Quy định về lãi suất cho vay của Ngân hàng thương mại

02[81]/2014

Mục lục

  • 1.Nhận thấy
  • 2.Bình luận
  • 3.Tài liệu tham khảo

XỬ LÝ TRƯỜNG HỢP MỨC LÃI CHO VAY THEO THỎA THUẬN CAO HƠN MỨC LÃI THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

PGS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI*, THS LÊ THỊ DIỄM PHƯƠNG**

02[81]/2014 - 2014, Trang 67-73

Ngày đăng:

  • Trích dẫn
  • Share

    • Twitter
    • Facebook
    • Zalo

TÓM TẮT

Bộ luật Dân sự quy định “lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng” nhưng không cho biết hướng xử lý hậu quả khi các bên thỏa thuận vượt qua mức cho phép. Bài bình luận cho thấy hướng xử lý và tính thuyết phục của hướng xử lý mà Tòa giám đốc thẩm định hướng cho Tòa án địa phương.


ABSTRACT:

The Civil Code provides that “the lending interest rate shall be agreed upon by the parties, but must not exceed 150% of the basic interest rate announced by the State Bank for loans of the corresponding type”, however, the Civil Code has no provision on how to deal with the consequences when parties agree the lending interest rate excess the statutory rate. This paper is to discuss about decisions that made by the Supreme People’s Court in dealing with rate excess loans and showing the local People’s Court in handling similar cases.

TỪ KHÓA: không có,

KEYWORDS: no,

Trích dẫn:

×

PGS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI*, THS LÊ THỊ DIỄM PHƯƠNG**, XỬ LÝ TRƯỜNG HỢP MỨC LÃI CHO VAY THEO THỎA THUẬN CAO HƠN MỨC LÃI THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 02[81]/2014, Trang 67-73

//tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=aada41c6-afa4-483d-ac02-03c5b6e1382a

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

Quyết định số 350/2013/DS-GĐT ngày 23/8/2013 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao

NHẬN THẤY

Tại Quyết định số 161/2013/KN-GĐT-DS ngày 05/5/2013, Chánh án TANDTC đã kháng nghị […]với nhận định:“[…].Về khoản tiền lãi, theo quy định tại khoản 5 Điều 474 Bộ luật dân sự năm 2005 thì nếu có cơ sở xác định bà Hồng có vay 4.000.000.000đ của bà Khánh với mức lãi thỏa thuận 1,5%/tháng, khi tranh chấp bà Hồng chưa trả lãi thì mức lãi suất chỉ giải quyết theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng thời hạn vay tại thời điểm trả nợ, tức là thời điểm xét xử sơ thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định tại thời điểm xét xử là 0,68%/tháng, nhưng lại buộc bà Hồng trả lãi là 1,02%/tháng là không đúng”.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện VKSNDTC chấp nhận quyết định kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY

Giấy mượn tiền ghi ngày 11/7/2006 mà bà Khánh nộp tại Tòa án để làm căn cứ khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết có nội dung: bà Hồng có mượn của bà Khánh số tiền 4.000.000.000đ để chuyển mục đích sử dụng đất tại An Phước, lãi suất 1,5%/tháng, thời gian vay 12 tháng từ ngày 11/7/2006 đến 11/7/2007 chỉ là bản photocopy có chứng thực của UBND phường, khi giải quyết vụ án Tòa án các cấp ở tỉnh Lâm Đồng cần phải yêu cầu bà Khánh cung cấp bản gốc giấy tờ trên để đối chiếu bản sao có đúng với bản chính không nhưng các cấp Tòa án ở tỉnh Lâm Đồng đã không thực hiện. Vì đây là căn cứ để Tòa án chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Theo Giấy mượn tiền đề ngày 11/7/2006 thì các bên thỏa thuận thời hạn vay là 1 năm [từ 11/7/2006 đến 11/7/2007] với lãi suất là 1,5%/tháng nhưng chưa thực hiện, khi giải quyết vụ án Tòa án các cấp ở tỉnh Lâm Đồng lại áp dụng mức lãi bằng 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố để tính tiền lãi là không đúng quy định tại khoản 5 Điều 474 Bộ luật dân sự.

Do đó, Quyết định kháng nghị của Chánh án TANDTC là có căn cứ. Hội đồng giám đốc thẩm Tòa dân sự TANDTC chấp nhận kháng nghị và đề nghị của đại diện VKSNDTC tại phiên tòa là hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm và hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 2 Điều 291, khoản 3 Điều 297, Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự.

