Thời đinh tiền lê quốc hiệu là gì

Quốc hiệu là tên chính thức của một quốc gia, không chỉ có ý nghĩa biểu thị chủ quyền lãnh thổ mà còn là danh xưng chính thức được dùng trong ngoại giao; biểu thị thể chế và mục tiêu chính trị của một nước. Dù thể hiện dưới dạng tiếng nói hay chữ viết, đối với mỗi công dân, quốc hiệu luôn là lòng tự hào dân tộc. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, ở mỗi giai đoạn, nước ta từng có những quốc hiệu khác nhau, như: Văn lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt…

Từ đầu thời đại đồng thau, các bộ lạc người Việt đã định cư chắc chắn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Bấy giờ có khoảng 15 bộ lạc người Việt sinh sống chủ yếu ở miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ, hàng chục bộ lạc Âu Việt sống chủ yếu ở miền Việt Bắc. Tại nhiều nơi, người Lạc Việt và người Âu Việt sống xen kẽ với nhau, bên cạnh các thành phần dân cư khác.

Do nhu cầu trị thủy, nhu cầu chống ngoại xâm và do việc trao đổi kinh tế, văn hóa ngày càng gia tăng, các bộ lạc sinh sống gần gũi nhau có xu hướng tập hợp và thống nhất lại. Trong số các bộ lạc Lạc Việt, bộ lạc Văn Lang hùng mạnh hơn cả. Thủ lĩnh bộ lạc này là người đứng ra thống nhất tất cả các bộ lạc Lạc Việt, dựng nên nước Văn Lang, tự xưng vua, mà sử cũ gọi là Hùng Vương, con cháu ông nhiều đời về sau vẫn nối truyền danh hiệu đó.

Căn cứ vào các tài liệu sử học, có thể tạm xác định địa bàn nước Văn Lang tương ứng với vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta hiện nay cùng với một phần phía nam Quảng Đông, Quảng Tây [Trung Quốc]. Thời gian tồn tại của nước Văn Lang khoảng từ đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên [TCN] đến thế kỷ 3 trước Công nguyên.

Năm 221 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng cho quân xâm lược đất của toàn bộ các nhóm người Việt. Thục Phán, thủ lĩnh liên minh các bộ lạc Âu Việt, được tôn làm người lãnh đạo cuộc chiến chống Tần. Năm 208 trước Công nguyên, quân Tần phải rút lui. Với uy thế của mình, Thục Phán xưng vương [An Dương Vương], liên kết các bộ lạc Lạc Việt và Âu Việt lại, dựng nên nước Âu Lạc.

Năm 179 trước Công nguyên, Triệu Đà - vua nước Nam Việt - tung quân đánh chiếm Âu Lạc. Cuộc kháng chiến của An Dương Vương thất bại. Suốt 7 thế kỷ tiếp đó, mặc dù các thế lực phong kiến phương Bắc thay nhau đô hộ, chia nước ta [Âu Lạc] thành nhiều châu, quận với những tên gọi khác lạ mà chúng đặt ra, nhưng vẫn không xóa nổi cái tên “Âu Lạc” trong ý thức, tình cảm và sinh hoạt thường ngày của nhân dân ta.

Mùa xuân năm 542, Lý Bí khởi nghĩa, đánh đuổi quân Lương, giải phóng lãnh thổ. Tháng 2/544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế [lấy tên hiệu là Lý Nam Đế], đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, khẳng định niềm tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập và mong muốn đất nước được bền vững muôn đời.

Chính quyền Lý Bí tồn tại không lâu rồi lại rơi vào vòng đô hộ của các triều đình Trung Quốc [từ năm 602]. Quốc hiệu Vạn Xuân bị vùi dập và chỉ được khôi phục sau khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán bằng chiến thắng Bạch Đằng năm 938, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên các sứ quân cát cứ, thống nhất quốc gia, lên ngôi Hoàng đế [lấy tên hiệu là Đinh Tiên Hoàng] và cho đổi quốc hiệu là Đại Cồ Việt [nước Việt lớn]. Quốc hiệu này duy trì suốt thời Đinh [968-979], Tiền Lê [980-1009] và đầu thời Lý [1010-1053].

Năm 1054, nhân điềm lành lớn là việc xuất hiện một ngôi sao sáng chói nhiều ngày mới tắt, nhà Lý [Lý Thái Tông] liền cho đổi tên nước là Đại Việt và quốc hiệu Đại Việt được giữ nguyên đến hết thời Trần.

Tháng 3 năm 1400, Hồ Quý Ly phế vua Trần Thiếu Đế, lập ra nhà Hồ và cho đổi tên nước thành Đại Ngu [“ngu” tiếng cổ có nghĩa là “sự yên vui”]. Quốc hiệu đó tồn tại cho đến khi giặc Minh đánh bại triều Hồ [tháng 4/1407].

