đảng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã được cụ thể hóa trong chính sách, thể chế hóa thành pháp luật của Nhà nước; được quán triệt vận dụng trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Ngày nay, quan điểm, mục tiêu đó được Đảng ta khẳng định trong đường lối đổi mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong giai đoạn mới là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Thứ ba, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội có mối liên hệ biện chứng, trở thành động lực, nguồn sức mạnh của cách mạng Việt Nam trong mỗi giai đoạn lịch sử.

Dân tộc Việt Nam đã sống dưới ách đô hộ của phong kiến, thực dân, đế quốc hàng ngàn năm, luôn khát vọng độc lập dân tộc. Khát vọng đó tập hợp được lực lượng, đoàn kết được các giai tầng xã hội, trở thành động lực cách mạng, tạo nên sức mạnh vô biên đánh thắng mọi loại kẻ thù, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi đã đem lại cho mọi người dân cơm no, áo ấm, hạnh phúc, ai cũng được học hành. Khi độc lập dân tộc được gắn liền với chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp thêm luồng sinh khí mới cho tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc, cho động lực và sức mạnh của cách mạng Việt Nam trong mỗi giai đoạn lịch sử. Bởi lẽ, độc lập dân tộc là tiền đề, là nền tảng và điều kiện tiên quyết để đi lên chủ nghĩa xã hội; ngược lại, chủ nghĩa xã hội là điều kiện bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc đạt được những chân giá trị đích thực của nó, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Phải đấu tranh giành cho được độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn chứ không phải là thứ "độc lập giả hiệu"; "độc lập nửa vời"; "độc lập hình thức". Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, tư tưởng, nguyên tắc để Đảng định hướng, chỉ đạo, dẫn dắt tiến trình cách mạng Việt Nam ngay từ những đêm dài tăm tối của lịch sử dân tộc cho đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Mối liên hệ biện chứng không thể tách rời giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã được Đảng ta luôn luôn khẳng định trong các cương lĩnh, văn kiện, nghị quyết thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng và trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã được Đảng ta từng bước hoàn thiện cả trong tư duy, lý luận và thực tiễn cách mạng; cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức, mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đều quán triệt vận dụng, thực hiện trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội luôn được Đảng ta giương cao. Đó là lập trường, quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, đạo đức cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đã kết tinh thành sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí quật cường dân tộc, làm nên sức mạnh, động lực của cách mạng Việt Nam trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước hơn 90 năm qua.

Thứ tư, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là phù hợp với ý Đảng, lòng dân.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Nguyễn Trãi đã từng khẳng định: "Đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng là dân", lấy dân làm gốc là hòn đá tảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người sớm nhận ra vai trò to lớn của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng và xác định mọi tiến trình cách mạng của dân tộc phải là của dân, do dân tiến hành và mưu cầu hạnh phúc cho dân. Song, Hồ Chí Minh cũng khẳng định sự nghiệp cách mạng của quần chúng muốn giành thắng lợi phải do Đảng cộng sản - Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lãnh đạo. Người đã sớm chỉ rằng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Để Đảng vững được "phải có chủ nghĩa làm cốt", "Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ Nam"[3]. Người rút ra kết luận: cách mạng Việt Nam muốn thành công phải đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời "phải làm cho dân giác ngộ". Dân phải được tổ chức và được lãnh đạo thì mới trở thành lực lượng to lớn, mới là chủ, là gốc cách mạng được.

Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn lấy học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội làm kim chỉ Nam cho nhận thức và hành động; đồng thời tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, giác ngộ để quần chúng nhân dân hiểu rõ và hành động theo mục tiêu, lý tưởng đó. Đảng đã vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh giành chính quyền, hoàn thành sự nghiệp độc lập dân tộc, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Lịch sử ra đời, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức cho thấy rõ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và quần chúng nhân dân. Dân tin Đảng, theo Đảng, thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà nền tảng của mọi chủ trương, chính sách là vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Điều đó cho thấy sự nhất quán trong tư duy, nhận thức và hành động của Đảng và nhân dân. Cơ sở của sự nhất quán thống nhất đó là tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của nhân dân trong tiến trình cách mạng; về cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vừa là mục tiêu, tư tưởng; vừa là nguyên tắc để mang lại độc lập dân tộc, dân chủ, giải quyết vấn đề quyền lực chính trị thuộc về nhân dân, vấn đề ruộng đất, đời sống ấm no hạnh phúc, nâng cao dân trí…Đây là tâm nguyện của ý Đảng, lòng dân.

Thứ năm, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là tâm điểm của phong trào công nhân và phong trào cộng sản quốc tế mà Việt Nam được tôn vinh là ngọn cờ đầu.

C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin xây dựng học thuyết về chủ nghĩa xã hội, trong đó đề cao các giá trị độc lập dân tộc, phù hợp với khát vọng của giai cấp vô sản và nhân dân lao động bị áp bức trên toàn thế giới. Chủ nghĩa xã hội chính là mục tiêu hướng tới của độc lập dân tộc, là bó đuốc dẫn đường cho phong trào công nhân, phong trào cộng sản thế giới trong đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sớm tìm đến, giác ngộ và vận dụng học thuyết Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng như trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, oanh liệt của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay là những minh chứng hùng hồn cho thắng lợi của đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đã nêu gương cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Nhiều phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước châu Phi, châu Mỹ - La-tinh, châu Á, châu Âu đều lấy Việt Nam làm tấm gương, bài học lịch sử để noi theo. Với mục tiêu và thắng lợi của đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã thực sự trở thành điểm sáng, là ngọn cờ đầu trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân loại tiến bộ. Nhiều nước đã giành được độc lập dân tộc, lựa chọn con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội đang tạm thời lâm vào khủng hoảng, Đảng ta vẫn kiên định đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn, càng khẳng định đường lối của Đảng ta là đúng đắn. Vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Đó là thắng lợi của đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây đồng thời là đóng góp to lớn, có hiệu quả nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với chủ nghĩa xã hội và phong trào cộng sản quốc tế trong thời đại mới./.

Thiếu tướng, GS.TS Bùi Quảng Bạ[4]

Thiếu tá, TS Trần Thị Thúy Hà[5]


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 10, tr. 64.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 10, tr. 97.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 12, tr. 267.

[4] Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Chiến lược Công an

[5] Giảng viên, Khoa Triết học & CNXHKH, Học viện Chính trị Công an nhân dân

Video liên quan

Chủ Đề