QUYẾT ĐỊNH

Hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 95/2010/DS-PT ngày 17/6/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2010/DS-ST ngày 16/4/2010 của Tòa án nhân dân TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.Quyết định số 295/2013/DS-GĐT ngày 04/7/2013 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao

XÉT THẤY

Trên cơ sở tài liệu có trong hồ sơ và lời khai của các bên đương sự, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xác định: Trong hai năm 2007 và năm 2008, bà Hương đã nhiều lần vay tiền và cà phê nhân xô của bà Liên, đồng thời bà Hương cũng đã nhiều lần trả cho bà Liên tiền gốc và tiền lãi. Trong hồ sơ vụ án có nhiều tài liệu viết tay, thể hiện việc vay và trả nợ của hai bên tại nhiều thời điểm khác nhau. Tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm, hai bên xác định bà Hương còn nợ là Liên 03 khoản tiền với tổng số tiền là 227.000.000đ và 400kg cà phê nhân xô.

Lãi suất tiền vay không được các bên ghi vào giấy vay tiền, nguyên đơn khai khi cho vay hai bên thỏa thuận lãi suất 3%/tháng, còn bị đơn lại khai là 9%/tháng. Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả nợ lãi theo lãi suất 1,5%/tháng. Cho dù các bên có thỏa thuận lãi suất là 3%/tháng, 9%/tháng hay 1,5%/tháng theo yêu cầu của nguyên đơn đều cao hơn mức lãi suất 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước quy định tại thời điểm thanh toán. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều công nhận và quyết định mức lãi suất theo yêu cầu của nguyên đơn là không đúng.

Nguyên đơn công nhận bị đơn đã trả lãi đến ngày 31/12/2008 đối với hai khoản vay 60 triệu đồng và 62 triệu đồng, đã trả lãi đến ngày 12/12/2008 đối với khoản vay 105 triệu đồng. Bị đơn cho rằng đã trả lãi cho nguyên đơn hai đợt [từ ngày 10/5/2008 đến ngày 12/12/2008 và từ ngày 01/1/2009 đến 02/6/2009]. Các chứng cứ bị đơn xuất trình cần xem xét có đúng chữ của nguyên đơn [bà Liên] viết khi thanh toán lãi hay không? [cần thiết thì phải giám định]. Hai cấp tòa án cho rằng giấy thanh toán lãi không có chữ ký của hai bên nên không chấp nhận là chưa đúng.

Biên bản đối chất ngày 15/3/2010 bà Liên thừa nhận “hai tờ giấy chị Hương cung cấp việc tính lãi từ ngày 10/5/2008 đến ngày 12/12/2008 là do chị [Liên] viết ra, nhưng việc trả lãi là chị [Liên] chở chị Hương đi trả lãi cho những người mà chị [Liên] vay giúp chị Hương. Chị [Liên] không nhận lại khoản tiền lãi này”. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ xem có hay không có việc bà Hương đã trả lãi cho bà Liên hay trả lãi cho người nào khác. Trong trường hợp bị đơn đã trả lãi cho nguyên đơn, thì số tiền lãi đó lớn hơn so với tiền lãi áp dụng mức lãi suất theo quy định của pháp luật là bao nhiêu, từ đó đối trừ số tiền lãi chênh lệch vào khoản tiền nợ gốc tại thời điểm thanh toán lãi. Việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc bị đơn phải trả nợ gốc 227.000.000đ và tiền lãi 31.040.500đ cho nguyên đơn trong khi chưa xem xét điều chỉnh lại tiền lãi theo quy định của pháp luật là không đúng.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ vào khoản 2 Điều 291, khoản 3 Điều 297, Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.

QUYẾT ĐỊNH

Hủy bản án dân sự phúc thẩm […], hủy bản án dân sự sơ thẩm […].

Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Krông Păc, tỉnh Đăk Lawkxét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