Sau 10 năm kháng chiến [1418 - 1427], cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược của Lê Lợi toàn thắng. Năm 1428, Lê lợi lên ngôi, đặt lại tên nước là Đại Việt [lãnh thổ nước ta lúc này về phía Nam đã tới Huế]. Quốc hiệu Đại Việt được giữ qua suốt thời Hậu Lê [1428-1787] và thời Tây Sơn [1788-1801].

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, mở đầu thời Nguyễn và cho đổi tên nước là Việt Nam. Quốc hiệu Việt Nam được công nhận hoàn toàn về mặt ngoại giao để trở thành chính thức vào năm 1804. Tuy nhiên, hai tiếng “Việt Nam” lại thấy xuất hiện từ khá sớm trong lịch sử nước ta. Ngay từ cuối thế kỷ 14 đã có một bộ sách nhan đề Việt Nam thế chí [ghi chép về các đời ở Việt Nam] do Trạng nguyên Hồ Tông Thốc biên soạn. Cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi [đầu thế kỷ 15] nhiều lần nhắc đến hai chữ “Việt Nam”. Điều này còn được đề cập rõ ràng trong những tác phẩm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm [1491 - 1585], chẳng hạn ngay trong mở đầu tập Trình tiên sinh quốc ngữ văn đã có câu: “Việt Nam khởi tổ xây nền”. Người ta cũng tìm thấy hai chữ “Việt Nam” trên một số tấm bia khắc từ thế kỷ 16 - 17 như bia chùa Bảo Lâm [1558] ở Hải Phòng, bia chùa Cam Lộ [1590] ở Hà Nội, bia chùa Phúc Thánh [1664] ở Bắc Ninh… Đặc biệt bia Thủy Môn Đình [1670] ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu: “Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan” [đây là cửa ngõ yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc]. Về ý nghĩa, phần lớn các giả thuyết đều cho rằng từ “Việt Nam” kiến tạo bởi hai yếu tố: chủng tộc và địa lý [người Việt ở phương Nam].

Cuối thời vua Minh Mạng, quốc hiệu được đổi thành Đại Nam [năm 1838]. Dù vậy, hai tiếng “Việt Nam” vẫn được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm văn học, trong nhiều giao dịch dân sự và quan hệ xã hội.

Ngày 19/8/1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lật đổ hoàn toàn ách thống trị phong kiến và thực dân, mở ra một kỷ nguyên mới. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946.

Suốt 30 năm tiếp theo, tuy đất nước lâm vào cảnh chiến tranh, rồi chia cắt, hai tiếng “Việt Nam” vẫn được sử dụng phổ biến từ Bắc chí Nam và trở thành thân thiết, thiêng liêng đối với mọi tầng lớp nhân dân.

Ngày 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, non sông quy về một mối. Ngày 02/7/1976, trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, toàn thể Quốc hội đã nhất trí lấy tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa ViệtNam. Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định quốc hiệu đó, đưa quốc hiệu Việt Nam trở thành chính thức cả về pháp lý lẫn trên thực tế.

Huy Hoàng

Năm Mậu Thìn [968], Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế và cho định đô ở Hoa Lư. Về sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ: "Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế".

Vị trí dựng đặt kinh đô Hoa Lư có diện tích khoảng 300 ha, là vùng đồng chiêm trũng được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ, núi non hiểm trở. Với tầm nhìn của nhà quân sự, Đinh Tiên Hoàng đã triệt để lợi dụng địa thế tự nhiên để xây thành, đắp lũy, nối liền các khoảng trống giữa các núi thành một hệ thống khép kín. Mặc dù chức năng quân sự được thể hiện rõ trong kiến trúc tự nhiên của kinh thành Hoa Lư nhưng về cơ bản nó vẫn đảm bảo trọn vẹn chức năng là trung tâm chính trị, văn hóa của Vương triều Đinh buổi đầu kiến lập.

Kinh đô Hoa Lư bao gồm thành Ngoại và thành Nội. Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha thuộc địa phận các thôn Yên Thượng, Yên Thành, xã Trường Yên. Đây là cung điện chính mà khu vực đền Đinh, đền Lê là trung tâm và cũng chính là nơi vua Đinh Tiên Hoàng cắm cờ nước. Trước cung điện có núi Mã Yên tương truyền vua Đinh lấy núi làm án. Thành Nội có diện tích tương đương thành Ngoại, thuộc thôn Chi Phong, xã Trường Yên có tên là Thư Nhi xã, nơi nuôi trẻ em và những người giúp việc trong cung đình. Hai thành này được ngăn cách với nhau bằng một lối đi tương đối hiểm trở gọi là quèn Vòng.