BÌNH LUẬN

1. Dẫn nhập.“Lãi suất là nội dung quan trọng trong hợp đồng cho vay có đền bù hay hợp đồng cho vay có lấy lãi”[1].

Vay có lãi đã được chấp nhận từ lâu ở Việt Nam nhưng mức lãi thỏa thuận bị giới hạn. Thực ra, cũng từ rất lâu, các nhà lập pháp Việt Nam đã đưa ra quy định giới hạn mức lãi suất mà các bên thỏa thuận. Chẳng hạn, theo Điều 587 Bộ luật Hồng Đức: “Cho vay nợ hay cầm đồ vật mỗi tháng được lấy tiền lãi mỗi quan là 15 đồng kẽm; dù lâu bao nhiêu năm cũng không được tính quá một gốc một lãi; trái luật thì xử biếm một tư, mà mất tiền lãi. Nếu tính gồm lãi vào làm gốc, rồi bắt làm văn tự khác, thì xử tội nặng hơn một bậc”. Tương tự, theo Điều 638 của Bộ luật vừa nêu: “Các quan cai quản quân dân, cùng những nhà quyền quý mà sách nhiễu, vay mượn của cải đồ vật của dân trong hạt, thì phải khép vào tội làm trái pháp luật và phải hoàn lại tài vật cho dân. Nếu đem của cải, đồ vật của mình cho dân vay mượn để lấy giá cao hay lãi nặng thì cũng phải tội như thế, những của cải đồ vật ấy phải tịch thu sung công”. Ngày nay giới hạn của việc thỏa thuận lãi được quy định trong Bộ luật Dân sự. Cụ thể, theo Bộ luật Dân sự năm 2005, “lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng” [khoản 1 Điều 476].

Từ quy định trên có khá nhiều vấn đề cần phải bàn luận[2]nhưng, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào vấn đề xử lý những trường hợp các bên thỏa thuận mức lãi quá cao so với quy định nêu trên và hai quyết định được bình luận ở đây rất đáng quan tâm.

I. Tính lại lãi suất các bênđã thỏa thuận

2. Yêu cầu tính lại lãi suất. Việc cấm cho vay nặng lãi tồn tại trong khá nhiều hệ thống luật và không hiếm hệ thống có những chế tài mạnh cho trường lãi thỏa thuận vượt quá mức cho phép. Chẳng hạn, theo Luật cho vay nặng lãi bang Florida [Mỹ], hậu quả của một khoản vay nặng lãi sẽ rất nghiêm trọng. Thứ nhất, khoản vay có thể không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần. Nếu một khoản vay được coi là nặng lãi, bên cho vay bị mất tất cả khoản lãi đã được tính. Đối với trường hợp cho vay nặng lãi vi phạm pháp luật hình sự, bên cho vay có thể vừa bị mất khoản lãi suất đối với khoản vay cũng như toàn bộ nợ gốc sẽ không thể đòi lại. Thứ hai, đối với khoản vay nặng lãi, bên cho vay có thể chịu trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho bên vay với số tiền gấp đôi số tiền lãi mà bên cho vay đã nhận. Thứ ba, đối với trường hợp cho vay nặng lãi, người cho vay có thể chịu trách nhiệm trả phí luật sư cho người vay[3]. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật California [Mỹ] về cho vay nặng lãi,người cho vay nặng lãi sẽ chịu trách nhiệm dân sự nghiêm trọng như: bị tịch thu để trả lại cho người vay tất cả khoản lãi suất của khoản vay, gồm cả khoản lãi vượt quá, đồng thời trả lại cho người vay gấp ba lần số tiền lãi vượt quá đã thu được trong năm [tùy vào quyết định của Tòa án][4].

Bộ luật Dân sự của chúng ta quy định các bên trong hợp đồng vay không được thỏa thuận mức lãi quá cao so với quy định nhưng lại không cho biết hướng xử lý đối với trường hợp các bên thỏa thuận vượt quá mức cho phép. Trước đây, Bộ luật Dân sự năm 1995 cũng đưa ra giới hạn và cũng không đưa ra hướng xử lý trong trường hợp các bên thỏa thuận vượt quá mức cho phép. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản, “số tiền lãi đã trả cũng phải được giải quyết lại, nếu mức lãi suất mà các bên thỏa thuận cao hơn mức lãi suất được quy định”. Trong hai vụ việc được bình luận, hợp đồng vay được xác lập sau khi có Bộ luật Dân sự năm 2005 và Tòa án đã áp dụng Bộ luật Dân sự này trong khi đó chúng ta đã thấy Bộ luật mới không cho biết hướng xử lý đối với trường hợp lãi theo thỏa thuận vượt quá mức cho phép. Mặc dù vậy, Tòa giám đốc thẩm theo hướng của Thông tư trên và buộc tính lại lãi suất mà các bên đã thỏa thuận. Trong vụ việc thứ hai, Tòa giám đốc thẩm đã khẳng định “việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc bị đơn phải trả nợ gốc 227.000.000đ và tiền lãi 31.040.500đ cho nguyên đơn trong khi chưa xem xét điều chỉnh lại tiền lãi theo quy định của pháp luật là không đúng”.

Trong vụ việc thứ hai, Tòa giám đốc thẩm còn nhấn mạnh rằng nếu Tòa án vẫn chấp nhận mức lãi thỏa thuận [tức không tính lại lãi suất đã thỏa thuận] là không đúng pháp luật. Cụ thể, theo Tòa giám đốc thẩm, “cho dù các bên có thỏa thuận lãi suất là 3%/tháng, 9%/tháng hay 1,5%/tháng theo yêu cầu của nguyên đơn đều cao hơn mức lãi suất 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước quy định tại thời điểm thanh toán. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều công nhận và quyết định mức lãi suất theo yêu cầu của nguyên đơn là không đúng”.

3. Không tính mức lãi bằng 150% lãi cơ bản. Như vậy, khi mức lãi suất vượt quá mức cho phép, hợp đồng vay không bị vô hiệu[5]vàchỉ cólãisuất bị ảnh hưởng [phảiđược tính lại]. Vấn đề tiếp theo là chúng ta tính lại lãi suất theo mức lãi suất nào?

Trước đây, trước việc Bộ luật Dânsự năm 1995 không cóđịnh về chủ đề này, Thông tư liêntịch trênđãtheo hướng“buộc bên vay phải trả lãi bằng 150% mức lãi suất cao nhất do Ngân hàng nhà nước quy định đối với loại vay tương ứng[6]. Trong vụ việc thứ nhất được bình luận, hợp đồng vay chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự năm 2005 và Tòa án địa phương đã theo hướng của Thông tư liên tịch vì “khi giải quyết vụ án Tòa án các cấp ở tỉnh Lâm Đồng lại áp dụng mức lãi bằng 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố để tính tiền lãi”. Tuy nhiên, hướng tính lại lãi bằng 150% của lãi suất cơ bản [tức lãi suất bằng mức tối đa pháp luật cho phép tại khoản 1 Điều 476] đã không được Chánh án cũng như Tòa giám đốc thẩm Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận.

Cụ thể, theo Chánh án [được Viện kiểm sát nhân dân tối cao đồng thuận], “Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định tại thời điểm xét xử là 0,68%/tháng, nhưng lại buộc bà Hồng trả lãi là 1,02%/tháng là không đúng”. Về phía mình, Tòa giám đốc thẩm cho rằng “khi giải quyết vụ án Tòa án các cấp ở tỉnh Lâm Đồng lại áp dụng mức lãi bằng 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố để tính tiền lãi là không đúng”.

4. Không tính mức lãi bằng 150% lãi cơ bản [tiếp]. Theo chúng tôi, hướng giải quyết của Thông tư liên tịch và của Tòa án địa phương trong vụ việc thứ nhất nêu trên là không thuyết phục.

Thực ra, từ rất lâu chúng tôi đã cho rằng hướng xác định lại lãi suất bằng 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố là không thuyết phục [và cần thay thế bằng mức lãi khác]. Chẳng hạn, trong lần xuất bản năm 2011, chúng tôi đã cho rằng “nếu chế tài là 150% lãi suất của Ngân hàng thì bên cho vay không ngại ngần ép buộc bên vay khoản lãi cao hơn, ví dụ là 300% lãi suất của Ngân hàng, vì nếu ra Tòa thì Tòa án cũng chỉ giảm xuống 150% lãi suất của Ngân hàng. Nếu chúng ta áp dụng chế tài là lãi suất thấp nhất của Ngân hàng thì khi cho vay bên cho vay sẽ phải suy nghĩ, đắn đo hơn vì nếu cho vay cao quá thì họ chỉ có thể được nhận lãi suất thấp nhất của Ngân hàng. Vì vậy để tránh bị áp dụng chế tài bất lợi này, họ sẽ không cho vay với lãi suất cao hơn 150% lãi suất của Ngân hàng. Nói cách khác, giải pháp này có nhiều tính răn đe, đề phòng và sẽ hiệu quả hơn giải pháp nêu trên trong Thông tư hay thực tiễn xét xử như trong vụ việc thứ hai được bình luận. Giải pháp áp dụng 150% lãi suất của Ngân hàng không tạo ra sự bình đẳng, không khuyến khích tôn trọng pháp luật. Để hiểu thêm, xin dẫn một ví dụ: A và B đều cho C vay tiền có lãi suất. A và B đều biết pháp luật không cho phép vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước A có ý thức tôn trọng pháp luật nên chỉ tính lãi là 145% lãi suất cơ bản. B không có ý thức tôn trọng nên buộc C phải chịu 200% lãi suất cơ bản. Khi xảy ra tranh chấp, áp dụng giải pháp như Thông tư trên, chúng ta cho phép B yêu cầu lãi suất 150% lãi suất cơ bản và phải tính lại lãi đã trả còn chỉ cho phép A được quyền yêu cầu 145% lãi suất cơ bản như thỏa thuận. Như vậy, một người không có ý thức tôn trọng pháp luật thì được pháp luật cho phép hưởng lợi hơn người có ý thức tôn trọng pháp luật. Sự bất công bằng này là rất khó được chấp nhận[7].