Kinh đô Hoa Lư do Đinh Tiên Hoàng tổ chức xây dựng là một công trình kiến trúc lớn nhất của đất nước sau ngàn năm Bắc thuộc. Từ đây, bộ máy chính quyền của Nhà nước độc lập tự chủ do Đinh Tiên Hoàng đứng đầu đã củng cố và giữ vững chủ quyền của quốc gia và dân tộc.

Xưng đế, đặt quốc hiệu, dựng kinh đô, định niên hiệu, Đinh Bộ Lĩnh đã khẳng định nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Cồ Việt và bắt tay vào xây dựng một mô hình Nhà nước với thiết chế mới.

ở triều đình Hoa Lư, người đứng đầu và có vai trò quyết định mọi công việc trọng đại có liên quan đến vận mệnh của đất nước và Vương triều là Hoàng đế- tức Đinh Tiên Hoàng.

Tổ chức bộ máy Nhà nước ở triều đình được chia làm hai ban văn, võ. Do nguồn sử liệu biên chép về thời kỳ này khá hạn chế nên chỉ có thể biết được năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong Nguyễn Bặc chức Định quốc công đứng đầu triều, Lưu Cơ được phong là Đô hộ phủ sĩ sư trông coi việc hình án. Ngoài ra còn có chức Thái sư do Hồng Hiến [người gốc Trung Quốc] đảm nhiệm hay Trịnh Tú giữ chức Sứ quán...

Cũng trong năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong Lê Hoàn giữ chức Thập đạo tướng quân đứng đầu quân đội. Năm 974, cùng với việc chia đất nước thành 10 đạo, Đinh Tiên Hoàng cũng quy định số quân của các đạo: "Mỗi đạo có 10 quân, mỗi quân có 10 lữ, mỗi lữ có 10 tốt, mỗi tốt có 10 ngũ, mỗi ngũ có 10 người, đầu đội mũ bình đính vuông bốn góc". Như vậy, dưới triều Đinh, lực lượng quân đội lên đến khoảng 1 triệu người [chiếm 1/3 dân số]. Phạm Bạch Hổ- hay còn gọi là Phạm Phòng át, nguyên là sứ quân hùng cứ vùng Kim Động [Hưng Yên]- được phong chức Thân vệ tướng quân nắm giữ quân đội trong kinh thành lực lượng khoảng 3.000 người trực tiếp bảo vệ kinh đô; Ngoại giáp Đinh Điền và Vệ úy Phạm Hạp cùng trông coi lực lượng quân sự bên ngoài [quân Tứ sương chuyên lo bảo vệ các cổng thành và các vòng thành].

Đảm nhiệm công việc bang giao [chủ yếu với triều Tống ở Trung Quốc], Đinh Tiên Hoàng giao cho con trai trưởng là Đinh Liễn đặc trách. Năm 969, chỉ một năm sau khi Vương triều thành lập, Đinh Tiên Hoàng đã phong cho Đinh Liễn làm Nam Việt Vương [nhân vật đứng thứ hai sau Hoàng đế] trông coi công việc bang giao và "mùa xuân, tháng giêng năm Canh Ngọ [970] sai sứ sang giao hảo với nhà Tống" chính thức đặt mối quan hệ bang giao giữa hai quốc gia, hai Vương triều; năm 975, nhà Đinh sai Trịnh Tú đi sứ nhà Tống, tiếp đó, nhà Tống sai Cao Bảo Tự đem chế sách sang phong Đinh Liễn làm Khai phủ nghi đồng tam kỵ, Kiểm hiệu Thái sư, Giao Chỉ Quận vương. Từ đó về sau, sai sứ sang nhà Tống đều do Đinh Liễn làm chủ.

Trong triều đình Hoa Lư thời Đinh, bên cạnh đội tướng lĩnh ngũ công thần từng theo Đinh Bộ Lĩnh "dẹp loạn", thống nhất đất nước, kiến lập Vương triều thì tầng lớp tăng lữ có một vai trò rất quan trọng. Đội ngũ này gần như là "cố vấn" cho Hoàng đế và triều đình trong công tác nội trị và bang giao. Năm 971, Đinh Tiên Hoàng ban hiệu Khuông Việt đại sư cho Tăng thống Ngô Chân Lưu, cho Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi...

Dưới thời Đinh, tổ chức bộ máy chính quyền ở địa phương không được sử sách ghi chép nhiều. Năm 974, Đinh Tiên Hoàng chia cả nước Đại Cồ Việt làm 10 đạo mà hiện nay địa bàn của từng đạo cũng rất khó xác định. Chính quyền địa phương thời Đinh gồm các cấp: đạo, phủ, châu, giáp và xã. Hệ thống quan chức các cấp chính quyền cũng không xác định được rõ ràng. Có lẽ, người đứng đầu đạo do triều đình cử về [như trường hợp Bùi Quang Dũng được cử về trấn giữ vùng Bố Hải khẩu, Thái Bình]; chức phủ, châu do thổ hào địa phương nắm giữ còn giáp và xã có quản giáp, phó tri giáp, chánh lệnh trưởng, tá lệnh trưởng đứng đầu như từ thời họ Khúc, Giáp, xã tuy đã xuất hiện nhưng chưa nhiều. Theo thống kê của Cao Hùng Trưng [tác giả thời Thanh] trong An Nam chí nguyên thì thời Khúc cả nước có 314 giáp.