Ở góc độ nghiên cứu so sánh, hướng giải quyết như trên của Thông tư liên tịch cũng như của Tòa án địa phương cũng không thuyết phục. Chẳng hạn, theo khoản 2 Điều 1815 Bộ luật Dân sự Ý về lãi suất cho vay quy định “nếu các bên đã thỏa thuận một mức lãi quá cao, thỏa thuận này vô hiệu và lãi suất chỉ phát sinh trên cơ sở lãi theo pháp luật”. Từ quy định này, một nghiên cứu chuyên sâu được công bố năm 2005 đă cho rằng nên làm theo “pháp luật của Ý” và nên “thay thế lãi theo pháp luật vào lãi không hợp pháp”[8].

Với những lý do trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy việc cấp giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao từ bỏ hướng xử lý cũ như trong Thông tư liên tịch năm 1997 là thuyết phục, cần được duy trì và phát triển như một án lệ cho các vụ việc tương tự.

5. Áp dụng mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước. Khi không tính lại lãi bằng 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố thì chúng ta tính lại lãi suất theo mức lãi nào?

Từ lần xuất bản trước, chúng tôi đã cho rằng “giải pháp có thuyết phục hơn cả là hợp đồng vay nặng lãi không có hiệu lực đối với lãi suất thỏa thuận và thay vào đó là lãi suất thấp nhất của Ngân hàng nhà nước. Giải pháp này làm giảm ý định cho vay nặng lãi và tạo ra sự công bằng giữa người có ý thức tôn trọng pháp luật và người không có ý thức tôn trọng pháp luật[9]. Về phía mình, trong vụ việc thứ nhất, Chánh án TANDTC [được sự đồng thuận của VKSNDTC] theo hướng “theo quy định tại khoản 5 Điều 474 Bộ luật dân sự năm 2005 thì nếu có cơ sở xác định bà Hồng có vay 4.000.000.000đ của bà Khánh với mức lãi thỏa thuận 1,5%/tháng, khi tranh chấp bà Hồng chưa trả lãi thì mức lãi suất chỉ giải quyết theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố”. Tòa giám đốc thẩm cũng theo hướng kháng nghị của Chánh án và xét rằng “khi giải quyết vụ án Tòa án các cấp ở tỉnh Lâm Đồng lại áp dụng mức lãi bằng 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố để tính tiền lãi là không đúng quy định tại khoản 5 Điều 474 Bộ luật Dân sự. Do đó, Quyết định kháng nghị của Chánh án TANDTC là có căn cứ”.

Với nội dung trên, chúng ta thấy cấp giám đốc thẩm theo hướng không sử dụng mức lãi suất các bên đã thỏa thuận [được ngầm hiểu là thỏa thuận giữa các bên về mức lãi coi như không có hiệu lực] và thay vào đó là lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước. Hướng giải quyết tính lãi bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là chấp nhận được vì rất thấp so với vay trong thực tế nhưng việc Chánh án TANDTC khai thác 5 Điều 474 Bộ luật Dân sự[10] để ấn định mức lãi suất được sử dụng là lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước vào “thời điểm trả nợ, tức là thời điểm xét xử sơ thẩm” là cần xem xét lại [mặc dù dường như đã có thực tiễn theo hướng này nhưng trên cơ sở khoản 2 Điều 476[11]][12]. Thực ra, lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước thay đổi theo thời gian và sẽ là thuyết phục nếu chúng ta lấy lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước tại thời điểm các bên xác lập hợp đồng vay khi lãi suất cơ bản ở thời điểm trả nợ cao hơn lãi suất cơ bản ở thời điểm xác lập hợp đồng vay; còn nếu lãi suất cơ bản ở thời điểm trả nợ thấp hơn lãi suất cơ bản ở thời điểm xác lập hợp đồng vay thì hướng của cấp giám đốc thẩm nêu trên vẫn thuyết phục vì như chúng tôi đã nêu, để tăng tính răn đe, cần sử dụng “lãi suất thấp nhất của Ngân hàng nhà nước”.

II. Cấn trừ lãi suất theo thỏa thuận đã được thanh toán

6. Đặt vấn đề. Sau khi thỏa thuận mức lãi suất cao hơn quy định, có thể xảy ra trường hợp là bên vay chưa thanh toán lãi cho đến khi Tòa án giải quyết tranh chấp và vụ việc thứ nhất thuộc trường hợp này: Trong kháng nghị của Chánh án cũng như trong Quyết định giám đốc thẩm, chúng ta thấy nêu “bà Hồng chưa trả lãi”, “các bên thỏa thuận thời hạn vay là 1 năm [từ 11/7/2006 đến 11/7/2007] với lãi suất là 1,5%/tháng nhưng chưa thực hiện”.

Trong vụ việc thứ nhất, vì các bên chưa thanh toán lãi theo thỏa thuận nên không có phần lãi trả thừa theo hướng tính lại nêu trên và do đó không cần bàn tới việc cấn trừ lãi trả dư. Trong thực tế, còn thường xuyên gặp trường hợp bên vay đã trả lãi theo thỏa thuận và như vậy dư so với mức lãi suất được tính lại và vấn đề cấn trừ được đặt ra.

Trong vụ việc thứ hai, mức lãi suất theo thỏa thuận quá cao so với quy định và “nguyên đơn công nhận bị đơn đã trả lãi”. Vấn đề tiếp theo cần quan tâm là khoản tiền lãi trả dư so với mức lãi cần tính lại được cấn trừ vào khoản tiền nào?

7. Kiến nghị hướng cấn trừ. Trước đây, trước sự không đầy đủ của Bộ luật Dân sự năm 1995, Thông tư liên tịch nêu trên đã theo hướng “số tiền lãi đã trả cũng phải được giải quyết lại, nếu mức lãi suất mà các bên thoả thuận cao hơn mức lãi suất được quy định”. Tuy nhiên, Thông tư không thực sự rõ ràng về việc cấn trừ khoản lãi trả dư vào khoản tiền nào.

Đến Bộ luật Dân sự năm 2005, vấn đề cũng không khả quan hơn ở góc độ văn bản: Bộ luật dân sự chưa có quy định, và cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về cách thức cấn trừ khoản lãi trả dư. Về chủ đề này, đạo Luật ngày 28/12/1966 của Pháp theo hướng mức lãi trả dư [do vượt quá mức cho phép] trước tiên được cấn trừ vào lãi suất thông thường chưa được thanh toán, sau đó vẫn còn thì cấn trừ vào nợ gốc [Điều 5 ] và pháp luật của bang Ohio [Mỹ] cũng theo hướng này. Tuy nhiên, từ lần xuất bản năm 2011, chúng tôi đã cho rằng “bên cạnh việc tính lại lãi suất, thiết nghĩ chúng ta cũng có thể bổ sung chế tài dân sự cho trường hợp nặng lãi. Cụ thể là nếu bên nhận lãi quá cao thì khoản tiền đã nhận thừa so với mức cho phép được coi như là đã nhận để trả vào tiền gốc. Do đó khoản tiền để tính lãi sau khi nhận tiền thừa sẽ nhỏ hơn nên sẽ phát sinh ít lãi hơn. Cách giải quyết này tăng thêm tính hiệu quả của chế tài cho việc nặng lãi. Ví dụ, A cho B vay một khoản tiền C với lãi suất 5%/tháng và việc trả lãi là vào ngày cuối cùng của mỗi quý. B đã trả lãi cho quý đầu tiên như thỏa thuận nhưng sau đó cho rằng lãi quá cao nên đòi tính lại và đôi bên có tranh chấp. Giả sử tiền lãi trả thừa so với pháp luật cho phép là 10.000.000 đồng. Như vậy, khoản tiền để phát sinh lãi cho những quý sau không phải là C nữa mà là C - 10.000.000 đồng. Lúc đó tiền gốc để tính lãi cho những quý sau đã giảm đi 10.000.000 đồng” .

Ở đây, chúng tôi đã theo hướng “khoản tiền lãi đã thanh toán vượt quá mức cho phép được tính vào nợ gốc tại thời điểm thanh toán” . Chúng ta cùng nhau xem hướng xử lý của Tòa án như thế nào trong vụ việc thứ hai được bình luận.

8. Hướng cấn trừ trong thực tiễn. Trong vụ việc thứ hai, Tòa giám đốc thẩm đã định hướng hướng xử lý cho Tòa án địa phương đối với trường hợp người vay đã trả lãi dư so với khoản lãi đáng ra phải thanh toán.