Cùng với việc từng bước xây dựng và kiện toàn bộ máy quản lý từ Trung ương đến các cấp đạo, phủ; xây dựng củng cố lực lượng quân sự, thì nền pháp chế thời kỳ này cũng bắt đầu được để ý đến. Đinh Tiên Hoàng đã đặt chức Đô hộ phủ sĩ sư coi việc hình án- một chức quan Tư pháp và giao cho Lưu Cơ giữ chức này. Chính sử nước ta cho biết, ngay từ những thập niên đầu công nguyên, người Việt đã có luật nhưng xây dựng một bộ luật thành văn thì mãi đến đầu triều Lý mới thấy nhắc đến, đó là bộ Hình thư [đã thất truyền].

Như vậy, dưới triều Đinh chưa có một bộ luật thành văn mà chỉ có những quy định, quy tắc buộc mọi người phải tuân thủ. Việc quy kết tội danh và các hình thức xử phạt còn rất thô phác, dân dã. "Vua muốn dùng uy thế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: "Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn". Mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm.

Về cơ bản, mô hình Nhà nước quân chủ tập quyền thời Đinh còn phôi thai, bộ máy Nhà nước, hệ thống pháp luật còn dân dã, thô phác. Trong hệ thống quan lại triều Đinh được ghi chép trong các bộ chính sử sau này chỉ thấy xuất hiện tên tuổi một số võ tướng gắn bó mật thiết với Đinh Bộ Lĩnh từ thời "dẹp loạn" như Định Quốc công Nguyễn Bặc, Lê Hoàn, Trịnh Tú, Lưu Cơ [Huân thần khai quốc], Phạm Hạp, Phạm Cự Lạng [dòng dõi cựu thần]; Phạm Bạch Hổ, Trần Thăng, Ngô Nhật Khánh, Đỗ Thích [cựu các sứ quân hoặc dòng dõi các sứ quân]; Ngô Chân Lưu, Trương Ma Ni, Đặng Huyền Quang [tăng lữ]... Nguồn tư liệu địa phương như thần tích, gia phả, bi ký ghi nhận thêm một số nhân vật khác trong bộ máy chính quyền nhà Đinh buổi đầu như Sứ quân Trần Lãm; Tả bộc xạ Lê Lương [nguyên là một thổ hào lớn ở Thanh Hóa]; Trinh Quốc công Bùi Quang Dũng [Thái Bình] và Kiến Nghĩa hầu Nguyễn Tấn [Nam Định] được xếp huân thần khai quốc.

Với việc xưng đế hiệu, đặt quốc hiệu, định niên hiệu, thiết lập triều chính gồm hai ban văn, võ cũng như bộ máy chính quyền địa phương, tổ chức quân đội, bước đầu xây dựng nền pháp chế [mới dừng ở quy định, quy tắc]; xây dựng mối bang giao cũng như triển khai các hoạt động kinh tế, mô hình Nhà nước triều Đinh đã hướng đến xu thế tập trung quyền lực vào triều đình Trung ương, trong đó Hoàng đế [Đinh Tiên Hoàng] là người nắm giữ quyền lực tối cao.

Bàn về triều Đinh và Đinh Tiên Hoàng, sử gia Lê Văn Hưu viết: "Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng Hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ...".

Sử thần Lê Tung trong Việt giám thông khảo tổng luận nhận định: "Đinh Tiên Hoàng nhân khi nhà Ngô loạn lạc, dẹp được 12 sứ quân, trời cho người theo, thống nhất bờ cõi... sang chế triều nghi, định lập quân đội. Vua chính thống của nước Việt ta thực bắt đầu từ đấy..."

Trong hai bộ sử lớn nhất của Việt Nam thời phong kiến là bộ Đại Việt sử ký toàn thư [Ngô Sĩ Liên và sử thần triều Lê] và Khâm định Việt sử thông giám cương mục [Quốc sử quán triều Nguyễn] đều có nhìn nhận tương đối nhất quán về triều Đinh khi đưa triều Đinh mở đầu cho phần Bản kỷ [Toàn thư] và Chính biên [Cương mục]. Điều đấy càng khẳng định thêm về vị trí của Vương triều Đinh trong tiến trình lịch sử dân tộc.

PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ

Video liên quan

Chủ Đề