Cụ thể, theo Tòa giám đốc thẩm, “trong trường hợp bị đơn đã trả lãi cho nguyên đơn, thì số tiền lãi đó lớn hơn so với tiền lãi áp dụng mức lãi suất theo quy định của pháp luật là bao nhiêu, từ đó đối trừ số tiền lãi chênh lệch vào khoản tiền nợ gốc tại thời điểm thanh toán lãi”. Ở đây, Tòa giám đốc thẩm đã theo hướng: Thứ nhất, tiền lãi trả dư [thừa so với lãi đáng ra phải trả sau khi tính lại lãi] được cấn trừ vào nợ gốc. Thứ hai, thời điểm cấn trừ là “tại thời điểm thanh toán lãi”.

Như vậy, Tòa giám đốc thẩm đã khá mạnh dạn trong việc định hướng hướng cấn trừ khoản lãi đã trả dư ra. Đây là hướng giải quyết rất thuyết phục, cần được duy trì và phát triển như án lệ với lý do đã trình bày ở trên.

9. Cơ sở pháp lý cho việc cấn trừ vào nợ gốc. Hướng cấn trừ nêu trên của Tòa giám đốc thẩm không thiếu cơ sở pháp lý. Thực ra, cách giải quyết này là hoàn toàn phù hợp với pháp luật thực định.

Cụ thể như sau, nghĩa vụ thanh toán có thể phân làm hai loại. Loại thứ nhất là có thời hạn và, về loại này, theo khoản 1 Điều 285 Bộ luật Dân sự: “bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ dân sự đúng thời hạn; chỉ được thực hiện nghĩa vụ dân sự trước thời hạn khi có sự đồng ý của bên có quyền”. Ở đây, bên có nghĩa vụ đã trả tiền thừa trước khi đến thời hạn thanh toán nghĩa vụ gốc thì được coi như một trường hợp họ đã thanh toán trước thời hạn và việc bên có quyền nhận tiền thừa này được coi như họ đã “đồng ý” việc đó.

Loại thứ hai là nghĩa vụ thanh toán không có thời hạn và, về loại nghĩa vụ này, theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật Dân sự: “Trong trường hợp các bên không thỏa thuận và pháp luật không quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự thì các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải thông báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý”. Quy định này cho phép bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của mình ở bất kỳ lúc nào. Do đó, việc bên có nghĩa vụ trả tiền lãi thừa được coi như họ thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình theo đúng quy định của pháp luật nêu trên. Điều đó có nghĩa là tiền gốc coi như đã được trả một phần nên tiền phát sinh lãi trong những thời gian sẽ giảm.

10. Phạm vi áp dụng. Chúng ta thấy khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự đã khống chế mức lãi suất theo thỏa thuận và, trong trường hợp các bên thỏa thuận vượt quá mức cho phép, Tòa án nhân dân tối cao đã cho biết hướng giải quyết khá thuyết phục như đã trình bày ở trên. Trong hai vụ việc được bình luận, hợp đồng có tranh chấp là hợp đồng vay dân sự thuần túy [giữa cá nhân với cá nhân].

Câu hỏi đặt ra là hướng giải quyết trên có được áp dụng cho cả hợp đồng vay trong kinh doanh, thương mại hay vay của tổ chức tín dụng không? Lãi suất trần cho vay hiện nay được quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật dân sự trong khi đó, theo Điều 1 Bộ luật Dân sự, Bộ luật Dân sự điều chỉnh: “... quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”. Như vậy, các quy định về lãi suất trần cho vay trong Bộ luật Dân sự không chỉ áp dụng cho các quan hệ dân sự thuần túy mà áp dụng cả cho các hợp đồng vay trong “kinh doanh, thương mại, lao động”.Về vay của tổ chức tín dụng, khoản 2 Điều 91 Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 quy định “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”. Ở đây, Luật sửa đổi ghi nhận tự do thỏa thuận của các bên về lãi suất nhưng vẫn kèm theo điều kiện “theo quy định của pháp luật” trong khi đó Điều 476 Bộ luật Dân sự là “quy định của pháp luật” được áp dụng cả cho hoạt động kinh doanh, thương mại như đã trình bày ở trên. Có lẽ vì lý do trên mà hiện nay có Tòa án vẫn áp dụng Điều 476 Bộ luật Dân sự cho cả hợp đồng vay tín dụng. Điều đó có nghĩa là lãi suất trần cho vay được áp dụng cho tất cả các hợp đồng vay; hợp đồng mà tổ chức tín dụng cho cá nhân hay doanh nghiệp vay cũng chịu sự chi phối của các quy định này. Vì vậy, hướng giải quyết trong hai vụ việc được bình luận cũng được áp dụng cho tất cả các hợp đồng vay vừa nêu.

Quy định về không được thỏa thuận lãi quá cao so với quy định hiện nay nằm trong phần hợp đồng vay tài sản nên đương nhiên được áp dụng cho hợp đồng vay như trong hai vụ việc được bình luận. Trong thực tế còn thường xuyên xảy ra trường hợp hợp đồng không phải là vay tài sản [như hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng dịch vụ] các bên trong thỏa thuận lãi chậm trả khá cao. Đối với trường hợp này, Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao đã theo hướng cũng áp dụng khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dânsự[13]. Theo tư duy này, thiết nghĩ hướng giải quyết trong hai quyết định được bình luận cũng được áp dụng cho cả thỏa thuận về lãi chậm trả quá cao trong các hợp đồng dân sự không là vay tài sản.

PGS.TS, Trưởng Khoa Luật Dân sự, ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh, Thành viên Tổ biên tập BLDS sửa đổi.

** ThS Luật học, giảng viên Khoa Luật dân sự, ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

[1]Hoàng Thế Liên [chủ biên]: Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2005, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 423.

[2]Xem Đỗ Văn Đại: Luật hợp đồng Việt Nam-Bản án và bình luận bản án, Nxb. CTQG, 2013 [tái bản lần thứ tư], Bản án số 48-51 và Bản án số 128 - 129.

[3].//www.leg.state.fl.us/Statutes/index.cfm?App_mode=Display_Statute&URL=0600-0699/0687/0687.html.

[4]//www.primerus.com/business-law-articles/california-usury-laws.htm.

[5]Ở nước ngoài, một nghiên cứu về chủ đề này cho rằng “vô hiệu là giải pháp không thích ứng vì nó kéo theo hệ quả là người vay phải hoàn trả nợ gốc trước thời hạn và việc này sẽ không thúc đẩy người vay phản ứng trước việc cho vay nặng lãi” [Ph. Maulaurie và L. Aynès: Le taux de l’intérêt conventionnel, Tạp chí Defrénois, 30/4/1991 n°8, tr.466 và tiếp theo].

[6]Hướng của Thông tư khá gần gũi với thực tiễn của Pháp về chủ đề vay nặng lãi. Ở nước này, khi mức lãi suất theo thỏa thuận vượt quá mức cho phép [không được hơn quá 1/3 mức lãi trung bình được các Ngân hàng áp dụng trong quý trước], mức lãi suất được sử dụng để tính lãi là “mức lãi suất thông thường” [Điều 5 Luật năm 1966]. Tuy nhiên, một tác giả đã viết rằng “chúng ta không biết mức lãi suất thông thườngcần được tính bằng việc áp dụng mức lãi trung bình hay bằng việc áp dụng giới hạn mà pháp luật cho phép” [A. Bénabent: Les contrats spéciaux civils et commerciaux, Nxb. Montchrestien 2008, phần số 1148]. Trong một bản án năm 1989, Tòa phúc thẩm Paris theo hướng mức lãi suất thông thường theo điều luật trên không phải là mức lãi suất theo pháp luật mà là mức nếu vượt quá thì pháp luật không cho phép [Tòa phúc thẩm Paris ngày 21-12-1989: Tạp chí Dalloz 1990, tr. 23].

[7]Xem Đỗ Văn Đại: Luật hợp đồng Việt Nam-Bản án và bình luận bản án, Nxb. CTQG, 2011 [tái bản lần thứ ba], Bản án số 23 và 24, phần bình luận số 5.

[8]V. David: Les intérêts de sommesd’argent, Nxb. LGDJ 2005, phần số 349.

[9]Xem Đỗ Văn Đại: Sđd[tái bản lần thứ ba], Bản án số 23 và 24, phần bình luận số 5.

[10]Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”.

[11]“Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”.

[12]Trong lần xuất bản năm 2013, cuốn Bình luận Bộ luật Dân sự có nêu “Có hai hướng giải quyết: 1. Không công nhận mức lãi suất này và coi như thỏa thuận này vô hiệu, hợp đồng vay coi như không có lãi; 2. Áp dụng khoản 2 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005, tức là áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nộ. Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2005 không quy định nhưng trong thực tiễn xét xử, hướng giải quyết thứ hai được áp dụng” [Hoàng Thế Liên: Sđd, tr. 424].

[13]Xem Đỗ Văn Đại:Sđd [tái bản lần thứ ba], Bản án số 70 và 71.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua

Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref

  • Bài báo mới

Video liên quan

Chủ Đề